Ngôi làng lắm quỷ nhiều ma - Chương 3
Nói một chút về nghĩa địa làng tôi, thì thực chất đó không phải là nơi an nghỉ của những người
trong làng Ngọc mà còn là nơi chôn cất của ba làng. Tuy nhiên cả ba nơi ấy đều chỉ có một
người chuyên gia làm nghề bốc mộ, ấy chính là lão Trung ở đầu làng tôi.
Người làng tôi ai cũng biết lão ấy là một kẻ không sợ ma, quỷ. Đến cả mấy cái xác nằm dưới
mộ kia cũng chả lung lay được sợi dây thần kinh của ông ấy. Có lần tôi nghe anh Kiên sống ở
cuối làng kể lại chuyện anh đi theo phụ ông Trung bốc mộ bà mình, không hiểu hồi đám tang bà
người ta đào sâu chôn chặt như thế nào mà đến khi bật cái nắp áo quan ra, thì thấy một cái xác
còn nguyên xi thịt da xám xịt.
Người nhà thấy vậy thất kinh hết hồn phách, bà mẹ anh Kiên thấy vậy run rẩy kêu rú lên đoạn
vái như tế sao. Hai người con trai của nói với ông Trung rằng là chôn xác mẹ mình lại để thêm
mấy năm nữa, tuy nhiên ông lão làm nghề bốc mộ ấy chỉ phẩy tay nói người nhà đi ra chỗ khác
để ông ấy xử lý cái xác bà cụ cho.
Nói rồi ông đi vót một khúc tre cật thành một lưỡi dao thật sắc sau đó nhảy xuống cái huyệt mộ
tiến hành công việc của mình. Hôm đó tôi nghe anh Kiên tả lại cái âm thanh " rồn rột" khi lóc thịt
cái xác của bà nội anh ấy mà không khỏi rùng mình ớn lạnh. Nói đến đây chắc quý vị thừa biết
cái ông chuyên làm nghề bốc mộ ở làng tôi là một người thần kinh thép như thế nào. Mà không
can đảm thì làm sao có thể làm cái nghề rửa cốt cho người quá cổ của cả ba làng.
Và cái sự việc khiến cho ông Trung bỏ luôn cái nghề bốc mộ nó xảy ra sau hơn nửa năm sau
khi con chó trắng của nhà chú tôi lên nồi. Hôm đó là một ngày trời mưa phùn rả rích, ông Trung
đang ngồi bắn thuốc lào vã ở nhà thì thấy chú Vũ nhà ở cuối làng đến nhờ sang cát cho ông cụ
Trính thân sinh ra chú ấy.
Sau một hồi tính toán âm dương các kiểu, ông Trung bảo với khách hàng của mình thời gian
đẹp để làm lễ cải táng cho cha chú Vũ, lại dặn về mua một số thứ để đến khuya đi ra nghĩa địa.
Chú ấy sau khi nghe xong ghi vào tờ giấy sau đó đưa cho ông Trung rồi ra về chuẩn bị cho cái
công chuyện buổi đêm.
Đến đêm sau khi tranh thủ chợp mắt một chút, ông Trung bận một bộ đồ cũ tay xách cái mấy
dụng cụ mình vẫn hay dùng để hành nghề đi một mạch về phía cái nghĩa địa đầu làng, tới nơi
đã thấy người nhà chú Vũ đứng đợi sẵn ở đó. Sau một vài nghi lễ cúng bái thường thấy trong
các buổi bốc mộ ở quê tôi, ông Trung cùng với người nhà của chú Vũ bổ những nhát cuốc đầu
tiên xuống mộ ông cụ Trính.
Bởi cả ngày hôm qua trời mưa rả rích làm đất ở đây bị nước thấm làm cho nó cứ dẻo quẹo lại
với nhau, đã thế càng đào xuống sâu thì lại càng thấy nước đọng nhiều. Bấy giờ ông trung chỉ
có thể lắc đầu một cái vì biết mộ ông cụ thân sinh của chú Vũ chắc chắn bị úng nước, không
cẩn thận thì e rằng một lát nữa chính ông sẽ phải lội bì bõng trong đống nước hôi thối để mò
tìm mấy đốt xương đen xì xì dưới huyệt mộ.
Và đúng như ông lão bốc mộ ấy dự đoán, sau hơn một giờ đồng hồ đào cái huyệt mộ cuối cùng
cũng chạm tới nắp cái quan tài. Lúc này ông Trung đứng chân lên cái nắp quan tài mà nước
vẫn ngập đến gần đầu gối. Chú Vũ thấy vậy liền chạy về nhà kéo luôn cái máy bơm trung quốc
chạy bằng dầu chú vẫn hay dùng để bơm nước ao thuê tới hút bớt nước. Chả mấy chốc nước
ở dưới huyệt cũng được hút cạn bớt, tranh thủ lúc nước chưa ngấm ngược trở lại huyệt ông
Trung ngay lập tức nhảy xuống cái hố vừa mới đào mau chóng dùng cái càng cua bằng sắt
cậy mấy cái đinh trên nắp cái áo quan đen xì xì của ông cụ Trính.
Trong đêm khuya thanh vắng từng tiếng đinh nghiến vào ghỗ keng kẹt khiến cho người nhà chú
Vũ rợn hết cả răng, riêng ông Trung thì chả để ý đến cái âm thanh đó. Khi chuẩn bị nhổ đến cái
đinh cuối cùng, ông Trung tự nhiên dừng tay lại vài giây lắng nghe, vì hình như bên tai ông ấy
vừa mới phát ra tiếng của con gì đó quẫy nước bên trong cái quan tài của ông cụ Trính. Độ hơn
chục giây trôi qua chả có sự gì xảy ra, ông Trung cho rằng mình nghe nhầm liền nhếch mép
một cái rồi lại tiếp tục làm nốt công việc của mình.
Sau khi mở nắp cái quan tài thì đúng thật là chả có con vật nào bên trong đó cả, mà chỉ thấy
dưới ánh đèn dầu leo lét đang được chú Văn soi xuống là một bộ xương đen xì sì. Phần đầu
cái quan tài chứa xác ông cụ thân sinh của chú ấy bị mục làm lủng một lỗ lớn.
Bằng sự chuyên nghiệp của mình chỉ trong vòng chưa đầy 15 phút đồng hồ ông Trung đã xử lý
xong bộ xương đen bóng của cụ Trính. Đoạn bỏ vào cái tiểu sành khắc hình rồng phụng để
cho người nhà đưa cụ đến chỗ đất đẹp mà hạ táng.
Sau khi xong việc chú Vũ cũng tắt cái máy bơm, bấy giờ nước lại tiếp tục tràn vào ngập đầy cái
hố huyệt. Cũng may lúc nãy mấy cái xương nhỏ của ông cụ không bị thất lạc. Quay qua thì thấy
ông Trung đang đi ra chỗ mương nước nhỏ vây quanh cái nghĩa địa làng tôi để rửa qua tay
chân trước khi ra về. Anh em chú Vũ thấy vậy cũng đi ra chỗ lão Trung, chú Văn vừa khoắng
tay xuống nước vừa nói.
_ hôm nay thật làm phiền tới bác quá, lát mời bác qua nhà cháu làm chén rượu nhạt rồi tiện thể
cháu gửi nốt tiền công.
Ông Trung nghe xong gật đầu một cái đoạn nở một nụ cười hào sản đáp:
_ việc tao làm có gì mà phiền với không lát hai anh em mày cứ chuẩn bị cho tao chai nút chuối
cho đỡ nhạt mồm nhạt miệng. Chứ thú thật xương ông cụ hôi quá tao rửa hết mấy lít rượu mới
át đi cái mùi đấy.
