Thề Ước Đỗ Quyên - Chương 10
Cuối cùng thì cũng có thể lên đường, Thiên Sách Vương cử năm người tinh thông võ nghệ, một người hầu cận đi theo bảo hộ cho ta. Ta liếc đội quân phía trước và phía sau, len lén thở dài sau đó thúc ngựa phóng đi.
Cảm giác phi ngựa qua những con đường thành quách mấp mô, cánh đồng thảo nguyên bao la, những rừng cây cao vút, đồi núi quanh co, thật không ngờ lại thú vị đến vậy. Giờ ta đã hiểu vì sao các bậc anh hùng lại thích hành tẩu giang hồ, đại huynh tại sao lại suốt ngày bôn ba khắp nơi. Thì ra cảm giác phiêu diêu tự tại chính là đây.
Hiện tại đang là mùa thu năm Nhâm Tý, ta cũng không có gì phải vội, vui vẻ kết hợp giữa công việc sứ giả được giao cùng với tận hưởng những tháng ngày rong chơi dưới dương gian. Chỉ có điều mang theo tận sáu người hộ tống hình như hơi phiền, ta cũng không thể thoải mái cưỡi ngựa thưởng ngoạn cảnh đẹp hay nếm thử tất cả các món ăn ngon ở những vùng ta đặt chân đến.
Nơi đầu tiên ta muốn đến đương nhiên là Khai Quốc Tự, nơi Ngô Chân Lưu từng thọ giới cụ túc với thiền sư Vân Phong.
Một hộ vệ mặt mũi khá sáng sủa, nghe ta nói muốn đến chùa Khai Quốc trước tiên vội lên tiếng ngăn cản:
– Chủ tử, tiểu nhân trộm nghĩ, hiện giờ nơi tập trung đông đảo chùa chiền nhất chính là thành Luy Lâu vùng Vũ Ninh. Tại sao chúng ta không đến đó trước rồi lại vòng về Đại La sau?
Ta nhìn hắn một lát rồi nhẹ nhàng hỏi:
– Ngươi tên gì?
Hắn hơi ngỡ ngàng sau đó dõng dạc trả lời:
– Tiểu nhân tên Phùng Tứ, là đội trưởng đội hộ vệ số năm.
Ta gật gù, cân nhắc về việc giữ hắn lại bên cạnh, phân tích cho hắn hiểu:
– Chính vì thành Luy Lâu là nơi tập trung các ngôi chùa, sẽ cần rất nhiều thời gian ở đó nên ta chọn Vũ Ninh là vùng cuối cùng chúng ta đặt chân đến.
Phùng Tứ hiểu ý ta, thôi không thắc mắc, ra lệnh cho đội hộ vệ lên đường theo chỉ đạo. Bọn ta cưỡi ngựa đến chùa Khai Quốc khi trời đã nhá nhem tối, ta một mình vào chùa mang theo bức thư của Thiên Sách Vương, diện kiến thiền sư Vân Phong. Sau đó ta sai người tìm một khách điếm phía ngoài để nghỉ ngơi, tránh ảnh hưởng đến sự thanh tịnh của chùa. Sáng hôm sau, ta dậy sớm để vào chùa, chỉ mang theo hai người hộ vệ. Ta tự xưng mình là Tam Hưng, đơn thuần là sứ giả của triều đình để tránh tai mắt không đáng có. Ta dành cả buổi sáng đàm đạo với thiền sư Vân Phong về Phật pháp, hỏi người một số vấn đề liên quan đến việc thuyết giáo, việc truyền bá đạo Phật trong dân chúng. Ba chúng ta được mời bữa cơm chay đạm bạc nhưng rất ngon miệng. Buổi chiều, ta mang theo một người hộ vệ có vẻ ít nói và kín tiếng nhất trong đám tên là Hải Bình, đi dạo trong thành Đại La. Sau khi nếm đủ mọi món ngon mà ta nhìn thấy trên đường, đi đến mọi hang cùng ngõ hẻm thành Đại La, mặt trời đã dần khuất sau núi, ta quay sang hỏi tên hộ vệ vẫn yên lặng từ đầu buổi đến giờ:
– Hải Bình, theo ngươi, buổi chiều hôm nay chúng ta rút ra được kết luận gì?
