Quỷ Nhập Tràng - Chương 9
Buổi sáng sớm, trên con đường làng lúc này vẫn còn sương mù chưa tan hết. Bỗng dưng lũ chó cất tiếng sủa inh ỏi khiến ai nấy đều phải ló đầu nhìn ra ngoài.
Bàn chân tím tái lấm lem bùn đất của bà Loan dẫm xuống nền đường, đôi chân bà lết đi một cách uể oải. Trong bộ quần áo người ta mặc cho khi khâm niệm, mặt tái nhợt, từ đầu xuống chân dính đầy bùn đất, bà Loan đang từng bước đi về hướng nhà của mình.
Dân làng từ trong nhà chạy ra sát mé đường, ai nấy đều nhìn về phía bà Loan rồi há hốc miệng kinh ngạc, ánh mắt của họ tràn ngập sự sợ hãi. Vài ông chồng cố che miệng vợ mình để không ngăn tiếng hét. Những người đang trên đường tới chợ ngoảnh lại nhìn thấy bà Loan liền đánh rơi sọt hàng, túi xách trên tay.
Vợ chồng bà Ánh thức dậy muộn hơn, họ mở cửa ra ngay lúc bà Loan đi ngang qua trước nhà. Chồng bà Ánh ngất lịm, đổ vào người bà nhưng thứ bà thật sự sợ chính là người phụ nữ vừa sống dậy kia. Sức lực tới từ nỗi sợ tiếp sức để bà Ánh xốc nách ông chồng vào trong nhà và đóng cửa lại.
Bà Nhàn và ông Tỉnh đi ra cổng, vừa đi vừa nhìn theo bà Loan. Ông Tỉnh nâng chai rượu trên tay lên, nhìn một cách đầy ngạc nhiên rồi gật gù, mừng rỡ nốc thêm một ngụm lớn. Có lẽ đã quá lâu rồi mới có một chai rượu khiến lão phê pha tới mức như vậy. Người vợ tỉnh táo lại không làm như vậy, vợ lão đuổi theo bà Loan, nhanh chân chặn trước mặt và soi xét thật kĩ trước khi kết luận điều gì.
Bà Loan dù biết bị chặn đường nhưng vì quá mệt mỏi nên chẳng thể làm gì ngoài liếc nhìn bà Nhàn một cách chậm rãi. Bà đồng duy nhất của làng tưởng như sẽ vớ lấy cơ may này mà khấn thần khấn quỷ, chiếm lấy lòng tin của dân làng như mọi khi. Ấy vậy mà, bà Nhàn ngay ánh nhìn đầu tiên đã lộ ra vẻ mặt kinh ngạc như thể nhìn thấy ma rồi ôm ngực lùi lại.
Bà Loan cũng vì thế mà đi qua mặt bà Nhàn, lê bước về phía con đồi nơi căn nhà của bà tọa lạc. Phía sau bà, cách vài mét là đám dân làng nối đuôi đi theo. Duy chỉ có bà Nhàn là lần nữa chạy lên vượt lên trước bà Loan. Lần này bà ta không dừng lại xem nữa mà chạy thẳng về phía nhà Định.
Tại nhà Định, bé Dũng ngồi nghịch những món đồ chơi bằng gỗ ở góc hiên nhà, khu vực mà cậu có thể dễ dàng nhìn thấy mẹ của mình đang làm vườn. Trên bãi cỏ gần đó, Hạnh đang vãi thóc cho gà ăn. Bà Nhàn chạy từ ngoài cổng vào, vỗ vai Hạnh một cái khiến cô giật bắn cả người.
– Bác Nhàn. Bác làm cái gì thế?
– Cô Hạnh. – Bà Nhàn ngừng lại lấy hơi rồi tiếp tục – Có chuyện lớn rồi. Cô ra đằng trước mà xem.
Hạnh tỏ vẻ khó hiểu, có thể có chuyện gì liên quan tới cô ở cái xứ này kia chứ.
– Là chuyện gì vậy bác? Có gì từ từ nói cháu nghe.
– Cô ra đây nhanh lên, bà Loan…
Hai chữ “bà Loan” vừa vang lên đã khiến Hạnh nổi một cơn lạnh sau gáy, da gà bất giác nổi lên.
– Bà Loan bà ấy sống lại rồi.
