Thề Ước Đỗ Quyên - Chương 3
Tờ mờ sáng, khi ta đang tọa thiền lơ lửng giữa không trung bỗng ba tiếng chuông lại vang lên làm ta rơi bịch xuống đất. Được rồi, ta thừa nhận là chỉ ngủ quên một chút, có cần phải đánh thức rộn ràng như vậy không! Nhà sư trẻ sau khi thúc ba hồi chuông lại nhanh nhẹn tiến vào miếu và quỳ ngay ngắn trước điện thờ. Khuôn mặt trông có vẻ tươi tỉnh hơn, hẳn là sáng sớm đã ra suối rửa mặt. Ta liếc lên điện thờ, ba chiếc bánh bao vẫn còn nguyên, nến và cây hương trầm đã cháy hết. Bánh bao của nàng Minh Sương làm cho ta có nhân dâu rừng và hoa đào khô, ta đã làm phép cho nó lúc nào cũng nóng hổi và tỏa ra mùi thơm ngào ngạt. Nhà sư trẻ đã mấy ngày không được ăn uống tử tế, vẫn có thể giữ vững tinh thần đếm tràng hạt, tụng kinh, quả là đáng khen. Nhìn kỹ khí chất cũng không tệ, chắc hẳn có xuất thân không tầm thường. Ta bó gối ngồi bên cạnh các tượng Phật, suy nghĩ cách xuất hiện sao cho oai hùng một chút, nhưng đừng đến mức làm cho chàng trai trẻ kia kinh hồn bạt vía là được. Suy đi tính lại thấy không cần thiết phải làm to chuyện, ta mới quyết định sửa sang lại quần áo, tay phải chụm lại để dọc trước ngực, tay trái để ngang dưới bụng, hiện thân rồi lướt ra từ sau một bức tượng, lên tiếng:
– Người quỳ ở dưới mời xưng tên!
Lúc này giọng nói đã được ta khuếch đại gấp năm lần nên vang vọng khắp ngôi miếu. Nhà sư trẻ sau một chút giật mình, ánh mắt trở nên sáng rỡ, không dám nhìn thẳng vào ta, vái ba vái sau đó dõng dạc nói:
– Đệ tử tên Ngô Chân Lưu, tên thật là Ngô Xương Tỷ, quê ở thôn Cát Lợi, huyện Thường Lạc, đang thọ giới Cụ túc với thiền sư Vân Phong tại chùa Khai Quốc.
Ta bấm đốt ngón tay, mặc dù môn xem tướng là môn ta kém nhất nhưng bấm một hồi cũng lờ mờ đoán ra một số chi tiết quan trọng. Quả nhiên là con cháu thuộc dòng dõi đế vương.
– Ngươi đã tìm lên đến ngôi miếu này, chắc cũng đã rõ quy tắc. Ngươi được hỏi ba câu hỏi và được thực hiện một lời ước nguyện, hãy cân nhắc cho kỹ lưỡng.
– Đệ tử đã rõ!
Nói năng rất rõ ràng, quả quyết, sau đó là một chuỗi trầm mặc. Chờ một lúc ta lại lên tiếng:
– Ngươi có thể hỏi câu thứ nhất.
– Dạ! Bẩm chư vị thần tiên, đệ tử vốn theo học đạo Nho từ nhỏ, thời gian gần đây mới quy y cửa Phật và đọc sách thánh hiền. Trong sách Phật, có nhiều điều khai sáng cho chúng sinh, có những điều con đã đọc nhưng không thể hiểu hết được ý dạy của các ngài. Hôm nay con có thể hỏi những điều đó không ạ?
– Phật pháp vô biên, những điều Phật tổ đã truyền dạy không thể nói bằng lời ngày một ngày hai là có thể hiểu hết được. Muốn nắm rõ thì chỉ có thể dùng cả đời người để tiếp thu, dùng đôi mắt để nhìn thấu, dùng đôi tai để lắng nghe, dùng con tim để cảm nhận. Lúc đã hiểu thấu được nhân gian thì mới thấm được những bài dạy của Ngài.
