Những câu chuyện về nhà Monoslov - 07
Nếu nói về tuổi thơ, thì tuổi thơ của Katya Pasternak là một khoảng thời gian êm đẹp nhưng cũng rất khó khăn. Sinh ra trong một gia đình binh nghiệp, trên cô có hai người anh và dưới cô có thêm một người em trai. Là đứa con gái duy nhất trong nhà, cô được hưởng hết sự yêu chiều của cha mẹ và các anh. Cuộc sống của gia đình Pasternak tuy có phần thiếu thốn nhưng lại tràn ngập tiếng cười.
Katya lớn lên, trẻ trung, thông minh và xinh đẹp. Cô có mái tóc dài vàng ươm như nắng mùa thu và đôi mắt xanh thẳm như bầu trời. Katya là đứa trẻ sáng dạ nhất nhà Pasternak. Cô đọc rất nhiều sách, và biết chút ít tiếng Đức cũng như tiếng Pháp. Katya là niềm tự hào của gia đình.
Nhưng bất hạnh lại đến với gia đình Pasternak vào những năm Thế Chiến thứ hai. Cha và hai anh trai của Katya đã ngã xuống trong trận Khalkhyn Gol năm 1939. Điều đó thúc đẩy hai đứa con cuối cùng của nhà Pasternak gia nhập Hồng Quân. Katya được đưa đi huấn luyện cho các nhiệm vụ đặc biệt do có một trí thông minh tuyệt vời. Đứa con trai út nhà Pasternak thì theo đơn vị trở về phòng tuyến ở biên giới Đức sau khi Hiệp ước bất xâm phạm Nhật – Soviet được ký kết tháng Tư năm 1941, do sự dòm ngó của Đế Chế thứ ba với âm mưu xâm lược Liên Bang Soviet.
Mùa đông năm 1941, Katya được chuyển đến phòng tuyến Rostov ven sông Mius để đợi thời cơ thâm nhập vào phía lính Đức. Đó cũng là lúc Seryozha Monoslov đã gặp và nhanh chóng rơi vào tương tư với Katya. Tuy nhiên, đối với Katya, Seryozha chỉ như một người tiền nhiệm. Cô quý trọng anh, nhưng đó không phải là tình yêu.
Sau trận phản công Rostov, Tập đoàn quân xe tăng số 1 của Đức bị đánh thiệt hại khá nặng nề, một số đơn vị bị tiêu diệt, rất nhiều binh sĩ Wehrmacht bị bắt làm tù binh. Trong số tù binh có vài nữ hạ sĩ quan hậu cần, và Katya đã chọn danh tính của trung sĩ Asvoria Schäfer, một sĩ quan lưu trữ thông tin để phục vụ cho việc thâm nhập vào phía lính Đức. Thứ cô cần là một lý do thuyết phục. Vụ mai phục của Hồng Quân bên bờ sông Mius trên đường quân Đức rút lui khỏi Rostov là một cơ hội tốt. Katya tự đề xuất tự biến bản thân thành một nữ sĩ quan Wehrmacht bị thương sau vụ mai phục và tìm cách để được đưa về lều quân y dã chiến của lính Đức.
Có vài người đồng chí đã phản đối phương án của Katya, nó quá nguy hiểm. Cô có thể chết trước cả khi có cơ hội đặt chân vào doanh trại Wehrmacht. Nhưng cô đã quyết tâm thực hiện. Và Katya đã thành công khi đích thân đại úy Aksel Schulz tìm thấy và mang cô về doanh trại của hắn.
Thời gian đầu, Katya Pasternak chỉ đơn giản là làm nhiệm vụ của mình, theo dõi Aksel Schulz và cố gắng lấy được thông tin từ hắn. Nhưng dần dần, mọi thứ không còn nằm trong quỹ đạo đã định sẵn nữa. Aksel Schulz đã rơi vào lưới tình, và Katya Pasternak cũng thế.
Với tất cả những người khác, Aksel Schulz là một cỗ máy chiến tranh, một thứ quái thú máu lạnh, một loại công cụ diệt chủng của người Đức. Nhưng chỉ riêng đối với Katya, mà đúng ra là người mà hắn gọi là Asvoria, hắn lại dịu dàng và ấm áp đến lạ thường. Hắn chưa một lần nói yêu cô, nhưng lại đích thân tự tay chăm sóc cô. Hắn chỉ đơn giản là giữ cô bên cạnh hắn, bảo bọc cô trong vòng tay của hắn. Và hắn triệt để đặt lòng tin vào cô.