_ vâng vậy để cháu kêu vợ chuẩn bị.
Chú Văn nói, đoạn rời khỏi đó đi về lo cái sự cúng bái ở nhà. Cái sự đó thì nhà chú Vũ đã có
đánh tiếng với một vị sư thầy quen biết ở trên huyện. Sáng hôm sau ông ấy sẽ đến làm cái lễ
cầu siêu hay tiếp dẫn gì đó tôi cũng chả biết, nói chung là hôm đó tôi theo chân ông bô qua nhà
ăn ké xôi gấc thấy ông thầy ấy tụng kinh dài lắm cỡ mấy giờ đồng hồ luôn. À mà nói về ông
Trung bốc mả, sau khi chú Văn rời đi, ông cũng định lên bờ về nhà tắm rửa thì ông lại nghe
đánh " oạp" một cái ở trong bụi cỏ gần đó, dự là lần này nó phải là một con cá lớn chứ chẳng
chơi. Ông lão thấy vậy liền lẩm bẩm:
_ mẹ mày lần này mày chết với bố.
Rồi ngay lập tức tiến về chỗ đó, vốn là một tay sát cá nhất làng nếu không vì cái nghiệp âm thì
chắc có lẽ bấy giờ ông ta đã là một tay đánh bắt cá có tiếng ở làng tôi rồi cũng nên. Chỉ sau vài
động tác nhanh gọn ông Trung đã tóm được cái thứ mà ông ta cho là con cá lớn, tuy nhiên tay
ông lại cảm thấy con vật này nó mềm và trơn hơn nhiều. Con vật chưa kịp vùng vẫy tìm cách
thoát ra thì loáng một cái đã thấy ông ném thẳng lên bờ cách xa chỗ mương nước độ hơn năm
sáu mét gì đó. Bấy giờ không chỉ người nhà cụ Trính tròn mắt ngạc nhiên mà cả lão bốc mộ ấy
cũng há hốc mồm vì thứ mình vừa bắt được là một con lươn vàng óng to bằng cả bắp tay
người lớn.
_ ối trời ơi con lươn nào mà lại to thế.
Vợ chú Vũ thốt lên khi thấy con lươn nằm quằn quại dưới đất sau cú ném mạnh. Ông Trung
bấy giờ mới phủi tay mấy cái đoạn tiến đến chỗ con vật vừa bị mình tóm được cầm nó lên
ngắm nghía.
_ đéo mẹ to như thế này về nấu cháo thì sướng phải biết.
Chú Văn nghe thấy vậy khẽ rùng mình lên một cái, trong đầu nghĩ đến mấy cái hình ảnh tụ
lươn hay cá trê theo nằm trong quan tài ngày ngày lớn lên bằng việc ăn xác chết, khiến cho cơ
thể chúng to hơn những giống đồng loại của chúng. rồi thì là mà đủ cái sự liêu trai diễn ra xung
quanh nó, nay thấy con lươn bự chà bá trước mặt chú đoán ngay đó có thể là một con lươn rỉa
xác hoặc thành tinh cũng nên.
_ thôi chú ơi cháu nghĩ con lươn này nó to quá e rằng nó là cái thứ ở trong.
Chú Vũ chưa kịp nói hết câu, thì đã bị ông Trung mắng :
_ trong cái thằng bố anh ấy, tôi làm nghề bốc mộ bao nhiêu năm nay làm gì có con vật nào nằm
trong cái quan tài đâu. Gớm anh xem con mương này nối ra sông lớn ở đó thiếu gì lươn to, chả
phải hôm rồi nhà lão Bính đi câu ở sông còn bắt được một con lớn hơn con này vài phần hay
sao.
Chú Vũ nghe vậy cũng cho là lời của ông lão trước mặt mình có lý. Còn ông Trung bỏ con lươn
vừa mới bắt được vào trong cái túi đồ nghề rồi lại tiếp tục nói:
_ Đấy anh xem lúc chiều nay người ta khóa van Thủy Lợi chặn hết nước lại, con lươn này nó
không có lối thoát đành quanh quẩn ở đây cũng là lẽ dĩ nhiên.
Nói rồi ông Trung cứ thế xách con vật vừa mới bắt được về nhà. Ở làng tôi này đúng thật là tay
bốc mộ có tiếng lại có khả năng xem giờ rời mộ dựa vào cuốn sách ông cụ thân sinh để lại.
Nhưng ông ta lại chả bao giờ quan tâm đến mấy cái sự tâm linh hay kiêng kị gì cả, thấy con vật
ấy to thì bắt về thôi. Không nấu cháo ăn thì bán ra chợ huyện cũng được một ít tiền gửi lên cho
ba cô con gái đang học đại học ở trên thành phố.
Người làng tôi thường hay nói ông Trung có Phúc lắm mới đẻ được ba người con vừa đẹp
người lại vừa đẹp nết, đã thế lại còn học hành giỏi giang. Bởi hồi đó đậu đại học đâu phải
chuyện dễ huống hồ gì ấy lại là trường y. Tuy nhiên ông lão đó cũng chả màng đến mấy lời nói
của người làng mà chỉ đáp lại rằng.
_ ối bá ơi, con gái có giỏi mấy rồi cũng đi lấy chồng làm con người ta mà thôi. Chả bằng ta
sanh một cái đầu mẩu sau này chết đi nó còn lo cho cái bát nhang.
Ngày xưa ông cầu tự mãi đến gần 50 tuổi mới để được đứa con đầu lòng, khi đó cái ông mong
là một đứa con trai nhưng trời lại ban cho cô vịt trời. Rồi thêm hai lần hạ sinh nữa, bà Diễn vẫn
đẻ cho ông thị mẹt. Bấy giờ ông Trung thấy tuổi cũng đã cao, biết là cố nữa cũng không được
đành phải chịu cảnh sanh con một bề. Kể ra ông ấy còn trẻ chắc cũng như nhà ông Vinh ở làng
bên đẻ một lúc gần chục người con để kiếm cái đầu mẩu. Cảnh cha già con trẻ nên tôi vẫn hay
gọi lão bốc mộ trong làng là ông, còn ba người con gái bên đó bằng chị.
Lại nói về buổi bốc mộ hôm ấy, sau khi vớ được con lươn lớn ông Trung liền mang về nhà thả
vào cái lu nước sau đó ngủ một giấc đến tầm trưa thì đi qua nhà chú Vũ ăn đám cúng cụ Trính.
Khi đã cơm no rượu say ông trung quay về nhà lăn ra cái phản đánh một giấc dài đến lúc bà
Diễm đi thăm ba cô con gái trên phố về ông ấy mới tỉnh dậy. Nhìn ra ngoài sân thấy trời đã
nhập nhoạng tối, bấy giờ mới để ý tới con lươn to liền cầm cái đèn dầu đi tới chỗ cái lu nước
ngó vào bên trong thì thấy con vật mình bắt được lúc sáng đã chết đứ đừ đừ. Ông Trung nhìn
xác con lươn tỏ ra tiếc rẻ vì không thể mang ra chợ huyện bán được nữa.
_ mẹ nó.
Ông trung bất giác thốt lên một câu xong đưa tay vào vớt xác nó lên, bà Diễm tới chỗ cái sân
giếng thấy chồng mình cầm trên tay con lươn to tướng giật mình nói:
_ trời đất ơi, ông bắt con lươn ở đâu mà to vậy.
Ông Trung đáp:
_ tôi bắt được nó ở cái mương nước đêm qua. Định mang ra chợ huyện bán kiếm ít tiền mà nó
chết mất rồi còn đâu.
