Những câu chuyện về nhà Monoslov - 08
Tin tức ấy được gửi đến tôi vào một ngày đầu đông năm 1968, khi tôi vẫn đang cặm cụi bên chiếc máy đánh chữ trong văn phòng của mình. Cũng đã tám năm sau cái ngày tôi được ngồi với Seryozha Monoslov và đi qua những thăng trầm trong cuộc đời của ông. Tôi không còn là một cô phóng viên thực tập ngày nào nữa. Hiện tại tôi đã trở thành một cây bút chủ lực của tờ Pravda. Kể từ ngày ấy, tôi cũng có đôi lần đến thăm Seryozha. Lần gần đây nhất cách đây cũng đã hai năm, ngay trước khi gia đình người con trai Fyodor đưa ông chuyển đến sống ở một thành phố khác. Người cựu binh lúc ấy cũng đã yếu đi ít nhiều, dù theo đánh giá của tôi thì ông vẫn còn khá minh mẫn. Seryozha Monoslov bây giờ cũng đã ngoài sáu mươi, so với tác hại từ hệ lụy của hội chứng sang chấn hậu chiến tranh, như thế cũng được tính là đã sống khá thọ. Chính vì điều đó, tôi không mấy ngạc nhiên trước tin tức lần này. Tôi liếc nhìn đồng hồ, có lẽ tôi sẽ phải tăng ca tối nay để có thể xin nghỉ phép vài ngày tiếp theo. Tôi cần phải đến một nơi cách chỗ tôi rất xa, và làm một điều rất quan trọng.
Tờ mờ sáng hôm sau, tôi khởi hành sớm nhất có thể. Từ Moskva đến Volgograd mất đến sáu trăm dặm đường và tôi thì lại không muốn chậm trễ. Suốt cả quãng đường dài lê thê, tôi thật sự sợ rằng mình đến muộn. Trong lòng tôi như đang có lửa đốt. Bức điện tín được gửi đến ngày hôm qua cho tôi biết rằng Seryozha đang trong thời điểm cận kề với cái chết và ông ấy muốn tôi đến thăm. Tôi biết mình nên đến gặp ông lần cuối.
Chiều muộn hôm đó, tôi gõ cửa căn nhà của gia đình Monoslov, Fyodor đã mở cửa cho tôi. Chúng tôi đã gặp nhau vài lần khi gia đình họ vẫn còn ở Moskva. Chính anh cũng là người đã đánh điện cho tôi về tình hình của Seryozha.
Trong căn phòng khách nhỏ ấm cúng, một đứa bé tầm hơn một tuổi đang nghịch vài món đồ chơi làm bằng gỗ, đôi mắt xanh hơi ngả sang màu xám tròn xoe nhìn tôi đầy nét lạ lẫm. Fyodor bế đứa trẻ lên tay, nói với tôi bằng giọng run run.
– Tôi rất mừng vì cô đã đến. Đây là con trai Mikhail của tôi. Cha tôi đang ở trên lầu, để tôi dẫn cô lên.
Lần này gặp lại, Seryozha chỉ còn có thể nằm trên giường mà nhìn tôi bằng ánh mắt yếu ớt. Thế nhưng lạ thay, ông vẫn nhận ra tôi. Ông nắm lấy bàn tay của tôi, và nói bằng hơi thở đứt quãng khó nhọc.
– Cháu là cô phóng viên của tờ Pravda đúng không? Thật tốt khi gặp lại cháu ở cái thời khắc cuối cùng của cuộc đời này. Ta thật sự không muốn phiền tới cháu phải đi một quãng đường dài như thế để đến đây. Chỉ là ta cần một nhân chứng đáng tin cậy để chứng kiến mấy lời trăn trối của ta, một người biết rõ ta là ai. Đến thời điểm này thì chỉ có cháu mà thôi. Ta thì cũng thấy lão thần chết đang mất dần kiên nhẫn khi đợi chờ ta rồi, nên cháu có vui lòng làm nhân chứng cho ta không?
Tôi nhanh chóng đồng ý với Seryozha. Dù gì tôi cũng đã đến đây rồi. Hơn nữa, cho đến tận giây phút này, ông cũng chỉ tin tưởng vào tôi, vì tôi đã tận tình cất giữ bí mật của ông suốt tám năm qua, giống như cái cách bác sĩ Monoslov đã làm khi nhận nuôi ông.
Fyodor Monoslov dường như đã rất bất ngờ khi được biết về huyết thống của mình. Seryozha chậm rãi nhắn nhủ với người con trai.
– Fyodor, con hãy nhớ lời ta, đừng cho Mikhail biết về sự thật này cho đến tận lúc con chuẩn bị nhắm mắt xuôi tay. Thể chế huy hoàng đó đã lụi tàn, đừng để hào quang cám dỗ thằng bé. Nó có quyền được biết về dòng máu chảy trong huyết mạch, nhưng hãy để điều đó đến muộn nhất có thể, như cách ta đang làm với con.
Đêm hôm đấy, tôi lưu lại ngôi nhà của gia đình Monoslov. Và cũng chính trong đêm hôm ấy, thần chết đã đón Seryozha đi, thật nhẹ nhàng trong giấc ngủ êm đềm. Một kiếp người đã trôi qua như thế.
Trước khi rời Volgograd, tôi dành thời gian đến lễ tưởng niệm Seryozha Monoslov ở nghĩa trang trung tâm thành phố. Đặt một đoá hồng trắng lên nấm mồ vừa mới đắp, tôi ngước nhìn bầu trời âm u đầy mây mù. Một vài giọt mưa bắt đầu rơi trên mặt đất. Có lẽ thượng đế cũng đang khóc thương cho một kiếp người.
Tôi vẫy chào từ biệt Fyodor Monoslov trước khi lên đường về Moskva. Mưa càng lúc càng nặng hạt, nặng như tâm trạng tôi lúc này. Seryozha đã được giải thoát khỏi sự trừng phạt của số phận. Nhưng những người ở lại, Fyodor và người chị Vera, cũng như đứa trẻ tên Mikhail, sẽ vẫn phải tiếp tục bước đi trên con đường riêng của mình giữa thế giới đầy bụi trần này, vẫn phải trải qua thứ được gọi là số mệnh.