Yêu đi rồi ngày sau chia ly - Chương 3
Về đến trước cổng, chúng tôi tạm biệt nhau rồi ai vào nhà nấy.
“Mẹ ơi, con về rồi.”
Nhưng không có tiếng đáp trả. Kỳ lạ, mọi ngày vào giờ này mẹ thường ở trong bếp nấu bữa tối để ba về có cơm nóng canh ngọt sẵn sàng nhưng sao hôm nay, nhà cửa vắng hoe. Mẹ thậm chí còn chưa nấu cơm. Tôi đi ngang qua phòng mẹ thấy mẹ đang nằm trên giường, mắt nhắm nghiền. Có lẽ mẹ mệt, chợp mắt một chút. Không quấy rầy mẹ thêm nữa, tôi thay đồ rồi vo gạo nấu cơm.
Khi tôi đang loay hoay lấy nguyên liệu từ trong tủ lạnh thì mẹ bước vào bếp, yếu ớt nói. “Con về rồi à?”
Tôi quay lại. Sắc mặt mẹ khá nhợt nhạt. “Mẹ không được khỏe ạ? Nhìn mẹ kém sắc quá.”
“Không sao, mẹ chỉ hơi mệt tí thôi. Nào, để mẹ nấu cho. Con nấu cơm rồi sao?” Mẹ xắn tay áo lên, lấy rổ từ trên kệ.
Tôi quan sát. Gương mặt mẹ mệt mỏi. Đôi mắt trũng sâu. Mẹ mất ngủ ư? Tôi cảm thấy có điều gì đó không tốt nên bảo mẹ đi bệnh viện nhưng mẹ lắc đầu, nói là bệnh xoàng thôi, không nhất thiết phải đến bệnh viện, uống vài viên thuốc là khỏi.
Nhưng nhiều ngày sau đó, bệnh của mẹ vẫn không thuyên giảm. Cho đến một buổi chiều khi tôi đi học về thấy mẹ ngất xỉu trong phòng vệ sinh. Tôi hốt hoảng, lay mãi mà mẹ vẫn không nhúc nhích. Ba vẫn chưa về. Đầu óc tôi hoảng loạn. Những lúc như thế này tôi cần phải bình tĩnh. Hít thở sâu, tôi nhớ ra Thanh Hoài nên chạy sang nhà gọi anh. Hai anh em đưa mẹ vào bệnh viện.
Ở ngoài cửa phòng cấp cứu, tôi đi qua đi lại, tâm trạng bồn chồn. Sức khỏe của mẹ trước giờ vẫn ổn sao bây giờ lại… chẳng lẽ mẹ giấu tôi điều gì chăng?
Trong lúc sốt ruột, tôi cảm nhận được có một bàn tay đặt lên vai mình kèm theo đó là câu nói an hủi. “Đừng lo. Mẹ em sẽ ổn thôi.”
Dĩ nhiên, tôi mong điều đó cho đến khi cửa phòng mở ra. Bác sĩ thông báo mẹ mắc bệnh ung thư não mãn tính, giai đoạn cuối. Tôi cảm thấy đất dưới chân mình nứt ra, thế giới như sụp đổ trước mắt. Tôi đứng không vững, phải vịn vào người Thanh Hoài.
“Tại sao… tại sao lại như vậy? Trước giờ sức khỏe mẹ cháu vẫn tốt mà. Bác sĩ, có nhầm lẫn gì không ạ?” Tôi nắm tay áo vị bác sĩ đứng đối diện mình.
“Thật ra mẹ cháu mắc bệnh đã hai năm nay rồi, chú đã khuyên mẹ cháu nhập viện nhưng bà ấy không nghe. Có lẽ mẹ cháu không muốn người nhà lo lắng.” Bác sĩ nói với giọng buồn buồn.