Tên hộ vệ gãi đầu gãi tai, thật thà nói:
– Chủ tử, tiểu nhân nói thật mong ngài đừng giận. Suốt buổi chiều nay, tiểu nhân chỉ biết được là mấy món ăn ven đường dù rẻ tiền nhưng rất ngon, các món thịt và cá ở quán ăn đông khách nhất thành đều hơi mặn. Các con phố, ngõ hẻm toàn là mùi của ngũ tạng động vật, lông gà lông vịt rải khắp nơi…
Ta gật gù hài lòng, không uổng công tin tưởng mang hắn đi theo, những người ít lời thường có mắt quan sát rất tốt.
Hôm sau, ta dành cả ngày để nghiên cứu về kiến trúc và cách bố trí sắp xếp của ngôi chùa. Thiền sư Vân Phong bận giảng đạo cả ngày nên ta cũng không muốn làm phiền. Ta có ghé qua pháp đường một lát, thấy thiền sư đang rất tập trung vào bài giảng, phía dưới chủ yếu là các vị tăng ni và chú tiểu chăm chú lắng nghe, có rất ít Phật tử là dân thường. Buổi tối, ta thảo ngay một bức thư báo lại tình hình để gửi về Cổ Loa. Đại khái trong thư kể lại sự xuống cấp cần phải tu bổ của một số nơi trong chùa Khai Quốc. Tiếp đó ta nói về phương pháp giảng dạy và truyền bá kinh pháp của nhà chùa. Sau cùng ta nói về việc người dân vẫn chưa thực sự chú ý lắm đến đạo Phật, vẫn giữ thói quen ăn mặn và giết mổ động vật tràn lan.
Hôm sau ta xin phép thiền sư Vân Phong được nghiên cứu các loại sách về Phật giáo đang được lưu trữ tại chùa. Thiền sư lập tức sai một vị tăng ni dẫn ta đến nhà kho lưu sách. Ta xem xét mấy cuốn sách quý, cảm thấy nếu có thể chép lại chúng để lưu truyền cho muôn đời sau thì thật tốt. Một lúc ta vô tình hỏi thăm về nhà sư Ngô Chân Lưu, vị tăng ni kia liền trả lời:
– Thưa thí chủ, nhà sư Ngô Chân Lưu trước đây đúng là có thọ giới cụ túc tại chùa này. Sau đó, thiền sư Vân Phong đã cho phép thầy đi tham vấn Thiền học ở khắp nơi. Hiện thầy đang ngụ tại nơi nào thì không ai biết được.
Ta khẽ thở dài, xem ra đúng là phải tự mình đi tìm thật.
Quá trưa, ta sai một người hộ vệ mang bức thư ta soạn lúc tối về thành Cổ Loa, còn lại sáu người chúng ta từ biệt thiền sư Vân Phong cùng các tăng ni chùa Khai Quốc, tiếp tục lên đường.
Chúng ta tiến về phía Nam, bắt gặp bất cứ chùa chiền hay miếu hoang, am tự nào cũng dừng lại quan sát. Ta tập hợp rồi viết thư tay, sai một người hộ vệ mang về kinh thành. Chẳng mấy chốc đội quân sáu người ban đầu chỉ còn lại hai, tên hầu cận vướng víu chân tay cũng đã bị ta sai mang thư về, chỉ giữ lại Phùng Tứ nhanh nhẹn, hiểu biết và Hải Bình trầm lặng, hay quan sát. Trên đường đi gặp khá nhiều gian truân, bị cướp chặn trong hẻm núi, bị kẻ gian trộm mất túi tiền. Cũng may mấy người hộ vệ đều có võ nghệ cao cường, còn ta nhanh ý chia nhỏ số tiền mang theo, phát cho mỗi người một túi dắt ở lưng quần, mất túi này còn có túi khác mà dùng.