Tiếng Vĩ Cầm Trong Rừng Bạch Dương - Chương 1
Một phận người long đong đi lang thang tìm chốn tựa nương. Một hình bóng nhỏ bé cô độc giữa một đất nước mà ở đó sự phân hóa giàu nghèo và sự phân biệt giữa tầng lớp thượng lưu và hạ lưu có khoảng cách ngày càng dài thêm. Giữa thế giới mênh mông ấy lại chẳng có lấy một người thân, có lẽ những con người ấy là đáng thương nhất. Nhưng mà chuyện này dù sao cũng chỉ là hồi ký của một trang cuộc đời, nó cơ bản không hề ảnh hưởng đến vận mệnh sau này của mỗi người.
Đây chỉ là lời dẫn nhập của một câu chuyện dài. Nội dung đó viết về một cuộc hành trình tìm về quá khứ nhưng lại có thể ảnh hưởng đến tương lai của không chỉ một người. Và hẳn là thế, vòng quay định mệnh vẫn không ngừng chuyển động dù cho ai đó có vì nó mà bất chấp để thời gian có thể quay trở lại. Một ngày đột nhiên ta nhìn lại thì nó đã tan thành khói sương mất rồi.
***
Buổi sáng với bầu không khí trong lành và ấm áp, có một chú chim chích chòe hót vang đậu trên mái ngói của một tòa dinh thự rộng lớn. Chú ta có màu nâu đen và cái mình nhỏ xíu như một cục bông gòn bỗng chốc nổi bật hẳn trên nền mái ngói đỏ tươi. Chú chim nhỏ dạo này có vẻ thích đến đây, có lẽ vì sự giàu có và xa hoa ở đây làm chú ta vô cùng thích thú.
Tòa dinh thự danh giá này là của một quý tộc Nga. Một nơi xa hoa mang dáng dấp cổ kính của một đế chế lừng lẫy một thời. Nơi vùng quê thanh bình yên ả nằm trong địa phận ở tỉnh Amur này, được trị vì bởi một vị hầu tước tên Andrei. Hiện tại tuy chế độ quân chủ đã ít nhiều suy yếu nhưng nó vẫn còn tồn tại và có sự ảnh hưởng nhất định. Những vùng đất vẫn còn được các lãnh chúa chia nhau để cai trị chính là một minh chứng cho một thời huy hoàng dẫu nó bây giờ không còn ở thời kỳ đỉnh cao như quá khứ nữa.
Một gia tộc cao quý đã tồn tại từ lâu đời bởi sự giàu có và mối quan hệ thân mật với Nga hoàng. Cuối thế kỉ XIX – thời điểm có nhiều biến động chứng kiến những đổi thay của thời cuộc, gia tộc của hầu tước Andrei vẫn giữ vững được địa vị tôn quý của mình với những vùng đất rộng lớn mà tổ tiên họ đã sở hữu hàng mấy trăm năm, sau đó để lại cho con cháu kế thừa để tiếp tục cai quản và cũng là để đảm bảo sự vinh quang của gia tộc lớn có truyền thống lâu đời.
Có câu “Đất lành chim đậu”, chính là chỉ nơi này. Chú chim nhỏ mãi hót véo von sau đó lại chuyền cành qua lại giữa những cây thông. Cho đến khi phát hiện ra một bóng người nhỏ bé lạ mặt đến trước cổng dinh thự thì chú ta mới dừng lại, cất tiếng kêu “chíp chíp” đầy tò mò với vị khách lạ.
Đó là một cô gái nhỏ nhắn với một bộ quần áo rách rưới và bẩn thỉu. Cô có mái tóc xoăn cùng khuôn mặt tái mét hốc hác, nhìn cứ như một kẻ ăn xin trên phố vậy. Bàn tay của cô gái nhỏ nắm chặt một tờ giấy đã nhàu nát. Những dòng chữ nguệch ngoạc trên đó khiến cô chần chừ, nhưng mắt vẫn chăm chú nhìn vào tòa dinh thự phía sau cổng lớn này.
