Những câu chuyện về nhà Monoslov - 04
Tháng Mười năm đó, người lính trẻ Seryozha lần đầu tiên được trở về thăm gia đình kể từ ngày nhập ngũ. Ngày anh trở về Verkhnyaya Pyshma là một ngày đầu đông, trời đã bắt đầu lạnh và đổ một màn tuyết mỏng. Từ phía xa, anh đã thấy làn khói bốc lên nhàn nhạt từ lò sưởi ngôi nhà của cha anh. Bước qua hàng rào, anh chỉnh lại bộ quân phục cho ngay ngắn rồi mới thận trọng gõ vài cái lên cánh cửa gỗ. Một giọng đàn ông chợt vang lên.
– Bác cứ tiếp tục công việc đi bác sĩ Monoslov, tôi sẽ mở cửa giúp bác.
Vài phút sau, ông Eriks ngạc nhiên reo lên ngoài ngưỡng cửa ngôi nhà.
– Bác… Bác sĩ Monoslov, Elzira, hai người ra đây mà xem. Là Seryozha, thằng bé đã về rồi.
Seryozha ngạc nhiên khi gặp cha con của Elzira ở nhà của cha anh. Lịch khám của cô bé thường sẽ rơi vào tuần cuối cùng của tháng, anh không nghĩ họ có mặt ở đây vào thời điểm này.
Elzira chạy ra từ bếp, mặc một chiếc tạp dề trắng bên ngoài chiếc váy dài màu xanh xinh xắn. Cô không còn là một cô bé gái mười lăm tuổi ngày nào. Nét xuân mơn mởn vương trên mái tóc vàng óng ả được búi gọn phía sau đầu, lan xuống cả làn da trắng ngà xinh đẹp. Cô cũng không còn tinh nghịch như trước nữa, mà chỉ mỉm cười thẹn thùng chào Seryozha.
– Seryozha, con về rồi.
Giọng nói trầm ấm thân thuộc vang lên. Vị bác sĩ lớn tuổi chậm rãi ôm lấy người con trai của mình, vỗ nhè nhẹ lên tấm lưng rắn chắc một cách rất dịu dàng. Trước khi có Seryozha, ông vẫn luôn cảm thấy ổn với cuộc sống đơn độc một mình. Ấy vậy mà từ khi Seryozha nhập ngũ, vẫn là cuộc sống một mình trong căn nhà nhỏ đó, hàng ngày khám bệnh lại khiến ông cảm thấy cô đơn và trống vắng. Ông quen với việc có Seryozha bên cạnh, quen với việc có một làn gió tươi trẻ trong căn nhà này.
Buổi tối hôm đó, trên quanh chiếc bàn ăn trong nhà bác sĩ Monoslov, một cuộc hội ngộ vui vẻ đã diễn ra.
– Vậy là gia đình bác đã chuyển về Verkhnyaya Pyshma sao, bác Eriks? Thật cảm ơn bác vì đã bầu bạn với cha của cháu. Cả Alzira nữa, cảm ơn em vì đã chăm sóc cho cha của anh những ngày anh vắng nhà. Anh thật sự rất biết ơn em.
Seryozha vẫn chưa thể bỏ hẳn cách nói chuyện trang trọng mà anh đã được học thời thơ ấu. Bữa ăn thật vui vẻ và đầm ấm. Cuối bữa ăn, Seryozha thu dọn bát dĩa rồi đợi Elzira trước cửa bếp. Anh nhìn thẳng vào đôi mắt xanh kiều diễm đó rồi run run lên tiếng.
– Elzira, không biết em còn nhớ lời hứa của anh trước khi nhập ngũ không? Anh đã trở về rồi đây. Nếu em vẫn còn đồng ý với anh về lời hứa ngày ấy, ngày mai anh sẽ thưa chuyện với cha.
Cô thiếu nữ Elzira nở một nụ cười nửa phần thẹn thùng, nửa phần hạnh phúc, e ấp như một nụ hoa táo trắng muốt. Suốt ba năm nay, cô luôn chờ đợi người mà cô đã đem lòng yêu thích từ thời thơ ấu trở về. Cô gật đầu, rất nhẹ, thoảng như một làn gió xuân dịu mát, tỏ ý rằng mình bằng lòng gả cho Seryozha.
Tuy nhiên, vì Seryozha vẫn phải công tác xa nhà, nên việc cử hành hôn lễ cũng không thể diễn ra quá nhanh chóng. Vào mùa hè năm 1925, Seryozha và Elzira mới có thể kết hôn. Họ sinh ra một người con gái tên là Vera vào ngay mùa xuân năm tiếp theo. Cuộc sống của Seryozha dường như đã viên mãn và đầy yên bình, trước khi sóng gió một lần nữa ập đến với anh.
