Những câu chuyện về nhà Monoslov - 05
Đó là một ngày tháng Tư năm 1987, chúng tôi có một cuộc đụng độ với một đạo quân đến từ Arab Saudi, một trong số những đơn vị được phía Hoa Kỳ gọi bằng cái tên “Những chiến binh tự do”. Đó vốn là những người lính nước ngoài được tuyển mộ từ Thế giới Hồi giáo để tiến hành cuộc thánh chiến chống lại Liên Bang Soviet. Người đứng đầu đạo quân này được cho là có liên hệ với Tình báo Arab Saudi và được huấn luyện bởi chính một biệt kích của lực lượng Đặc nhiệm Hoa Kỳ.
Đạo quân này đã thiết lập một căn cứ ở miền Đông Afghanistan từ năm ngoái, năm 1986. Đó cũng là nơi chúng tôi đóng quân, tỉnh Paktia. Thật ra chúng tôi đã từng đụng độ với họ vài lần trước đây, nhưng không lớn như trận lần này, thứ mà sau này được biết đến với cái tên trận Jaji. Đó là một trận đánh ác liệt, và mặc dù số lượng thương vong của phía quân đội Soviet không lớn, nhưng rõ ràng là chúng tôi đã thất bại trong việc chiếm thị trấn Jaji của tỉnh Paktia.
Chúng tôi được lệnh tiến công đánh chiếm thị trấn Jaji vào ngày mười bảy tháng Tư, với hy vọng giải phóng một đơn vị đồn trú khác đã bị bao vây tại Ali Sher, và cắt đứt đường tiếp tế cho các phiến quân Mujahideen từ phía Pakistan. Cuộc chiến kéo dài bảy mươi ba ngày, và đã cướp đi sinh mạng người chỉ huy đáng kính của tôi, Fyodor Monoslov, ngay từ những ngày đầu tiên của trận đánh.
Tôi đã ở cạnh Fyodor trong trận giao tranh đó. Ông chiến đấu đến tận những giây phút cuối cùng. Những người Mujahideen liên tục nã đạn về phía chúng tôi. Fyodor đã trúng ba phát đạn trước khi gục xuống. Tôi chỉ đành đánh liều lao đến lôi ông ấy vào phía sau một bức tường đổ nát, tránh đi làn mưa đạn ác liệt đó.
Tôi không nhớ rõ Fyodor đã bị bắn ở đâu. Tôi chỉ nhớ rằng máu đã tuôn ra rất nhiều, thấm ướt cả vạt trước bộ quân phục mà ông đang mặc. Đạn vẫn bay xối xả về phía chúng tôi, va vào bức tường khiến vụn gạch bắn ra như mưa trên đầu chúng tôi.
Tôi đỡ Fyodor trên tay mình, cố hết sức để hét lên với ông, mong là mình có thể át được tiếng súng ngoài kia.
– Đồng chí Monoslov, mở mắt ra nhìn tôi này. Đồng chí không được phép nhắm mắt lại. Đồng chí còn có đứa con trai đang đợi ở quê nhà. Đồng chí phải sống sót trở về. Đồng chí có nghe thấy tôi nói không, mở mắt ra nhìn tôi này.
Trái với tiếng hét của tôi, Fyodor Monoslov lại trầm tĩnh đến lạ thường. Tôi không hình dung được lúc đó ông đang nghĩ gì. Chỉ là ông quá điềm tĩnh. Ông từ từ nói với tôi bằng một giọng đứt quãng.
– Cho… tôi… một… điếu… thuốc…
Tôi vội tìm trong mấy cái túi áo, cuối cùng tìm ra được gói thuốc của mình. Rút một điếu ra, tôi đưa nó cho Fyodor, tay run run bật diêm vào tường để đánh lửa. Fyodor rít một hơi thuốc, đốm lửa nhỏ ở đầu điếu thuốc rực sáng rồi lại mờ dần đi, chỉ còn lại một đốm sáng lập lòe, mờ nhạt như mạng sống người chỉ huy của tôi hiện tại. Tôi vẫn nỗ lực để cầm máu cho Fyodor. Thế nhưng ông chỉ trầm giọng thì thào với tôi.
– Có lẽ tôi sẽ không… qua khỏi… Đồng chí còn nhớ… lá thư tôi viết ngày trước… không?… Hãy mang nó về… cho con trai của tôi… Đó là di nguyện… Hãy bảo thằng bé… chỉ nên mở ra ở… nơi kín đáo… Vì lá thư… mang theo một… bí mật… về gia đình tôi…
Tôi vốn dĩ không muốn Fyodor chết, thế nên tôi vẫn tiếp tục nỗ lực của mình, mặc kệ lời trăn trối của ông.