Đôi mắt của cô bé khép hờ trước ánh nắng chói chang có phần gay gắt, trên khóe mắt còn vương những bợn nhỏ như ghèn và tròng mắt đỏ chứng tỏ đã nhiều đêm không ngủ. Cẩn thận dò đi dò lại từng chữ trên tờ giấy cũ kỹ, cô gái nhỏ hít một hơi để xua tan đi nỗi lo lắng và sợ hãi đang ngự trị.
Sau giây phút bối rối ban đầu và có xen lẫn với sự hoang mang, cô gái nhỏ tên Anna có chút do dự nhưng sau đó cũng lấy hết can đảm giơ tay đập vào nắm cửa được khảm bằng đồng.
“Cạch… Cạch.” Âm thanh của tiếng kim loại va vào nhau vang lên nặng nề.
Chừng năm phút sau, một người đàn ông xuất hiện, hé cánh cửa nhìn ra bên ngoài.
“Ai đó?” Ông ta lớn tiếng hỏi.
Anna đến trước mặt ông cung kính hỏi bằng tiếng Nga không thuần thục: “Thưa bác, cho cháu hỏi đây có phải là nhà của hầu tước Andrei không ạ?”
Người đàn ông ấy là quản gia của dinh thự này, tên là Calin. Ông ta chăm chú nhìn Anna từ đầu đến chân, nhíu mày một cái trước dáng vẻ nghèo hèn và quê mùa đó như nhìn thấy một thứ rác rưởi.
“Đúng thì đã sao cô nhóc. Mày đến đây làm gì?” Giọng của ông ta tỏ vẻ khinh thường chứng tỏ ông ta không hề coi trọng vị khách không mời mà đến này.
Cô gái nhỏ lễ phép cúi đầu.
“Thưa bác, cháu tên Anna, đến từ một thành phố nhỏ thuộc vùng Khabarovsk. Cháu có việc muốn gặp trực tiếp ngài hầu tước Andrei. Xin làm phiền bác chuyển lời giúp ạ.”
Tên quản gia Calin nghe tới đây sắc mặt từ khinh bỉ chuyển sang châm biếm, ông ta liền nhếch mép cười.
“Cỡ như mày mà cũng đòi gặp hầu tước à. Tao nói cho mày biết, ở đây là dinh thự của tầng lớp quý tộc, loại người rẻ mạt như mày không có cửa đặt chân vào đâu chứ nói chi đến gặp mặt hầu tước. Mày về đi!”
Đoán chắc ông ta sẽ không đồng ý ngay lập tức nên Anna định lên tiếng nói thêm điều gì đó nhưng đã không kịp, ông ta đột ngột đóng cửa một cái thật mạnh trước mặt Anna mà không cho cô bé thêm cơ hội nói được lời thứ hai. Bước đầu tiên có vẻ không được thuận lợi. Tuy nhiên, Anna vẫn nán lại ngồi co ro trước cổng dinh thự không chịu rời đi.
Một tiếng rồi hai tiếng đồng hồ đã qua, cô gái nhỏ vẫn kiên nhẫn ngồi ở đấy cho dù mặt trời đã ngày càng lên cao. Nắng nóng liên tục chiếu vào làn da vốn đã đen sạm, bụng của Anna thì lại liên tục sôi lên. Đã hai ngày rồi cô không có gì vào bụng. Một kẻ nghèo đã dùng những đồng bạc cuối cùng cho chuyến tàu lửa đến vùng Amur này thì còn tiền đâu mà ăn với uống. Nhưng cô gái nhỏ vẫn kiên nhẫn đến lạ cứ như chuyện này vẫn thường xảy ra trong cuộc sống của cô vậy.
Một chú chim nhỏ sà xuống, đáp trên bờ vai gầy gò của Anna làm cô bé giật mình. Chú đã quan sát vị khách kì lạ này từ lâu, dáng vẻ khốn khổ của cô có lẽ đã khiến chú không kìm được mà đến gần. Sau giây phút ngạc nhiên, Anna bỗng nở một nụ cười vui vẻ như ánh nắng buổi sớm mai. Trên bờ môi khô rạn nứt ấy khẽ mấp máy, hình như cô bé kia nói gì đó với con chim, thứ ngôn ngữ của loài người này chú không tài nào hiểu được.
“Mày từ đâu đến thế? Trông bộ lông mày thật đẹp. Tao chưa từng thấy qua bao giờ cả.”
