Ông tôi - Chương 3
Nhận thấy các chiến sĩ quá ngoan cường, phe địch dồn toàn bộ vũ khí hạng nặng trút xuống Đồn 54 và cây cầu Hiền Lương hiên ngang, sừng sững. Sau cuộc tổng tiến công, nhịp cầu đã bị gãy đôi và cột cờ Tổ quốc cũng bị hố bom làm cho lung lay không còn đứng vững. Một lần nữa, các chiến sĩ không hề nản chí mà ngày đêm thay phiên nhau ra chức chèo chống cho ngọn cờ luôn được vươn cao, cao mãi, đồng thời phân chia nhau âm thầm nối liền những nhịp cầu đã gãy. Lá cờ này hạ xuống là lá lá cờ khác được treo lên. Lớp chiến sĩ này nằm xuống là có đồng đội khác bước lên. Lá cờ đỏ thắm thấm máu anh hùng luôn được giương cao không bao giờ khuất phục.
Điều đó vượt qua sức tưởng tượng của bọn giặc và càng làm bọn chúng say máu hơn. Năm 1967 chúng gom hết bom đạn còn sót lại dội thẳng xuống Đồn 54 nhằm san phẳng cột cờ thiêng liêng của Tổ quốc.
Giữa trận mưa bom ác liệt, cột cờ đã bị gãy và lá cờ bị xé toạc rách bươm. Máy bay địch hài lòng bay về vị trí. Nhưng ông vẫn không hề nao núng, ông kiên định nắm chắc tay cờ và leo lên từng bậc thang hoàn thành nhiệm vụ. Đứng trên cột cờ đã bị gãy lìa, ông không ngại ngần mà vươn cao lá cờ Tổ quốc trong tay vực dậy ý chí cho đồng đội. Lá cờ một lần nữa tung bay phấp phới giữa trời đạn khói. Một chiếc máy bay đã phát hiện ra liền phẫn nộ bay vòng lại và nhắm thẳng khẩu pháo vào nơi ông đứng. Trong tình huống ngàn cân treo sợi tóc, ông chỉ kịp ấp ủ lá cờ vào lòng và áp lực vụ nổ khiến ông rơi xuống từ độ cao hàng chục mét. Máu của ông hoà lẫn với màu cờ. Trước khi mất dần ý thức ông còn kịp trao lá cờ đỏ thắm cho đồng đội và lịm đi…
– Sau hôm đó ông được chuyển về hậu phương chữa trị, và thật may là ông vẫn còn khoẻ mạnh đến tận hôm nay. Nhưng… có lẽ lúc ông bị đau và không tỉnh táo sẽ nhớ lại những chuyện cũ. Điều đó đã ám ảnh ông suốt mấy chục năm nay.
Nghe xong câu chuyện, tôi xúc động ôm lấy trái tim mình và thấy nghẹn ngào không thở nổi. Thì ra đằng sau vẻ ngây dại của ông là một quá khứ hào hùng và bi tráng đến như vậy. Ông cống hiến sức trẻ của mình cho chiến trường và trở về làm một “ông già điên” suốt quãng đời còn lại. Bố không trải lòng, tôi mãi mãi sẽ không biết câu chuyện của ông. Có lẽ sẽ chẳng ai còn nhớ những người chiến sĩ năm ấy là ai, tất cả sẽ chìm vào quên lãng, như cách người ta quên mất ông từng là một chiến sĩ ngoan cường.
Ngắm ông nội yên tâm đi vào giấc ngủ tôi cũng lặng người theo và cứ thế ngồi im với ông một lúc lâu. Ông đã làm rất tốt nhiệm vụ được giao, thật mong ông từ nay về sau được nghỉ ngơi và hạnh phúc không còn đau đáu về chiến trường khốc liệt năm nào nữa.
Có lẽ tôi sẽ làm được gì đó cho ông.
***
Chiếc xe buýt màu vàng từ từ lăn bánh.
Hôm nay, bố mẹ phải đi lấy thuốc cho ông. Chỉ còn hai ông cháu với nhau, tôi đã bắt xe rủ ông đi dạo một vòng khám phá những điều hay ho.
