Yêu đi rồi ngày sau chia ly - Chương 11
Phần 2 Năm tháng chia ly, lệ vương nhạt nhòa
Một buổi tối cuối thu se sắt, Thanh Hoài sang nhà tôi, ngồi mãi trước hiên mà không nói một lời. Hôm nay anh có vẻ trầm ngâm, khác hẳn vẻ vui tươi thường ngày.
“Anh có chuyện gì phải không? Hay là anh bị bệnh à?” Tôi ân cần hỏi.
Thanh Hoài hơi giật mình, nhìn tôi rồi thở dài thườn thượt. “Không, chỉ là…”
Sau khi rửa chén xong, Vũ Ân bước ra ngồi cạnh chúng tôi, nói. “Chỉ là thế nào, có gì thì nói ra đi xem thử tôi có giúp được gì không.”
“Tôi sắp phải lên thành phố, có lẽ sau này không thể cùng hai người ngắm sao nữa rồi.” Thanh Hoài nói nhẹ tênh nhưng với tôi, nó giống như một quả bom vừa nổ vậy.
Cả tôi và Vũ Ân đều bất ngờ khi nghe anh báo tin.
“Sao lại đột ngột thế?” Vũ Ân hỏi.
Thanh Hoài gật đầu. “Ừ. Ba tôi chuyển công tác, tôi và mẹ mình buộc phải theo ông lên thành phố.”
“Anh chỉ còn một năm nữa thôi, không đợi học xong hay sao?” Tôi biết câu nói của tôi cũng chẳng có tác dụng gì. Vì đằng nào anh cũng sẽ đi, chỉ là ở lại được lúc nào hay lúc nấy.
“Anh cũng nói với ba như vậy nhưng ông ấy bảo không đợi được nữa. Nếu đợi sang năm, công việc của ba anh sẽ bị ảnh hưởng.” Thanh Hoài nhìn tôi với ánh mắt đượm buồn.
Tôi thẫn thờ, sau đó mấp máy môi. “Anh đã hứa với em sẽ ở mãi bên cạnh em vậy mà…”
“Anh xin lỗi, Thiên Lam.” Thanh Hoài xoa đầu tôi, cố nở nụ cười.
Ngồi một lúc nữa, Thanh Hoài về nhà anh, không ở lại cùng tôi chơi game như mọi hôm mà chúng tôi cũng chẳng có tâm trạng để chơi. Vũ Ân lên gác. Tôi vào phòng, lấy vở ra. Những con chữ cứ nhảy múa làm tôi không tài nào tập trung được. Tôi bước ra ban công, nhìn sang. Qua hàng rào hoa giấy, tôi nhìn thấy ánh sáng mờ mờ chiếu trên rèm cửa. Anh ấy có ở trong phòng không nhỉ? Tôi tự hỏi. Nghĩ đến việc Thanh Hoài không còn ở thị trấn này nữa khiến tôi buồn thật nhiều. Những lời hứa, những ước mơ mà chúng tôi cùng vạch ra cho tương lai liệu có thực hiện được chăng?
Bất giác, tôi buông tiếng thở nhẹ. Bóng của những ngọn đèn, những cột điện dây chằng chịt chạy dài dưới lòng phố. Sắp bước sang mùa đông nên gió thổi lạnh hơn. Nghĩ ngợi lan man, tôi đi về phía cổng rào.
Tôi muốn qua nhà Thanh Hoài xem anh thế nào. Tôi kéo áo sát vào người, nhè nhẹ mở khóa cổng rồi nhẹ nhàng khép lại. Tôi đứng trước cổng nhà Thanh Hoài. Ngôi nhà chìm trong bóng tối. Chẳng lẽ anh không về nhà sau cuộc nói chuyện lúc nãy còn ba mẹ anh, ở đâu nhỉ? Vật lộn với từng câu hỏi không lời giải đáp, tôi bỗng giật nảy khi có bàn tay vỗ vai mình từ phía sau.
“Anh Thanh Hoài.” Tôi khẽ kêu lên.
“Em làm gì mà lén lút như ăn trộm vậy?”
“Em chỉ muốn qua thử xem anh có ổn không.”