Và câu nói tiếp theo của bà Nhàn thậm chí còn khiến Hạnh hoang mang hơn nữa, đó là điều không tưởng nếu xét tới những gì mà cô đã chứng kiến. Hạnh đánh rơi bát cám gà trên tay, vội vàng cùng bà Nhàn chạy ra sân trước.
Vừa ra tới nơi, Hạnh đã nhìn thấy dân làng tụ tập ngoài sân, so với cái ngày mà nhà cô có tang, số người hôm nay có mặt thậm chí còn đông hơn nhiều. Ai nấy đều nhìn cô với ánh mắt hoang mang, lo lắng, có người mặt cắt không còn giọt máu nào.
Nhưng chẳng ai đi vào nhà, họ đứng cách bậc thêm tới vài mét, chen chúc nhau ở mép sân cạnh chuồng gà. Cứ như thể chuẩn bị sẵn tâm lý để tháo chạy khỏi thứ gì đó sắp sửa lao ra từ trong nhà cô vậy. Tuy vậy, ngay sau khi Hạnh đặt chân lên bậc thềm đầu tiên, họ cũng nhìn nhau rồi kéo vào trong nhà. Hạnh vẫn còn tò mò về cảnh tượng phía sau, nên vừa đi vừa nhìn ngoái đầu nhìn dân làng.
Nhưng ngay khi cô bước vào phòng khách, tất cả sự tò mò được thay bằng vẻ ngạc nhiên tột cùng. Trên ghế cạnh bàn uống nước, bà Loan ngồi co ro, ôm đùi, người run rẩy, sợ sệt nhìn xung quanh. Trong chốc lát, Hạnh có vẻ như ngừng thở rồi ngất ngay vì cú sốc đó.
Lát sau, Hạnh bừng tỉnh trong vòng tay của bà Nhàn. Dân làng vẫn bu kín ở cửa nhà Hạnh, chưa một ai dám tiếp cận bà Loan.
Còn mẹ chồng Hạnh lúc này đã tỏ rõ vẻ mệt mỏi, đôi mắt đờ đẫn nhìn xung quanh mặc dù trong ánh mắt vẫn thể hiện sự cảnh giác cao độ. Có vẻ bà không dám ngủ vì sợ sẽ bị chôn thêm lần nữa.
Hạnh đứng dậy, nhìn kỹ lại một lần người mẹ chồng mà mình yêu mến. Sau đó nhìn lại phía sau, nhận lấy cái nhìn động viên của mọi người để rồi tiến lên một bước.
Ngay sau bước chân đó, bà Loan liếc một cái, đem ánh mắt sắc lẹm ném về phía mọi người, tia nhìn đó cứ như một con dao vô hình chặt đứt dũng khí của tất cả. Khiến họ lùi lại tới vài bước, có người thậm chí còn ngã khỏi bậc thềm bên ngoài nhà. Hạnh sau khi lùi lại một nhịp liền nuốt nước bọt đánh ực một cái rồi hỏi.
– Mẹ. Mẹ có nhận ra con không? À không. – Hạnh lắc đầu, cô tự thấy câu hỏi của mình thật ngớ ngẩn. – Ý con là, mẹ thấy trong người thế nào?
Bà Loan không nói, miệng chỉ phát ra tiếng rên khe khẽ. Bé tới mức chẳng rõ là tiếng “ư ử” hay tiếng gầm gừ nữa.
Hạnh bối rối không biết nói gì thêm. Nhưng ở đây không phải chỉ mình cô là có đủ dũng khí bắt chuyện với bà Loan, những gã đang say cũng có thừa và ông Tỉnh chính là một trong số đó.
– Bà Loan ơi. Bà đừng sợ. Có gì cứ thoải mái lên. Chúng tôi ở đây toàn người quen của bà mà. Hôm trước còn vừa chôn bà xong có đi đâu xa mà lạ. Nhề. Hề hề…
Tiếng cười của ông Tỉnh chưa kịp vang lên hết thì bị bà Nhàn dùng tay bịt ngay lại.
– Ôi trời ơi cái lão già dở hơi này. Nói gì không nói lại đi nói nhăng nói cuội. – bà Nhàn kéo được lão Tĩnh về sau liền tiến tới, hít một hơi rồi nở nụ cười gượng trước khi bắt chuyện với bà Loan. – Khổ. Bà đừng nghe lão sâu rượu này nói linh tinh làm gì, từ cõi chết trở về là tốt rồi. Bà muốn chúng tôi giúp gì cho bà không? Hay chúng tôi làm cỗ để mừng bà quay lại, âu cũng là để…xin bà thứ lỗi.