“Không thể nào.” Tôi bật khóc, quay sang Thanh Hoài. “Chuyện này không phải là sự thật đúng không anh? Mẹ em… sao có thể…”
“Em bình tĩnh đi.” Thanh Hoài vỗ nhẹ lưng tôi rồi hỏi bác sĩ. “Thế bệnh của dì ấy có cơ hội nào không bác sĩ?”
“Vì bệnh đã vào giai đoạn cuối nên chú e là… cơ hội rất mong manh.” Vị bác sĩ thở dài, nói rồi bỏ đi.
Bầu trời đột nhiên trở nên tối đen như mực. Tôi không biết chuyện gì xảy ra sau đó nhưng khi tỉnh dậy, tôi thấy mình nằm trong căn phòng quen thuộc. Tôi nhìn ra ngoài cửa sổ, trời đã tối. Ánh trăng đơn độc trên trời cao như băng như sương, một mình chiếu rọi đêm dài đằng đẵng.
Nhớ lại những gì đã xảy ra trong bệnh viện, tôi chạy sang phòng mẹ để tìm kiếm một thứ. Bác sĩ nói rằng mẹ mắc bệnh được hai năm, chắc chắn sẽ có hồ sơ bệnh án. Tôi lục tung cả căn phòng, cuối cùng cũng tìm thấy thứ mà tôi cần. Nó nằm sâu dưới đáy tủ quần áo.
Tôi đặt hồ sơ lên đùi, run run mở ra. Càng đọc những dòng chữ viết trong đó, tôi càng thấy tim mình quặn thắt lại. Hóa ra mẹ âm thầm chịu đựng căn bệnh một mình, mẹ thà chấp nhận đau đớn còn hơn nói với tôi, với ba vì mẹ không muốn bất cứ ai phiền muộn hay lo lắng. Hóa ra mẹ lúc nào cũng vui cười, luôn nói rằng mẹ không sao cả nhưng đằng sau đó là căn bệnh hành hạ mẹ mỗi đêm.
Tiếng bước chân nhè nhẹ, lại gần tôi rồi anh ngồi xuống bên cạnh tôi. Thanh Hoài không nói gì, anh chỉ đặt tay lên vai tôi, siết nhẹ.
Cứ thế tôi tuôn ra hết những đắng cay trong lòng. “Em đúng là đứa con bất hiếu, mẹ mình bị bệnh mà cũng không hay biết… em cảm thấy mình thật tệ… em có lỗi với mẹ. Là tại em…”
Thanh Hoài ôm tôi vào lòng, vỗ về. “Không phải lỗi của em đâu. Đừng tự trách bản thân nữa.”
“Không… tại em… em thật quá vô tâm. Nếu như em có thể quan tâm đến mẹ một chút… thì có lẽ mẹ sẽ không bị bệnh. Mấy ngày trước, em thấy sức khỏe của mẹ không được tốt, đáng lẽ em phải buộc mẹ đến bệnh viện…” Nước mắt khiến giọng tôi nghẹn cứng. Tôi ngẩng đầu nhìn Thanh Hoài. “Mẹ em sẽ khỏe lại đúng không anh?”
“Ừ. Dì nhất định sẽ khỏe lại. Cho nên em đừng buồn, đừng khóc. Đứng dậy nào, anh dẫn em đi ăn chút gì đó.” Thanh Hoài kéo tay tôi.
Tôi lắc đầu. “Không. Em muốn vào viện với mẹ, em muốn ở bên mẹ. Anh chở em đi đi.”
“Thiên Lam, hiện tại ba em đang ở trong bệnh viện, chăm sóc cho mẹ em. Cả buổi tối, em đã không ăn gì rồi, em sẽ kiệt sức đấy. Anh có nấu cơm rồi, em mau vào bếp ăn đi.”
“Em nuốt không trôi.”
“Em phải ăn nếu không sẽ ngã bệnh đấy. Nếu em bệnh thì lấy ai chăm sóc cho mẹ. Hãy vì mẹ, cố gắng gượng nhé.”