Bà Diễm lại hỏi tiếp:
_ thế giờ ông tính làm gì nó.
Chợt bà nhớ đến chuyện gì đó liền rùng mình lạnh vai nói:
_ này đừng nói là ông bắt được con lươn này ở ngoài nghĩa địa đấy?
_ ừ thì ở ngoài đó.
Bà vợ ông Trung nghe chồng mình nói xong mặt mũi tái mét lắp bắp không nên lời. Ông Trung
thấy bà xã như vậy liền xua tay.
_ úi giời bà đúng thật là, tôi bắt con lươn này ở cái mương nước gần nghĩa chảy qua khu nghĩa
trang của làng. Nhưng đâu phải mấy con lươn chạch to hơn bình thường sống đoạn đó đều từ
trong quan quách chui ra như bà tưởng tượng đâu. Đấy bà xem tôi bốc mộ ở cái nghĩa địa đó
bao nhiêu năm trời làm gì có con vật nào chui bên trong quan tài đâu mà bà cứ phải nghĩ vớ
vẩn.
Bà Diễn nghe chồng giải thích xong cũng thấy có lý, lại cho mình là kẻ khéo tưởng tượng. Làm
gì có con lươn nào có thể đào hang chui vào trong quan tài của một người xấu số nào đó để
làm tổ. Còn đang đứng suy nghĩ thì ông Trung đã ném con vật qua chỗ sân giếng đoạn quay
qua phía vợ nói:
_ bà vào bếp lấy dùm tôi ít tro ra đây.
Bà Diễm định nói gì đó nhưng ông Trung lại hối đành đi vào bên trong bốc một nắm tro lớn còn
đang nóng hổi đưa cho chồng. Chưa đầy 15 phút sau xác con lươn đã được ông lão bốc mả
ấy làm cho sạch sẽ, rồi cắt làm ba khúc bỏ vào bên trong cái nồi đất thêm gia vị làm món lươn
kho thơm phức.
Nói là thơm phức đơn giản vì nhà ông ấy cạnh khu vườn phía tay trái nhà tôi, hôm đó là chính
mũi tôi ngửi thấy cái mùi thơm từ món lươn kho. Mà nói thật lúc đó nhà tôi may mắn khi không
ăn phải thịt con vật thành tinh kia chứ không thì lại bị vật như nhà ông Trung. Còn cái sự cả nhà
ông ấy bị vật như thế nào thì đó là chuyện xảy ra sau khi ông Trung và bà vợ làm thịt con lươn
đó được hơn ba ngày. Bắt đầu bằng cái chết đầy thương tâm của chị Hoa là người con cả của
hai ông bà ấy.
Buổi sáng hôm đó tôi đang ngồi chơi ô ăn quan với con bé em họ ở bên quê ngoài qua thì
nghe thấy tiếng bà Diễm gào lên thất thanh. Bố tôi ngồi uống trà ở bên trong nhà nghe thấy vậy
đoán rằng có sự chẳng lành ở bên đó liền phóng qua bên nhà ông Trung, sẵn tính tò mò hai
anh em chúng tôi cũng bỏ lượt chơi mà chạy theo qua bên đó. Tới nơi tôi thấy bà vợ ông Trung
đang nằm vật vã trong trước khoảng sân rộng lớn tay chân giã bành bạch mà than khóc như xé
vải. Bên cạnh vợ ông Trung là chú Chí người đưa thư của làng đang cố gắng trấn tĩnh bà ấy
mặc cho con xe đạp của mình đang bị đổ chổng kềnh một góc. Còn về phần ông Trung thì tay
chân đã quýnh quáng hết cả lên, đến khi bố tôi và mấy người lại gặng hỏi mãi mới có thể thốt
lên mấy câu nghẹn ứ:
_ con Hoa nó đi hoc về bị tai nạn chết rồi.
Bà bảy nghe thấy vậy liền giật mình thốt lên:
_ ối trời đất ơi, sao lại chết.
Chú Chí đứng cạnh đó quay qua trả lời:
_ lúc nãy trên Hà nội người ta gọi về báo tin tôi liền qua đây cho vợ chồng bác ấy biết, chứ em
có nắm rõ sự tình nó như thế nào đâu.
_ thôi bây giờ bác bình tĩnh để tôi lấy xe chở bác qua chỗ con Hoa xem tình hình cháu nó thế
nào đã, khổ còn năm cuối mà lại xảy ra cái cớ sự này đúng thật là.
Bà Bảy nói đoạn đi về nhà nói với chú Tám lấy con xe máy đi qua nhà ông Trung, cùng với ông
ấy lên trên Hà Nội để làm thủ tục nhận xác cô con cả của gã bốc mộ làng tôi về. Còn bà Diễm
sau một hồi khóc lóc vật vã đã lăn ra ngất xỉu tựa lúc nào, mẹ tôi và mấy người phải đưa vào
nhà trong bôi dầu gió nắm bóp mãi mới tỉnh lại. Khi tỉnh bà ấy lại tiếp tục quơ tay ra phía ngoài
sân nói:
_ con Hoa nó về kìa, ối giời ơi con về thăm bu đấy phải không.
Một chặp bà lại hoảng hốt la hét thất thanh mặt mũi tái mét cả lại tai liên tục quờ quạng:
_ đồ quỷ đồ ma ai cho mày bắt con tao đi.
Đoạn bà níu tay một người đứng cạnh đó nói giọng như van nài:
_ bá bá mau cứu con em với, con quỷ nó nó bắt con em đi rồi.. chết thôi mau lên bá ơi.. ối giời
ơi nó kéo con em đi kìa… ối Hoa ơi là Hoa về đây với mẹ con ơi..
Bà nọ nghe nói vậy cũng rùng mình theo phản xạ theo phía tay bà Diễn chỉ, và thứ bà ấy thấy
chỉ là cây cau đứng sừng sững ở giữa vườn. Trên ngọn của nó bị một cơn gió vô tình thổi qua
làm cho tàu lá lung lay, chứ chả thấy con ma hay con quỷ nào ngồi vắt vẻo trên đó cả. Cho là
bà hàng xóm của mình vì thương xót con quá sinh ra ảo giác bèn nắm tay nói lời an ủi, nhưng
càng nói thì bà Diễm lại càng giãy nảy lên.
Khi đó tôi cũng ở đó hóng chuyện mà tái hết cả mặt, mẹ tôi vốn là người có linh cảm với thế
giới vô hình thấy cái sự xảy ra ở nhà ông Trung đoán được mười mươi là liên quan tới thứ
không sạch sẽ. Tuy vậy bà lại ngại không muốn nhắc đến đành quay sang nói với hai anh em
chúng tôi:
_hai đứa về nhà mau để người lớn làm việc.
Trong lòng tôi muốn ở lại hóng chuyện lắm, nhưng nghe mẹ nhắc vậy cũng đành phải kéo con
em họ mình về nhà tiếp tục chơi ô ăn quan. Đến tầm xế chiều người ta đưa xác chị Hoa về tới
nhà, bên ấy lại tiếp tục vang lên tiếng khóc ai oán và dường như nó còn to và thảm thiết hơn
lúc sáng. Khi đó tôi thấy bà nội mình hướng ánh mắt mờ đục qua bên đám tang mà khẽ lắc
đầu, tôi thấy lạ liền tiến đến chỗ nội hỏi. Nhưng bà chỉ im lặng không nói gì, bố tôi thấy vậy nói:
_ con ra chỗ khác chơi để bà nằm nghỉ.