Anna thủ thỉ với chú chim nhỏ trên vai, cũng là người bạn tạm thời của cô trong lúc này. Nó có vẻ thích Anna nên liên tục dùng chiếc mỏ cạ vào bờ vai nhỏ.
Đoán chích chòe đang kiếm mồi cho bữa ăn sáng, Anna lắc đầu khổ sở:
“Chịu thôi, ngay cả trên người tao cũng không còn gì để mà ăn, làm sao cho mày được.” Anna nói với vẻ chán nản.
Đột nhiên, trong đầu cô bé liền nghĩ đến đến viễn cảnh tồi tệ rằng có thể mình sẽ chết đói, chết khát ở đây mà không có ai hay biết. Hoặc là họ sẽ vứt cô ra một bãi tha ma nào đó mặc cho bọn chim diều hâu và quạ xẻ thịt. Mới nghĩ đến thôi mà Anna đã muốn rùng mình.
“Ríu rít… ríu rít…” Anna giả giọng bắt chước tiếng chim hót, cô muốn tìm chút niềm vui để quên đi những nỗi sợ vừa thoáng qua, và cả cơn đói khát đang kêu gào nữa. Nhưng cô bé không biết phía sau ô cửa sổ trên đầu, Calin vẫn đang quan sát mọi việc bởi Anna vẫn ở lì trước cổng chưa đi. Sự cứng đầu của cô đã khiến ông tức tối. Vẻ nghèo khổ rách rưới, bẩn thỉu của cô hoàn toàn không phù hợp với nét xa hoa diễm lệ của tòa dinh thự này.
Calin ngẫm nghĩ giây lát để tìm cách làm sao đuổi kẻ mà ông ta cho rằng xúi quẩy đó đi. Ông ta không phải là kiểu quản gia tận tụy với công việc. Bản thân ông ta chỉ lo sợ sẽ bị hầu tước và phu nhân khiển trách vì chỉ có mỗi một việc cỏn con như vậy mà làm không xong. Lo sợ cô gái nhỏ này sẽ đem lại phiền phức không đáng có cho mình, trong đầu Calin suy đi tính lại tìm cách đuổi Anna đi.
Đúng lúc này, một người giúp việc gần đó đang cầm cây chổi quét tước trong sân. Nháy mắt một cái, ông ta lấy tay ngoắc ra hiệu bảo người đó đi theo mình.
Khi Anna đang mải mê nói chuyện với chú chim trong thời gian chờ đợi thì cánh cửa cồng kềnh và đồ sộ lại mở ra. Lần này có vẻ như Calin muốn dùng biện pháp mạnh hơn.
“Sao mày còn chưa đi? Định nằm vạ ở đây à?”
Nói rồi ông ta thẳng tay ném mạnh cán chổi. Lực tay mạnh mẽ khiến cái chổi trúng vào đầu Anna, cái đầu nhỏ xíu liền nghiêng hẳn một bên, tóc tai vốn đã bù xù nay lại càng rối tung như tổ quạ. Khuôn mặt của cô gái nhỏ hằn lên sự sợ hãi. Cú ném khiến Anna choáng váng, cộng với cơn đói đã hành hạ nhiều ngày khiến mắt cô như hoa lên. Nhưng trong lòng của cô có một niềm tin mãnh liệt mách bảo mình không được từ bỏ, Anna lấy hết can đảm vẫn mở miệng cầu xin.
“Xin bác hãy cho cháu gặp mặt ngài hầu tước một lần! Chỉ một lần thôi.”
Lão già Calin nghe vậy liền rít lên trong kẽ răng.
“Mày đúng là phiền phức mà. Tao nói rồi, hầu tước không phải là người mày muốn gặp là gặp được. Một con bé nghèo xơ nghèo xác lại xấu mõm còn không bằng một con chó trong dinh thự.”
Nói rồi lão ta liền phun một bãi nước bọt vào người của Anna. Trên khuôn mặt của cô bé liền có cảm giác lạnh lạnh xen lẫn mùi tanh. Bóng dáng nhỏ nhoi ấy đón nhận sự rủa xả và khinh bỉ bằng một thái độ bình thản vô cùng mặc dù trong lòng của cô vẫn còn sợ hãi. Ở cái xã hội coi trọng người giàu mà xem thường dân lao động nghèo, những chuyện thế này cũng coi như bình thường. Anna biết bản thân mình là một phận người nhỏ nhoi và rẻ mạt như một tấm giẻ rách, nhưng dù sao cô cũng là con người mà lão ta cũng là một con người, do cái tâm phân biệt mà tạo nên những cung cách đối xử khác nhau.
