Ông tôi - Chương 2
– Ông gọi sao cháu không nghe! Minh à, ông…
Nhưng chưa để ông nói hết, tôi liền cắt ngang và trong phút chốc bao nhiêu uất nghẹn dồn nén trong lòng bấy lâu nay đã bộc phát ra hết. Tôi gào lên.
– Cháu đã nói ông đừng đến trường đón cháu mà! Trời mưa ông không biết trú mưa hả? Áo mưa ông đâu mà ông mặc cái áo rách như ăn mày vậy? Chiếc dép đứt rồi ông không thấy hả còn nhặt lại làm gì? Ông nhìn lại mình đi! Ông đúng là một ông già điên!
Câu nói tuôn ra lúc tức giận ào ào như thác chảy không ngăn lại kịp. Tôi liền thoáng thấy trong mắt ông có gì đó bàng hoàng và ngơ ngác như một đưa trẻ vừa làm sai chuyện gì. Chỉ bấy nhiêu và nhanh như cắt tôi bị ngã lăn cù xuống sân, một bên gò má còn bỏng rát đến điếng người. Lúc định thần lại đã thấy bố tôi phẫn nộ đứng đó và giơ tay lên toan giáng cho tôi một cái tát nữa. Nhưng ông liền giữ bố tôi lại và hét toáng lên.
– Trời ơi! Nó còn con nít mà sao anh đánh nó. Trời ơi! Cháu tôi. Mẹ thằng Minh đâu! Chồng chị đánh thằng Minh nè! Trời ơi!
Mẹ tôi cũng rối rít trong bếp chạy ra và xin ba tha cho tôi, sau đó cả hai đưa ba tôi vào nhà. Ông ấy vẫn còn giận dữ liền chỉ tay vào mặt tôi mà trút giận.
– Đừng có mà hỗn với ông!
Đêm đó, tôi không tài nào ngủ ngon được. Tôi ghét bố, tôi ghét ông. Không ai hiểu được trên trường tôi bị bọn thằng Bo chọc ghẹo như thế nào. Tôi cũng chỉ không muốn ông bị người ta đem ra cười cợt, không muốn tụi nó chòng ghẹo ông, nên mới không cho ông đến trường nữa. Hôm nay ông không xuất hiện là không có gì xảy ra rồi.
Thật xui xẻo.
Vẫn còn đang hậm hực thì tiếng nhao nhao người và xe ngoài cổng làm tôi giật mình tỉnh giấc. Tôi tò mò đi ra ngoài xem xét thì đã thấy ba mẹ và bác trưởng thôn cùng mấy chú dân quân đứng đầy ngoài cổng. Tôi sợ hãi vội vã chạy ra ôm tay mẹ và ngơ ngác chưa hiểu nổi chuyện gì. Vừa lúc đó bác tổ trưởng vừa ghi chép vừa hỏi lại.
– Thế khi đi ông ấy mặc đồ màu gì?
– Ông mặc bộ đồ xanh lính và đeo chiếc ba lô. Từ khi ăn cơm xong là không thấy đâu nữa. – Bố tôi lo lắng và thuật lại.
Đến đây tôi mới bần thần bụm miệng lại và cảm thấy lo lắng thật sự. Lẽ nào lúc chiều tôi đã làm ông buồn và ông đã bỏ nhà đi rồi. Lúc đó trong ánh mắt ông toàn là sự thất vọng. Cả buổi tối, ba bắt tôi ở trong phòng hối lỗi về hành động của mình. Tôi còn chưa kịp nói lời xin lỗi với ông. Tôi hối hận rồi. Trời tối như vậy, ông có biết đường về nhà không. Thấy ông điên như vậy người ta có xua đuổi ông không. Ông sẽ không bị bọn xấu bắt cóc chứ. Một nỗi bất an mơ hồ dâng trào khiến tôi nghẹn lại và chỉ biết bám chặt lấy tay mẹ cầu mong cho người ta mau tìm được ông về nhà.