Dứt lời ông cũng đạt chén trà xuống cái bàn rồi rời khỏi nhà đi qua nhà ông Trung để phụ cái
đám tang cô con cả ông ấy. Ở làng tôi nó là như thế đấy cứ mỗi lần nhà ai có việc là cả làng lại
xúm nhau lại mỗi người một tay giúp gia chủ, cũng chả cần công xá gì. Có lần nhà bác tôi xây
lại cái nhà sau, người làng tới giúp xong cũng chỉ cần đãi một bữa cơm mừng nhà mới chứ chả
cần công xá gì.
Như đã nói tôi là kẻ khoái hóng chuyện, không những thế nhỏ em họ lại chả khác gì thấy người
ta đưa xác chị Hoa về thì dễ gì bỏ qua. Vậy là hai đứa tôi rủ nhau qua bên đám tang, thế nhưng
vừa mới đi ra khỏi cổng đã bị ông bô tôi quát cho xanh mặt đành phải tiu nghỉu ra về. Lúc đó
mặt hai đứa tôi dài như cái bơm chả biết tại sao ông bô mình lại nóng tính vậy, sau này tôi mới
biết là trẻ em như tụ tôi người ta kỵ không cho đến nơi có đám vì sợ nhiễm khí lạnh.
Sau khi anh em tôi về nhà lấy quấn truyện cổ tích của bác cả mua trên Hà Nội về cho ra coi
hình vẽ trong đó được một lúc thì bên đó vang lên tiếng trống báo tang, kèm theo đó là âm
thanh nỉ non ai oán của người còn ở lại khi mất đi một người thân một cách quá đột ngột.
Người ta làm lễ khâm liệm xong bố tôi quay về nhà sửa lại cái chuồng gà, còn mẹ tôi vẫn ở bên
đó để phụ đám. Đến khi nắng tắt mẹ tôi mới từ bên đám tang về hơ qua lửa bồ kết rồi vào bếp
nấu bữa cơm tối. Trong bữa cơm mẹ tôi có kể lại lời của chị Huệ là người con thứ hai của ông
Trung rằng:
_ lúc sáng nay xe đạp chị Huệ bị hỏng nên đi chung xe với chị Hoa tới trường. Sẵn có việc
muốn lên thư viện đọc tài liệu nên chị Hoa lấy xe chở em mình tới trường luôn. Nào ngờ khi hai
chị em đi ngang qua một căn nhà lầu hai tầng đang xây dở thì ở trên cao mấy người thợ kéo
tấm tôn thế nào lại để tuột giây.
Kể đến đây mẹ tôi kẽ rùng mình một cái, rồi mới tiếp tục nói:
_ con Huệ nói, khi đó chỉ kịp thấy tấm tôn nó lao thẳng tới chỗ chị em chúng nó khiến cho cả hai
chưa kịp trở tay thì cái đầu của con Hoa đã bị cắt lìa khỏi cổ lăn long lóc dưới đường.
Ông bô tôi khẽ rùng mình một cái, lúc đó tôi nhìn thấy rõ trên tay ông từng nốt da gà da chó nổi
lên rần rần dưới ánh đèn dầu.
_ tôn đó làm bằng cái đếch gì mà sắc thế.
Ông bô tôi nói, mẹ tôi lắc đầu đáp:
_ nào tôi có biết nó làm bằng thứ sắt thép nào đâu xưa giờ làng này toàn lập ngói, họa may
lắm nhà trên phố huyện mới có thứ đó.
Bố tôi khẽ gật đầu đoạn nói:
_ Mà thôi bà ăn xong dọn xuống để tôi qua nhà bác ấy xem có thể giúp gì được không nhé, khổ
hiếm con đến bốn mấy gần năm mươi tuổi mới có mấy mụn con mà chưa gì đã mất một.
Dứt lời ông đứng dậy đội cái mũ cối đi qua nhà ông Trung để phụ ông ấy tiếp khách. Tôi sau khi
ăn cơm xong cũng leo lên giường ngủ sớm chứ không thức khuya chơi với con em họ như hôm
qua nữa, bởi ông cậu tôi ở làng bên đã đạp xe tới đón nó về lúc chiều nay. Nội tôi thấy tôi đi
nằm cũng vào quạt cho tôi ngủ, bên kia tiếng kèn trống của đội âm công vẫn vang lên một cách
day dứt tiếp đón những người khách tới viếng đám tang chị Hoa.
Trời hôm đó tuy rằng có mưa thật ấy nhưng chả hiểu sao nó lại nóng một cách bất thường
khiến cho trong người tôi hơi bứt rứt khó chiu. May mà có nội quạt cho chứ không thì chắc là tôi
có nằm tới sáng cũng chả thể ngủ được. Nằm lật như cá rán một hồi con buồn ngủ cũng ập
đến, bấy giờ tôi chìm vào trong giấc mơ lúc nào cũng chả biết. Trong mơ hôm đó tôi thấy chi
Hoa về đứng trước sân nhà ông Trung, trong cái khung cảnh mờ mờ ảo ảo đầy sương khói
dưới chỉ phủ mỗi một màu đen và trắng theo như tôi nhớ là như vậy. Chị ấy cứ đứng ở chỗ cái
gốc cây cau hướng ánh mắt buồn vời vợi nhìn vào bên trong nhà.
Trong giấc mơ tôi thấy chị về cảm thấy mừng lắm, lúc đó tôi quên mất rằng là người con gái lớn
của ông Trung đã ra người thiên cổ. Tôi lại chỗ chị Hoa tỏ ra vui vẻ nói:
_ a chị Hoa trên Hà Nội về chơi, chị về có mua quà cho em không?
Tôi hỏi như vậy là vì chị quý tôi lắm, mỗi lần có việc về quê chị đều mua cho tôi quà. Khi là con
tò he bằng gạo nếp, lúc lại là một bịch kẹo với đầy đủ màu sắc trông rất bắt mắt. Lần này chị về
tôi cũng mong chị sẽ cho tôi một thứ gì đó, nhưng đáp lại câu hỏi của tôi chỉ là một sự im lặng
đến kỳ lạ. Chị cứ đứng ở chỗ gốc cau nhìn vào trong nhà, mặc cho lúc đó có một cơn gió lạnh
buốt thổi qua làm cho tôi rùng mình. Quay sang thấy cái khăn màu đỏ quấn chặt trên cổ chị bị
lỏng ra, và rồi trong giây phút đó tôi thất kinh. À nói đúng hơn là sợ hãi tới tột độ khi nhìn thấy
cái đầu của chị Hoa từ từ nghẹo hẳng qua một bên trông kỳ dị lắm. Chi Hoa đưa cánh tay cứng
nhắc của mình lên để đỡ lấy cái đầu của mình, nhưng chưa kịp làm điều đó thì nó đã rơi đánh
bịch một cái xuống dưới gốc cau.
Bấy giờ tôi mới nhận ra rằng cái khăn quấn trên cổ có màu đỏ là do máu của chị Hoa tạo thành
và người nhà ông Trung đang làm đám tang cho chị ấy. Dưới mặt đất cái đầu của chị Hoa lúc
này mới cất tiếng nói nghe có vẻ đau đớn lắm.
_ nhặt cái đầu lên cho chị với, chị chết rồi còn đâu.
Thú thật lúc đó chị có cho tôi 10 bịch kẹo thì đến cả bố tôi cũng chả dám nhặt cái đầu lên, nói gì
đến một thằng bé hơn 6 tuổi như tôi. Thấy mãi tôi không nhặt cái đầu lên cho mình chị Hoa lại
tiếp tục nói:
_ này cu nhặt cái đầu của chị lên đi mai chị về mua kẹo dẫn cu đi chơi.