Tôi để Thanh Hoài dìu mình ra phòng bếp. Anh đã dọn sẵn cơm canh. Tôi kéo ghế, ngồi xuống. Thanh Hoài đặt chén cơm trước mặt tôi. Nghĩ đến mẹ, nước mắt tôi lại trào ra. Tôi chỉ ăn được một chút. Thanh Hoài múc cho tôi một chén canh. Tôi run run cầm lên uống một ngụm. Giọt nước mắt rớt xuống trong chén canh và tôi đã uống luôn chúng.
Những ngày sau đó, đi học về là tôi vào viện với mẹ ngay. Có lúc tôi đứng bên ngoài phòng bệnh, nhìn thấy mẹ tiều tụy như vậy, tôi không kiềm được dòng lệ, muốn nói chuyện với mẹ, muốn gọi mẹ nhưng cổ họng nghèn nghẹn khiến tôi không thể cất lời.
Dù đã được trị liệu, sức khoẻ của mẹ vẫn không khá lên. Việc đi lại khó khăn nên mẹ chỉ nằm một chỗ trên giường. Mặt hốc hác, gầy rộp. Nhưng bà vẫn cười, vẫn trò chuyện với tôi bằng giọng điệu hết sức lạc quan.
“Cuộc đời này, đau khổ nhiều hơn hoan lạc. Sự sống tuy khiến người ta cảm thấy khổ sở, nhiều lúc nghiệt ngã, chỉ muốn chết đi để giải thoát nhưng những gì tốt đẹp nhất chỉ có sống mới có thể trải qua, chỉ có sống mới cảm nhận được. Thiên Lam, sau này không còn mẹ kề bên, con phải ráng sống tốt, đừng có lúc nào cũng khóc lóc như trẻ con, nghe chưa?”
“Mẹ đừng nói như vậy. Mẹ sẽ sống mãi bên cạnh con.” Tôi nắm lấy tay mẹ, đặt lên má mình.
“Con có thể đọc sách cho mẹ nghe không? Mẹ muốn nghe giọng con lần cuối.” Mẹ yếu ớt đề nghị.
“Được ạ. Nhưng sau khi con đọc xong, mẹ phải nhớ uống thuốc đấy nhé. Uống thuốc xong, bệnh của mẹ sẽ khỏi.”
Tôi mở ba lô, lấy ra một cuốn sách và đọc cho mẹ nghe. Lệ cứ tuôn hai bên gò má. Đọc được một lúc, tôi ngước lên thấy mẹ đã ngủ. Tôi gọi mãi nhưng mẹ vẫn không tỉnh dậy. Nghe tiếng gào thét của tôi, ba mới chợp mắt ở phòng kế bên, chạy sang. Thấy mẹ không cử động, ba vội gọi bác sĩ tới.
Hôm đó là khoảng 10 giờ 30 phút tối. Khoảnh khắc ấy đã thay đổi cuộc sống của tôi.
Trong khi bác sĩ khám cho mẹ, tôi và ba đứng chờ bên ngoài. Thanh Hoài bước đến chỗ hai cha con tôi. Những ngày gần đây, anh luôn cùng tôi túc trực ở bệnh viện. Trông thấy Thanh Hoài, tôi nhào vào lòng anh, khóc nức nở.
Bác sĩ trở ra với vẻ mặt đượm buồn cùng cái lắc đầu. Ba tôi khuỵu xuống.
“Tại sao? Không thể nào. Tôi đúng là một người chồng vô trách nhiệm.”
Mỗi lời ông hét lên mang theo cơn đau thấu trời đều vang vọng trong trái tim tôi. Từng khoảnh khắc trôi qua như sấm sét đánh vào tim tôi khi tôi đứng bên ngoài phòng bệnh nhìn người mẹ thân yêu của mình, ra đi mãi mãi. Bà nằm đó, như đang ngủ say. Bất cứ ai nhìn vào sẽ không bao giờ tin rằng linh hồn của bà đã đi qua cánh cổng thiên đường một cách an toàn. Ngoại trừ một nốt nhạc duy nhất, phát liên tục trong phòng, cho thấy rằng trái tim bà cuối cùng đã từ bỏ cuộc chiến và ngừng đập.