Biết việc thuyết phục lão ta vốn là không dễ dàng gì, Anna vội lấy ở trong cổ ra một sợi dây đeo, động tác vội vàng như sợ cánh cửa trước mắt sẽ sớm đóng sầm lại. Trên sợi dây đeo ấy có một miếng ngọc bích màu trắng hình chiếc đồng xu tròn đều.
“Nếu như ông đồng ý cho tôi gặp hầu tước một lần thì món đồ này sẽ là của ông.”
Lời hứa hẹn của Anna khiến ông ta có hơi thích thú, hai mắt sáng rực lên. Tuy vậy, quản gia Calin vẫn tỏ ra thận trọng.
“Làm sao tao biết thứ đá vụn này là đồ quý giá thật?”
Lão vốn cho rằng, một món đồ như thế ở trên người một đứa nghèo hèn thì cũng chỉ như món đồ chơi trẻ nít mà thôi.
Mặc dù là nói thế nhưng cặp mắt lão quản gia liên tục dán vào miếng ngọc bích ấy. Anna thở dài một hơi. Nếu như ngày hôm nay bản thân không hoàn thành nhiệm vụ thì công sức cực khổ từ trước đến nay coi như đổ sông đổ biển hết.
Vì không cam tâm như thế nên Anna cầm miếng ngọc bích đưa hẳn cho lão ta.
“Đây, ông cầm lấy mà xem đi. Đồ thật thì không ngại thử đâu.”
“Mày cũng khá lanh lợi và lẻo mép đấy, nhóc con.”
Quản gia Calin cầm lấy nhưng chưa xem vội, ông ta lấy trong túi quần ra một cặp kính rồi đeo nó lên. Dưới sự quan sát của ông ta, miếng ngọc bích sáng lên trong ánh nắng mặt trời buổi sáng. Nhưng ông ta vốn dĩ là một kẻ kém hiểu biết, dù có xem xét đã đời tên quản gia cũng không biết món đồ này có phải là hàng thật hay không. Mặc dù vậy nhưng lúc nào ông ta cũng tỏ ra là một người có học vấn uyên bác. Bản tánh tham lam khiến ông ta không muốn bỏ lỡ một món đồ như vậy vì lỡ như nó quý giá thật thì cũng đáng tiếc.
“Nhìn chất liệu thì cũng được đấy. Chỉ có điều là không phải là hàng quý hiếm gì. Thôi được rồi, coi như tao chịu thiệt vậy. Mày ở đây đợi một lát. Tao chỉ hứa sẽ chuyển lời giúp mày. Hầu tước có muốn gặp mày không là chuyện khác nữa. Nếu như ông ấy không đồng ý thì tao cũng hết cách.”
Nói rồi tên quản gia liếc xéo Anna một cái rồi đi vào trong, không quên mang theo miếng ngọc bích của cô bé giữ làm của riêng. Buổi sáng mùa thu nhưng ánh nắng lại khá gay gắt khiến người của cô bé nóng bừng cả lên. Tròng mắt đỏ hoe như sắp khóc. Chẳng những thế lại xuất hiện từng đợt gió nóng thổi qua. Anna chỉ mặc độc một cái áo mỏng manh rách nát, khi đứng trước gió như thể muốn vỡ tan trong bầu không khí ấy.
Cô bé lặng lẽ ngồi xuống trước cổng. Trong lòng cầu mong cho hầu tước sẽ đồng ý gặp mặt mình. Xung quanh thỉnh thoảng có những người nông phu qua lại. Chốc lát lại có người nhìn vào Anna như thể một sinh vật lạ. Bởi vì từ trước đến nay không có một kẻ nghèo hèn nào dám xuất hiện trước cổng dinh thự của hầu tước trong thời gian lâu như vậy.
