Thề Ước Đỗ Quyên - Chương 2
Thấm thoắt cũng đã được năm ngàn năm xa nhà, chẳng ai thèm đến thăm ta lấy một lần. Mỗi buổi chiều rảnh rỗi ta lại leo lên chóp núi nhô cao này, nhìn về phía Bạch Mộc Lương Tử xa xa, nơi có gia đình ta mà chạnh lòng, không biết bao giờ mới được trở về.
– Tiểu Thiên, mau về am, thầy cho vời mọi người!
Uyển Minh Sương đứng dưới chân núi réo tên ta. Nàng là bạn thân nhất khi ta theo học ở đây, chính là học viên đi cửa sau còn lại, gốc vốn là một con chồn sương, bị mồ côi cha mẹ từ nhỏ, được sư phụ Uyển Như mang về nuôi. Sau khi thầy cảm thấy nàng ấy đã lĩnh hội đủ tinh hoa, thầy bỏ qua luôn các vòng thi bậc Sơ Tiên, Trung Tiên, Thượng Tiên, một bước cho nàng lên học cấp Đại. Một người là con ông cháu cha, một người là gia đình lo lót, hai chúng ta trở thành hai học viên bị tẩy chay ở đây, tự nhiên mà xích lại gần nhau.
– Được, ta về ngay!
Ta nuối tiếc ngoái nhìn một lần nữa về hướng núi Bạch Mộc rồi thoăn thoắt leo xuống, sánh bước cùng Minh Sương về am Uyển.
Về đến am, tám người kia đã tụ tập đông đủ trong phòng học. Thầy bước vào, bọn chúng ta hành lễ chào. Thầy gật đầu sau đó cho phép mọi người ngồi xuống bàn của mình. Thầy khoan thai bước lên chỗ sạp cao nhất. Mái tóc dài bay bay, trâm cài bằng vàng ánh lên lấp lánh, bộ váy màu vàng xanh đặc trưng. Thầy của ta là một nữ nhân đẹp, dĩ nhiên, nhưng ánh nhìn luôn nghiêm khắc và khuôn mặt lúc nào cũng vương vất nỗi buồn. Thầy đưa mắt nhìn một lượt sau đó cất cao giọng du dương như chim vành khuyên:
– Thấm thoắt ta và các con cũng đã gắn bó với nhau một thời gian dài. Cái gì cần chỉ dạy, ta đã cố gắng chỉ dạy hết. Cái gì cần lĩnh hội, tự các con cũng biết kết quả của bản thân mình. Ngày mai ta sẽ lên Thiên Đình, trình lên các vị Phật Tổ và Ngọc Hoàng việc tổ chức thi cấp Đại Tiên trong năm nay. Trong thời gian ta đi, các con ở nhà cứ làm những việc bình thường vẫn làm. Riêng Thiên Ly…
Thầy dừng lại một chút, nhìn về phía ta.
– Dạ! – Ta hướng mắt lên thầy, chờ đợi.
– Tối nay con về chuẩn bị, sáng mai qua chỗ miếu Đồng sớm một chút, mai là tiết sương giáng sau chín mươi năm. Năm nay đến lượt Thiên Ly trực miếu.
– Dạ, thầy!
Sư phụ căn dặn một chút công việc của từng người rồi chúng ta giải tán, ai về phòng người nấy.
Bạch Vân Sơn từ thời xưa đã nổi tiếng là vùng đất giao thoa giữa chúng sinh và thần tiên. Không biết tự bao giờ, dưới nhân gian có một truyền thuyết. Chín mươi năm một lần, vào tiết sương giáng, không phân biệt người hay vật, nếu có đủ khả năng và lòng kiên nhẫn vượt qua được quãng đường núi lên được miếu Đồng, gõ ba hồi vào chuông Đồng, khi đó sẽ vinh hạnh được gặp thần tiên. Lúc sư phụ ta chọn nơi này làm địa điểm tu hành, Ngọc Hoàng đã giao nhiệm vụ cho thầy phải cử người túc trực bảy ngày ở miếu Đồng vào đúng thời điểm đó.
Tiết sương giáng, là khoảnh khắc đổi thay rõ rệt nhất từ sự mát mẻ của mùa thu sang cái lạnh giá của mùa đông. Chín mươi năm một lần, vào tiết này, mười người đệ tử bọn ta sẽ thay phiên nhau trực ở miếu Đồng đúng bảy ngày. Năm nay đến phiên ta đi canh miếu. Khi ta đang lúi húi gói ghém một bộ quần áo và vài quyển sách vào tay nải, Minh Sương gõ cửa phòng, bước vào, sau đó dúi cho ta một túi đồ. Ta mở túi ra xem, ba cái bánh hoa đào, một gói hạt dẻ rừng vừa rang còn nóng hổi và một hồ lô nước đầy. Nàng nói:
– Ta bảo cái Đào làm từ lúc chiều, vừa đảo lại hạt dẻ cho nóng. Ngươi đi một tuần, ta không sợ ngươi bị đói, bị khát, chỉ sợ ngươi chết vì buồn chán thôi.
Ta cười tít mắt cảm ơn nàng ta. Ở chốn hoang vu này, cũng chỉ có nàng ấy là đối xử tốt và hiểu ta nhất.