– Đồng chí không được phép buông xuôi. Đồng chí phải trở về Nga để đoàn tụ với thằng bé. Đồng chí không được phép chết. Thằng bé chỉ còn có mỗi đồng chí là người thân. Thằng bé cần đồng chí quay trở về.
Nhưng rồi mọi nỗ lực của tôi cùng với tiếng hét cứ thế mà trôi tuột vào tuyệt vọng. Điếu thuốc hút dở rơi khỏi tay Fyodor, rơi xuống nền đất lạnh. Những tia lửa văng ra xa rồi vụt tắt. Người chỉ huy trên tay tôi cứ thế lịm dần đi. Tôi vẫn cố lay người Fyodor, dù biết điều đó là vô dụng. Cơ người chỉ huy trên tay tôi dường như mất dần hơi ấm. Tôi không thể cứu vãn được hiện thực tàn nhẫn này. Đành vậy. Tôi chấp nhận buông bỏ nỗ lực giữ lại mạng sống cho Fyodor. Tôi luồn tay vào trong mấy chiếc túi của ông, tìm lá thư mà ông đã nhắc đến. Sau đó, tôi giật lấy thẻ bài của ông, rồi cất gọn nó cùng với lá thư. Nhiệm vụ của tôi bây giờ là bảo vệ chúng về được đến Nga.
Xét cho cùng, mạng người thật sự rất vô thường. Trong thời thế này, mỗi sáng ta thức dậy, ta sẽ không thể biết được liệu đó có phải là ngày cuối cùng ta thấy được ánh mặt trời hay không. Di nguyện này đặt lên vai tôi. Nhưng nếu tôi chẳng may nằm xuống, nó sẽ phải chuyển giao cho một ai đó khác. Lá thư này bắt buộc phải được trao tận tay Mikhail Monoslov.
“Các đồng chí chú ý, chúng ta sắp có đợt không kích trong vòng nửa tiếng nữa, yêu cầu rút lui bảo toàn lực lượng.”
Một mệnh lệnh truyền đến, dứt tôi ra khỏi mạch suy nghĩ. Không kích sao? Điều đó có nghĩa là nơi này sẽ nổ tung. Mọi thứ trong bán kính nửa dặm sẽ bị xóa sổ. Và cả thân thể của Fyodor nữa. Tôi không muốn để ông lại, nhưng tôi không còn cách nào khác. Dùng một mảnh gạch vỡ, tôi vẽ lên mặt đất cạnh thi thể Fyodor một cây thánh giá.
– Chúa đón nhận linh hồn của đồng chí.
Tôi nói lời cuối cùng với Fyodor trước khi rút đi. Làn mưa đạn vẫn trút về phía chúng tôi, dù phía phiến quân Mujahideen chỉ còn vài chục người, chỉ hơn phân nửa so với lúc đầu. Chúng tôi chỉ cần vừa bắn trả vừa rút lui khỏi tâm điểm cuộc chiến. Hai mươi lăm phút sau, chúng tôi đã rút về đến bên ngoài vùng giao tranh. Phiến quân Mujahideen không đuổi theo kịp chúng tôi. Tôi dừng lại, quay người nhìn về phía nơi mà Fyodor nằm lại.
Một chiếc tiêm kích lướt qua trên đầu chúng tôi. Ít phút sau, một loạt tiếng nổ rền vang không trung. Thế là hết. Mọi thứ đã bị xoá sổ. Người chỉ huy của tôi đã hoàn toàn nằm lại nơi này. Tôi chạm vào túi áo ngực, đảm bảo rằng lá thư và chiếc thẻ bài vẫn còn an toàn. Tôi vỗ vỗ tay lên túi áo, thì thầm chỉ đủ để mình nghe thấy.
– Đi nào Fyodor Monoslov, tôi đưa đồng chí về nhà nào.
Tôi tin rằng linh hồn của Fyodor sẽ đồng hành với tôi, phù hộ để tôi có thể mang lá thư về trao lại cho Mikhail. Phía xa xa, hoàng hôn dần buông xuống, nhuộm lấy không gian bằng một màu đỏ rực như máu. Cuộc chiến này, đối với riêng tôi, thật sự là vô nghĩa. Tôi chỉ mong nó mau chóng kết thúc, để tôi có thể rời khỏi nơi tang tóc đầy rẫy sự giết chóc vô nghĩa này.