Thời gian trôi đi chỉ trong vòng mấy mươi phút ngắn ngủi, nhưng Anna lại ngỡ như sắp hết một ngày dài. Trong nỗ lực kiên nhẫn chờ người đồng ý gặp mình, cuối cùng cánh cửa lớn đã mở ra lần nữa. Lần này quản gia Calin gật gù nói: “Hầu tước đồng ý gặp mày rồi. Nhưng nên nhớ không được giở trò nghe chưa.”
Anna gật đầu vui mừng rồi đi theo lão ta. Khi bước vào trong cô gái nhỏ mới có dịp quan sát kỹ tòa dinh thự này. Sự nguy nga và rộng lớn xen lẫn với cảm giác cổ kính trang nghiêm, đó là những gì mà Anna cảm nhận được khi chiêm ngưỡng một nơi cứ ngỡ chỉ có trong mơ mới được nhìn thấy.
Tòa nhà được sơn màu trắng, trên mái nhà có kiến trúc hình tháp tròn. Giữa tòa dinh thự có đặt một chiếc đồng hồ quả lắc to. Xung quanh là những cây cổ thụ lớn và vườn hoa xinh đẹp, Anna chẳng biết chúng là loại cây hoa gì, nhưng chắc là vô cùng quý hiếm. Ở giữa khoảng sân là những bức tượng điêu khắc được chạm trổ công phu mang đầy nét nghệ thuật Châu Âu cổ xưa. Một hòn non bộ với hình hang động và núi đá cùng thác nước nhỏ tạo nên bức tranh tuyệt mỹ làm Anna cứ ngỡ như lạc vào thế giới cổ tích thần bí.
“Nhìn gì mà nhìn. Đi nhanh lên.” Tiếng quản gia Calin thúc giục, kéo Anna trở lại thực tại.
Anna bừng tỉnh bởi âm thanh hằn học của người đàn ông, liền lẽo đẽo theo sau lão ta không dám nhìn ngó nghiêng nữa. Sau khi đặt chân lên nền gạch bóng loáng, cô gái nhỏ phải đi thêm một đoạn đường của một dãy hành lang dài. Phòng của hầu tước nằm khuất bên trong sau tầng tầng lớp các ngõ ngách. Nơi đây muốn đi hết chắc phải đi cả một ngày dài.
Cánh cửa bằng gỗ dày mở ra một khung cảnh xa hoa tráng lệ. Những bộ bàn ghế gỗ bóng loáng, những tấm rèm cửa hoa văn đủ màu sắc. Một người đàn ông cao lớn ngồi chễm chệ trên chiếc ghế dài, trên người mặc bộ âu phục màu nâu đất trông vô cùng sang trọng và lịch thiệp thể hiện đúng vị thế của một hầu tước và người chủ nhân của dinh thự rộng lớn này. Mắt ông ấy chăm chú nhìn Anna từ đầu đến chân như dò xét. Nhưng sự dò xét ấy là một sự trông đợi vào một việc gì đó, khác hoàn toàn với sự dò xét xen lẫn thái độ coi thường của tên quản gia.
“Thưa hầu tước, con bé ấy đã đến rồi.” Quản gia Calin cúi đầu nói.
Hầu tước trầm ngâm một lát rồi nói: “Cô bé nói đi. Muốn gặp ta có chuyện gì? Tại sao một đứa bé như cháu lại có miếng ngọc này?”
Trên tay của hầu tước Andrei cầm miếng ngọc bích lúc nãy Anna đã tặng nó cho gã quản gia. Có lẽ vì nó mà hầu tước mới đồng ý gặp cô. Anna cúi đầu lễ phép.
“Thưa hầu tước, cháu là một đứa trẻ đến từ đất nước có hình chữ S xa xôi. Mẹ của cháu đã cho cháu miếng ngọc bích này và có cả một bức thư nữa.”
“Bức thư nào? Đưa ta xem.” Giọng của hầu tước Andrei có vẻ gấp gáp.
Ngay lập tức Anna lấy trong thắt lưng ra một bức thư đã ố vàng cũ kỹ. Hai tay cô bé lễ phép dâng lên cho hầu tước Andrei. Ông thản nhiên cầm lấy, nhưng trong lòng đã có chút tò mò xen lẫn với sự trông đợi.
