Những câu chuyện về nhà Monoslov - 05
Đó là một ngày đông năm 1941, trong lúc cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại đang bước vào thời kỳ nóng bỏng nhất. Chiến trường Rostov rực lửa đã chứng kiến cuộc phản công của các Tập đoàn quân số 9, 12, 18 và 56 của Hồng Quân Soviet trên sông Donu để chống lại Tập đoàn quân số 17 và Tập đoàn quân xe tăng số 1 của Đức Quốc Xã.
Đó cũng là lúc Seryozha nhìn thấy bóng dáng một làn tóc vàng óng, làn da trắng ngà và đôi mắt xanh lấp lánh của Katya Pasternak trong lực lượng dự bị được chuyển đến chi viện cho khu vực Rostov. Lần đầu tiên khi bóng hình đó lướt qua Seryozha, anh đã ngỡ như gặp lại được Elzira một lần nữa. Đã bốn năm kể từ ngày Elzira qua đời, anh chưa từng nghĩ mình sẽ gặp một người giống bà đến thế.
Nhưng Seryozha lại một lần nữa ngần ngại. Năm nay anh đã ba mươi bảy, cũng đã đứng tuổi, lại có hai đứa con. Còn Katya lại quá trẻ trung xinh đẹp. Hơn nữa cuộc chiến tranh Vệ quốc còn gian nan trước mắt, lính Đức vẫn còn ở trên lãnh thổ nước Nga, anh đâu thể vì tình riêng mà lơ là nghĩa vụ. Thôi thì mối tình này anh đành để lại một mình anh biết.
Ngày bốn tháng Mười Một năm 1941, tướng Paul Ludwig Ewald von Kleist phát động cuộc tấn công vào Rostov sớm hơn dự kiến, do hệ lụy của việc một sĩ quan tham mưu của sư đoàn xe tăng 16 Đức bị các binh sĩ của Tập đoàn quân 56 Soviet bắt được khi đang chuyển kế hoạch tác chiến đến các đơn vị và làm lộ bí mật về kế hoạch của cuộc tấn công. Mười sáu giờ ngày hai mươi mốt tháng Mười Một, Tập đoàn quân xe tăng số 1 của Đức tiến vào thành phố Rostov.
Seryozha được phân phó để xâm nhập vào một đơn vị cơ giới thuộc Tập đoàn quân xe tăng số 4 do đại úy Aksel Schulz chỉ huy. Vốn dĩ vẫn có dòng máu Đức từ phía họ ngoại, anh có ngoại hình hao hao người Đức và cũng rất nhanh đã có thể thông thạo tiếng Đức. Anh thâm nhập vào doanh trại của Aksel dưới cái tên chuẩn úy Kaiser Müller, sử dụng danh tính của một lính tăng đã bị bắt giữ hai hôm trước. Mọi sự đều suôn sẻ cho đến một ngày, khi quân đội Đức đang rút khỏi Rostov sau trận phản công của Hồng Quân sang bên kia bờ sông Mius, Seryozha đã nhìn thấy đại úy Aksel bế một bóng hình quen thuộc trong bộ váy đen vội vàng chạy vào lều quân y.
Aksel đặt cô gái mà hắn vừa phát hiện sau ụ tuyết ven đường lên một chiếc giường dã chiến. Mái tóc óng vàng xổ tung ra, rũ rượi trên khuôn mặt đã tái đi vì lạnh của cô. Hắn gào lên với những người lính quân y xung quanh.
– Nước nóng, lấy cho tôi một chậu nước nóng! Lạy Chúa, các người không thấy cô ấy sắp chết cóng rồi à? Thứ thời tiết chết tiệt ở cái nơi đáng nguyền rủa này sắp giết cô ấy rồi. Nhanh cái tay lên! Lấy cả vật dụng băng bó nữa!
Seryozha cố tình lướt qua cửa lều, vừa hay lọt vào tầm mắt của Aksel. Hắn lớn giọng gọi anh vào, sau đó ném cho anh một chiếc túi da nhỏ có dính vài vệt máu nhỏ đã chuyển sang màu nâu sẫm.
