Quỷ Dựa - Chương 9
Tôi nhận lấy túi gấm, cúi đầu cảm ơn trụ trì. Đưa túi gấm cho tôi xong, thầy quay lại nói với bà tôi:
– Tôi sẽ cố gắng liên lạc với người ấy xem người ấy có giúp gia đình không. Nhưng tôi không hứa trước đâu. Bởi hành tung của người ấy rất bất thường, và tính cách cũng rất kỳ quái. Có duyên một đồng cũng không lấy, không có duyên thì bạc triệu cũng chưa chắc đã mời được đâu. Chỉ có thể chờ hai chữ hữu duyên thôi.
Nghe trụ trì nòi, nét mặt bà tôi có chút thất vọng, khẽ thở dài nói:
– Vậy cũng đành chờ hai chữ hữu duyên thôi. Chứ có cưỡng cầu cũng chẳng được.
– Tôi cũng hy vọng, người ấy sẽ giúp đỡ gia đình ta.
– Vâng, tôi cũng mong là thế.
Hai người nói chuyện một lúc lâu, rồi hai bà cháu tôi mới từ biệt ra về. Lúc về tới nhà, đã thấy mọi người dựng xong rạp cho đám tang của chú Bình.
Do chú chết đường chết chợ, nên quan tài chỉ được để ở ngoài cổng, chứ không cho vào nhà. Bởi các cụ xưa quan niệm; người chết không chết trong nhà là cái chết tức tưởi và oan khuất. Nó mang lại thống khổ cho cả người chết và người sống. Những cái chết này, không chỉ mang tới thương tiếc cho người ở lại. Mà còn được người xưa coi là điều xui xẻo. Họ cho rằng việc đưa quan tài vào nhà sẽ gián tiếp gây ra những cái chết đau lòng hơn cho những người còn sống.
Cái chết vốn dĩ là nỗi kinh hoàng đối với con người. Nhưng ma chay lại khiến người ta phải suy nghĩ. Không phải vì tốn kém, hay những lời đàm tiếu. Mà sợ không chu đáo và đầy đủ khiến người đã mất phải chịu uỷ khuất.
Đám ma của chú Bình quả thực có chút sơ sài. Một phần vì quá gấp gáp, một phần vì gia đinh chú thuộc diện khó khăn trong làng. Bao nhiêu của nả chú ấy đã nướng hết vào những canh đỏ đen, và những chầu nhậu thâu đêm suốt sáng hết rồi. Thứ duy nhất chú để lại cho vợ là một đống nợ cao như núi. Có lẽ cô Hạnh trả cả đời cũng không thể trả hết. Tôi nghe thấy người làng xì xào về cái chết của chú Bình. Người thì nói là chú ấy chết do bị cảm mạo dọc đường. Người thì nói đó nợ nần nhiều quá, nên nghĩ quẩn tự sát… thật đúng là miệng lưỡi thế gian. Chẳng biết sống thế nào cho vừa lòng họ.
Sau cái chết của chú Bình, làng tôi cũng chẳng có sự việc gì xảy ra nữa. Tôi cứ nghĩ mọi chuyện như thế là êm xuôi, mọi người cũng chẳng ai còn nhớ đến việc mất mát của gia đình chú Bình nữa. Bản thân tôi cũng quên đi chuyện mình bị quỷ dựa. Để tiếp tục những chuỗi ngày bận rộn trong công việc.
Thế nhưng bẵng đi một thời gian, sự lạ lại một lần nữa bắt đầu.
Khoảng 2 giờ sáng,
Đang say giấc nồng, tôi bị giật mình bởi tiếng kêu thất thanh của cô Tùy:
– Ối làng nước ơi! Chồng tôi mất tích rồi! Có ai không giúp tôi với!
Nghe thấy tiếng của cô Tùy, những nhà xung quanh chưa biết chuyện gì xảy ra cũng vội vàng chạy ra xem tình hình. Tôi chỉ nghe được loáng thoáng cô ấy kể:
– Chồng tôi kể ông ấy mơ thấy lão Bình về xin rượu ông ấy…
***
Chuyện là chú Bình chơi thân với chú Long, hai người đồng thời là bạn nhậu. Sau khi chú Bình mất được mấy hôm, một đêm chú Long mơ thấy chú Bình về chú ấy gọi tên và bảo:
“Long ơi! Cho tao xin chai rượu! Tao thèm quá! Con vợ tao nó không mua cho tao.
Khi tỉnh lại, chú Long mua chai rượu, định bụng mang sang nhà cúng cho chú Bình. Nhưng do bận việc, nên quên mất không mang sang. Tối hôm ấy, chú Bình lại hiện hồn về trách móc:
“Thằng kia! Mày mua xong mày để trong nhà thì ai uống? Ít nhất thì phải mang ra cổng cho tao chứ. Mày mà còn làm vậy tao vật chết cha mày.”
Hôm sau tỉnh dậy, chú Long với mang chai rượu với vàng hương sang nhà chú Bình. Thắp một nén nhang lên bàn thờ, Chú Long khấn:
– Bình ơi! Tao mang rượu tới cho mày này. Mày sống khôn thác thiêng, phù hộ độ trì cho tao khỏe mạnh bình an. Mày thương tao, đừng hù tao nữa! Tao yếu bóng vía không chịu nổi đâu.
Vái ba vái rồi chú Long xách chai rượu vừa cúng xong đi về. Định bụng sẽ làm một bữa say túy lúy. Ai dè, ngày hôm ấy nhiều người thuê chở hàng, đến tận 11 giờ đêm mới trở về nhà. Chú vội vàng tắm giặt ăn uống, rồi lên giường đi ngủ.
Trong không trung bỗng vang lên tiếng gọi:
“Long! Long ơi! Trả rượu cho tao! Tao chưa kịp uống mày đã lấy đi là sao?
Chú Long bị tiếng gọi kéo từ trong giấc mộng tỉnh lại. Chú im lặng lắng nghe, mọi thứ đều tĩnh lặng không có âm thanh gì. Chú thầm nhủ: “Chắc là do mình ngủ mơ thôi. Đúng là thần hồn nát thần tính.” Nghĩ tới đây, chú lại nhắm mắt ngủ tiếp nhưng kỳ lạ là, vừa khép mi lại, tiếng gọi của chú Bình lại vang lên:
“Long ơi! Long ơi! Trả rượu cho tao!”
Chú Long vội vàng mở choàng mắt, tự lẩm bẩm một mình:
“Không thể nào là nhầm được, đúng là giọng của thằng Bình. Nhưng lạ thật đấy! Bây giờ mình lại không nghe thấy gì nữa rồi. Chắc do mình tưởng tượng ra mà thôi.”