Những câu chuyện về nhà Monoslov - 02
Chiến dịch Bão Táp-333 cuối tháng Mười Hai năm 1979 đã gây ra cái chết của Tổng thư ký Đảng Dân chủ Nhân dân Afghanistan Hafizullah Amin, người được cho là đang thanh trừng những người có cảm tình với Liên Bang Soviet trong bộ máy Đảng Dân chủ Nhân dân nhằm thâu tóm quyền lực cũng như cấu kết với Pakistan và Trung Hoa. Chiến dịch này cũng mở ra mười năm chiến đấu ở Afghanistan của những người lính Soviet.
Rạng sáng ngày hôm sau, Bộ chỉ huy quân sự Soviet đóng tại tại Termez đã thông báo trên Đài truyền thanh Kabul rằng Afghanistan đã được giải phóng khỏi ách thống trị của Amin. Và ngay sau thông báo đó, Liên Bang Soviet đã đặt quyền bảo hộ của mình lên đất Afghanistan.
Trong suốt mười năm chiếm đóng tại Afghanistan, quân đội Liên Bang Soviet chỉ có thể kiểm soát được các đô thị lớn. Phần lớn các vùng nông thôn vẫn nằm ngoài tầm của chính quyền Soviet. Đó là nơi mà các lực lượng Mujahideen ẩn náu. Và đó cũng là những vùng chiến sự rực lửa nhất.
Fyodor Monoslov ngồi bên cạnh một đống gạch đổ nát bên ngoài rìa thủ phủ tỉnh Paktia, phía Đông Afghanistan, gương mặt đầy bụi mù, thở ra một làn khói thuốc. Ông cắn chặt răng dốc ngược chiếc bi đông nhỏ đã cạn gần tới đáy, cố gắng chắt lấy một thứ chất lỏng trong suốt đổ xuống miệng vết thương trên cánh tay trái. Thứ chất lỏng đó không phải là nước, mà là vodka nguyên chất. Ông lấy trong túi ra một que diêm, quẹt vào một viên gạch đã vỡ ra làm đôi. Một đốm lửa nhỏ vụt sáng tí tách.
Fyodor hít một hơi dài lấy dũng khí rồi dúi que diêm vào vết thương. Lửa bùng lên trên cánh tay của ông. Đốt miệng vết thương bằng rượu, cách sơ cứu dã chiến mà những người lính nơi chiến trường buộc phải làm nếu không muốn vết thương nhiễm trùng hay tệ hơn là mất quá nhiều máu. Ông vừa đụng độ với một nhóm phiến quân Mujahideen khi đi tuần ở ranh giới tỉnh Paktia. Nhóm của ông có ba người, còn bọn chúng thì năm người. Chỉ có mỗi ông còn sống sót, với một vết đạn xuyên qua cánh tay trái.
Nhắm nghiền mắt đợi cơn đau qua đi, Fyodor gắng gượng chống tay phải lên đống đổ nát để đứng dậy. Lê từng bước nặng nề về phía hai người đồng đội nằm bất động gần đó rồi khuỵu xuống cạnh họ, ông cúi người giật lấy hai tấm thẻ bài trên người họ, miệng thì thào với hai người đã khuất.
– Nào Dominik, Yegor, chịu khó nằm lại ở cái nơi khốn kiếp này nhé, tôi sẽ mang di vật của hai cậu về với gia đình. Chúa phù hộ cho hai cậu.
Dominik là một thiếu úy trẻ, sinh ra ở Leningrad. Cậu ta còn có vị hôn thê đang chờ đợi ở quê nhà, một giáo viên tiểu học xinh đẹp. Còn Yegor lại là một trung úy điển trai, có một cô con gái xinh xắn. Lúc cậu ta lên đường đến Afghanistan thì con bé vẫn nằm trong bụng mẹ. Hai mạng người đã ra đi, và hai gia đình đã mất đi một người con, người chồng, người cha. Fyodor thật không thể hiểu được vì điều gì mà họ lại phải đánh đổi quá nhiều như thế.
Những cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại những năm đầu thập niên bốn mươi là để bảo vệ nước Nga khỏi sự xâm lược của Đức Quốc Xã ở mặt trận Đông Âu. Người Nga tham gia chiến tranh là để bảo vệ lãnh thổ nước Nga được toàn vẹn. Nhưng còn cuộc chiến này? Không phải nó vô nghĩa lắm sao? Bọn họ đặt chân đến một vùng đất xa lạ, đầy nắng và gió, để rồi nằm xuống, cũng chỉ vì lòng trung thành của Afghanistan với Liên Bang Soviet bị lung lay bởi sự can thiệp của Hoa Kỳ. Điều đó có đáng không? Nước Nga đang thực sự bị sa lầy trong cuộc chiến này.