Sau khi cẩn thận xé bức thư và đọc những dòng chữ đầu tiên, khuôn mặt của hầu tước Andrei mang theo sự ngạc nhiên không nói nên lời. Trong giây phút đó, không khí xung quanh dường như cũng ngưng đọng theo. Những nếp nhăn trên khuôn mặt càng nhíu lại khiến ông có vẻ càng già thêm. Một nỗi mất mát hiện ra trong ánh mắt người đàn ông cao quý ấy. Bàn tay ngài run rẩy cầm lá thư với vẻ mặt xúc động như sắp khóc.
Quản gia Calin bên cạnh cũng rất tò mò nhưng tuyệt nhiên không dám hó hé gì cả. Lão ta chỉ chăm chú nhìn hầu tước Andrei rồi đến Anna.
“Mẹ của cháu bây giờ ra sao rồi?” Hầu tước đột nhiên hỏi Anna với giọng nói nghẹn ngào.
Cô bé hơi ngạc nhiên khi bỗng dưng lại có người nhắc đến mẹ của mình, nhưng cô vẫn lễ phép trả lời, giọng nói có chút buồn bã: “Mẹ cháu đã mất một năm nay do bom đạn chiến tranh rồi.”
“Cạch.” Miếng ngọc bích mà hầu tước nãy giờ cầm trên tay đột nhiên rơi xuống. Trong đôi mắt ông có một niềm đau đớn dữ dội khiến nét mặt lại càng già nua thêm.
“Thưa hầu tước, ngài làm sao vậy ạ?” Quản gia Calin tò mò hỏi.
Anna thấy khuôn mặt của vị quý tộc này trở nên tái mét thì có chút lo lắng. Hầu tước Andrei dừng lại một chút, có vẻ như ông đang cố trấn tĩnh lại bản thân. Một lúc sau, ông đứng dậy rồi đi đến chỗ Anna mà không đoái hoài gì đến câu hỏi của quản gia Calin. Ông đưa tay đỡ cô bé dậy rồi cẩn thận quan sát cô gái nhỏ từ đầu đến chân, giống như những gì Calin đã làm lúc nãy với cô, chỉ khác ở chỗ ánh mắt của hầu tước lại dịu dàng hơn nhiều.
“Cháu năm nay đã bao nhiêu tuổi rồi?
Anna nghe liền cảm thấy cũng giống như những câu hỏi quen thuộc của bất kỳ cuộc gặp gỡ nào, nên cô bé không lấy làm ngạc nhiên mà vô tư đáp lời: “Cháu đã mười tuổi rồi. Mẹ nói cháu sinh vào tháng năm.”
“Cháu nói gì? Tháng năm sao?” Hầu tước không còn bình tĩnh nữa liền đặt hai tay lên vai cô bé .
Ngay trong giây phút ấy, Anna thấy rõ khóe mắt của người đàn ông trung niên ươn ướt. Nhưng lực tay có vẻ hơi nặng nên Anna cảm nhận bờ vai mình có hơi đau làm cô có chút hoảng sợ.
“Vâng… vâng ạ!” Giọng của Anna lắp bắp. Cô không biết mình có nói sai chuyện gì hay không, vì hầu tước có biểu hiện rất lạ.
Thấy cô bé có vẻ sợ hãi, hầu tước Andrei mới buông hai bàn tay ra và cúi xuống nhặt miếng ngọc bích ông làm rơi lúc nãy. Miếng ngọc mà cô đã đưa nó cho Calin để đổi lấy một lần được gặp hầu tước.
“Cái này là của mẹ cháu đúng không?” Hầu tước ân cần hỏi.
Anna hết nhìn miếng ngọc lại nhìn sang tên quản gia thấy ông ta cũng ngước nhìn mình với đôi mắt lấm lét, rõ ràng là ông ta vô cùng tiếc nuối khi lại bị để mất miếng ngọc đó. Nếu như không phải lúc vào bẩm báo và rót trà cho hầu tước đã sơ ý làm rơi để ngài phát hiện, chắc giờ này nó đã là vật sở hữu của ông ta rồi.
Thấy thái độ của Anna có vẻ sợ hãi tên quản gia. Hầu tước mỉm cười nói:
“Cháu không cần phải sợ hãi. Cứ nói đúng sự thật là được.”