“Anh đi dạo một lát.” Đôi giày bata của Thanh Hoài rung lên nhè nhẹ.
Chúng tôi chậm rãi bước xuống dốc. Các cửa hiệu sáng trưng ánh đèn, tấp nập người ra kẻ vào. Một cô gái trẻ đứng trước bốt điện thoại. Một cặp tình nhân ngồi dưới mái vòm xe buýt. Một gia đình nhỏ cũng đang tản bộ như chúng tôi.
Tôi khẽ hỏi. “Anh sẽ lên thành phố thật sao?”
“Ừ.” Thanh Hoài nhỏ giọng.
Cơn gió nổi lên. Những chiếc lá bay về phía chúng tôi. Thanh Hoài bắt lấy một chiếc lá. Có điều gì đó nặng trĩu trong đôi mắt anh. Tôi cúi đầu lặng thinh, cảm thấy mọi lời nói bây giờ thừa thãi quá.
“Nếu muốn em có thể lên thành phố thăm anh. Chỉ ngồi tàu bốn tiếng đồng hồ là tới à, không xa lắm đâu.”
Từ nhỏ đến lớn, tôi chỉ quẩn quanh trong thị trấn, chưa bao giờ đặt chân đến thành phố cũng chẳng có dịp gì để đi. Trong trí nhớ của tôi đó là một nơi đầy ắp ánh đèn rực rỡ, có những tòa nhà cao chọc trời, những quán cà phê mở nhạc xập xình cùng những khu thương mại hạng sang. Thành phố với tôi là một điều bí ẩn, một nơi chốn rất xa. Có lẽ trong suy nghĩ của Thanh Hoài cũng thế.
“Anh xin lỗi.” Giọng Thanh Hoài nhẹ như gió.
“Anh có lỗi gì đâu chứ.”
“Anh không thể giữ lời hứa với em.”
“Chỉ tại hoàn cảnh thôi mà. Sớm muộn gì anh cũng sẽ đi thôi.” Tôi cố gắng để giữ giọng bình tĩnh vì ngay lúc này tôi rất muốn ôm anh và khóc.
“Thật ra anh có bàn với ba mẹ rằng anh muốn ở lại đây học cho đến khi tốt nghiệp 12 rồi sẽ lên thành phố sống cùng họ nhưng mẹ anh không muốn xa anh.”
Tôi hiểu mà, có người mẹ nào lại muốn sống xa con cái mình đâu huống hồ chi Thanh Hoài lại là con một.
Tôi đưa mắt nhìn xung quanh con dốc nhỏ mình đang đứng. Từng dòng người đi về. Mỗi người đều mang một chiếc mặt nạ, chẳng ai biết được đằng sau những chiếc mặt nạ ấy là sự hoan hỉ hay là nỗi thống khổ. Những con người đang ngồi ăn trong các quán kia, nói cười vui vẻ thế kia liệu họ có thật sự hạnh phúc chăng?
Con dốc phía trước vẫn còn dài.
“Em không giận anh chứ khi anh quyết định ra đi?” Giọng Thanh Hoài thổn thức như bóp chặt trái tim tôi.
“Không đâu, dù anh có làm gì thì em cũng tôn trọng quyết định của anh.” Nói là nói vậy nhưng mà… “Không có anh, em sẽ rất cô đơn.”
“Ngốc. Nói gì thế?” Thanh Hoài búng trán tôi. “Em vẫn còn có Vũ Ân mà.”
Tôi muốn nói “Vũ Ân làm sao bằng anh.” nhưng nghĩ lại thôi. Mím chặt môi, tôi nhủ thầm, không được khóc.
Thanh Hoài ngắm ánh sáng rực rỡ của những vì tinh tú trên trời – thứ ánh sáng mà khi bình minh lên sẽ vụt tắt.
Hít một hơi thật sâu, tôi nói tiếp. “Em sẽ cố gắng thi đậu đại học, chắc chắn.”
Thanh Hoài cúi đầu, lặng thinh.
“Anh nhớ là phải viết thư về cho em đấy, thỉnh thoảng cũng được.” Hiện tại, chúng tôi vẫn chưa có điện thoại nên viết thư là hợp lý nhất với lại tôi cũng muốn một lần quay trở về những ngày xưa cũ – những ngày nghe radio và viết thư tay.
