Những câu chuyện về nhà Monoslov - 01
Fyodor Monoslov là một người đàn ông bất hạnh. Mẹ của ông, Elzira Monoslova đã qua đời ngay sau khi sinh ông ra. Cha của ông, Seryozha Monoslov, lâm vào sầu tư và thường xuyên đắm mình vào công việc để có thể quên đi nỗi tiếc thương người vợ quá cố, đến mức bỏ lỏng việc chăm sóc đứa trẻ vừa mới chào đời. Fyodor chỉ nhận được sự quan tâm chăm sóc từ ông nội và chị gái Vera.
Lúc nhỏ, Fyodor là một đứa trẻ hiểu chuyện, điều này được khẳng định bởi chị gái Vera. Dù thiếu đi sự quan tâm của người cha, nhưng Fyodor chưa bao giờ oán trách ông. Năm 1945, một năm sau khi ông nội của Fyodor qua đời vì tuổi già, Thế Chiến thứ hai cuối cùng cũng đã kết thúc với sự đầu hàng vô điều kiện của Đức Quốc Xã. Đó cũng là lần đầu tiên cha của Fyodor trở về nhà sau một thời gian dài chiến đấu biền biệt, kể từ khi vụ xung đột hồ Khasan nổ ra năm 1938. Tối hôm đó, hai cha con đã cùng nhau ngồi bên ngoài căn nhà của họ ở Verkhnyaya Pyshma vùng Sverdlovsk, nhìn lên bầu trời xanh thẫm đầy sao. Năm đó, Fyodor mười lăm tuổi, và dường như trưởng thành hơn tuổi rất nhiều. Hai cha con đã tâm sự rất nhiều thứ, như hai người đàn ông với nhau.
Seryozha đặt tay lên vai con trai, ánh mắt vẫn nhìn lên khoảng không xa xăm phía trước.
– Ta xin lỗi vì đã không ở bên các con trong suốt thời gian qua. Ta yêu mẹ con rất nhiều, và việc bà ấy qua đời là một cú sốc rất lớn với ta. Ta cứ nghĩ đắm chìm vào công việc sẽ khiến ta nhanh chóng quên đi bà ấy. Nhưng rồi chiến tranh cuốn ta vào vòng xoáy chiến đấu. Ta nợ con, và cả chị của con một tuổi thơ êm đẹp, Fyodor ạ.
Fyodor hiểu điều đó. Anh lớn lên trong chiến tranh, chứng kiến sự ác liệt của nó. Làm sao anh lại không hiểu những thứ mất mát mà chiến tranh đã đem lại cho con người. Anh nắm lấy bàn tay chai sạn của cha, tỏ ra rằng anh hiểu, thông cảm và tha thứ cho ông,
Cuộc sống của gia đình Monoslov sau khoảng thời gian đó dường như khá yên bình. Sau chiến tranh, nước Nga bước vào thời kỳ tái kiến thiết. Seryozha nhận được lời mời đến làm việc cho Bộ Tư Lệnh tại Moskva. Gia đình nhà Monoslov cũng theo đó mà chuyển đến sinh sống ở thủ đô. Vera, do tốt nghiệp loại giỏi ở trường y, cũng dễ dàng xin làm việc trong một bệnh viện lớn. Năm đó, Fyodor vừa tròn mười tám tuổi. Ở cái tuổi bắt đầu bước chân qua ngưỡng cửa cuộc đời, Fyodor bắt đầu cân nhắc những lựa chọn cho tương lai của bản thân. Một đêm, khi đi ngang qua thư phòng của cha, anh đã nhìn thấy bộ quân phục treo ngay ngắn cạnh tủ sách. Anh bước vào phòng, đưa tay chạm vào ngôi sao đính trên quân hàm. Một cảm giác tự hào khó tả xuất hiện trên những đầu ngón tay của anh, lan nhanh xuống tim. Đó là lúc anh đi đến quyết định. Anh chọn con đường binh nghiệp.
Nhờ trí thông minh và sự chăm chỉ bẩm sinh của dòng máu chảy trong huyết mạch, Fyodor thăng tiến rất nhanh trên con đường binh nghiệp, trở thành niềm tự hào của cha. Chẳng mấy chốc, anh đã trở thành một đại úy ở độ tuổi ba mươi.
Duy chỉ có việc Fyodor lại quá chuyên tâm làm việc, đến độ quên mất đi chuyện tình duyên. Ở thời điểm đó, một người đàn ông quá hai mươi lăm tuổi mà vẫn chưa lấy vợ đã là sự hiếm. Điều này đã làm cho Seryozha cảm thấy có đôi chút phiền lòng. Có đôi lúc ông cũng định mai mối con trai mình với cô phóng viên trẻ ở tờ Pravda mà ông đã gặp vào cái hồi kỷ niệm mười lăm năm ngày Chiến Thắng. Nhưng rồi ông lại thôi. Ông trông có vẻ hai đứa trẻ chỉ có thể làm bạn, nên cũng chả nỡ ép uổng.