– Này chuẩn úy, vào đây. Cậu giúp tôi tìm xem cô ấy có mang theo giấy tờ gì trong túi này không. Tôi muốn biết danh tính của cô ấy.
Seryozha lướt nhanh ánh mắt qua thân hình đang nằm trên giường, đúng là Katya Pasternak. Anh nhanh chóng nắm bắt được tình hình hiện tại, trong khi tay dốc ngược chiếc túi ra mặt bàn bên cạnh giường. Một cuốn sổ sĩ quan rơi ra khỏi túi cùng mấy món đồ tùy thân khác. Anh cầm nó lên đưa cho Aksel.
– Asvoria Schäfer, cấp bậc trung sĩ, chức vụ sĩ quan lưu trữ thông tin, đơn vị hậu cần, Tập đoàn quân xe tăng số 1. Cô ấy là người của tướng Kleist, có thể cô ấy bị bỏ lại khi bọn họ vượt sông Mius.
Aksel mở sổ ra và đọc. Seryozha nhìn chằm chằm vào thân hình mà anh yêu thầm trong suốt thời gian qua. Hơi thở nàng thoi thóp khó khăn, đôi mắt nàng nhắm nghiền vô định. Bộ quân phục Wehrmacht rách tả tơi, có vài vết đạn sượt qua. Với trí thông minh bẩm sinh và nghiệp vụ được học, Seryozha nhanh chóng hiểu được kế hoạch. Nhưng kế hoạch này quá nguy hiểm, Katya có thể chết trước khi kịp thâm nhập vào nơi này.
Mười lăm phút sau, sĩ quan quân y mới thở phào thông báo.
– Cô ấy đã tỉnh lại.
Trước khi Seryozha kịp phản ứng, Aksel đã cúi xuống cạnh giường bệnh. Người con gái nằm trên giường nhấp nháy mắt rồi bật dậy choàng tỉnh. Aksel nắm lấy đôi vai của cô trấn tĩnh:
– Trung sĩ Schäfer, không sao nữa rồi, cô đã an toàn. Đây là doanh trại của Tập đoàn quân xe tăng số 4, cô đang ở trong tầm kiểm soát của Đế Quốc Đức hùng mạnh.
Nét mặt Seryozha thoáng qua đôi chút ý coi thường. Tuy có dòng máu Đức chảy trong huyết mạch, nhưng chưa bao giờ Seryozha hết căm thù chế độ tàn ác dưới trướng Adolf Hitler, một chế độ luôn tự phụ về sự thuần chủng và thượng đẳng của chủng tộc Aryan, một chế độ đã gây ra rất nhiều tội ác chiến tranh. Ngay cả riêng bản thân Aksel Schulz cũng có rất nhiều tội trạng diệt chủng treo trên đầu. Seryozha càng nghĩ, bàn tay đã siết chặt trong vô thức, anh lại càng muốn nhanh chóng hoàn thành tốt nhiệm vụ này, đuổi đám người Đức kia ra khỏi lãnh thổ nước Nga mỹ miều.
Suốt mấy tháng tiếp theo, Katya Pasternak gần như quấn lấy Aksel Schulz. Cô gần như chiếm lấy được sự tin tưởng tuyệt đối của hắn. Aksel Schulz là một tên máu lạnh. Tay hắn đã dính không biết bao nhiêu là máu. Máu của người Do Thái, máu của người Ba Lan và cả máu của người Nga, máu của rất nhiều người Nga. Ấy vậy mà, không hiểu vì lý do gì mà hắn lại có thể dễ dàng rơi vào lưới tình như thế.
Một đêm tháng Tư năm 1942, Seryozha gặp Katya sau một cuộc hẹn từ trước. Katya lên tiếng ngay khi gặp được Seryozha.
