Quỷ Nhập Tràng - Chương 6
Khoảng 30 phút sau tiếng hét thất thanh của Hạnh, bà Nhàn và một vài người trong làng đã chạy tới nhà cô. Họ khá sốc trước cảnh tượng mà họ nhìn thấy. Bà Loan nằm trên tay Hạnh, đôi mắt mở to, còn nguyên sự sợ hãi. Không có máu chảy ra từ đầu của bà, không có dấu vết của sự giằng co nên họ tin rằng đây không phải là cái chết tới từ mâu thuẫn giữa mẹ chồng và nàng dâu. Thêm vào đó, câu chuyện về bệnh tình của bà Loan thì ở cái làng này ai cũng biết. Nên khi thấy bà nằm trên đất, họ chỉ biết thở dài, thương cho một kiếp người rồi bảo nhau góp sức góp của làm cho bà một lễ tang tử tế.
Bà Nhàn đứng ra chủ trì mọi thứ, một chiếc bàn gỗ được đặt ở trước cửa ra vào, hai cây chuối non được cột chặt hai·bên. Bà Nhàn giải thích rằng đó chính là cánh cửa để vong hồn đi qua đi lại, ma cũ sẽ tới để gặp gỡ và đón ma mới tới suối vàng. Trên mặt bàn đặt một mâm hoa quả, một bát hương lớn và một chiếc đĩa sắt cũ, nơi người làng tới viếng sẽ đặt phong bì lên.
Người thân và họ hàng sẽ đeo khăn tang, phụ giúp nhau việc khâm liệm tử thi, mặc áo quan cho họ. Nhưng gia đình bà Loan lúc này chỉ còn mỗi Hạnh, Định thì vừa chạy về tới sân đã ngã gục với đôi chân lấm lem bùn đất và bộ dạng mệt mỏi. Có lẽ sau khi nhận cuộc gọi của Hạnh, anh đã chạy suốt mấy tiếng đồng hồ từ mỏ đá về nhà. Không ai có thể trách anh vì vắng mặt trong phần lớn thời điểm quan trọng bởi người mất là mẹ ruột của anh, nỗi đau của anh bây giờ chẳng ai có thể cảm nhận hết được.
Ngay tối hôm ấy, Bà Nhàn kéo theo ông chồng miệng vẫn còn mùi rượu, cùng một vài thanh niên khác tới và nói rằng họ là những người chuyên phụ trách việc tang lễ trong làng. Cũng phải, làm nghề bói toán mà kiêm luôn dịch vụ này thì quá hợp lý rồi. Và họ cũng tỏ ra mình rất chuyên nghiệp, không phải người thân nhưng vẫn chủ động mặc áo tang, đeo khăn tang đàng hoàng. Đi lại nhẹ nhàng không quấy rầy người chết, không nói to hay cười đùa vô duyên. Ai nấy đều nghiêm túc với công việc của mình.
Họ căng một tấm vải trắng lớn che phủ mảng tường ở chính giữa phòng khách, ở đó dán dòng chữ: “VÔ CÙNG THƯƠNG TIẾC – Bà Lường Thị Loan”. Một vài người thắc mắc tại sao không bê tủ thờ hoặc che nó đi, vì hôm nay là tang lễ của bà Loan, việc hương khói chỉ nên tập trung vào bà ấy thối chứ.
– Làm sao thế được? – Bà Nhàn tỏ ra khó chịu rồi cho rằng xê dịch tủ thờ phải xin phép thần linh, tiên tổ mới được làm. Kể cả chuyện che đậy cũng thế, khác nào bịt mắt họ đâu. Thà rằng cứ để đó như thường, ai vào thắp hương, nhớ là phải vái và báo cáo cả tổ tiên nhà bà Loan để tránh động chạm.
Thầy bà Nhàn cương quyết như thế, ai cũng nhìn nhau rồi bỏ đi hết sự bối rối mà làm theo. Ngày thường thì có thể tranh cãi thoải mái, chứ những ngày hiếu hỉ thế này, vai trò của bà Nhàn rất quan trọng. Mỗi một việc cần quyết định mà cứ nghe hết người này tới người nọ, chín người mười ý thì chẳng biết bao giờ mới xong. Vậy nên thiên hạ mới có câu nói “Lắm thầy thì thối ma” ý là như vậy.
Giờ là lúc đội của bà Nhàn tiến hành khâm liệm, họ lấy những bao trà khô ra, rải một lớp dày khoảng hai đến năm phân bên trong quan tài để chắc chắn rằng mùi tử thi sẽ không bay ra gây khó chịu cho người sống.