Chết mẹ đã về lại còn dẫn tôi đi chơi thì đúng là hoang mang thật sự, khi đó tôi chỉ biết khóc
thét lên vì quá sợ hãi. Chợt tôi thấy có ai đó vỗ vào lưng tôi sau đó là âm thanh quen thuộc:
_ dậy dậy đi làm gì mà khóc thét lên thế.
Sau câu nói đó tôi vùng dậy thoát khỏi cơn ác mộng, thấy mẹ đang ngồi cạnh liền ngoác mồm
khóc ầm lên. Một phần vì sợ hãi, phần còn lại là ăn vạ để được dỗ. Ông bô tôi thấy vậy chui
vào màn hỏi mãi tôi mới kể lại những gì mình đã thấy trong giấc mơ vừa trải qua. Bà nọi tôi
nghe xong khẽ thở dài nói:
_ con Hoa nó quý thằng nhỏ nên tìm về đấy, anh xem qua bên đó khấn nó đừng nhát thằng bé
nữa.
Ông bố tôi nghe nội nói xong liền lấy cái mũ cối đoạn mở cửa đi thẳng qua nhà ông Trung. Bấy
giờ tôi cũng đã hết khóc mà nhìn theo bóng lưng ông bô mình thấy ở bên đó người làng đã
thắp lên hai cái đèn măng sông chiếu sáng rực như ban ngày. Ở góc vườn chỗ tôi vừa mới mơ
thấy chi Hoa về, người ta bắc một cái bếp củi để đun một nồi nước lớn lắm, tôi nghĩ chắc là để
hãm trà xanh dùng để tiếp khách ngày mai đến viếng.
Bố tôi sau khi khấn vái gì đó với con gái lớn của ông Trung liền quay trở về nhà nói với tôi cứ
yên tâm mà ngủ, chị Hoa không về nhát ma nữa. Và đúng là sau đó tôi không thấy hồn chị tìm
về trong giấc mơ của tôi nữa, thành ra tôi cứ thế đánh một giấc từ đó cho tới gần trưa. Khi tỉnh
dậy đã thấy bên đám tang người ta đánh nhạc rần rần để chuẩn bị đưa linh cữu người con xấu
số của ông Trung ra nghĩa trang đầu làng.
Ở làng tôi ông Trung ngoài việc bốc mộ, ông và một số người nữa còn kiêm luôn nghề đào
huyệt. Thực mà nói có nằm mơ ông cũng không thể ngờ rằng có một ngày chính tay mình lại
phải đào hố huyệt để chôn con gái. không chỉ đào một lần mà là… tất cả đều bắt nguồn từ cái
chuyện ông bắt giết con lươn tinh kia mà thành.
Cái đám tang của chị hoa diễn ra một cách bình thường chứ cũng chẳng có sự lạ như những
câu truyện ma tôi từng nghe. Sau một tuần mọi sinh hoạt tại nhà ông Trung cũng dần trở lại
bình thường, , ấy là trong con mắt người làng chứ trong tâm của hai vợ chồng ông hàng xóm
nhà tôi rối bời lắm. Suốt thời gian hai người con thứ ở nhà cúng thất tuần cho chị cả bà Diễm
cứ suốt ngày thơ thơ thẩn thẩn vào ra chẳng nói năng câu nào. Người làng tôi cho rằng vì
người mẹ ấy thương sót người con gái xấu xố mà sinh ra tâm bệnh, chứ họ không hề biết rằng
từ khi an tán Chị Hoa xong đêm hôm đó bà nằm mơ thấy có một con lươn to lắm, theo lời bà kể
sau này thì nó phải dài đến hơn năm mét. Vì thế tôi cho rằng con vật trong giấc chiêm bao của
vợ ông trung là loài thuồng luồng mới chuẩn.
Bà kể khi ấy con quái thú đó từ từ quấn quanh ngôi mộ mới đắp của chị Hoa khiến cho phần
đất ở đó dính đầy cái thứ nhớt tanh tưởi từ làn da vàng khè của nó. Sau một hồi con thuồng
luồng đó dừng lại dùng ánh mắt thù hằn nhìn về phía bà, đoạn nói phát ra âm thanh cổ quái
dẫn dụ người con thứ của hai ông bà là chị Huệ đến bên cái hố huyệt vừa mới đào bên cạnh
đó.
Thấy chị Huệ tù từ đi về phía con vật trước mặt mình một cách không kiểm soát, bà Diễm muốn
hét lên để cảnh báo cho con gái mình nhưng toàn thân bà lúc đó cứng đơ như khúc củi. Đến
khi cổ họng bà hét lên được một tiếng thất thanh cũng là lúc con vật đó quấn chặt lấy cơ thể
người con thứ. Và rồi một loạt âm thanh " rồm rộp" từ những mảnh xương vụn vang lên đánh
thẳng vào tai khiến cho Diễm sợ hãi đến tột độ. Sự sợ hãi tới tột độ kéo bà vợ ông Trung khỏi
cơn mộng mị, nhưng dư âm của nó vẫn còn đeo bám bà cho đến sáng. Không những thế giấc
mơ kia còn lặp đi lặp lại đến cả tuần liền khiến cho một phần hồn phách của bà Diễm bị lạc mất
khiến cho bà rơi vào trạng thái thất thần như người làng tôi đã trông thấy khi đó.
Thực ra thì hồi đó có một vài lần bà Diễm trở nên tỉnh táo và kể cho chồng mình nghe. Về phần
ông trung sau khi nghe vợ mình kể về cái sự xảy ra trong giấc chiêm bao mỗi đêm của vợ mình
xong chỉ cho rằng là do bà ấy lo nghĩ quá nên mơ mộng hão huyền mà thôi. Nhưng ông chồng
bà Diễm không hề biết được rằng ngày người con thứ của hai ông bà bắt chuyến xe lên Hà Nội
để tiếp tục việc đèn sách cũng là lúc cơn ác mộng của vợ ông ấy trở thành hiện thực.
Sáng sớm hôm đó tôi thấy ông Trung gói ghém đồ đạc với một ít đồ khô cho hai người con còn
lại của mình, đoạn lấy xe đạp chở hai chị ấy rời khỏi nhà. Vì bến xe nằm tít trên phố cho nên
ông phải đi đến quá trưa mới quay trở về nhà. Hồi đó bà Diễm vẫn còn trong trạng thái thơ thẩn
nên việc cơm nước cũng bị bỏ bê, thấy vợ mình ngồi ở sân nhà hướng ánh mắt đờ đẫn nhìn về
phía xa xăm ông chỉ biết thở dài một cái, đoạn vào bếp tự mình nhóm lửa nấu cơm. Định rằng
sau khi ăn xong sẽ tiếp tục vác cuốc xẻng ra nghĩa địa làng đào nốt cái huyệt kế bên phần mộ
chị Hoa. Tính ra hôm qua chỉ cần thêm 30 phút nữa là đào xong cái huyệt đó thì trời bỗng
nhiên đổ một trận mưa lớn, thành ra ông và hai người nữa phải bỏ dở công việc của mình.
Chiều hôm đó mọi việc diễn ra một cách thuận lợi, ông Trung và hai người đồng nghiệp của
mình còn tranh thủ đào thêm được một cái hố huyệt nữa.
Khi ông Trung vác đồ nghề về nhà đang đứng cạnh cái bể nước mưa để rửa qua tay chân thì
thấy chú Chí chạy con xe phụng hoàng từ ngoài cổng lao thẳng vào trong sân. Đoạn chú quét
ánh mắt lo lắng nhìn quanh như muốn tìm kiếm ai đó. Ông Trung thấy vậy liền nói lớn:
_ này chú Chí có chuyện gì mà hấp tấp vậy?