– Tôi nhận được thông tin Đại bản doanh của Hitler đã ra một bản huấn thị cho cuộc chiến sắp tới. Ngày mai tên Schulz sẽ có việc phải ra ngoài. Chín giờ tối mai, đồng chí hãy đến văn phòng của hắn, mật hiệu là ba – hai – năm. Tôi sẽ lấy bản huấn thị từ nơi cất giữ trước, chúng ta sẽ cùng nhau biến mất khỏi đây.
Seryozha gật đầu ra hiệu đã hiểu. Anh nhìn ra rặng cây phía xa xa, bâng quơ nêu thêm ý kiến của mình.
– Tôi có thể liên hệ để người của chúng ta chặn đường tiêu diệt tên Schulz nếu đồng chí báo với tôi sớm hơn về việc hắn rời khỏi doanh trại.
– Không, không được…
Phản ứng của Katya nằm ngoài sự mong đợi của Seryozha, làm anh không khỏi giật mình. Vì sao Katya lại phản ứng mạnh đến thế? Anh nhìn cô đầy ngạc nhiên. Đôi mắt xanh lấp lánh ấy ngay lập tức lảng tránh ánh nhìn của anh. Anh trầm giọng xuống một tông thấp nhất.
– Katya, hắn là một tên Đức Quốc Xã, là kẻ thù của chúng ta. Chính tay hắn đã cướp đi bao nhiêu sinh mạng người Nga cô có biết không?
Katya trả lời, vẫn không nhìn vào Seryozha.
– Anh nghĩ nhiều rồi Seryozha. Chỉ là… Chỉ là tôi không muốn đánh rắn động cỏ. Một cái mạng của hắn không đáng để mạo hiểm đại cuộc. Thời gian qua tôi chỉ lợi dụng tình cảm của hắn để lấy thông tin. Ngày mai chúng ta sẽ cùng nhau rời khỏi nơi này, và sẽ không bao giờ nhìn thấy hắn thêm lần nào nữa.
Seryozha thở ra một hơi dài. Katya chưa bao giờ nói dối tệ như lần này. Nhưng Seryozha tin đó cũng chỉ là chút tình cảm thoáng qua. Sau khi trở về phía bên kia chiến tuyến, sẽ nhanh thôi, cô ấy sẽ không còn nhớ thứ tình cảm với tên tội phạm chiến tranh đó nữa. Nhưng, niềm tin của Seryozha đã sai, ít nhất là trong lần này.
Chín giờ tối hôm sau, Seryozha bước đến trước cửa văn phòng của Aksel Schulz. Ba – hai – năm, mật hiệu mà Katya đã giao hẹn. Tiếng khóa cửa bật mở, khung cảnh bên trong làm Seryozha thoáng chốc rùng mình. Aksel Schulz thoi thóp trên sàn nhà đầy máu, quân phục đen thấm đẫm thứ chất lỏng đỏ thẫm đó. Bên cạnh hắn là con dao găm yêu thích, thứ hắn luôn tự hào đặt trên giá nơi bàn làm việc. Đôi mắt hắn mờ đục vô định. Katya mắt đẫm lệ, dường như mất đi hoàn toàn sức sống.
Seryozha không cần suy nghĩ nhiều. Anh nắm vội lấy tay Katya. Anh cần đưa cô rời khỏi nơi này. Nhưng rồi, cô lại vùng tay mình ra khỏi tay anh, đưa nhanh cho anh một chiếc phong bì lớn.
– Đi đi, rời khỏi nơi này mà không có tôi. Tôi xin lỗi, Seryozha. Bọn họ sẽ đợi anh trong rừng, vẫn là ba – hai – năm, hãy đáp lại họ bằng bốn – tám – một. Đi đi Seryozha, và hãy quên tôi đi.
Katya đã yếu lòng như thế. Thứ tình cảm giả tạo đó không biết từ khi nào lại trở thành sự thật. Cô đã yêu, yêu một kẻ thù của nước Nga, của dân tộc Nga. Cô thật sự không thể hiểu trái tim của mình nữa rồi. thứ tình yêu ngang trái đó đang lấp lánh trong đôi mắt xanh như bầu trời của cô.