Ở góc nhà, Hạnh ngồi cạnh Định và quan sát nhóm bà Nhàn làm việc. Cô từng đọc về cách khâm liệm và phong tục ma chay của người Tày, sau đó đối chiếu với cách mà bà Nhàn và nhóm của bà làm việc thì thấy có gì đó không giống lắm. Nhưng người quyết định sau cùng là Định chứ không phải cô. Hơn nữa, khi Hạnh nhìn sang chồng, nhìn gương mặt thất thần của anh, cô hiểu rằng thế giới của chồng cô vừa bị khuyết mất một nửa. Anh không ngừng ôm đầu, nhìn vu vơ vào khoảng không mà chảy nước mắt. Giờ có thấy điểm gì không đúng chắc anh cũng chẳng buồn lên tiếng nữa. Hạnh đang hòa vào tâm trạng của Định thì bỗng một giọng nói lạ vang lên ngay bên tai.
– Chào chị, em là Hiếu, con gái của mẹ Nhàn. – Một cô gái trẻ xuất hiện trong trang phục như học sinh cấp ba, thoáng chốc đã khiến Hạnh tưởng rằng đây là trường học chứ không phải nơi đang tổ chức tang lễ.
Hạnh hơi cau mày rồi nhìn lên cô gái với vẻ khó hiểu. Hiếu có vẻ nhận ra điều đó, cô gái hơi ngại ngùng, vội nhìn xuống quần áo của mình rồi nở nụ cười gượng.
– Chị thông cảm. Chuyện gấp quá em cũng chỉ mặc tạm mà tới chia buồn với gia đình.
Hạnh nhắm mặt lại, thở dài một tiếng, sao cô lại có thể trách cô bé được cơ chứ? Một đứa trẻ thì hiểu gì về buổi lễ quan trọng như thế này đâu.
– Không sao đâu. Cũng tại chị đang buồn nên mới nhìn em như thế.
– À vâng. – Hiếu tỏ ra thoải mái hơn sau câu nói của Hạnh. – Mẹ em nhờ em sang hỏi anh chị có muốn đặt một gói bùa nhỏ khi khâm liệm hay không? Bên trong cũng không có gì đặc biệt đâu ạ. Chỉ là vài món đồ coi như tài sản và tiền đi đường. Việc này là để linh hồn của bác gái sẽ thuận lợi khi lên đò xuống suối vàng.
Những điều Hiếu nói là thứ mà lần đầu tiên Hạnh được nghe trong đời. Nó khiến cô bối rối, trong phút chốc cô ngập ngừng không thể ra quyết định, mặc cho Hiếu vẫn đang nhìn chằm chằm vào cô và chờ đợi.
– Được. Cứ làm thế đi.
Giọng nói của Định bất ngờ vang lên, phá tan sự bối rối của Hạnh và khiến Hiếu mừng như mở cờ trong bụng.
– Vâng. Vậy để em bảo mẹ ạ.
Cô gái nói rồi chạy về phía bà Nhàn, ghé tai nói với mẹ của mình về quyết định của Định. Bà Nhàn nhìn về phía Hạnh mà gật đầu, sau đó lấy từ trong chiếc túi thổ cẩm vắt ngang lưng ra một gói nhỏ màu nâu, giống hệt những gói bùa chú mà Hạnh thường thấy trên phim kinh dị của Hollywood. Bà Nhàn sau đó tiến tới quan tài, ra hiệu cho Hiếu và ông chồng mở miệng bà Loan ra để mình nhét gói bùa vào. Hạnh tỏ ra hơi khó hiểu với việc này, đúng là cô chưa thấy cũng chưa nghe bao giờ. Nhưng Định ngồi cạnh đó cũng quan sát mọi thứ từ đầu mà chẳng có ý kiến gì, khiến cô trộm nghĩ có lẽ đây là phong tục ở vùng này cũng nên.
Đặt gói bùa xong, họ nhẹ nhàng đỡ bà Loan ngồi dậy, quấn quanh đầu bà bằng những dải băng trắng cho tới khi không còn một mảng da nào của bà bị hở ra ngoài. Quá trình này Hạnh và Định không được tham gia, nếu có thì phải đảm bảo họ sẽ không rơi bất kỳ một giọt nước mắt nào vào thi hài và quan tài của mẹ mình.
