Những câu chuyện về nhà Monoslov - 02
Giữa thời chiến, thứ đẹp đẽ nhất có lẽ chính là chữ tình, bất kể đó là tình người, tình bạn hay tình yêu. Sau khi mất gia đình vào cái năm đầy biến cố và sóng gió đó, chàng thiếu niên Seryozha lưu lạc đến vùng ngoại ô bên ngoài thành phố Yekaterinburg. Ngay trong thời điểm loạn lạc, khi cuộc nội chiến vẫn diễn ra từng giây từng phút, bất luận bạn gặp ai trên đường bạn cũng sẽ có một suy nghĩ “liệu người trước mặt mình đây ủng hộ phía Hồng Quân hay lính Bạch Vệ?”. Bạn không thể biết được người vừa bán cho bạn bó rau ngoài chợ, người hàng xóm hay chào bạn mỗi sáng có cùng một chí hướng với bạn hay không. Sự loạn lạc khiến con người ta kiêng dè, phòng bị lẫn nhau. Nhưng lại không thể làm mất đi tình người.
Đó cũng chính là lúc Seryozha gặp được định mệnh của cuộc đời mình và được mang họ Monoslov. Đó đã là ngày thứ hai anh lang thang gần bìa một khu rừng thưa ở đâu đó gần bờ hồ Isetskoe, cách Yekaterinburg không quá xa. Anh ngồi bệt dưới một gốc cây, mắt bắt đầu hoa lên vì mệt. Từ xa xa, tiếng lộc cộc đều đều của một chiếc xe độc mã dần tiến về phía anh. Anh gượng mình đứng dậy để tránh đường cho chiếc xe chạy qua. Nhưng khi vừa nhổm người dậy thì mặt đất dưới chân anh bỗng chao đảo, và rồi bóng tối nhanh chóng ập đến.
Trong giấc mơ, anh nghe thấy giọng của mẹ và các chị gọi tên anh, họ khuyên anh hãy cố gắng tỉnh táo lại. Những giọng nói đó mờ ảo như vọng lại từ thiên đường. Anh nghe cả giọng của cha nữa, người vẫn trang nghiêm như mọi lần. Những giọng nói cứ thế xa dần, xa dần, rồi tắt hẳn. Mọi thứ im lặng đến đáng sợ. Và rồi sự hoảng loạn kéo Seryozha ra khỏi giấc mơ đó.
Anh nhận ra bản thân đang nằm trên một chiếc giường phủ khăn trắng, mùi thuốc sát trùng phảng phất trong căn phòng chật hẹp. Một chiếc rèm vải được căng quanh giường, ngăn cách anh với phần còn lại của căn phòng. Phía bên kia căn phòng, Seryozha nghe thấy tiếng trò chuyện của hai người đàn ông:
– Cảm ơn ông vì đã nhận chữa trị và chăm sóc cho thằng bé, thưa bác sĩ Monoslov. Tôi thật sự cũng không biết nên làm thế nào mới phải. Đem nó về thì tôi sợ bà nhà tôi càm ràm. Mà bỏ nó lại bìa rừng thì tôi lại không nỡ.
– Bác cứ yên tâm để thằng bé lại đây đi. Với thương thế của nó thì tôi cũng không nghĩ bác và chị nhà có thể chăm sóc tốt được. Tôi cho là sức khỏe của nó vốn đã không được tốt, lại thêm vết thương như thế. Thật sự chỉ có Chúa mới biết được làm sao nó có thể sống tới giờ này. Còn về con gái bác, cô bé Elzira, căn bệnh của con bé đang tiến triển tốt. Cứ đều đặn mỗi tháng đưa con bé đến để tôi kiểm tra và cấp thuốc là được.
Năm phút sau, tiếng mở đóng cửa vang lên, và người đàn ông được gọi là bác sĩ Monoslov xuất hiện từ sau tấm rèm che. Seryozha ngước mắt lên nhìn xem ai là người đã cứu mình. Đó là một người đàn ông ngoài tứ tuần với mái tóc muối tiêu và bộ râu xoăn đồ sộ cũng đã hơi ngả sang màu bạc. Đôi mắt xanh của ông mang đến cho Seryozha cảm giác rất yên tâm. Ông kéo một chiếc ghế đến ngồi xuống bên cạnh giường, ôn tồn lên tiếng.
– Cháu tỉnh lại thì thật là tốt. Ta đã thật sự thấy ngạc nhiên khi lão Eriks mang cháu đến đây. Lão ấy bảo nhặt được cháu ở ven hồ Isetskoe. Vết thương của cháu thật đáng lo ngại đấy.
– Cháu… cháu đang ở đâu đây thưa ngài?
Seryozha gắng sức hỏi, bằng giọng điệu đầy trang trọng mà anh đã được dạy từ lúc còn bé. Nhưng có lẽ với bác sĩ Monoslov thì nó lại thật kỳ lạ. Nhưng ông vẫn trả lời câu hỏi của Seryozha.