May mắn thay, Fyodor cuối cùng cũng tương tư, hẹn hò và sau đó là nhanh chóng kết hôn với một nữ nhân viên bưu chính, vốn là em gái của một thuộc cấp của anh. Sau khi kết hôn, họ chuyển đến Volgograd và rồi sinh ra Mikhail ở thành phố bên bờ dòng Volga êm đềm.
Nhưng cuộc sống chưa bao giờ là hết sóng gió. Không một ai có thể sống yên bình được quá lâu. Không hiểu lời nguyền nào đã ám lấy gia đình Monoslov, nhưng có vẻ như những đứa trẻ sinh ra mang họ Monoslov lại thường thiếu đi hơi ấm của người mẹ. Mikhail Monoslov cũng thế. Tôi không được nghe kể nhiều về người vợ của Fyodor, tôi càng không rõ chuyện gì đã xảy ra. Tôi chỉ được biết rằng Fyodor đã một mình nuôi lớn Mikhail.
Có lẽ Fyodor hiểu rõ việc thiếu thốn tình cảm gia đình trong những năm tháng tuổi thơ sẽ khó khăn thế nào, nên ông cố gắng giành cho Mikhail tất cả sự quan tâm của mình. Nhưng có lẽ đó chưa phải là sự bất hạnh nhất của gia đình Monoslov.
Năm 1979, chính quyền Liên Bang Soviet quyết định can thiệp và viện trợ cho chính phủ Cộng hòa Dân chủ Afghanistan trong cuộc nội chiến với quân nổi dậy Mujahideen. Giữa tháng Mười Hai năm 1979, quân đội Soviet bắt đầu tiến công về hướng thủ đô Kabul của Afghanistan. Và rồi, Fyodor cũng đã rời nước Nga để đặt chân vào cuộc chiến tranh đầy sai lầm đó.
– Năm đó, cháu cũng đã mười hai tuổi. Cháu nhớ rất rõ cái ngày cha cháu rời khỏi Volgograd. Hôm đó trời mưa, mưa rất to.
Mikhail Monoslov cắt ngang lời kể của tôi. Đôi mắt xám xanh giờ đã long lanh ánh nước. Trong tâm trí tôi hiện ra hình ảnh cậu thiếu niên Mikhail đứng âm thầm trước hiên nhà, nhìn theo chiếc xe chở lính giữa làn mưa tầm tã. Một khung cảnh xám xịt và buồn bã. Tôi bất giác thở dài, tỏ ý tiếc nuối cho tuổi trẻ thiếu thốn của Mikhail.
– Sau đó là khoảng thời gian cháu phải tự mình lo toan cuộc sống, số tiền được gửi đến từ chính quyền cũng đủ cho cháu trang trải chi phí sinh hoạt. Nhưng mười năm loay hoay một mình thật sự cũng không mấy dễ dàng. Cháu đã có ý định nhập ngũ, để được sang chiến trường Afghanistan tìm cha. Nhưng có lẽ như không kịp mất rồi.
Tôi hiểu mong muốn đó của Mikhail. Nhưng tôi cũng hiểu bản chất của cuộc chiến vừa qua. Đó là một sai lầm đáng xấu hổ của chính quyền Liên Bang và những nhà lãnh đạo quân đội Soviet thời bấy giờ. Liên Bang Soviet đã ủng hộ cho Việt Nam để có thể đánh đuổi bọn người Mỹ ra khỏi lãnh thổ của họ, nhưng quân đội Liên Bang Soviet trên đất Afghanistan cũng lại phạm phải chính xác những sai lầm mà người Mỹ đã mắc phải khi ở chiến trường Việt Nam. Tôi không hiểu, thật sự không thể hiểu là vì sao chúng ta không học được gì ở Việt Nam. Liên Bang Soviet liệu có ngủ quên trên chiến thắng, để rồi vấp phải những sai lầm mà đối thủ đã phạm phải và thất bại trước chính những người đồng minh. Tôi tự hỏi liệu thất bại ở Afghanistan có phải là đòn trả đũa của người Mỹ dành cho chính quyền và quân đội Soviet hay không? Không ai có thể khẳng định điều đó. Điều rõ ràng nhất chính là Liên Bang Soviet đã phải sa lầy ở Afghanistan, tận mười năm dài đằng đẵng. Mười năm, gần hai vạn binh lính sau khi bước chân qua biên giới Afghanistan đã không thể quay về, trong đó có Fyodor Monoslov. Tôi bắt đầu nghĩ lại về những việc chúng tôi đã làm ở vùng đất đầy nắng và gió đó.