Thanh Hoài quay sang tôi, cố nở nụ cười trên môi rồi anh siết tay tôi thật chặt. Khóe mắt tôi se cay, không biết có phải là vì anh sắp ra đi hay vì cái siết tay quá mạnh kia?
Tôi nhớ lại những ngày đến trường cùng nhau, những buổi chiều tập xe đạp và rong ruổi trên con đường ngập lá hay những buổi tối ngắm sao trên trời. Những kỷ niệm đẹp đẽ ấy như bỗng hiện ra trước mắt tôi nhưng qua làn nước mắt nó trở nên hư ảo, nhòe mờ. Một lần, tôi muốn nghĩ đến những kí ức ấy, chỉ tôi và anh, không có người thứ ba.
Những ngày sau đó, tôi sống trong tâm trạng buồn bã, chắc hẳn Thanh Hoài còn buồn hơn tôi rất nhiều. Ngày anh theo ba mẹ ra sân ga là vào một buổi sáng se lạnh, sương còn chưa tan. Đến tiễn gia đình họ có tôi, Vũ Ân, giáo viên chủ nhiệm, vài người bạn cùng lớp Thanh Hoài trong đó có Định Cường – bạn thân trong câu lạc bộ bóng rổ của Thanh Hoài và cả Vũ Ân.
Tôi nhớ lúc ấy mình chẳng nói gì, muốn khóc nhưng phải cố kìm nén. Từ trước tới nay tôi chẳng làm được gì cho Thanh Hoài, chỉ toàn dựa dẫm vào anh. Tôi từng nghĩ rằng chỉ cần anh ở bên tôi thôi, tôi sẽ mạnh mẽ vượt qua những chông gai, thử thách. Nhưng giờ nhìn lại, tôi vẫn chỉ là một cô nhóc yếu đuối, rụt rè và hay sợ sệt. Thanh Hoài có quyền lựa chọn đi hay ở nhưng tại sao chúng tôi phải xa nhau?
Giáo viên chủ nhiệm và những người bạn lần lượt bước tới ôm Thanh Hoài, ai cũng thút thít chỉ có anh từ đầu đến cuối vẫn không biểu lộ cảm xúc gì nhưng mắt anh đỏ hoe. Tiếng còi tàu như thúc giục hành khách mau chuẩn bị để bước lên. Sân ga ngập tràn những cảnh tượng đau lòng có cả những niềm vui hạnh phúc. Tôi lặng yên nhìn cuộc chia ly diễn ra, lòng quặn thắt.
Không ai có phép màu để thời gian quay ngược trở lại. Tôi với anh rồi đây sẽ đi trên hai con đường khác nhau. Có lưu luyến nhưng biết làm sao, tôi đứng ở nơi này vẫy tay chào tạm biệt, đến cuối cùng vẫn không thắng nổi thời gian.
Dù nhớ thương cách mấy, tôi vẫn phải đối mặt với những ngày tháng sắp tới. Tôi đứng trước cổng, nhìn ngôi trường cấp ba mà mình đã nỗ lực rất nhiều mới có thể vào được. Cứ tưởng được học chung trường với anh, đến cuối cùng chỉ đành ngậm ngùi nhìn anh ra đi. Với bản tính nhút nhát, tôi sống khép kín và quay trở lại là con người tôi của lúc xưa, của những ngày mà tôi chưa quen biết Thanh Hoài. Chui rúc trong chiếc vỏ ốc cô đơn, một mình gặm nhắm nỗi buồn, không nói chuyện với ai cả. May mà có Vũ Ân động viên, tôi vực dậy tinh thần. Lúc này tôi mới sực nhớ đến sự tồn tại của Vũ Ân. Nhưng có Vũ Ân thì làm sao, người tôi cần là Thanh Hoài cơ mà.