– Cháu đang ở nhà của ta tại Verkhnyaya Pyshma vùng Sverdlovsk. Nơi này cách Yekaterinburg tầm hơn nửa dặm về phía Bắc. Ta là bác sĩ Monoslov. Bây giờ thì cháu nói ta biết chuyện gì đã gây ra thương tích kinh khủng của cháu vậy hả? Có thể cháu không tin đâu nhưng ta đã rất vất vả khi xử lý mấy cái vết thương của cháu đấy.
Seryozha ngập ngừng trước câu hỏi của vị bác sĩ trước mặt. Trông ông ta rất đáng tin, nhưng liệu anh có thể đặt hết lòng tin vào người đàn ông này hay không. Thấy anh ngập ngừng chưa muốn nói, người đàn ông hơi ngả người ra lưng ghế, tỏ ý vẫn sẽ kiên nhẫn chờ anh trả lời. Năm phút sau, ông nhìn lên chiếc đồng hồ trong phòng rồi ôn tồn lên tiếng.
– Ồ, đã đến giờ ăn trưa rồi. Cháu cứ tiếp tục suy nghĩ đi, ta làm vài thứ cho bữa trưa đã. Ta không phải là một đầu bếp tài năng, mong cháu không chê.
Ông đứng dậy rời đi. Sau hơn nửa tiếng, ông quay trở lại với một chiếc khay có cháo yến mạch, bánh mì đen và một cốc sữa ấm. Ông đặt khay xuống chiếc bàn nhỏ cạnh giường. Vừa định quay trở lại bên ngoài thì Seryozha chợt lên tiếng.
– Bác sĩ Monoslov, bác có thể giữ bí mật không?
Nửa tiếng sau, bác sĩ Monoslov chậm rãi tóm tắt lại câu chuyện mình vừa được nghe.
– Vậy cháu mắc căn bệnh đó là do di truyền từ phía họ nhà ngoại của cháu? Bảo sao lúc cầm máu cho cháu lại khó như thế. Còn hiện tại thì cháu tính tương lai cháu thế nào?
Seryozha lắc đầu tỏ vẻ không biết. Anh mất tất cả mọi thứ chỉ sau một đêm. Cha mẹ, các chị, tất cả mọi người đều đã bỏ anh mà đi. Anh chỉ còn một mình trong cuộc nội chiến loạn lạc này. Anh không biết bản thân mình nên đi đâu và làm gì để có thể tồn tại.
Bác sĩ Monoslov nhìn cậu bé phía trước mặt có vẻ ái ngại. Nhưng khi ông nhìn sang dĩa cháo yến mạch đã sạch nhẵn trên bàn, ông biết bản thân cần phải làm gì. Suốt mấy chục năm qua, ông cứ sống một mình trong căn nhà nhỏ này, mỗi ngày đều đón tiếp bệnh nhân, không có ai bầu bạn, cũng chưa từng ai khen ngợi đồ ăn ông nấu. Đành vậy. Ông hắng giọng rồi nói.
– Nếu vẫn chưa biết đi đâu thì cháu cứ ở lại đây đi. Căn nhà này cũng cần một người trẻ để khuấy động sự nhàm chán của nó. Nhưng cháu sẽ phải học nhiều để thích nghi với cuộc sống nơi đây đấy. Trước mắt ta cứ phải chữa trị cho cháu đã, rồi dần dần dạy cho cháu sau.
Nói rồi ông đứng dậy thu dọn bát dĩa. Trước khi bước qua tấm rèm che, ông dừng bước rồi quay lại nhìn cậu thiếu niên trên giường.
– Từ lúc này con có thể gọi ta là cha không? Và cho phép ta gọi con là Seryozha nhé?
Seryozha nhẹ gật đầu. Anh hiểu vị bác sĩ này sẽ bảo vệ bí mật của anh. Giữa tình thế đấy loạn lạc này, tình người vẫn có giá trị riêng của nó.
Đoạn hồi ức về thời niên thiếu vụt qua trước mắt người lính già. Ông run run đưa ngón tay lên quệt đi một giọt lệ long lanh nơi khóe mắt.
– Ông đối xử với ta rất tốt. Từ rất lâu rồi, ta đã xem ông giống như cha ruột của mình. Nhờ ông mà căn bệnh bẩm sinh của ta cũng dần đỡ hơn trước rất nhiều. Ta thật sự mang ơn ông. Ấy vậy mà ông cũng bỏ ta mà đi sau đó ít lâu, bỏ lại ta với ngôi nhà nhỏ đó.
Tôi dừng bút khi nghe câu nói đó. Tôi và Seryozha vẫn chưa đi hết một phần ba cuộc đời của ông, ấy vậy mà đã có quá nhiều sự mất mát được tôi ghi nhận ở đây. Tôi đứng dậy đi pha thêm một ấm trà, chủ yếu là để Seryozha được ở một mình trong giây lát.
Khi tôi quay lại với ấm trà, Seryozha đã qua cơn xúc động. Tôi tìm lời một lúc rồi mới tiếp tục hỏi ông.
– Vậy bác nhập ngũ năm nào, thưa bác Monoslov? Và cuộc sống của bác ra sao sau khi nhập ngũ?
Người lính già bật một que diêm, đốt tiếp điếu thuốc thứ sáu trong buổi sáng nay. Sau đó ông mới tiếp tục dẫn dắt tôi theo chân cuộc du hành của người thanh niên Seryozha năm ấy.