Lúc xe ngừng lại, ông vẫn còn ngơ ngác và cố kéo tôi về nhà, sợ ở nhà bố mẹ lại lo lắng đi tìm cả hai. Nhưng vừa xuống xe, toàn bộ sự chú ý của ông đã dồn hết vào cột cờ vững chãi và lá quốc kì đang tung bay phấp phới giữa nền trời xanh biếc. Ông dường như không tin vào mắt mình mà ngẩn ngơ đứng ngắm nghía hồi lâu cho khi tôi gọi lớn ông mới giật mình quay sang.
Tôi lém lỉnh đã nhảy tót lên chiếc cầu lịch sử và chạy về phía bên kia, làm ông hốt hoảng gọi ngược lại.
– Minh à! Quay lại! Không được qua bên đó đâu cháu ơi! Minh! Minh!
Tôi cũng dừng lại khi đã vượt qua được nửa cây cầu và quay lại vẫy tay với ông. Ông giờ mới nhận ra cây cầu đã được sơn một màu đồng nhất và cờ đỏ sao vàng được cắm nối dài từ bờ bên này đến bờ bên kia. Dường như ông đang rất xúc động và không tin nổi vào những gì diễn ra trước mắt. Ông cứ thế tiến từng bước chầm chậm lên chiếc cầu “chứng nhân” lịch sử như đang trân trọng từng nhịp cầu thiêng liêng và ngó quanh cảnh quê hương thanh bình một lượt, hẳn trong ông có chút gì đó rưng rưng không thể diễn tả bằng lời. Đến khi ông đã đến gần bên, tôi mới xúc động lí nhí những điều giấu kín từ đáy lòng tôi.
– Ông ơi! Hoà bình rồi! Ông chỉ cần sống khoẻ mạnh với ba mẹ và với cháu thôi. Ông đừng bỏ đi đâu nữa nhé!
– Ừ nhỉ! – Ông cũng xúc động không kiềm được những dòng nước mắt, ông vừa lấy tay áo lau đi vừa sụt sịt. – Minh đã lớn bằng này rồi. Hoà bình rồi Minh nhỉ. Nhưng hàng đêm ông vẫn nghe thấy tiếng đồng đội í ới gọi ông đi làm nhiệm vụ. Đồng đội vẫn còn nằm đâu đó chờ ông đến đưa về. Ông không thể bỏ họ một mình… ông cũng xin lỗi cháu… ông có làm cháu sợ không?
Tôi đau lòng không kiềm chế thêm được nữa mà oà lên nức nở và ôm chầm lấy ông nghẹn ngào. Tôi níu chặt lấy lưng áo đầy mồ hôi của ông và nấc nghẹn từng tiếng.
– Ông đừng nghĩ về quá khứ nữa. Mọi chuyện qua rồi. Cháu sẽ ráng học giỏi, lớn lên làm bác sĩ chữa bệnh cho ông!
Nghe đến đây, ông phì cười và đưa tay lén lau đi những giọt nước mắt hạnh phúc. Ông cũng nghèn nghẹn thủ thỉ.
– Cháu ngoan!…
– Ông ơi! Ngày mai ông đưa cháu đi học nữa nhé!
Ông bật cười và gật đầu lia lịa đồng ý với tôi, tôi cũng đồng ý chấp nhận ông chứ không phải chối bỏ ông vì sợ bạn bè trêu chọc nữa. Tôi và bọn nó với tất cả phải cảm ơn ông và đồng đội của ông vì đã góp phần giữ gìn và hi sinh cho một dải non sông được toàn vẹn cho đến ngày hôm nay.
Nếu có đứa nào dám xì xào về ông tôi sẽ cho tụi nó một bài học.
Bài tập làm văn của mình tôi sẽ kể về ông là một người chiến sĩ ngoan cường chưa bao giờ biết đầu hàng trước thế lực thù địch, cho ai cũng biết đến sự thật về ông tôi, về những người chiến sĩ đã hi sinh bản thân cho đất nước có ngày hoà bình trọn vẹn hôm nay. Hẳn đâu đó vẫn còn những người lính bị lãng quên như ông. Những người dốc hết sức mình bảo vệ mảnh đất quê hương mà không mong nhận được sự đáp đền.
Cảm ơn những người anh hùng thầm lặng!
Cảm ơn ông!
Cảm ơn vì tất cả!
***
Ông tôi… không phải là một ông già điên.