Elzira, vì di chứng của việc sinh khó, đã qua đời khi vừa hạ sinh đứa con thứ hai. Khi đó Vera chỉ mới mười một tuổi. Seryozha lâm vào tình trạng trầm tư, chỉ biết đâm đầu vào công việc để quên đi nỗi đau mất đi người mà anh yêu thương nhất. Đứa trẻ vừa được sinh ra, Fyodor được chị gái và ông nội, bác sĩ Monoslov, chăm sóc.
– Ta luôn thấy có lỗi với hai đứa trẻ, nhất là Fyodor. Ta yêu mẹ của chúng, yêu rất nhiều. Thiếu bà ấy ta dường như không sống được. Nhưng điều đó không phải là lý do để ta biện hộ về việc ta đã bỏ lỏng việc chăm sóc chúng. Hai đứa trẻ hiểu chuyện rất sớm, chúng chưa từng oán trách ta. Hiện tại, Vera đang nối nghiệp ông nó, là một thầy thuốc. Còn Fyodor thì tiếp nối con đường binh nghiệp của ta.
Đôi mắt già nua của người lính già lấp lánh ánh nước. Tôi chủ động đưa bao diêm cho Seryozha. Điếu thứ bảy, tôi nhẩm đếm. Có lẽ nghiện thuốc cũng là một hệ lụy của hội chứng sang chấn hậu chiến tranh.
– Tháng Bảy năm 1938, vụ xung đột hồ Khasan nổ ra, trở thành lý do cho sự bùng nổ của sự các cuộc xung đột biên giới giữa nước ta và Nhật Bản từ năm 1932, đỉnh điểm là Chiến dịch Khalkhyn Gol. Sau đó, Thế Chiến thứ hai nổ ra. Ta cũng phải ra trận, hai đứa trẻ cùng với ông nội cũng chỉ đành nương tựa vào nhau. Ta thật sự không phải là một người con hay người cha tốt. Cha của ta đã mất, chỉ một năm ngay trước khi chiến tranh kết thúc. Ta chưa từng trả hiếu cho ông được như ta đã hứa.
Tôi không biết phải nói gì trong thời điểm này. Lật một trang mới trong sổ tốc ký ra, tôi hí hoáy một lúc các đường nét, cố tỏ ra bận rộn để khoảng thời gian này không bị trì xuống. Nhưng tiếng khò khè từ phía người ngồi đối diện tôi ngày càng to hơn, dần chuyển thành tiếng nức nở.
– Ta càng không phải là một người chồng tốt. Ta đã thề là sẽ mãi mãi chỉ yêu một mình Elzira. Nhưng ta lại một lần nữa phải lòng một người, chỉ vì cô ấy trông rất giống Elzira. Ta gặp cô ấy giữa những ngày chiến tranh ác liệt nhất. Suối tóc dài vàng óng và đôi mắt xanh thăm thẳm như đại dương. Đã có lúc ta đã tưởng như Elzira đã tái sinh. Cô ấy là Katya Pasternak, một chiến sĩ tình báo Hồng Quân.
Tôi ngẩng đầu lên khỏi mấy nét vẽ nguệch ngoạc của mình, hỏi lại một cách hơi vội vàng, điều này khiến cho tôi cảm thấy hối hận ngay sau đó.
– Vậy là một lần nữa bác lại tìm thấy được hạnh phúc?
– Ta ước là như thế. Nhưng Katya chưa một lần để mắt đến ta. Tình yêu của cô ấy, một thứ thật xa vời với ta, lại được ban phát cho một chỉ huy của kẻ thù.
Tình yêu hai đầu chiến tuyến sao? Tôi lấy làm mong chờ được nghe về mối tình của người phụ nữ tên Katya Pasternak này. Nhưng tôi không dám hỏi tiếp, sợ rằng cảm xúc dâng trào quá cao sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của vị cựu binh lớn tuổi này. Seryozha đoán được sự tò mò của tôi. Ông dụi đầu điếu thuốc đang hút vào gạt tàn, cất lên một chất giọng trầm trầm cố nén nỗi đau.
– Phiền cháu lấy giúp ta thêm một tách cà phê, sau đó ta sẽ kể cho cháu biết về Katya.
Tôi vội buông giấy bút đứng dậy đi rót cà phê. Cũng phải mất một lúc vì cà phê trong ấm đã nguội đi nhiều nên tôi cần đun ấm lại. Ngần ấy thời gian cũng đủ để Seryozha tự trấn an mình khỏi những nỗi đau trong quá khứ.