Chú Chí nghe thấy vậy liền chạy tới chỗ ông Trung nói giọng gấp gáp:
_ trời ơi cái sự chết người không vội sao được. Con Huệ nhà bác nó bị xe cán chết rồ, con Cúc
thì đang nguy kịch trên viện kia kìa.
Ông Trung nghe người đứng trước mặt mình báo tin dữ hai tai bùng nhùng chả khác gì sét
đánh bên tai, toàn thân ông lảo đảo đứng không vững tới độ muốn ngã vật xuống đất. Mãi sau
ông mới có thể thốt lên một cách đầy đau đớn:
_ trời đất ơi, sao lại thế cơ chứ.
Bà Diễm ở bên hiên nhà nghe tin con gái mình gặp nạn thì chỉ rút lên một tiếng thất thanh rồi
ngất lịm. Cả hai người thấy vậy vội chạy tới đỡ bà ấy vào bên trong nhà nằm nghỉ. Và họ không
hề biết rằng sau lần ngất xỉu đó, bà Diễm đã trở nên phát điên phát dại đến mãi sau này mới
đỡ.
Lúc đó ông bố tôi cùng với chú Mục ngồi rít thuốc lào vã bỗng nghe thấy tiếng hét thất thanh
của bà Diễm. Ông bô tôi cảm thấy có sự chẳng lành liền vội vàng quăng cái ống hút khói xuống
bàn rồi cùng với chú Mục băng rào qua bên đó. Và tất nhiên tôi cũng phóng theo để hóng xem
chuyện gì xảy ra bên nhà ông lão chuyên làm nghề bốc mộ đó.
Tới nơi tôi thấy mọi thứ bên đó cứ rối bời hết cả lên, đến cả ông Trung cũng tỏ ra lúng túng
không biết phải làm gì, còn bà Diễm thì vẫn nằm ngất lịm trên giường. Bố tôi chưa hiểu chuyện
gì xảy ra liền hỏi:
_ bá Diễm bị sao vậy anh Chí.
Chú Chí đang dùng lọ dầu gió bôi lên thái dương bà Diễm thấy bố tôi hỏi vậy liển dừng tay lại
quay qua trả lời:
_ lúc nãy có người ở trên Hà Nội gọi điện về báo với em là con Huệ mới bị tai nạn giao thông
chết lúc chiều nay. Còn con Cúc thì..
Tới đây thì chú Chính im lặng không nói thêm câu nào nữa, bởi chú cũng chả biết liệu người
con gái út của ông Trung có vượt qua được cơn nguy biến hay không. Còn bố và cả chú tôi
sau khi nghe xong đều cảm thấy ớn lạnh, chú Mục rùng mình một cái đoạn quay sang phía ông
trung nói:
_ thế bây giờ bác Trung tính sao ?
Ông Trung thấy có người hỏi lại càng trở nên lúng túng.
_ còn biết tính toán gì cơ chứ.
Lúc này bên nhà ông Trung cũng đã có một vài người hàng xóm tới để xem sự việc xảy ra bên
trong. Nắm được sự việc mấy bà đều xúm lại thoa dầu nắn bóp cho bà Diễm, còn mấy người
khác hối thúc ông Trung mau lên Hà Nội lo hậu sự cho người con thứ hai của mình. Bố tôi lúc
đó cũng về nhà nói mẹ tôi đêm hôm đó ở lại nhà ông Trung chăm sóc cho bà Diễm rồi cùng với
ông ấy bắt xe tới nơi xảy ra tai nạn.
Chỉ một lát sau người làng vào ra quanh sân nhà ông hàng xóm của nội tôi đông lắm, người lo
dựng rạp chuẩn bị làm tang, kẻ lắm chuyện thì lại bàn tán về cái chết quá đột ngột của hai chị.
Hầu hết những người bàn về chuyện đó đều cho rằng: "người con cả chết chưa đầy 49 ngày
mà đã kéo theo người con thứ, chắc chắn rằng đến tám chín phần là trùng tang liên táng."
Nhưng rồi lại có người phản bác lại giả thiết mấy người kia đặt ra, rằng thì là mà chính bà ta đã
tính ngày giờ cho chị Hoa và chả thấy có dính đến cái sự trùng lặp gì cả.
Người soi ngày giờ cho con cả của ông Trung chính là bà Tú một người có thể xem tướng số ở
làng tôi, nhưng khả năng của bà đó chỉ nằm ở mức độ xoàng. Nói chung là những gì bà ấy nói
đều là lấy trong mấy cuốn sách trên phố huyện mà ra. Một người khác lại xua tay nói chất giọng
lè nhè:
_ tôi cứ theo thực tế, hai chị em nó chết cách nhau không bao lâu. Khẳng định chắc chúng nó bị
thần nanh vàng mỏ đỏ bắt đi rồi.
Lúc đó tôi chả hiểu trùng tang hay thần nanh vàng là gì liền hỏi một cô đứng gần đó, nhưng đáp
lại lời tôi chỉ là một cái quắc mắt của bà nội. Bà không muốn tôi tìm hiểu quá sâu về thế giới
tâm linh ở tầm tuổi đó, và còn một điều nữa là bà lo cái thứ không sạch sẽ nào đó trên phần đất
của nhà ông Trung ảnh hưởng tới thằng cháu nội của mình. Mẹ tôi đang ngồi cạnh bà Diễm lúc
này vẫn còn trong cơn mê man thấy thế tiến lại nhắc tôi về nhà ngủ sớm. Thôi thì vâng lời mẹ
tôi đành phải theo chân nội về nhà, khi hai bà cháu tôi đi qua cánh cổng nhà ông Trung thì bên
trong nhà vang hết tiếng gào khóc thất thanh của vợ ông ấy. Nội tôi nghe thấy vậy chỉ khẽ lắc
đầu thở hắt ra một hơi đoạn nói nhỏ:
_ đúng là chỉ vì một miếng ăn nhỏ mà hại đến cả hai đứa bé.
Lúc đó tôi cũng chả hiểu ý nội muốn nhắc đến là gì, mà tôi cũng chẳng muốn hỏi nữa mà cứ thế
về nhà leo lên giường nằm ngủ. Đêm đó tôi ngủ chung với nội nên cũng ngủ ngon lắm, phải
đến khi mặt trời lên tới lưng ngọn tre tôi mới tỉnh dậy. Bấy giờ cũng là lúc cái xe tang ở trên
thành phố đưa xác chị Huệ về tới nhà, một lần nữa bên ấy lại vang lên tiếng than khóc ai oán.
Vì xác của chị Huệ bị cán nát bởi một chiếc xe tải chở ghỗ cho nên trước khi đưa về đây người
ta đã bỏ sẵn vào trong cái quan tài rồi.
Ông Trung cũng theo về lo đám tang cho người con thứ, còn chị Cúc tôi nghe đâu có người bác
họ nào đó của chị ở trên Hà Nội ở lại chăm sóc rồi. Tuy nhiên tình hình của người con gái út đó
cũng đang tiến triển rất xấu, dự là nếu không cầm cự đến buổi chiều e rằng cũng tùng cắc tùng
xèng theo chị mình.
Cái quan tài được bên nhà quàn khiêng vào đặt ở giữa khoảng sân gạch đỏ. Nhìn cái linh cữu
được đặt vào đúng cái vị trí cách đấy hơn một tuần đã kê chiếc quan tài của chị Hoa, ai nấy
đều tỏ ra thương xót cho hai người con gái của ông Trung mới chỉ đôi mươi mà đã phải lìa xa
trần thế.