Fyodor cắn răng chịu đau, cố gắng để trở về căn cứ dã chiến của trung đội. Một cơn gió thổi tung đám bụi mù trên đường, vương trên gương mặt đẫm mồ hôi của ông. Hơi thở của ông dần trở nên nặng nhọc bởi sức nóng của ánh nắng gay gắt và con đau tê dại ở cánh tay trái. Còn một dặm đường nữa ông mới về đến lều dã chiến. Cơn gió lúc nãy không hề làm dịu đi cái nóng khó chịu của vùng Trung Đông. Vài hạt cát lạo xạo trong miệng của Fyodor. Đó là những thứ phiền phức nhất ở nơi này. Thời tiết và cát.
Cánh tay trái của Fyodor bắt đầu mất đi cảm giác. Ông bắt đầu thấy hối hận vì đã bỏ lại lọ Aspirin trước khi đi tuần. Hiện tại thì ông ao ước bản thân sở hữu mấy viên thuốc bé xíu nhưng lại có tác dụng thật mạnh mẽ đó biết bao.
Còn nửa dặm nữa, mắt Fyodor bắt đầu mờ đi. Không cần phải về đến căn cứ, chỉ cần tới được vùng lãnh thổ cách lều dã chiến khoảng ba trăm thước, đó là vùng an toàn. Bọn họ sẽ nhìn thấy ông trở về và đến đón ông, chỉ cần đến được nơi đó, ông sẽ có cơ hội sống sót. Có đôi khi, Fyodor đã muốn bỏ cuộc, nhưng hình ảnh đứa con trai duy nhất của ông, Mikhail, lại hiện lên, trở thành động lực để ông tiếp tục bước.
Bốn trăm thước, cổ họng của Fyodor bắt đầu cảm thấy khô khốc, và da môi của ông đã bắt đầu bong ra. Với lấy chiếc bi đông lớn hơn phía sau ba lô, nó cũng đã nhẹ hẫng đi, Fyodor ngửa đầu nốc sạch số nước còn lại. Dòng nước mát làm dịu đi phần nào sự thiêu đốt bên trong cổ họng của ông. Fyodor đã gần kề với ranh giới của an toàn, chỉ một chút, một chút nữa thôi. Ông đã có thể nhìn thấy chóp lều dã chiến ở phía xa xa. Nhưng vết thương trên cánh tay trái đang hành hạ ông từng giây một. Dù là máu đã ngừng chảy, nhưng nó vẫn đau, đau đến tê dại.
Cuối cùng, Fyodor cũng làm được. Ông gục ngã ngay trước vọng gác phía bên ngoài căn cứ. Trước khi mất đi hoàn toàn ý thức, ông vẫn kịp đưa cho người lính đứng gác ở đó thẻ bài của Dominik và Yegor. Sau đó, ông nghe thấy tiếng người lính gác gọi quân y, rồi ý thức của ông hoàn toàn tê liệt.
Đợt đó Fyodor hôn mê hơn ba ngày. Người ta nói ông bị bất tỉnh do mất nước, say nắng và đau đớn quá độ. Viên đạn không hề hoàn toàn đi xuyên qua cánh tay như ông đã nghĩ. Nó đã bị vỡ, và chỉ có một phần của viên đạn là đi xuyên cánh tay ra bên ngoài. Mảnh vỡ còn lại đã mắc kẹt gần xương cánh tay. Đó chính là nguyên nhân gây ra sự đau đớn đến nhường đó. Phía quân y đã cố hết sức mới có thể giữ lại cánh tay cho Fyodor.
Kể đến đây, tôi chợt thấy Mikhail đã mang một nét đượm buồn. Tôi hiểu tâm trạng của cậu ấy. Dù gì thì việc nghe về những nỗi đau mà người thân mình phải trải qua cũng không phải là điều dễ dàng. Tôi muốn tìm cách an ủi cậu trai trẻ này, nhưng lại không biết nói gì cho phù hợp. Tôi không phải là kẻ khéo ăn nói, tôi sợ bản thân sẽ lại chạm vào nỗi mất mát của Mikhail. Cậu trai trẻ đó cũng ngập ngừng, có lẽ cậu cũng không biết nên nói gì. Sự im lặng và khói thuốc bao trùm lấy cả căn phòng. Ngập ngừng hồi lâu, Mikhail mới hỏi lại tôi.
– Vậy, cha cháu không mất trong lần đó?
Tôi dụi đầu điếu thuốc vào gạt tàn, làn khói thuốc mỏng dần rồi tan biến đi mất. Tôi trầm tư rồi lắc nhẹ đầu. Tôi không biết liệu rằng điều đó có thể an ủi cậu trai trẻ này không, bởi vì ở đoạn kết của câu chuyện mà tôi mang về từ Afghanistan, cha của cậu cũng đã qua đời. Tôi nhìn lại chút tro tàn của điếu thuốc, đơn giản là tìm một nơi để giấu đi ánh nhìn đầy trầm mặc của mình. Tôi không muốn Mikhail nhìn thấy ánh mắt đó.
– Chúa phù hộ Fyodor, và cả cậu nữa, Mikhail ạ.
Tôi thấy một giọt lệ khẽ lăn dưới mi mắt của cậu trai trẻ đó. Tôi đành tiếp tục đắm mình trong im lặng, chờ đợi nỗi xúc động qua đi. Câu chuyện về Fyodor Monoslov vẫn còn rất dài phía trước.