Bà Nhàn vừa nói vừa nhìn quanh rồi gật đầu với những người xung quanh. Nếu là ngày thường, đáp lại bà chủ yếu là những ánh mắt nghi ngờ hay những cái bĩu môi. Thì hôm nay, ai cũng đồng ý với ý kiến này của bà.
– Ừ. Đúng đấy. – Đám đông từ chỗ đồng lòng, bắt đầu mâu thuẫn. Từ vài tiếng xì xào thành một “cái chợ” tự phát ngay trước cửa. – Nhầm rồi thì phải đền bù chứ. Hay là đưa đi bệnh viện đi? Thôi xa lắm. Ông có xe máy thì về mà đưa, nói với tôi làm gì. Thế ai chôn? Ai xem cái đã bảo chết rồi? Đã bảo đến viếng nhìn kĩ vào thì chỉ nhanh nhanh uống rượu là giỏi.
Mỗi người một ý không ai nhịn ai, âm thanh cãi vã cứ thế lớn dần lên. Bà Loan nhăn nhó vì những tiếng xì xào, ôm đầu tỏ ra đau nhức rồi bỗng đâu gầm lên một tiếng.
Đám đông giật mình vì tiếng gầm của bà Loan, họ nhìn tới nơi phát ra âm thanh đã át vía họ. Bà Loan từ lúc nào đã nhảy lên ghế, ngồi trên mũi chân, giang tay ra, nghiến răng ken két, đôi bàn tay khum lại để lộ ra bộ móng vừa dài vừa đen, đã vậy còn sắc nhọn như được mài dũa kỹ càng. Sau khi ném về phía dân làng cái nhìn căm ghét bằng đôi mắt đỏ lừ, bà Loan gầm lên tiếng nữa, bật một cú lên không trung, xông thẳng tới chỗ đám dân làng. Tất cả đều sợ hãi lùi lại, chỉ có Hạnh là lùi chậm hơn hết, cô giơ tay ra hiệu rồi cố gắng khuyên mẹ chồng bình tĩnh lại.
– Mẹ! Mẹ sao đấy? Mẹ tỉnh lại đi.
Bà Loan trước những câu hỏi dồn dập càng trở nên điên cuồng hơn, nhằm hướng Hạnh, người gần bà nhất mà lao tới.
Hạnh sợ hãi lùi lại, một cơn lạnh chạy dọc sống lưng của cô, người mẹ chồng mà cô luôn yêu quý giờ đang lao tới chỗ cô như một con thú khát máu. Bản năng tự vệ trong cô lúc này thức giấc, nó thôi thúc cô phải đưa ra hành động gì đó để chống trả với mối nguy hiểm đó. Trong lúc gấp gáp, Hạnh vung chân đá trúng cổ của bà Loan khiến bà ta ngã ra đất, ngất lịm đi.
Đám đông “Ồ!!!” lên một tiếng, ai nấy đều tỏ ra ngạc nhiên nhìn Hạnh nhưng chính cô lúc này cũng bất ngờ với hành động của mình.
Bà Nhàn rón rén đi tới, ngồi xuống xem xét bà Loan, lần lượt bắt mạch rồi vạch mi mắt xem đồng tử một cách cẩn thận.
Phía sau Hạnh, bà Ánh run cầm cập, mặt nhăn nhó bấu lấy tay Thương mà lắc qua lắc lại.
– Chết rồi Thương ơi. Quỷ nhập tràng! Quỷ nhập tràng xuất hiện rồi. Hùa nhau trói vào đi không là toi cả lũ đấy.
Hạnh tròn mắt nhìn lại phía sau, trong giây lát cô lấy lại tỉnh táo và tỏ ra khó chịu với ý kiến vừa rồi của bà Ánh.
– Không được. Rõ ràng là mẹ cháu chứ ma quỷ nào ở đây.
Bà Nhàn lúc này đứng dậy và trấn an tất cả.
– Mọi người đừng hoảng. Bà Loan là người chứ không phải ma quỷ gì cả.
– Thế bà giải thích vụ chết đi sống lại thế nào? – Bà Ánh tỏ ra khó chịu, chất vấn ngược lại bà Nhàn.