– Đệ tử đã rõ, tạ ơn thần tiên chỉ giáo!
Ta rất hài lòng với câu trả lời của mình, im lặng gật gù thiếu điều lấy tay vuốt vuốt râu. Trước khi hỏi câu thứ hai, Ngô Chân Lưu kể cho ta nghe chuyện chính sự dưới nhân gian.
Tiền Ngô Vương sau khi lập nhiều chiến công hiển hách, trị vì được sáu năm thì bị bệnh nặng, trước khi băng hà truyền chỉ cho em trai hoàng hậu nhà họ Dương phò tá cho người con trai trưởng là Ngô Xương Ngập thừa kế ngôi vua. Ngô Xương Ngập vốn không phải con của hoàng hậu Dương Hậu, họ Dương kia không nghe, tranh ngôi của cháu, tự lập mình làm vua, chính là Dương Bình Vương đang trị vì thời bấy giờ. Một mặt Dương Bình Vương sai quân lùng bắt Ngô Xương Ngập rất gắt gao, mặt khác lại nhận em trai cùng cha khác mẹ của Ngô Xương Ngập tên là Ngô Xương Văn làm con nuôi.
– Đó chính là chuyện mà đệ tử suy nghĩ mãi vẫn không nghĩ ra được là đúng hay là sai. Một bên là vì máu mủ ruột rà mà giành lấy vinh hoa cho cháu ruột của mình, theo lời Phật dạy là trọn nghĩa tình thân. Một bên lại coi thường ý chỉ của nhà vua, không những phản nghịch truất ngôi con trưởng mà còn lùng bắt giết bằng được. Xét về tình thân ruột thịt là làm đúng, nhưng xét về đạo lý bề tôi là sai. Vậy xin người chỉ dạy như thế là sai hay đúng?
– Ta cho ngươi hai câu:
“Người thật sự tu đạo thì không thấy lỗi thế gian.”
“Gieo nhân nào ắt gặp quả nấy.”
Ngô Chân Lưu nghe xong, cúi gập người xuống nền vái ba vái:
– Đệ tử ngu muội đã được thông suốt, tạ ơn thần tiên chỉ bảo!
Ta ban cho nhà sư một cái bánh bao ăn lót dạ, sau đó tọa thiền nghỉ ngơi, buổi chiều sẽ tiếp tục đàm đạo. Bánh bao của thần tiên chúng ta, người thường ăn vào sẽ tiếp thêm sinh lực, ba ngày không bị đói. Đến chiều, Ngô Chân Lưu mặt mày sáng rỡ, tiếp tục nêu lên câu hỏi thứ ba:
– Bẩm Đại Tiên, một người bạn học của đệ tử tên là Trụ Trì nhờ hỏi một việc mà anh ta luôn canh cánh trong lòng. Người ta thường nói đời người là bể khổ, chúng sinh trong nhân gian trải qua mọi kiếp nạn cũng chỉ có mong muốn duy nhất là thoát tục thành tiên. Vậy làm thần tiên có thật sự sung sướng hơn làm người và vật hay không?
Thật là một câu hỏi hay, ta cũng chẳng dễ để trả lời được thỏa đáng.
– Đời người là một giấc mộng dài, tỉnh giấc là tỉnh mộng. Vậy nên, tất cả những hỷ nộ ái ố, tất cả những khổ đau cùng cực mà con người phải gánh chịu, chỉ cần kết thúc kiếp người ngắn ngủi đó là được giải thoát, lại an nhiên vui vẻ bước sang kiếp khác, tận hưởng những điều mới mẻ. Thần tiên chúng ta, mang tiếng là trường sinh bất lão, sống thọ với đất trời, chết là hoá thành tro tàn, hoà lẫn vào không gian thời gian. Chúng ta sinh ra đã được định sẵn sẽ sống một đời một kiếp như thế, những tai ương kiếp nạn phải chịu, nào có được giải thoát đâu. Vậy ta hỏi ngươi, làm con người sung sướng, hay làm thần tiên sung sướng?