Ở bên nhà tôi tranh thủ làm vệ sinh cá nhân rồi đi vào nhà chứ thú thật nghe tiếng kèn sona
vang lên choe chóe cộng thêm âm thanh than khóc tới não lòng ở bên đám tang làm cho tôi
cảm thấy ớn lạnh. Nói là khoái hóng chuyện chứ thực ra tôi rất sợ tiếng kèn trống của đội bát
âm trong đám tang. Thậm chí tôi còn sợ cả tiếng trống múa lân, cho nên mỗi dịp trung thu mấy
anh chị trong làng đi múa sư tử tôi thường chui vào trong nhà khóa trái cửa là vì lý do đó.
Cái đám tang của chị Huệ cứ thế diễn ra một cách bình thường, và bố mẹ tôi vẫn qua lại đều để
phụ giúp ông Trung lo hậu sự cho người con thứ. Còn về phần bà Diễm thì ở bên nhà lâu lâu
tôi lại nghe thấy bà ấy gào lên một cách đầy đau đớn rồi sau đó im bặt. Tôi nghĩ chắc là do bà
ấy chịu không nổi cú sốc quá lớn cho nên đã lăn ra ngất xỉu.
Cho đến tầm bảy hay tám giờ tối gì đó tôi cũng không nhớ rõ lắm, cái sự quỷ dị nó mới bắt đầu
xảy ra. Khi ấy tôi ngồi ở nhà nghe thấy bên đám ông thổi kèn sona đang theo một bản nhạc gì
đó nghe não lòng lắm, hình như là "lòng mẹ bao la gì đó". Thì bỗng nhiên tôi nghe thấy người
đó thổi đánh " chóe" một cái tiếp theo đó là hàng loạt âm thanh nhốn nháo nghe chừng náo
loạn lắm. Biết có sự chẳng lành cả tôi và nội đều ngó qua nhà ông Trung, lúc đó dưới ánh sáng
hắt ra từ cái đèn măng sông hắt qua mảnh vườn nhà nội, tôi thấy ông Tý người chuyên thổi kèn
ném luôn cái cần câu cơm qua một phía đoạn phi cái thân to tổ chảng của mình bay qua hàng
rào râm bụt qua mảnh vườn của nội tôi như phim trưởng, chỉ có điều ông ấy đáp xuống đất
bằng bờ mông. Sau đó ông ấy cứ mặc kệ lấm lem vừa chạy vừa bò cả lăn tới chỗ bà cháu
chúng tôi mặt mũi cắt không ra huyết, mồm miệng lắp bắp nói:
_ ối ối giời ơi bà Diễm bị vong nhập rồi…
_ vong?
Bà nội tôi thốt lên đoạn quay vào nhà lấy lá bùa nhét vào trong túi tôi, rồi chống gậy đi qua bên
đám tang. Lúc đó đúng là có sợ ma nhưng cái sự tò mò nó lại hối thúc tôi đi qua bên đó hóng
chuyện. Nói là đi qua cũng không đúng bởi lúc đó sang bên đám tang là bị đuổi về ngay. Cũng
may là từ góc sân nhà nội tôi nếu bắc ghế cũng có thể quan sát được bên đám tang nhà ông
Trung đang xảy ra cái cớ sự gì.
Và thứ tôi thấy buổi tối hôm đó là một cảnh tượng vô cùng bát nháo, người làng thì bỏ chạy
thục mạng ra khỏi cái đám tang. Khi thấy bà Diễm tự nhiên leo lên cái nắp quan tài mà uấn éo
chả khác gì con rắn bị chặt mất đầu. Ở một góc tôi còn thấy ông Trung nằm thẳng đuột ở một
góc miệng sùi cả bọt mép trắng xóa, khi đó tôi cũng chả hiểu nguyên nhân tại sao hai ông bà ấy
lại bị như vậy.
Một chặp sau tôi nghe trong gió có tiếng rít, tiếng hú, rồi lại kêu lên the thé, và cả một bài hình
như là đồng dao mà đến bây giờ tôi cũng chả biết có phải bà vợ ông Trung đọc nó hay là chính
cái thứ liên quan tới hai cái chết ở bên đó. nó đại loại là như thế này:
Bắt con thuồng luồng
Bỏ vào trong lu
Vợ chồng mày ngu
Nên giờ chúng chết
khúc đầu, lìa thân
khúc giữa, nát bét
khúc đuôi, theo nốt
Theo nốt.
Dứt lời bài đồng dao đó vừa dứt, tôi lại thấy bà giãy đành đạch trên nắp cỗ áo quan của chị
Huệ. Về phần người làng sau một hồi bị bà Diễm dọa cho thất kinh hồn phách bấy giờ cũng lấy
hết can đảm mà kéo bà ấy xuống và đưa ông Trung lên trạm xá cấp cứu. Độ hơn ba mươi
phút sau tôi thấy sự việc bên đó bắt đầu lắng xuống, bà Diễm lúc đó cũng thôi không quậy phá
nữa,. Duy chỉ có những lời thì thầm bàn tán của những người có mặt tại đám tang là vẫn chưa
dứt. cho đến sáng hôm sau người ta vẫn còn nhắc về cái bài đồng dao kỳ lạ mà đêm qua bà
Diễm đã đọc trong lúc mất kiểm soát. Bấy giờ là trời sáng với lại đội âm công cũng chưa tấu
nhạc nên tôi cũng mon men ra góc vườn sát với nhà ông Trung để nghe ngóng tình hình. Sau
một hồi bàn tán, tôi nghe thấy tiếng vỗ đùi một cái "đét" kèm theo câu nói:
_ thôi chết rồi..
Giọng nói ấy chính là của chú Vũ, người cách đây không lâu đã nhờ ông Trung bốc mộ cho
cha mình. Hai anh em chú cách đó mấy hôm có việc bận phải lên phố đến khi về nhà nghe báo
tin liền qua đám viếng vừa hay nghe được cái sự tâm linh từ mấy người trong làng. Một số
người nghe thấy chú Vũ nói vậy cũng bắt đầu xúm lại hỏi xem chuyện gì đã xảy ra. Bấy giờ
chú Vũ mới thuật lại việc ông Trung vô tình bắt được con lươn vàng ở cái mương nước chảy
qua khi nghĩa trang của làng vào cái đêm bốc mộ cho cha mình. Nghe xong ai cũng lắc đầu
cho rằng ông Trung đã ăn phải cái thứ quỷ quái nên bấy giờ nó về vật hai cô con gái ra người
thiên cổ một cách đau đớn. Nội tôi ở bên đó sau khi nghe người ta bàn tán nhau về cái nghiệp
ông Trung đã vô tình tạo ra, bấy giờ mới lên tiếng :
_ thôi anh Trung đã gây ra cái sự ấy rồi thì nên đi tìm đến thầy để mà làm lễ giải oan đi chứ để
lâu tôi e rằng…
Bà nói tới đây có giọng của một người đàn ông khác chen vào:
_ nhưng mà cụ ơi, nhà ông bác cháu bây giờ người bị điên người, người nằm vật trên trạm xá
lấy ai đi tìm thầy thợ bây giờ.
Nội tôi nghe xong thở dài nói:
_ cứ để xem sức khoẻ của ông ấy thế nào đã, không sớm thì muộn cũng phải giải cái oán tình
này., chứ không thì…
_ thì sao thưa cụ?
Một người khác hỏi, nội tôi đáp:
_ tôi e rằng nó sẽ ảnh hưởng đến cả họ nhà anh đấy.
Bên này tôi lại nghe thấy một người phụ nữ khác nói giọng vô cùng lo lắng:
_ trời đất nghiêm trọng vậy sao cụ.
_ cái này tôi không nói trước được điều gì.