Mặc áo cho bà Loan xong, đội ngũ của bà Nhàn tiếp tục khiêng quan vào rồi bắt đầu lót chiếu, đặt người chết vào bên trong. Thêm vào những vật dụng cá nhân như quần áo, trang sức, giày dép, chiếu và chăn màn. Sau cùng là rải tiền vào trong quan rồi đóng nắp, quấn hai đến ba vòng dây để buộc chặt quan tài.
Một vài người định lấy keo để gắn quan nhưng bị bà Nhàn phản đối vì nó không được tự nhiên.
Sắp xếp xong xuôi, bà Nhàn vội vã chạy xuống nhà bếp kiểm tra xem đội làm bếp đã bắt đầu làm việc hay chưa. Không phải chỉ có thắp hương phúng viếng là xong, họ còn cần phải mời dân làng ngồi lại ăn bữa cơm chia tay người chết và chia buồn với người ở lại.
Cả đêm hôm đó, tiếng kèn trống inh ỏi vang khắp ngọn đồi.
Buổi chiều hôm sau, đúng một giờ ba mươi phút, theo giờ mà bà Nhàn đã bấm độn và phán từ trước. Đội kèn trống và đội khiêng quan đã sẵn sàng đứng ở cổng nhà bà Loan. Định bê di ảnh của bà Loan đi trước, Hạnh đi bên cạnh. Bé Dũng được giao lại cho Lành trông hộ vì nó còn nhỏ, không được theo người lớn ra bãi tha ma. Tuy cũng chẳng quen biết gì lắm nhưng thằng bé rất hiểu chuyện, Hạnh vừa dặn dò đôi câu nó liền theo Lành và ngồi chơi rất ngoan. Đội khiêng quan theo sau, họ đặt quan tài của bà Loan vào xe tang rồi kéo nó chầm chậm đi theo Định. Một vài người khác đi cạnh quan tài, tay tung lên trời những tờ tiền lẻ. Con đường làng trước giờ thường im ắng vì dân cư thưa thớt, nay lại trở nên đông đúc vì cái điều mà chẳng ai muốn thấy. Những người theo sau đều cảm thấy buồn rầu, dù không phải họ hàng thân thích gì nhưng một người đột ngột mất đi, như đang báo trước cho cả làng về những điều không hay sắp xảy tới.
********
Tại nghĩa địa của làng, phía trên huyệt mộ của bà Loan, bà Nhàn trong bộ đồ thầy cúng, tay cầm quạt phe phẩy, miệng lẩm nhẩm lời khấn. Đứng gần đó là gia đình Hạnh, dựa đầu vào nhau và sụt sịt khóc. Bà Nhàn bỗng ngừng khấn, phẩy quạt thật mạnh rồi nhìn sang lão Tỉnh – người chồng đang gật gà gật gù của mình.
– Này! – Bà Nhàn cất tiếng gọi chứa đầy sự bực mình, nhưng âm lượng được nén xuống tới mức tối đa để tránh làm phiền những âm hồn ở nghĩa địa. – Lão Tỉnh! Dậy làm việc đi.
Chồng bà bỗng giật mình choàng tỉnh, nuốt nước miếng đánh ực một cái rồi quay lại phía sau nhìn đội đào huyệt.
– Lấp mộ thôi anh em. Nhanh còn về làm chén.
Đám thanh niên đang cầm cuốc, xẻng gần đó cũng bắt đầu động đậy, đi theo ông Tỉnh về phía cái huyệt và bắt đầu xúc đất hất xuống.
Bà Nhàn cau mày, chẹp miệng một cái ngán ngẩm sau đó đi tới chỗ Định, người cũng đang nhặt những nắm đất ném vào huyệt.
– Gia đình hãy bớt đau buồn. – Bà Nhàn làm vẻ mặt chân thành, nhìn Định và vợ con anh một lượt. – Có gì thông cảm cho lão Tỉnh nhà tôi nhé.
Nói xong câu đó, bà lườm nguýt về phía ông chồng của mình, người lúc này cũng vừa xúc đất vừa lườm trả bà, mặt tỏ rõ sự khó chịu khi bị vợ lên giọng ở chốn đông người.
– Đêm hôm trước đã bảo uống ít thôi, hôm sau kiểu gì cũng có chuyện lớn cần làm mà lão không nghe. Uống suốt cả đêm. Say từ đêm hôm trước mà chiều hôm nay vẫn còn ngà ngà. Bực cả người!
Định thở dài rồi gật đầu cho nhanh, những lời phàn nàn này anh không có tâm trạng để nghe chút nào. Hạnh nhận ra điều đó, liền chủ động đáp lời bà Nhàn thay anh.