“Vâng ạ!” Anna gật đầu lễ phép.
Lúc này khuôn mặt của người đàn ông quý tộc này mới thả lỏng đôi chút. Ông nói:
“Đây là kỷ vật của mẹ cháu để lại, lần sau đừng làm mất và đừng dễ dàng tặng cho một ai khác. Cháu luôn đeo nó ở cổ đúng không? Vậy thì đừng rời nó nữa. Nó rất quan trọng đấy, không hẳn là quý giá mà còn chứa đựng những kỷ niệm không dễ gì có được.”
Mặc dù Anna không hiểu lắm những gì mà hầu tước nói, nhưng cô gái nhỏ vẫn vui vẻ cầm lấy rồi lại đeo lên cổ của mình trước ánh mắt săm soi và tham lam của tên quản gia.
“Vậy bây giờ tôi sẽ đưa con nhóc này ra ngoài để ngài nghỉ ngơi chứ nhỉ? Thưa hầu tước.” Quản gia Calin bên cạnh tức tối muốn tống cổ Anna ra khỏi đây ngay lập tức.
Hầu tước Andrei nghe vậy liền lắc đầu xua tay ý bảo ông ta nên ngậm miệng lại, rồi ngài quay sang Anna ân cần.
“Cháu có nhà ở đất nước Nga này không?”
“Dạ không ạ. Lúc trước cháu sống trong khu ổ chuột cùng với những người nhập cư khác. Sau đó thì để dành tiền mua vé tàu đến đây.”
Ngẫm nghĩ một lát, người đàn ông ấy lại nói.
“Thôi được rồi, kể từ bây giờ cháu có thể ở lại đây với tư cách người hầu. Ta sẽ cho cháu thức ăn, áo mặc và chỗ nương thân. Cháu chỉ cần chăm chỉ làm thật tốt mọi chuyện.”
Nghe đến đây, Anna mừng rỡ: “Cháu có thể được ở lại đây ạ?”
“Đúng vậy. Cháu không nghe lầm.” Hầu tước khẳng định.
“Thưa hầu tước, ngài không thể thu nhận một con bé không rõ lai lịch như vậy được.” Gã quản gia lên giọng muốn ngăn cản.
Tuy nhiên, dường như ông ta đã quên đi thân phận của mình.
“Từ khi nào mà quyền quyết định trong gia tộc này lại trao cho ông vậy? Ta đã quyết định rồi, không ai được quyền ý kiến. Quản gia Calin, ta ra lệnh cho ông sắp xếp chỗ ở cho Anna và cung cấp những đồ dùng cần thiết cho con bé như quần áo, chỗ ngủ,… Hãy nhớ không được bạt đãi cô bé.”
Những lời của hầu tước Andrei làm lão ta tái mặt, không còn cách nào khác ông ta đành phải làm theo lệnh.
“Vâng ạ, ngài yên tâm.” Nói rồi ông ta ngoắc tay ra hiệu bảo Anna đi theo mình, ánh mắt đầy sự giận dữ trút hết lên người cô gái nhỏ – bây giờ đã là người hầu tại tòa dinh thự của hầu tước Andrei.
Anna cúi đầu nghe theo và lập tức đi theo tên quản gia, nhưng ngay lúc đó hầu tước dường như nhớ ra chuyện gì đó liền gọi lại:
“Calin, chuyện xảy ra ngày hôm nay không được nói bất kỳ ai, kể cả phu nhân Mary, nghe rõ chưa?”
“Vậy tôi phải giải thích như thế nào về sự xuất hiện của con bé này thưa hầu tước?” Calin cúi đầu với ánh mắt khó hiểu.
Hầu tước Andrei suy nghĩ một lát rồi nói: “Ông không cần nói nhiều, chỉ cần nói là một người hầu ta mới nhận vào làm là được rồi.”
“Vâng thưa ngài.” Nói rồi Calin quay đi dẫn theo Anna ra ngoài. Người đàn ông trung niên cao quý ấy vẫn không ngừng dõi mắt theo Anna cho đến khi hình bóng nhỏ bé và đơn độc ấy mất hút sau tầng tầng lớp lớp của những bức tường trắng toát và lạnh lẽo.