Trong khi mọi người còn đang bàn tán thì từ xa một chiếc xe máy đã từ từ rẽ đám đông chạy vào. Giọng một người hô lớn.
– Bố thằng Minh ơi! Tôi đưa ông nội về đây này! Gớm, hôm nay hành quân xa quá cơ.
Bố, mẹ và tôi không ai bảo ai mà cùng lao ra cổng và vỡ oà đón ông trở về.
– Tạ ơn trời phật. Bố không sao chứ? Bố làm con lo quá. Con xin bố đừng đi lung tung nữa. Con biết làm sao đây! – Bố tôi nghẹn ngào ôm lấy vai ông mừng mừng tủi tủi, còn ông chỉ biết ú ớ đứng yên với vẻ mặt hoang mang như chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra.
Trên ba lô của ông, một lá cờ đỏ thắm còn phấp phới.
Bố ngồi lại bên chõng tre với ông và quạt phần phật luôn tay dỗ ông vào giấc ngủ. Còn ông nhăn nhó và đổ mồ hôi hầm hập. Tôi cũng ngồi lại lau người cho ông giúp ông dễ chịu hơn. Đến khi lật áo lên định lau tiếp thì tôi phát hiện một chiếc áo mưa được gấp gọn được giữ trong lưng quần. Tôi dừng lại thắc mắc một vài giây và phút chốc nghẹn ngào nhận ra tất cả. Thì ra là vậy. Ông đội mưa mặc một chiếc áo rách để dành chiếc áo mưa phẳng phiu cho tôi, dù ông có không bình thường nhưng trong lòng vẫn yêu thương tôi nhất, luôn lo lắng cho tôi từ việc nhỏ nhất, chỉ là tôi vô tâm không nhận ra điều đó. Hẳn lúc chiều tôi đã làm ông đã đau lòng lắm. Bố đánh tôi đáng lắm.
Tôi giờ mới rưng rưng gạt nước mắt và thút thít thú nhận.
– Xin lỗi bố! Lúc chiều con không cố ý hỗn với ông. Tại tụi nó cứ kêu ông là ông già điên… con… con…
Bố nhìn tôi đang sụt sùi không nên câu và cũng cười hiền, xoa đầu tôi an ủi.
– Ông bị bệnh, con đừng làm ông xúc động mạnh nữa. – Đoạn bố nắm tay tôi và dặn dò. – Trong đầu ông vẫn còn mảnh đạn còn sót lại không phẫu thuật được, nó luôn làm ông đau mỗi khi trái gió trở trời và đôi lúc… không tỉnh táo lắm. Con phải hiểu cho ông nhé!
– Bố nói sao? – Tôi sửng sốt hỏi lại, chuyện này trước giờ bố chưa từng kể với tôi.
Thấy tôi có vẻ rất muốn biết, bố đành thở dài và bắt đầu kể lại.
Năm đó, lúc đất nước bị chia làm hai vùng Nam Bắc ngay tại vĩ tuyến 17 là cây cầu Hiền Lương lịch sử lúc bấy giờ. Ông nội được điều về công tác ở Đồn 54 vào lúc giữa hai bên đang xảy ra cuộc chiến ác liệt nhất.
Nhiệm vụ của các ông lúc ấy là giữ cho màu cờ được phất cao mãi trên đất trời quê hương. Lá cờ tung bay phấp phới tượng trưng cho ý chí quật cường của các chiến sĩ ta, là không bao giờ lùi bước trước kẻ thù. Điều đó khiến phe địch dần dần mất kiên nhẫn và tập trung lực lượng thả những trận đạn bom thảm khốc nhằm phá huỷ cột cờ, hạ gục ý chí của quân ta. Nhưng ông và đồng đội vẫn thi nhau ngày đêm bảo vệ lá cờ thiêng liêng dẫu cho công trình xung quanh sụp đổ điêu tàn, hố bom lớn bé chồng chéo lên nhau không đếm xuể.