Về phía Katya, cô thật sự không nhận ra từ khi nào cô đã yêu Aksel Schulz. Chỉ là cô rất thích âm thanh thình thịch vang lên mỗi khi hắn đặt đầu cô gối lên ngực hắn, càng rất thích cái cảm giác ấm áp mỗi khi hắn đặt nhẹ tay quanh eo cô. Tình cảm chỉ là sự cố phát sinh mà Katya không mong muốn. Thậm chí, chính bản thân cô còn không biết rằng cô đã yêu Aksel Schulz, cho đến khi Seryozha Monoslov gợi ý việc trừ khử Aksel. Cảm giác của Katya lúc đó thật sự rất giống với khi cô nghe tin cha và các anh tử trận, một thứ cảm giác mất mát đau đến xé lòng. Đó là lúc Katya nhận ra bản thân mình đã yêu kẻ thù của quốc gia.
Đêm hôm đó là một đêm rất dài đối với Katya. Cô trách cứ số phận đã đẩy cô vào nghịch cảnh này. Giá mà cô và Aksel Schulz không sinh ra trong thời chiến. Giá mà cô và hắn không nằm ở hai bên chiến tuyến. Lằn ranh giữa cô và hắn không chỉ là đường biên giới giữa hai quốc gia, mà là lằn ranh của chiến tranh, của thần chết. Ngay lúc Aksel Schulz nhận ra cô đã biến mất cùng bản huấn thị mật đó, chắc chắn hắn sẽ hận cô đến tận xương tủy, sẽ thề để cô phải chết dưới tay hắn.
Ấy vậy mà, đến phút cuối, Aksel Schulz lại chết dưới tay Katya Pasternak, như một trò đùa trái ngang của định mệnh. Màn đêm chỉ còn lại một màu tĩnh mịch. Seryozha Monoslov đã rời đi cùng bản huấn thị. Trong văn phòng chỉ còn một mình Katya bên cạnh cái xác vô hồn đã dần lạnh đi của Aksel Schulz. Cô đã chọn ra đi cùng hắn, trốn chạy khỏi thực tế đầy mùi thuốc súng hăng hắc và mùi máu tanh nồng.
Khi bình minh ló dạng vào ngày hôm sau, họ tìm thấy hai thi thể đã lạnh cứng trong văn phòng đại úy Aksel Schulz. Trung sĩ Asvoria Schäfer gục trên ngực áo của viên đại úy, một vệt lệ vẫn còn vương trên gương mặt xinh đẹp đã chuyển sang màu tái trắng. Chuẩn úy Kaiser Müller biến mất không vết tích khỏi doanh trại. Không ai tìm ra bản huấn thị được gửi đến mấy hôm trước, cũng không ai biết được điều gì đã xảy ra.
Trong chiến tranh, không người lính nào có thể thoát khỏi thứ tội ác giết chóc, dù là ở bất cứ phía bên nào của chiến tuyến. Tất cả đều sẽ bị Chúa phán xét sau khi về với Người. Tay của Aksel Schulz nhúng chàm, tay của Katya Pasternak cũng đã dính máu. Chỉ là, liệu Chúa có thương xót cho thứ tình yêu đầy tội lỗi đó hay không? Và liệu họ có tha thứ cho nhau ở chốn địa ngục thống khổ hay không?
Chiến tranh vào thời điểm đó vẫn còn quá ác liệt, mạng sống của con người vẫn bị tước đoạt hàng ngày, thậm chí hàng giờ. Từng phút từng giây đều có người ngã xuống. Tham vọng được đánh đổi trực tiếp bằng mạng người, và lòng trung thành cũng thế. Mọi sự đều chỉ có thể trông đợi vào bánh xe vận mệnh. Nhưng có một điều hiện hữu rõ ràng nhất, rằng đôi khi tồn tại lại là sự trừng phạt đáng sợ hơn cả cái chết, khi mà người ở lại phải chịu đựng nỗi cô độc khi chứng kiến những người họ yêu thương nhất phải ngã xuống. Nỗi đau đó sẽ ám lấy họ cả phần đời còn lại. Và có lẽ, được nằm xuống trước khi phải chứng kiến quá nhiều lại chính là một ân huệ từ thượng đế ban phát cho những người lính trong thời chiến.