Tả Ao Truyền Kỳ 2 - Phần 5 - Chương 2
Khả phu nhân, từ nhỏ cho Đức Huyền đọc sách Y Thuật, những điều mà đối với bà nhiều năm mới lĩnh hội thì với con trai, chỉ mới 9 tuổi đã hiểu hầu hết các thuật khó trong ngành Y, cỏ cây hoa lá, thảo dược quý hiếm hơn 1000 loại rõ như lòng bàn tay. Biết được điều này ở Đức Huyền nên bà rất tự hào, nghĩ đến mai sau này có người nối nghiệp nghề Y Dược mà tổ tông truyền lại, lòng vui lắm.
Con chó Huyền Đề lại chạy đến bên cạnh, lần này nó không sủa nữa mà quấn quít bên chân Đức Huyền.
Tại sao gọi là chó Huyền Đề? Trong các sử sách của loài vật quý của đất An Nam, trong các loài chó thì chó Huyền Đề là loại rất quý giá, loài chó này được ví như Kỳ lân một trong bốn loại thần thú, hay dân gian còn gọi là Hạo Khuyển Xuyến, đó là loài chó có hai màu trên cơ thể, trên sống lưng một hàng lông dài như bờm ngựa chạy từ đầu đến chân, khác với loài chó thường chân thường có 4 móng còn Huyền Đề đến 5 móng, leo tường, đào vách cực nhanh, tiếng sủa trầm đục vang xa. Nên hay được làm quà tiến cung cho vua chúa. Nghe truyền tụng là có khả năng thấu trừ yêu nghiệt.
Nhớ lại thời gian gặp được con Huyền Đề. Khi đó trời mưa rất lớn, trên đường đi chữa bệnh cho một người làng bên, ngan qua một ngôi chùa cổ đã sơ xác, mái ngói cũ kĩ oằn mình chống đỡ cơn mưa, bức tường nghiêng ngả như sắp sụp xuống.
Đức Huyền tạm trú mưa bên ngoài thì nghe tiếng rên rỉ gầm gừ của một con vật, sâu bên trong gian điện thờ, gã gia nhân theo cùng sợ sệt không dám bước đến, như Đức Huyền vẫn một mực bước trong xem cho rõ sự tình.
Chùa hoang này xưa kia, thường được người dân trong làng gọi là Chùa Tá Khuyển (là chùa chó ở) truyền tụng là có Khuyển Thanh. Khuyển Thanh tức là chó biết nói, thường thì nghe chó khôn biết nghe tiếng người là bình thường, con chó biết nói là một điều cổ quái, nói đúng hơn là ma quái.
Sự việc xảy ra cách đây rất nhiều năm về trước, nơi này là một vùng hoang sơ, có một ngôi chùa nhỏ tọa lạc lưng tựa vào vách núi Vũ Ninh, một vị sư thầy già không biết từ đâu đến đây, cất cho mình một ngôi chùa nho nhỏ một thân một mình, tu hành tinh tấn ngày đêm. Bên trong ngôi chùa này chỉ có nhà sư già sống một mình, cùng những tượng phật bằng gỗ thơm đàn hương.
Trong đêm mưa gió nọ, chợt nghe tiếng một con chó rên xiết ngoài cổng, nhà sư già bước ra thì thấy một con chó trắng mình nó bị ghẻ lở khắp thân, đứng run lẩy bẩy lại gặp cơn mưa ướt vào nên đau rát, xung quanh lại không nơi trú ẩn mà chạy đến nơi này, thấy vậy nhà sư động lòng trắc ẩn, mà đem con chó vào nuôi dưỡng chữa bệnh. Thời gian sau nó bình phục trở lại.
Không lâu sau đó, không biết là do duyên cớ gì mà chó khắp nơi kéo đến ngôi chùa càng ngày càng đông, bệnh tình cũng không khác gì con chó trắng trước kia, ghẻ lở hôi thối nhìn là muốn nôn mửa. Vốn dĩ cuộc sống vào thời này rất khó khăn, cái thời chiến loạn thường xuyên xảy ra, gạo châu củi quế, có cơm ăn là đã mừng, nói chi bữa cơm có thêm miếng thịt ăn, là cuộc sống khác nào thần tiên.
Loài chó cũng nằm trong loại thịt ngon mà nhiều người thèm muốn, nhà ai có nuôi chó trong nhà canh giữ cẩn thận còn hơn vàng bạc, người canh chó chứ chó nào canh người, nói chi đâu ra mà chó kéo đến chùa nhiều đến thế.
Chẳng qua là bị ghẻ lát hôi thối, chảy nước vàng vọt, người làng xem đây là một loại dịch bệnh nên bị xua đuổi khắp nơi, gặp đâu lấy đá ném cho đến chết. Lũ chó bản tính trời sinh ra vốn rất thông minh, biết ai tốt với nó mà tìm đến.
Ngôi chùa giờ nhộn nhịp, không phải bởi khách thập phương cúng dường, mà nhộn nhịp bởi tiếng chó sủa, tru tréo vang động cả ngày. Ngày ngày lão sư già tụng kinh, đám chó kia cũng nằm xếp hàng nghe kinh kệ, sư ăn chay nên bọn chúng cũng cơm canh thanh tịnh. Sư và chó tựa vào nhau mà cùng nhau sống vui vẻ.
Một quy luật truyền đời xưa nay mấy ai hiểu được, trong Dịch Yêu có nói: “Chó 8 năm, Gà 6 năm”. Ý nói rằng con vật mà sống bên cạnh người nhiều năm, ngày ngày nghe tiếng người, nhìn cử chỉ đoán ý chủ, đến một lúc nào đó nó sẽ thành yêu tinh. Nên mới nói là không nuôi chó 8 năm, gà 6 năm là thế.
Một đêm trăng sáng, lão sư đang say giấc, chợt nghe một âm thanh lạ phát ra từ chính điện, như có nhiều người đang bàn luận chuyện gì đó. Giờ đã khuya lắm rồi, phật tử ai lại đi vào chùa giờ này. Phòng nhà sư sát ngay chính điện, nhìn qua khe cửa nhỏ, ánh sáng từ nơi chính điện soi rõ một nhóm người lom khom tụ lại bàn luận gì đó.
Đưa tay dụi mắt nhìn kĩ hơn, tay chân nhà sư như rụng rời, chân lạnh tay run, miệng lắp bắp đọc thầm trong lòng:
“A di đà phật… A di đà Phật…”