Seryozha buông thõng cái nắm tay. Anh hiểu rồi. Thứ tình cảm đó không hề chỉ là thoáng qua. Katya chưa bao giờ dành tình cảm cho anh, chưa bao giờ. Anh nhìn lại hình ảnh trước mắt, cũng là ngẫm lại trái tim anh. Đã bao giờ anh thật sự yêu Katya Pasternak, hay đó chỉ đơn giản là hình bóng của Elzira đã ám ảnh anh, khiến anh ngộ nhận đấy là tình yêu?
Thứ suy nghĩ đó vẫn ám ảnh lấy tâm trí Seryozha, khi mà anh băng qua khoảng rừng trong đêm đen tĩnh mịch. Phía xa xa, một ánh đèn lấp lánh chớp nháy. Ba – hai – năm, từng nhịp, từng nhịp sáng nhập nhòe trong màn đêm. Anh nhặt lên hai viên đá nhỏ, rồi gõ chúng vào nhau. Bốn – tám – một. Ba người lính Hồng Quân xuất hiện ngay lập tức. Một thượng sĩ nghiêm mình chào Seryozha, rồi hạ thấp giọng hỏi.
– Đồng chí Seryozha Monoslov, chúng tôi y lệnh đến đón đồng chí cùng với đồng chí Katya Pasternak. Cho tôi hỏi…?
Seryozha lấy ra chiếc phong bì được đóng dấu “tuyệt mật” và “Huấn thị số 41” phía trên, đưa cho viên thượng sĩ, rồi mới lắc đầu nói trong vô hồn.
– Cô ấy hy sinh rồi, tiêu diệt được Aksel Schulz. Katya Pasternak là một anh hùng.
Seryozha không kiềm được lòng nữa. Anh nở ra một nụ cười chua chát trong nước mắt, rồi dần dần biến nó thành một tràng cười điên loạn.
– Cô ấy chết rồi, cô ấy bỏ tôi mà đi, bỏ lại tôi giữa cuộc chiến ác liệt này mà đến thiên đường. Cô ấy… Cô ấy ra đi khi mà chưa biết tôi yêu cô ấy đến nhường nào.
Viên thượng sĩ đứng nhìn đăm đăm vào người đàn ông trước mặt. Tình yêu thời chiến là thế. Còn gì đau khổ hơn khi nhìn thấy những người mình yêu thương rời bỏ mình. Hai người lính còn lại định tiến lên đỡ lấy Seryozha, nhưng viên thượng sĩ đã cản họ lại.
– Để anh ấy như thế một lúc sẽ tốt hơn. Tôi hiểu Seryozha, anh ấy đã mất rất lâu để có thể gác lại đau buồn sau cái chết của người vợ cũ. Không dễ dàng gì anh ấy lại phải lòng một người, ấy vậy mà… Số phận thật ác liệt với anh ta. Chiến tranh thật ác liệt… Với tất cả chúng ta.
Một giọt lệ trong suốt rơi xuống, làm ướt trang sổ tốc ký của tôi. Cuộc đời thật ác liệt với Seryozha. Người lính già chậm rãi nhấp lấy một ngụm cà phê. Trong gạt tàn đã có chín mẩu thuốc.
– Đầu tháng Năm năm 1945, tướng Helmuth Weidling đầu hàng vô điều kiện trước tướng Vasily Chuikov và rất nhanh sau đó, cháu thấy đấy, chúng ta có ngày Chiến Thắng. Cuộc chiến đó đã kết thúc như thế đấy.
Nói đến đây, người lính già lại đốt thêm một điếu thuốc nữa. Tròn mười điếu cho một buổi phỏng vấn kéo dài ba tiếng, một con số không tưởng. Tôi đặt một dấu chấm cuối cùng cho câu chuyện vừa rồi, cũng như bài phỏng vấn của mình. Phía ngoài cửa sổ, ánh nắng chiều tà đang dần nhạt đi.