Những câu chuyện về nhà Monoslov - 00
Chiến tranh, máu và nước mắt, đó là nỗi ám ảnh của bất kỳ người lính nào đã từng trải qua những cái chết, đôi khi chỉ trong gang tấc. Tôi luôn tự hỏi rằng thứ gì sẽ đáng sợ hơn, cái chết hay cảm giác cận kề cái chết? Và việc sống sót qua thời chiến là một đặc ân hay là một sự trừng phạt đầy thống khổ từ bánh xe vận mệnh đã áp lên số phận của những người lính, khi mà chiến tranh đã cướp đi người thân, đồng đội và những người mà họ yêu quý, chỉ để lại họ một mình với sự cô độc và sự ám ảnh đeo bám họ đến tận lúc họ nằm xuống trong chính thời bình, sau khi đã bị hành hạ đến mức muốn buông xuôi bởi những di chứng từ hội chứng sang chấn hậu chiến tranh.
Tôi thật sự không nhớ rõ được chiến tranh là gì, nó ác liệt ra sao. Chiến tranh đã hoàn toàn kết thúc lúc tôi vừa tròn năm tuổi. Mọi ký ức non trẻ đã dần phai nhạt đi, theo quá trình trưởng thành của tôi. Tôi chỉ có thể tưởng tượng ra phần nào cái ác liệt của chiến tranh từ lời kể của những người lính xa lạ.
Tôi nâng cốc cà phê vừa pha ở bàn trà bằng cả hai tay rồi đặt lên chiếc bàn tiếp khách nhỏ, thật sự thận trọng để không tỏ ra bất kính. Người đàn ông lớn tuổi ngồi lọt thỏm trong chiếc ghế bành trước mặt tôi rít thêm một hơi thuốc lá, làn khói mỏng thoát ra từ đốm lửa lập loè ở đầu điếu thuốc kéo theo mùi thuốc hăng hắc cứ quanh quẩn trong văn phòng làm việc của tôi. Bàn tay run run khiến tàn thuốc rơi nhẹ lên mặt bàn, ánh mắt mờ đục vô định, đó dường như là những biểu hiện của hội chứng sang chấn hậu chiến tranh. Thở ra thêm một làn khói trắng mỏng, ông hỏi tôi bằng chất giọng run run, trầm và đục.
– Cô gái trẻ này, cô thử đoán xem lão già này đã trải qua được bao nhiêu năm cuộc đời rồi?
– Cháu áng chừng ông năm nay đã bảy mươi ạ?
Tôi trả lời có chút kiêng dè. Tôi vốn dĩ không hiểu quá rõ về ông. Một bài báo là lý do duy nhất để tôi gặp ông ngày hôm nay. Một mẩu tàn thuốc lại rơi trên mặt bàn. Tôi cố ngăn mình không chau đôi mày lại và tỏ ra khó chịu. Người ngồi trước mặt tôi là một người lính đã sống sót qua những năm Thế Chiến. Tôi không thể bất kính với ông được. Hơn nữa, tôi cần ông thật thoải mái khi kể lại câu chuyện của ông.
Tôi, một cô gái Nga vừa tròn hai mươi tuổi, là một phóng viên tập sự của tờ Pravda. Tôi được giao nhiệm vụ viết một bài vào đầu tháng Năm này để mừng kỷ niệm mười lăm năm ngày Chiến Thắng. Nếu bài báo được thông qua, tôi sẽ được thăng lên làm phóng viên chính thức của tờ Pravda, một mơ ước của bất cứ người con Soviet nào muốn theo đuổi ngành báo chí. Chính vì thế, tôi đã cố gắng để có một cuộc hẹn với một người lính đã tham gia cuộc chiến từ những ngày đầu tiên, Seryozha Monoslov, để nghe ông kể về những câu chuyện thời chiến.
– Vào cái năm chiến tranh kết thúc thì ta chỉ mới bốn mươi mốt. Trông ta già đến thế sao? Mà cũng đúng, ai trải qua những chuyện như ta mà không trở nên già cỗi chứ. Ta đã chứng kiến cái giây phút Sa Hoàng cuối cùng của Đế Quốc Nga hùng mạnh ngã xuống, ta đã chứng kiến sự hình thành của Liên Bang Soviet vĩ đại, và ta cũng đã chứng kiến phút giây vinh quang khi bọn Phát xít sụp đổ. Ta có rất nhiều thứ có thể chia sẻ với cô, cô gái trẻ à.
Ông Seryozha trầm giọng mở lời, khoé mắt nhăn nheo ánh lên một tia nhìn xa xăm đầy hồi tưởng. Tôi nhanh chóng cầm giấy bút lên. Tôi thường dùng máy đánh chữ khi viết bản thảo. Nhưng khi tham gia phỏng vấn, tôi thích dùng giấy bút hơn. Như thế thì tôi có thể dễ dàng bắt kịp luồng cảm xúc của đối phương. Ký ức là thứ cực kỳ khó lường, đối khi nó có thể ùa về nhanh như dòng thác đổ xuống vách đá cheo leo, nhưng cũng có lúc nó lại rời rạc như những mảnh kính vỡ rơi rải rác trên bãi cỏ cạnh cửa sổ. Tôi đã từng thấy rất nhiều người thao thao bất tuyệt kể lại một câu chuyện, nhưng ngay lập tức dừng lời rồi ngập ngừng thêm thắt một chi tiết mà họ lỡ quên cho câu chuyện đã kể xong từ mười phút trước. Thế nên, không có thứ gì tuyệt vời hơn giấy bút để ghi lại dòng ký ức của một người.
Và rồi, trong ba tiếng đồng hồ tiếp theo, người lính già Seryozha Monoslov đã đưa tôi đến với một cuộc du hành qua những tháng ngày đầy sóng gió của cậu thiếu niên Seryozha Monoslov, cùng với sự thăng trầm của nước Nga kiều diễm trong những năm tháng chiến tranh.