Những câu chuyện về nhà Monoslov - 06.
Lễ truy điệu của Fyodor Monoslov được tổ chức vào một buổi chiều mưa cuối mùa hạ năm 1989 tại nghĩa trang trung tâm thành phố Volgograd. Một nấm mộ dành cho Fyodor được đắp lên bên cạnh mộ của cha ông, Seryozha Monoslov. Bên dưới chỉ chôn vỏn vẹn chiếc thẻ bài mà tôi mang về. Một viên sĩ quan cấp tướng trang trọng đọc lời tưởng niệm Fyodor.
– Trung tá Fyodor Monoslov là một sĩ quan tận trung với Liên Bang cho đến những giây phút cuối đời. Trong cuộc chiến ở Afghanistan, ông đã anh dũng chiến đấu. Riêng bản thân ông đã tiêu diệt được hơn một trăm tên phiến quân trong vòng tám năm chiến đấu. Thay mặt lực lượng vũ trang Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Soviet, truy phong anh hùng cho trung tá Fyodor Monoslov, truy tặng hai mươi mốt phát súng danh dự.
Ba tràng tiếng súng vang lên ngay sau đó. Mikhail Monoslov nhận lấy lá quốc kỳ gấp gọn cùng với huân chương vinh danh thay cho cha mình. Tôi nhìn thấy ánh mắt cậu đượm một nét buồn. Khung cảnh thật sự rất ảm đạm. Mưa ngày càng thêm nặng hạt. Khi tôi đặt đoá hồng trắng lên mộ của Fyodor, cánh hoa ngay lập tức bị những hạt mưa làm cho dập nát. Một khung cảnh nặng nề thê lương đến khó tả.
Tôi đi cùng Mikhail về ngôi nhà của gia đình Monoslov. Mọi thứ vẫn ngăn nắp, sạch sẽ như khi tôi ghé thăm mấy hôm trước. Mikhail chủ động lấy gạt tàn đặt lên bàn trà cho tôi. Đây là cậu trai tinh ý nhất trong số thanh niên tôi đã từng tiếp xúc qua. Tôi lại đốt một điếu thuốc. Khói thuốc lại một lần nữa lan tỏa khắp phòng khách.
– Vậy là cậu vẫn quyết định nhập ngũ?
Tôi lại một lần nữa đóng vai người phá tan bầu không khí yên lặng. Mikhail đặt ấm trà vừa pha xuống bàn, nhanh nhẹn rót ra hai cái tách. Đẩy một tách về phía tôi, cậu nở một nụ cười buồn.
– Vâng, cháu vẫn giữ nguyên quyết định đó. Cũng không mấy dễ dàng gì. Nhưng cháu nghĩ cha cháu sẽ rất hạnh phúc nếu ông có thể nhìn thấy cháu mặc lên người bộ quân phục.
Tôi trầm ngâm suy nghĩ. Tôi không phải là người hiểu rõ Fyodor. Nhưng tôi biết ông cũng như tôi, không hề đánh giá cao cuộc chiến vừa rồi. Mười năm sinh tồn ở Afghanistan là mười năm chiến đấu vô nghĩa nhất cuộc đời tôi. Nên tôi thật sự không biết ông sẽ hạnh phúc khi Mikhail nối nghiệp mình, hay là sẽ cảm thấy thất vọng khi cậu ấy lại tiếp tục lao đầu vào những cuộc chiến vô nghĩa. Nhưng đó là quyết định của Mikhail. Và biết đâu chính quyền Liên Bang sẽ không phạm phải một sai lầm nghiêm trọng nào về quân sự nữa.
Tôi nào có biết, chỉ hai năm sau khi cuộc chiến này kết thúc, vào tháng Tám năm 1991, đã nổ ra một cuộc đảo chính đã nổ ra, dẫn tới việc giải thể Liên Bang Soviet, chấm dứt bảy mươi tư năm lịch sử của Liên Bang Soviet, mở ra một trang sử mới cho nước Nga. Nhưng đó lại là việc của tương lai. Còn hiện tại, cậu thanh niên Mikhail Monoslov đặt ra quyết định ở ngã rẽ cuộc đời của chính cậu. Chí ít là Fyodor có thể tự hào rằng con trai ông là một người kiên định với lựa chọn của mình.
Tôi rời khỏi nhà Monoslov khi trời đã chuyển sang buổi tối. Mikhail tiễn tôi tới tận cổng. Cậu ngập ngừng hỏi tôi.
– Vậy còn chú? Chú có dự định gì cho tương lai không?
Tôi nhìn lên bầu trời đầy sao phía trên cao, thở ra một hơi dài. Tôi biết mình muốn gì.
– Có thể cậu sẽ chê cười tôi, Mikhail ạ, rằng tôi là một kẻ trốn chạy. Nhưng tôi sẽ giải ngũ. Bấy nhiêu đó năm chiến đấu là đã quá đủ với tôi rồi. Tôi mong muốn một cuộc sống bình yên với một gia đình nhỏ.
Mikhail bật cười lần đầu tiên, kể từ khi tôi quen biết cậu. Tôi nhận ra cậu trai trẻ này có một nụ cười rất đẹp. Nó cũng lấp lánh như những ánh sao sáng phía trên cao kia vậy.
– Cháu không dám chê cười một người đã đối đầu với chiến tranh như thế được. Chú đã là một người lính quả cảm. Bây giờ chú xứng đáng được nghỉ ngơi.
Tôi vỗ vỗ lên vai Mikhail như một lời cảm ơn. Mikhail nắm lấy tay tôi. Tôi cảm nhận được cậu đã đặt tình cảm cậu dành cho cha mình lên tôi. Tôi thật sự rất cảm kích vì điều này.
– Thi thoảng ghé thăm tôi nhé Mikhail. Mong là Chúa và linh hồn của Fyodor sẽ phù hộ cho cậu.
Tôi tạm biệt Mikhail, bước ra con đường vắng. Dãy đèn đường tỏa ra một ánh sáng vàng mờ nhạt. Khung cảnh xung quanh lại rơi vào tĩnh lặng. Nhưng lần này, tôi lại thấy sự yên tĩnh thật bình lặng. Có lẽ, một nơi không có tiếng súng sẽ phù hợp với tôi hơn là chiến trường bụi mù. Tôi mong rằng con đường mà Mikhail Monoslov sẽ bước đi cũng sẽ bình yên như con đường trải dài trước cửa nhà cậu vậy.