Trong những khoảnh khắc trôi qua tiếp theo, mọi thứ biến thành một vệt mờ khổng lồ, không có gì ghi lại trong não tôi. Mọi người di chuyển chậm chạp, la hét trong khi ba tôi gọi mẹ tôi với những giọt nước mắt lăn dài trên mặt. Tôi chỉ đứng đó, cảm thấy nhỏ bé và vô dụng khi nhìn khung cảnh siêu thực này diễn ra xung quanh mình.
“Phiền chú và con gái chú hãy rời khỏi đây ngay bay giờ.” Một y tá nói khi cố đẩy ba tôi ra ngoài nhưng ông vẫn đứng đó.
“Chúng tôi cần làm công việc của mình, ai đó gọi bảo vệ đi.” Một người khác lên tiếng. Hình ảnh những y tá vô danh đang cố lôi ba ra khỏi mẹ thật xa lạ với tôi. Tôi đứng nhìn ông, không chịu rời đi.
Ba nắm lấy bàn tay mảnh khảnh của mẹ, không thể tin rằng trái tim của vợ ông vừa ngừng đập. Trong giây tiếp theo, hai người đàn ông mặc vest sẫm màu chạy vào phòng, theo sau là một người đàn ông cao lớn, vạm vỡ mặc bộ vest màu xanh lá cây rừng với dải ghim trắng và cà vạt đen.
Khuôn mặt anh ta trông dữ tợn khi ra lệnh cho các vệ sĩ đưa ba tôi ra khỏi phòng. Khi những người đàn ông đang tách ba mẹ tôi ra, một tiếng khóc lớn và đau lòng phát ra từ miệng ông.
Cuối cùng, các giác quan của tôi đang dần hoạt động trở lại. “Ba. Các người làm gì ba tôi vậy? Không thể cho ba tôi ở lại với mẹ tôi thêm một chút nữa sao?” Tôi hét lên khi nhìn vào cảnh tượng trước mắt. Tôi không thể đứng yên được nữa. Nhưng trước khi tôi kịp nói thêm một lời nào nữa thì ai đó nắm lấy tay tôi.
Tôi vội quay lại đối mặt với người đang nắm tay mình. Đôi mắt tôi hướng lên khuôn mặt của chàng trai cao lớn, đôi đồng tử xanh băng giá của anh rưng rưng nước mắt khi bắt gặp đôi mắt màu hạt dẻ bối rối và đau đớn của tôi.
“Thiên Lam, em đừng như vậy. Đó là nhiệm vụ của họ, đừng làm khó họ.”
Tôi lặng lẽ theo chân Thanh Hoài ra ngoài với trái tim tan nát. Ngày đưa tang mẹ là vào buổi chiều, trời mưa rả rích. Có lẽ ông trời cũng thương xót nên mới đổ lệ.
Hoàng hôn cháy đỏ nơi cuối trời xa. Từng mảng mây xám nặng trĩu như sà xuống sát mặt đất. Sợi khói màu sữa dần tản ra lượn lờ bay trên mái ngói của các ngôi nhà kế đó.
Tôi cứ quỳ mãi bên mộ mẹ cho đến khi Thanh Hoài bước lại gần. “Người chết đi không phải là kết thúc tất cả. Mẹ vẫn ở bên cạnh em, chỉ là dì ấy đang ở một nơi mà chúng ta không thể nhìn thấy. Về thôi, muộn rồi.”
Thanh Hoài kéo tay tôi đứng dậy. Tôi làm theo như một cái máy, bước chậm rãi rời khỏi nghĩa trang.