– Không sao đâu bác ạ. Nhờ bác đứng ra nên tang lễ mẹ cháu mới cử hành được đàng hoàng, chứ chỉ có mình chúng cháu thì chẳng biết đường nào mà lần. Dù sao cũng cảm ơn bác vì đã giúp đỡ bọn cháu.
– Ừ! – Bà Nhàn nhận ngay công lao không chút do dự. – Vậy tôi thấy hơi váng đầu nên về trước nhé, tiền công thì cứ thư thư trả lúc nào cũng được, đừng vội.
Thứ cần nhắc khéo thì cũng đã nhắc, bà Nhàn không đợi tới khi huyệt mộ được lấp xong đã liền chào rồi rút đi. Nhưng đội của ông Tỉnh không vì thế mà dừng lại, họ tiếp tục cho tới khi đất được đắp lên thành một nấm mồ hoàn chỉnh. Ông Tỉnh cho người kiếm lấy hai viên đá cuội lớn, một viên to đặt phía trên đánh dấu phần đầu, viên nhỏ hơn chút xíu thì đặt bên dưới để đánh dấu phần chân. Thêm hai viên nhỏ hơn đặt hai bên sườn mộ. Điểm này cũng khiến Hạnh hơi bối rối, vì nó có gì đó khác với những gì cô được đọc.
Họ đem một bát hương đặt trên đỉnh mộ, hơi chếch chút xíu về phía đầu là nơi mà những người đưa tang sẽ tới để thắp nén nhang cho người đã khuất. Còn những bông hoa mà họ đem theo sẽ được đặt xung quanh mộ. Cuối cùng, họ vót những thanh tre nhỏ để cắm xung quanh, tạo thành hàng rào tránh gia súc chạy vào giẫm đạp lên mộ. Làm xong, ông Tỉnh và đội của mình thay nhau thắp hương rồi định đi về.
Bà Ánh, một trong số những người lớn tuổi trong làng đứng ra chặn đường ông ta và thắc mắc.
– Ơ. Thế là xong á? Sao không làm nốt cái nhà nữa? Bình thường vẫn thấy có cơ mà?
Ông Tỉnh tỏ ra bối rối, nhìn xung quanh xem lại nét mặt của những người khác mà cảm thấy e ngại. Duy chỉ có Định là không giống như họ.
– Ờ thì bình thường có, nhưng mà… bà Loan có ở đây đâu, thân xác chôn ở đây còn linh hồn thì vợ tôi khấn cho lên thuyền đi suối vàng từ lâu rồi kia mà.
– Ơ? Thế không phải ở đây ai xuống suối vàng cũng đều làm như thế à? Sao đến bà Loan lại thiếu được hẳn cái nhà thế?
Bà Ánh hỏi lại với vẻ khó hiểu. Giọng nói chua loen loét của bà khiến lão Tỉnh thêm bối rối, bực mình đáp lại.
– Cái mụ này buồn cười nhỉ. Người nhà còn chưa ý kiến gì, sao mụ cứ lanh cha lanh chanh thế? Thắp hướng xong đi về đi.
Ông Tỉnh nói rồi vùng vằng bỏ về trước.
– Ơ kìa? Này!
Bà Ánh gọi với theo nhưng ông Tỉnh không đứng lại, đội của ông ta thấy thế cũng cầm cuốc, xẻng chạy theo thật nhanh. Bà Ánh nhìn lại phía gia đình Định một nhịp, Hạnh bắt được ánh nhìn của bà cũng tỏ ra rất bối rối. Chuyện này vượt quá hiểu biết của cô, từ bé tới lớn cô chưa được tham gia nghi lễ này bao giờ. Mà nếu có, chắc nó cũng sẽ khác hẳn cho với những gì đang diễn ra ở đây. Đám dân làng không thấy gia đình nói gì, liền hất hàm ra hiệu cho nhau đi sang thắp hương, nói lời chia buồn với gia đình rồi mới về. Cứ thế lần lượt từng người rời khỏi, tới khi chỉ còn vợ chồng Hạnh.
Hai người kiểm tra lại hàng rào, vun lại chỗ đất bị sạt, sắp xếp lại những món đồ đặt dưới chân mộ rồi buồn bã nói lời tạm biệt với người mẹ mà cả hai đều yêu thương. Sau đó họ cũng về nhà, vì ở nhà họ còn “tương lai” đang chờ, có lẽ lúc này đã nhận ra bố mẹ đi quá lâu nên khóc nhè rồi cũng nên.