Đời người có hợp tan, quen lạ. Tôi phải tập quen dần với việc vắng bóng Thanh Hoài. Hoa vẫn nở khi xuân về, lá vẫn rụng khi thu sang và không có anh, tôi vẫn sẽ phải đi qua tuổi trẻ này một cách hiên ngang như anh đã từng. Tôi biết không ai đủ mạnh mẽ cho một cuộc chia ly nhưng con đường nào cũng có lối rẽ, hy vọng ở cuối ngã rẽ chúng tôi sẽ gặp lại nhau trong dáng vẻ tuyệt vời nhất.
Tôi tin rằng ở trên thành phố, Thanh Hoài cũng đang tất bật với việc hòa nhập với môi trường mới, bạn bè mới. Chẳng dám hy vọng gì nhiều, chỉ mong rằng ở nơi đô thành, anh sẽ luôn nhớ đến người bạn này – người đã cùng anh trải qua quãng thời thơ ấu êm đềm.
Hầu như tuần nào tôi cũng viết thư cho Thanh Hoài, kể cho anh nghe những chuyện xảy ra ở trường, ở khu phố, về những cuốn sách hay những bộ phim truyền hình mà tôi yêu thích. Tôi có nhiều điều muốn nói với anh nên lần nào viết thư cũng dày đặc cả bốn trang giấy.
Về phần Thanh Hoài, anh viết thư hồi âm đều đặn cho đến gần tháng mười hai, những lá thư thưa dần. Lá thư gần đây nhất anh viết lấp lửng rằng cuộc sống mới của anh ở trên thị thành không ổn lắm. Tôi đoán là anh khó thích nghi với cuộc sống mới. Rồi kể từ đó anh không còn viết thư cho tôi nữa mặc cho những lá thư của tôi vẫn gửi đi hằng tuần. Việc liên lạc qua thư bị gián đoạn khiến tôi âu lo.
Chiều chủ nhật tôi cùng Vũ Ân đi xuống bốt điện thoại ở trên con dốc gần nhà để gọi cho Thanh Hoài. Trong thư, anh có viết số điện thoại bàn nhà mình cho tôi. Đó là một buổi chiều rét căm căm. Phải đến hồi chuông thứ ba, Thanh Hoài mới bắt máy.
“Ai thế?”
“Là em đây, Thiên Lam.”
“Ừ!”
“Anh thế nào rồi, vẫn khỏe chứ?”
“Ừ!”
Tôi bàng hoàng nhận ra giọng nói của Thanh Hoài có phần khác lạ. Hầu hết anh đáp những câu hỏi của tôi bằng những câu như “Ừ”, “Thế à!”, “Vậy ư!” hoàn toàn không mấy hứng thú. Phải chăng có một sự việc nào đó khiến Thanh Hoài trở nên như thế. Tôi cố gặng hỏi, anh kể tóm tắt.
Khi tôi bước ra khỏi bốt điện thoại, Vũ Ân hỏi ngay, giọng sốt ruột. “Sao thế? Có chuyện gì rồi à? Thanh Hoài thế nào?”
Anh hỏi một tràng, tôi không đáp câu nào mà vào thẳng vấn đề chính. “Ba mẹ anh ấy cãi nhau, anh ấy chỉ nói có thế. Cô chú yêu thương nhau nhiều lắm nhưng nay họ cãi nhau kịch liệt, điều đó khiến anh Thanh Hoài thấy bất an.”
“Cậu ấy có nói lý do vì sao ba mẹ cậu ấy cãi nhau không?”
Chúng tôi vừa đi vừa nói về một người.
“Hình như là do công việc làm ăn của ba anh ấy gặp trục trặc thì phải. Anh ấy không nói nhiều, chỉ nói qua loa vậy thôi.”
“Chắc là cậu ấy không muốn em buồn phiền.” Vũ Ân nói thêm. “Không sao đâu. Mọi chuyện sẽ ổn thôi.”
Tôi nhìn Vũ Ân, gật đầu.
Ánh mặt trời chiều hắt bóng lên những nhánh cây, đong đưa nhảy múa. Tôi ngoái đầu lại phía sau con dốc, chợt hình ảnh Thanh Hoài ẩn hiện rồi trong phút chốc tan biến. Mọi nơi trong thị trấn này, từng ngõ hẻm, từng con đường tôi đi qua đều hằn in dấu vết của anh.