– À thì. – Bà Nhàn hít một hơi sâu rồi quay hẳn người lại phía dân làng. – Tôi đã bắt mạch cho bà ấy. Nếu là ma quỷ thì khó có mạch như người được. Da dẻ tím tái nhưng cơ thể vẫn còn hơi ấm. Chắc chắn là bị chôn dưới đất lâu nhiễm lạnh. Tôi đoán, hôm trước là bà ấy đã lên cơn đau tim rồi chết lâm sàng.
Đám đông nghe có một nửa là nghi ngờ, vì trong làng lâu nay đã nhen nhóm lên tin đồn rằng bà Nhàn chỉ là một bà đồng bịp. Số còn lại thì nghe xong liền gật gù, cho rằng có lý. Kì lạ rằng lần này, trong số những người tin tưởng bà Nhàn lại có mặt Thương, người đi đầu phong trào chống đối thầy bịp ở làng.
– Tôi nghĩ bà Nhàn nói đúng đấy.
Đám đông giật mình nhìn vào Thương, một số người còn dụi mắt cho kĩ lại xem có phải cô đang là người nói hay không.
– Ơ!? Sao tự nhiên hôm nay cô lại đứng về phe mụ Nhàn thế?
– Phe phái gì đâu. – Thương tỉnh bơ giải thích. – Có phải hằng ngày bình thường mụ ý toàn nói dăm ba cái thứ mê tín dị đoan. Đúng không?
Đám đông gật đầu đồng ý với câu hỏi của Thương khiến cô lập tức nói tiếp suy nghĩ của mình.
– Đấy. Thế mà vừa rồi lại nói mấy câu rất có mùi khoa học, nghe uy tín hẳn lên còn gì nữa.
Đám đông còn hơi nghi ngờ, nhưng cũng gật gù cả loạt. Bà Nhàn tiến tới trước mặt họ rồi từ tốn giải thích.
– Mọi người hãy tin tôi. Ít gì tôi cũng tốt nghiệp đại học y ra mà.
Đám đông dân làng nhìn nhau, thái độ dần nguôi ngoai. Thương quay lại nhìn mọi người.
– Hàng xóm láng giềng, tối lửa tắt đèn có nhau. Bà Loan vượt cửa tử về, mình không cho được gì thì thôi ai lại nghi ngờ. Thôi. Mình về đi các bác.
– Ừ. Phải đấy. Thôi về đi.
Đám đông xì xào vài câu rồi ra về. Trước khi về không quên chào tạm biệt Hạnh. Bà Ánh hơi lưỡng lự, còn cố nán lại như muốn nói thêm gì đó nhưng bị Thương kéo về. Bà Nhàn lúc này quay sang an ủi Hạnh.
– Mẹ về là may rồi. Cháu cố gắng chăm sóc cho bà thật tốt nhé. Nhớ gửi lời xin lỗi của cô và mọi người đến bà ấy nữa đấy. Thật chân thành vào.
Hạnh thở ra một tiếng, nghe vừa giống thở phào nhẹ nhõm, lại vừa giống như tiếng thở dài mệt mỏi.
– Vâng. Cháu nhớ rồi ạ.
Bà Nhàn gật đầu với Hạnh rồi vội ra về. Hạnh nhìn theo bóng dân làng đi khuất rồi nhìn lại bà Loan với vẻ thương cảm.
Chập tối hôm đó, trong căn phòng được bày trí đồ đạc đơn giản, đa số bằng gỗ và tre nứa. Những thứ mà bà Loan yêu thích nhất, bởi cảm giác thân thiện với môi trường. Chủ nhân của căn phòng lúc này đang nằm ngang trên giường, tóc và đỉnh đầu hướng ra bên ngoài. Hạnh bê chậu nước ấm từ ngoài vào, nhẹ nhàng lấy khăn lau khắp cơ thể bà Loan, sau đó gội sạch mái đầu dính đầy bùn đất của bà.
Bé Dũng ngồi trên giường chăm chú theo dõi bà nội. Đã lâu rồi cậu bé mới thấy bà nhưng cậu bé vẫn không tỏ ra xa lạ, thay vào đó cậu ngoan ngoãn ngồi xem mẹ chăm sóc cho bà.
Chỉ có con chó Quýt là đã quên mất chủ. Từ lúc bà Loan quay lại, nó lúc nào cũng gầm gừ và cảnh giác. Có thể đó là phản ứng của một sinh vật vô tri, chẳng hiểu gì về lẽ đời. Hoặc có thể, ở đây đang có chuyện gì đó xảy ra mà chỉ một mình nó biết, một mình nó nhận ra.