Hôm sau trời vừa tờ mờ sáng, ta đã thức dậy, đeo tay nải trên vai, ghé qua vái một vái trước cửa phòng sư phụ sau đó vội vã lên đường xuống núi. Sư phụ xinh đẹp của ta, tính tình hiền lành nhưng là một người thầy cực kỳ nghiêm khắc. Sư phụ nói nếu đã chấp nhận làm đệ tử của người, ở tại nơi tu hành của người thì ngoài thời gian tu luyện, càng hạn chế sử dụng phép càng tốt. Miếu Đồng ở phía dưới cách am Uyển không xa, nhưng nếu đi bộ đường rừng thì cũng mất gần nửa khắc. Tiết sương giáng làm cho khung cảnh núi rừng trở nên mông lung huyền ảo, ta cũng không lấy làm vội, thong thả đi bộ vừa luyện sức khỏe vừa ngắm hoa đỗ quyên. Đỗ quyên nở suốt bốn mùa, mỗi mùa lại có một màu riêng biệt, là loài hoa đặc trưng của núi rừng, cũng là loài hoa yêu thích của ta. Mùa đông có hoa bạch quyên, không hiểu sao mỗi lần nhìn thấy những cánh hoa trắng muốt trải dài một dải khắp núi đồi, tim ta lại đau như vậy. Chắc là thời tiết này, bệnh tim dễ bị tái phát, phải năng tọa thiền để điều hòa khí huyết mới được.
Đi bộ được một lúc cũng mệt, ta quyết định làm phép gọi mây, chắc thầy không đến nỗi trách phạt. Lúc gần đến miếu Đồng, chợt nghe ba tiếng chuông vang lên, ta lập tức ẩn thân, bay nhanh rồi đáp xuống ngay chỗ chuông Đồng. Ở đó có một nhà sư còn khá trẻ tầm mười sáu, mười bảy tuổi, tướng mạo khôi ngô tuấn tú, sau khi gõ ba hồi chuông thì đang quỳ xuống vái liên tục trước cửa miếu. Tuy quần áo rách rưới và khuôn mặt có chút mệt mỏi nhưng đôi mắt vẫn sáng rực, toát lên nét kiên định. Ta nhàn nhã đi vào miếu cất tay nải, quét dọn bụi trên các bức tượng Phật sau đó thắp lên một cây hương trầm. Nhìn ra cửa thì thấy nhà sư trẻ không còn vái mà đã quỳ ngay ngắn trước cửa, mắt nhắm hờ, tay đếm chuỗi hạt, miệng tụng nam mô. Gió đưa mùi hương trầm bay đến, nhà sư khựng lại một chút, mở mắt ra sau đó vái ba vái rồi lại tiếp tục lầm rầm niệm kinh. Quãng đường từ chân núi lên miếu Đồng đối với người thường không phải là đơn giản. Ngoài những nguy cơ như bị đói, bị khát, bị rét, bị bệnh, bị lạc đường, bị hoang mang bỏ cuộc giữa chừng, còn phải có một chữ duyên. Có duyên thì mới gặp được một vị tiên già quắt queo đang ngồi ăn hạt dẻ trong ngôi miếu bám đầy bụi giữa núi rừng hoang vu này. Ta nhàn nhã vừa cắn hạt dẻ vừa đọc sách. Nhà sư kia và ta quả thật có duyên, nhưng cũng phải thử thách một chút xem bản lĩnh cậu ta như thế nào. Ta đọc một mạch hết quyển sách thì trời cũng vừa sẩm tối, bọc hạt dẻ đã vơi đi không ít. Ta dọn dẹp đống vỏ hạt, nhìn ra ngoài cửa thấy nhà sư đó vẫn đang nghiêm trang quỳ và niệm kinh. Đảm bảo là bụng đã đói và chân tay mỏi rã rời, vậy mà vẫn có thể nghiêm túc niệm nam mô như vậy. Đúng là con người có chí khí. Ta đi thắp sáng mấy cây nến trên điện thờ, bày lên đĩa ba cái bánh bao thơm nức sau đó mở cửa miếu một cách rất chậm chạp đầy huyền bí. Nhà sư trẻ thấy cửa mở thì mắt ánh lên vẻ mừng rỡ, vội vã vái ba vái sau đó lại lầm rầm cầu khấn. Cậu ta vẫn miệt mài niệm tụng còn ta kiên nhẫn ngồi chờ. Đợi mãi không thấy cậu ta có ý định di chuyển vào trong miếu, ta thở dài sau đó vẫn ẩn thân, khẽ lên tiếng:
– Người ngoài miếu vào đây!
Nhà sư trẻ mừng rỡ dập đầu xuống đất:
– Tạ ơn thần tiên!
Sau đó chậm chạp đứng dậy, liêu xiêu đi vào trong miếu. Vào miếu lại quỳ xuống vái ba vái. Mặc kệ cậu ta ngồi niệm nam mô, ta tìm một chỗ phù hợp nhất trong miếu rồi vào thế tọa thiền. Chỉ là thương ngươi phải ở ngoài trời cả đêm trong tiết sương giáng này thôi. Còn muốn gặp ta, chờ đến sáng mai hẵng hay.