Nội tôi đáp đoạn bà chống gậy ra về. Vừa hay lúc này người chuyên báo tin của làng tôi lại
chạy chiếc xe đạp tới chỗ đám tang, vừa thở vừa nói:
_ Con Cúc, con Cúc..
nhìn sắc thái của chú khi đó người ta thừa biết là sắp nghe hung tin gì. Một người trong họ
nhà ông Trung tiến đến chỗ chú Chí nói:
_ con cháu tôi nó không qua khỏi rồi phải không ?
Chú Chí không trả lời mà chỉ khẽ gật đầu một cái, người nọ bất giác thở dài một cái rồi cất
giọng não nề ai oán:
_ khổ thân con bé chưa đầy đôi mươi mà đã phải.
Những người có mặt trong đám tang khi nghe xong hung tin mà chú Chí mang tới ai nấy đều
rùng mình sợ hãi. Cái chuyện tang trùng tang, quan tài người chị chưa rời nhà, đã phải kê linh
cữu cho cô em đúng thật là từ hồi đó tới tận bây giờ làng tôi chỉ xảy ra một lần tại nhà ông
Trung mà thôi.
Vậy là chiều hôm đó tôi thấy người ta đưa cái quan tài của chị Huệ lên cái xe kéo đưa ra nghĩa
trang làng an táng vào đúng cái hố huyệt mà cha chị đã đào sẵn. Rồi thì đến tối người làng lại
tiếp tục kéo cái áo quan của người con út ông Trung đặt vào chỗ người chị mình đã nằm để
chuẩn bị làm lễ khâm liệm trước khi ra đồng. Vậy là sáng sớm ngày hôm sau tiếng kèn tiếng
trông hoà cùng âm thanh than khóc não nề lại tiếp tục vang lên một cách đầy ai oán. Và tôi
cũng nghe đâu hồi tối bà Diễm lại phát điên, lần này bà ấy không quậy phá như tối trước nữa
mà chỉ nằm quằn quại vặn mình chả khác gì con lươn bị đập đầu. Tôi cũng nghe thấy người
làng kể lại rằng lúc giữ cơ thể bà vợ ông Trung thì thấy trên lớp da bủng beo của bà ấy tiết ra
một thứ chất nhờn tanh tưởi tới lợm giọng. Nghe đâu khi đó mấy người họ hàng của ông Trung
tại đám tang thấy cảnh tượng ấy thì sợ hãi lạy bà Diễm như tế sao. Về phần bà lúc thì nằm
quằn quại trên giường, lúc lại cười lên một cách ma mị rồi lại gào rú đau đớn và không thể
thiếu tiếng chửi rủa đòi mạng… kẻ đã sát hại nó, à không theo như tôi nghe kể thì là cả họ
luôn ấy.
Đám tang chị Cúc diễn ra tới chiều thì người ta thấy ông Trung từ trên trạm xá về, nằm trên đó
hơn một ngày đêm ông mới tỉnh lại. Lúc đó trong người vẫn mệt lắm nhưng ông vẫn phải cố
gượng dậy mà về nhà lo cho cái đám tang thứ ba tại nhà mình. Trong cái đám tang của chị
Cúc và hai người con lớn của ông trung, tôi thấy người cha ấy không rơi một giọt nước mắt
nào nhưng con ngươi của ông lúc nào cũng đỏ như màu máu. Có lẽ ông đã phải giấu nước
mắt hoặc đi qua một góc không có ai và rồi.. Khi đó tôi không biết quan niệm phụ bất lệ tử là gì,
nên có lẽ thôi không bàn tới vấn đề đó nữa.
Khi đó tôi nghe người ta nói, cái chết của ba chị em bên đó là do oán trái gì đó nên chị Cúc
cũng chả nằm ở nhà lâu mà đưa đi ra đồng ngay trong đêm luôn. Nơi chị nằm vẫn là cái hố
huyệt mà ông Trung và mấy chú đồng nghiệp của mình đã đào trước đó. Người ta và đến cả
chính ông lão chuyên làm nghề bốc mộ ấy cũng không thể ngờ rằng sẽ có một ngày chính tay
mình đào hố huyện để vùi xác những người con mình xuống đó.
Sau khi an táng xong người con út, bệnh tình bà Diễm có phần nặng thêm lúc cười lúc khóc.
Khi lại lao ra chỗ sân giếng nơi ông Trung đã làm thịt con lươn vàng hôm nào đoạn cứ thế đập
đầu xuống khoảng gạch nghe côm cốp tới bật cả máu. Người làng có kể biết khuyên ông đi
mời thầy về giải oán, nhưng lúc đó chả thể mời được ai, đến cả lão thầy pháp họ Tôn tôi kể
cũng lắc đầu không nhận kèo đó. Người theo chủ nghĩa khoa học thì nói rằng do bà quá đau
lòng mà dẫn đến phát bệnh. Nói chung ý kiến đông tây, ý nào ông cũng nghe hết nào là tìm
thầy pháp rồi lại đưa ra bác sý y khoa nhưng tất cả đều không khả quan gì. Cho đến một ngày,
tôi nghĩ chắc là có cao nhân xuất hiện hoặc là nhà ông lão bốc mộ đó có duyên hay sao á mà
sáng hôm đó thấy tại nhà ông Trung có sự xuất hiện của một vị sư trụ trì.
Rồi suốt một buổi sáng hôm đó tôi cũng không biết vị sư thầy đó và ông Trung đã bàn với nhau
điều gì mà qua ngày hôm sau tôi thấy nhà ông có nhiều sư thầy đến lắm. Nếu tôi nhớ không
nhầm thì đến tận 36 vị sư, các thầy kê một đàn pháp lớn ở sân nhà sau đó tụng kinh đến tận 3
ngày ba đêm. Thực sự thì trong cái lễ siêu độ đó không có đấu pháp như những câu chuyện
ma mọi người nghe trên mạng đâu. Chỉ là những lời kinh kèm theo tiếng chuông mõ vang vọng
khắp một khoảng không gian của làng. Cho đến ngày thứ ba tôi thấy bà Diễm bị nhập kể lại
rằng bà là con lươn sống ở khu vực đó, nhờ vào việc hấp thụ thứ chất tiết ra từ thịt của những
cái xác mà trở nên có linh tính. Có thể nói sắp hóa thân thành thuồng luồng, chẳng may hôm đó
bị ông Trung bắt về thịt nên nó oán. Sau đó chuyện xảy ra như thế nào chắc mọi người cũng
biết. Mọi người nghe xong phần tỏ ra thương xót cho ba người con gái ông Trung, phần lại
trách ông quá hồ đồ. Nhưng tất cả cũng đã quá muộn.
Lúc đó tôi thấy một vị sư lớn tuổi tiến lại gần chỗ bà Diễm nói một điều gì đó, sau một hồi ánh
mắt của bà ấy cũng dịu xuống. Và những vị sư còn lại tiếp tục đọc chú cho đến tối. Sau cái lần
trừ tà ấy sức khỏe của bà Diễm cũng dần dần hồi phục, nhưng về tinh thần thì không bao giờ
được như xưa nữa.
Cho đến năm rồi tôi về quê thì cả hai ông bà ấy đã không còn nữa, căn nhà bên ấy cũng bỏ
hoang. Mà nói đúng là quê tôi bỏ hoang nhiều lắm, lớp thì mất lớp đi lên thành phố lập nghiệp.
Người đi kẻ ở, tuy nhiên nhiều sự tâm linh thì nó vẫn ở đó. Có lẽ khi nào có dịp mình lại kể
thêm cho mọi người nghe cho vui. Còn bây giờ chào mọi người mình đi làm theo lời giáo huấn
của ông thầy nào đó trên tốc tốc… rằng thì là mà có làm thì mới có ăn…
Hết