Làng quỷ ám - Chương 6
Mặc bắt hắn ta gọi mình là ông, thế nhưng Quỷ Mõm nhất nhất không chịu, cơ mà sau vài lần ăn trái đắng thì Quỷ Mõm cũng miễn cưỡng gọi một tiếng “gia gia”. Tuy uất ức lắm nhưng hắn không thể làm gì hơn ngoài việc ngoan ngoãn nghe theo, ai bảo bản lĩnh của thằng oắt con tí tuổi ranh này lại lớn tới vậy. Cứ như vậy cả hai cũng đã làm bạn với nhau được một khoảng thời gian ngắn.
-NÀY…MÕM….
-Sao…Sao Đấy?
Mặc nheo nheo mắt nhìn thằng Mõm đang ngồi trên trần nhà, trò chuyên nhân sinh với môt con thạch sùng. Mặc nói.
-Ngủ đi Mõm…..2h sáng rồi…
-Nhưng mà nó không nghe em, nó cứ cãi là con gà có trước?
-Ừ thì con gà có trước…
-Nhưng mà quả trứng nở ra con gà?
-Ừ thì quả trứng có trước?
-Nhưng mà…con gà đẻ ra quả trứng….
-THÔI….TAO XIN CHÚNG MÀY…NGỦ ĐI…NGÀY NAY TAO MÊT LẮM RỒI….
-Nhưng mà……
[…]
Cách đó không xa có một ngôi làng nhỏ chỉ có vài trăm hộ dân sinh sống được gọi là làng Mới. Dân làng ở đây chủ yếu là người tứ xứ tập trung về khai hoang đất rừng để sinh sống, dần dần mới hình thành nên ngôi làng này.
Làng Mới ở sát bên một khu rừng nhỏ, có khúc sông Cầu Chày chảy ngang qua, quanh năm khí hậu mát mẻ trong lành. Ngôi Làng mang đậm nét đơn sơ, mộc mạc với những ngôi nhà lợp ngói đỏ, người dân sinh sống chủ yếu bằng nghề nông với những công cụ vẫn còn thô sơ.
Ấy vậy thì dù ở đâu vẫn luôn có những kẻ ất ơ, lòng dạ mang tâm niệm xấu xa, điển hình là hai thằng Tích và Sự.
Hai thanh niên sức dài vai rộng, nhưng lại không chịu khó làm ăn, lấy vợ lập gia đình, mà suốt ngày đi lượn lờ rình rập, ngóng xem ai sơ hở cái gì là ăn cắp ăn trộm.
Tỉ như cái lần nhà ông Cường hàng xóm bữa lên ao. Đến tối hôm ấy, loay hoay thế nào vừa mới rời mắt chui ra khỏi cái túp lều rách đi ra sau cái gốc chuối để giải quyết nỗi buồn, quay đi quay lại khi về mất bố nó cái máy bơm.
Còn đang không biết làm thế nào thì ở bụi nhãn trước mặt lại thấy có hai bóng người nhoáng một cái chui tọt vào đấy. Ông cường mặt đỏ bừng bừng, ông vác luôn cái đòn càn gần đấy chạy nhao ra chỗ hai bóng người vừa chui vào.
Ra đến nơi, thấy hai thằng Tích và Sự đang lúi húi bám bờ tường đu ra, muốn đem cái bơm đi bán. Ông cường nhanh như cắt lao đến vung đòn khảo cho thằng Sự đánh cộp một cái, làm cho đầu nó phụt cả máu tươi.
Chưa hết thấy thằng Tích đang định nhảy lên tường chạy trốn, ông túm chân nó lôi xuống rồi dùng đòn đập cho thừa sống thiếu chết. Hai thằng nằm đó kêu la thảm thiết rồi luôn mồm xin tha, hứa từ nay sẽ đi xin việc không có đi ăn trộm ăn cắp nữa, ấy vậy nhưng cái bản tính nó ngấm vào máu rồi nên hai kẻ này vẫn chứng nào tật nấy.
Thậm chí hai kẻ ất ơ này còn là nguồn cơn của một tai kiếp, sắp sửa ập xuống đầu của những người dân vô tội, đang sinh sống tại ngôi làng Mới yên bình.
Vào một đêm nọ tại sâu trong cánh rừng cạnh làng Mới, mọi thứ đã dần chìm vào trong sự tĩnh lặng tịch mịch, chỉ còn lại tiếng lá khô xào xạc, tiếng ngọn cây đang khẽ đung đưa nhẹ theo gió, hay tiếng của những loài động vật chuyên kiếm ăn vào ban đêm. Dưới ánh sáng mờ ảo của đêm trăng ngày rằm, cả khu rừng như khoác lên mình tấm áo choàng mỏng màu bạc. Dưới ánh trăng mờ ảo ấy lúc này có hai con người, vẫn đang hì hục người xúc kẻ đào với hai cái đèn pin loại nhỏ gắn trên đầu. Hai kẻ này không ai khác chính là hai thằng Tích và Sự.
Trong một lần lang thang đi tìm ổ chim rừng về bán, Sự vô tình phát hiện ra dấu vết của một ngôi miếu cổ, phân nửa ngôi miếu đã bị vùi lấp sâu dưới lớp đất rừng, chỉ còn phần trên ngôi miếu là nhô lên với những nét chạm trổ kỳ bí và công phu, cũng vì thế mà được Sự chú ý nghĩ hẳn bên trong chắc chắn sẽ để lại thứ gì đáng giá.
Trong lúc đào bới thì thằng Tích có nói:
-Không hiểu sao tao lại ở đây hì hục đào đào xúc xúc với mày. Đéo biết được có gì bên trong cái miếu rách nát này không.
Sự tặc lưỡi đáp lại:
-Mày không đào thì về làng mà rình bắt mấy con chó thả rông ấy, từ cái lần bị bắt rồi ăn đòn đến giờ, chân tao mãi mới lành lặn lại được tí. Thôi cứ thử xem thế nào, tao nghe nói mấy ngôi miếu kiểu này hay có đồ vật từ ngày xưa, bán cũng được kha khá tiền đấy.
Cứ thế, cả hai lại tiếp tục công cuộc còn đang dang dở. Sau một hồi lâu hì hục đào bới, cả hai đã đào xuống được khá sâu, lối vào từ cửa miếu cũng vì thế mà đã dần dần lộ ra, kì lạ một điều đó là cửa vào ngôi miếu bị bịt kín bằng phiến đá rất lớn, thế nên nhìn trông nó giống một ngôi mộ nhiều hơn.