Ông tôi - Chương 1
“Ông tôi rất yêu tôi, ông hay mua bánh kẹo cho tôi và dạy tôi làm bài tập. Tôi luôn thích cảm giác ngồi sau xe đạp cho ông chở đến trường, một cảm giác bình yên khi ngồi đằng sau tấm lưng gầy. Vì vậy mà tôi cũng rất yêu ông…”
Tôi còn đang đọc dở bài tập làm văn thì tiếng trống tan trường đã vang lên thùng thùng. Cô giáo gõ cây thước dài lên bảng đen và cố nói lớn cho đám nhóc đang nhốn nháo phải trật tự nghe lời dặn trước khi ra về.
– Thôi cả lớp dựa theo bài bạn Minh về viết lại cho hay rồi nộp cô! Cả lớp đã rõ chưa?
Lớp trưởng giờ mới đứng thẳng dậy và hô lớn cho cả lớp đồng thanh theo khẩu hiệu.
– Cả lớp đứng dậy!
– Chúng em chào cô ạ!
Cuối cùng thì chúng tôi lại trở nên lộn xộn như bầy ong khi cô giáo vừa cất cặp bước ra khỏi cửa. Tôi cũng lầm lũi đeo cặp sách lên vai cố tình đi thật nhanh tránh bọn thằng Bo đang lăm le đuổi theo đằng sau lưng. Từ lúc nãy khi bắt đầu đọc bài, tụi nó cứ chỉ trỏ và âm thầm bàn tán, tôi biết hết. Nhưng rốt cục cũng không thể nào thoát khỏi ba đứa nó. Chúng đã chặn tôi lại trước sân trường và bắt đầu mỉa mai. Chúng luôn cậy mình to xác nên thích bắt nạt tôi, vì tôi nhỏ con, mọt sách, mang kính cận và vì…
– Ê! Mày làm văn xạo quá, vậy mà được cô khen!
– Ông mày biết dạy mày làm bài luôn hả?
– Ông mày là một ông già điên!
Ba đứa lần lượt lướt qua và phá lên cười nắc nẻ rồi chạy biến về phía nhà để xe. Cũng như những lần trước, tôi cũng chỉ biết nắm chặt hai quai cặp sách trên vai, nuốt hết mọi ấm ức vào trong và tức tốc chạy ra khỏi cổng trường.
Một cơn mưa không báo trước trút xuống vùng đất khô cằn. Chúng tôi không kịp chuẩn bị và chỉ còn biết vội vã nép mình vào chòi lá hàng rong ven đường. Mọi hôm, ông thường đạp xe đến đón tôi về, nhưng bọn thằng Bo lại cứ thích lướt ngang qua tôi và cười đùa trêu chọc đủ cách, khiến tôi không còn muốn ông xuất hiện ở trường nữa.
Ông tôi… đúng thực là không còn minh mẫn, chỉ biết trông chờ hoàn toàn vào sự chăm sóc của bố tôi. Ông không thể tự ăn cơm, không thể tự tắm rửa và ngủ phải có người canh chừng. Vì có đêm, ông lại bật dậy, khoác áo lính và vác balo lên vai, còn không quên trịnh trọng cắm theo lá cờ Tổ quốc và bước đều ra ngoài đường lớn, rất may bố đã kịp thời ngăn lại nhưng ông vùng vằng nói mình phải đi hành quân. Có khi nhà bên nổ mìn đào giếng, ông đang bình thường bỗng trở nên hoảng loạn mang cả tôi đẩy xuống gầm giường còn mình cầm theo lá cờ chạy ra ngoài gào thét những cái tên lạ lẫm và leo lên cố cắm bằng được lá cờ lên trụ cổng nhà, khiến ai nấy cũng giật mình sợ hãi và tránh xa nhà tôi ra. Ông cũng khiến người lớn đề phòng và không cho con họ chơi với tôi, vì hễ thấy bọn tôi chơi đánh trận ông cũng hùng hổ chơi chung và hô hào như một chiến sĩ thực sự khiến tụi nó hoảng sợ đến phát khóc…
Ngoài những lúc đó thì ông vốn hiền lành và thích đưa đón tôi đi học, chỉ bài cho tôi, bênh vực tôi. Tôi biết ông cũng thương tôi. Nhưng tôi lại không muốn bạn bè biết rằng ông tôi không có bình thường.
Ông tôi… đúng là một ông già điên.
Đang nhìn xa xăm và chìm vào suy nghĩ miên man, thì từ sau màn mưa bàng bạc tôi cũng nhìn ra được bóng dáng gầy gò thân quen trong bộ đồ màu xanh áo lính cùng chiếc xe gỉ sét đang loạng chạy về phía cổng trường. Khi đã đủ gần, tôi bàng hoàng nhận ra ông nội, ông đang mặc một chiếc áo mưa tơi tả và đội đầu bằng một cái bọc ni-lông rách nát.
Trông ông thật ngốc nghếch.
Một vài đứa đang trú mưa cũng nhìn ông và xì xầm cười khúc khích. Điều đó càng khiến tôi nổi giận càng nắm chặt hai quai cặp lại và tỏ ra không quen biết ông. Nhưng đúng lúc này, bọn thằng Bo lại đội mưa đạp xe chạy ngang và hú hét lớn tiếng.
– Minh ơi! Ông mày kìa!
– Ông già điên kìa! Ha ha!
Tiếng cười của tụi nó xa dần và những người bạn đi chung cũng quay sang nhìn tôi với ánh mắt ái ngại. Dường như ông cũng đã nghe tụi nó gọi tên tôi và phát hiện ra tôi đang đứng trong chòi lá. Ông mừng rơn, cười tươi toe toét và dẫn chiếc xe đạp đã tróc sơn gần hết chạy về phía tôi. Tôi tái mặt không biết phải giải thích với bạn mình ra sao liền lạnh lùng quay bước bỏ mặc ông nội đang vội vã dắt chiếc xe chạy theo và í ới gọi tên tôi. Nhưng càng gọi tôi chạy càng nhanh.
Con đường về nhà hôm nay nhoè nhoẹt bùn lầy và bốn bề phủ một màn mưa xám xịt, mưa cũng phủ lên gương mặt tôi và lên mắt tôi, khiến tôi phải vừa chạy vừa lau vội khoé mắt mới có thể nhìn rõ đường. Tôi cứ thế vừa khóc vừa bỏ chạy và bị trật một bên dép rơi lại vệ đường. Tôi hốt hoảng dừng lại và ngoảnh về phía sau đã thấy ông đang loay hoay xuống xe nhặt lại chiếc dép đứt. Thấy thế tôi càng phẫn nộ mang theo mọi ấm ức chạy một mạch về nhà và vùng vằng vứt chiếc cặp xuống đất. Nghe động tĩnh bố tôi cũng bước ra ngoài xem xét. Lúc này, ông cũng vừa về đến và chậm chạp chìa chiếc dép đứt quai đưa cho tôi.