Ngô Chân Lưu ngẫm nghĩ một lúc lại cúi người vái:
– Đệ tử đã rõ, tạ Đại Tiên chỉ giáo!
Cuối cùng là thực hiện một lời nguyện ước, nhà sư trẻ rơi vào thế trầm mặc, sau đó chậm rãi nói:
– Đệ tử đã suy nghĩ rất nhiều về điều này. Đệ tử thân là Phật tử, con cháu Phật tổ đại từ đại bi, không hám cao sang, không màng danh lợi. Nói về điều mong ước nhất chỉ là có thể hiểu thấu được lời Phật dạy, có thể đem kinh Phật truyền bá rộng khắp nơi. Những điều ấy đệ tử sẽ tự mình phấn đấu. Lời ước này, đệ tử xin phép được nhường cho cha của đệ tử, tên là Ngô Xương Ngập, hiện đang ở nhà hào trưởng Phạm Lệnh Công tại làng Trà Hương, Nam Sách. Mong chư vị thần tiên chấp thuận!
Ta mỉm cười hài lòng, chắc hẳn tương lai Ngô Chân Lưu sẽ làm được việc lớn.
– Chuẩn y!
Lời ta vừa buông ra, lập tức gọi một đám sương trắng bay vào miếu rồi hòa vào đó mà ẩn thân. Không quên để lại vài lời dặn dò:
– Ta ban cho ngươi hai chiếc bánh bao, dọc đường chắc sẽ có lúc dùng đến. Trên đường xuống núi nếu gặp ai đang lên miếu này thì dặn người đó cố gắng nhanh chân một chút, ta chỉ ngụ tại đây năm ngày nữa thôi. Về bản thân ngươi, nếu một lòng hướng về Phật pháp, rũ bỏ hoàn toàn ân oán của thế gian, sau này sẽ gặt hái được rất nhiều.
Ngô Chân Lưu tạ ơn, vái ba vái sau đó cất bánh bao vào tay nải của mình, lên đường xuống núi.
Năm ngày sau đó, ta đến là chết vì buồn chán. Sách thì đã đọc xong, hạt dẻ vừa ăn vừa thả cho lũ sóc ngoài rừng rồi cũng hết, ngắm hoa đỗ quyên nhiều cũng chẳng làm được bài thơ nào. Tọa thiền mãi vẫn thấy tim đau như cũ đâm chán nản. Ngồi buồn lại nghĩ linh tinh, về mọi người trong gia đình, về những kỷ niệm ngày bé.
Ngày ấy khi ta tròn mười ngàn tuổi, anh cả Quang Ly đã gần ba mươi ngàn xuân xanh, đang chu du khắp thế gian bỗng nhiên nổi hứng quay về. Ta thích nhất những ngày anh cả trở về, bởi chắc chắn anh sẽ nhớ mang quà cho ta. Có khi là loại bánh lạ anh nếm được trên đường; có khi là những vòng tay, trâm cài làm bằng nguyên liệu quý; có khi là những món đồ chơi dân dã của trẻ con dưới nhân gian mà thuở ấy ta bị mê mẩn. Anh Quang Ly về và mang cho ta một con cào cào bằng các loại lá đẹp đến mê hồn. Ta hứng chí chạy khắp núi Bạch Mộc Lương Tử tìm đủ các loại lá để về làm một con cào cào đẹp như vậy. Ta nhớ là ta đã chơi rất vui, nhưng không thể nhớ đã chơi như thế nào. Những ký ức thuở ấy luôn bị rời rạc, không rõ ràng liền mạch. Theo lời anh ba Nhật Ly thì năm mười lăm ngàn tuổi ta bị trúng kịch độc, sau đó ngủ mê man suốt năm ngàn năm, khi tỉnh dậy một mảng ký ức bị ảnh hưởng nên trở nên lẩn thẩn, chuyện nhớ chuyện quên.
Sáng sớm của ngày thứ tám, ta thu dọn tay nải để chuẩn bị về lại am Uyển, đang lúi húi làm phép niêm phong cửa miếu thì ba hồi chuông Đồng bỗng giòn giã vang lên.