Nạn Kinh Hoàng Ở Làng Tuyệt Tư - Ep 9
Ngoài trời đã tạnh mưa và đỡ lạnh đôi phần, một vài người lễ phép xin cụ Bình cho về nhà, cúi đầu chào cụ rồi bước ra khỏi cửa. Hòa cùng những người khác vẫn ở lại với cụ Bình, ngồi quanh bếp lửa ấm nồng.
Không gian xung quanh yên tĩnh vô cùng, chỉ có tiếng áo tơi cùng nón lá sột soạt của những người xin về và tiếng nổ lách tách của củi cháy trên bếp.
Hòa là người ngồi gần cụ Bình nhất, cũng là người nãy giờ chăm chú nhìn nhất cử nhất động của cụ, bao lần cụ lẩm bẩm trong miệng, bao lần cụ tính toán cái gì đó bằng tay, cả những lần cụ thở dài não ruột, Hòa đều thấy hết.
– Thời gian cứ thoăn thoắt thế này, không khéo…- Cụ Bình lẩm bẩm.
– Có chuyện gì quan trọng hay sao vậy cụ?
Bây giờ Hòa mới dám hỏi, cụ Bình nghe vậy cũng hơi giật mình, cụ suy nghĩ thêm một lúc mới bảo:
– Ta có nên kể không nhỉ?
Mấy người ngồi gần đấy nghe vậy liền rời mắt khỏi bếp củi đang cháy rực trên bếp, mọi ánh mắt đổ dồn về phía cụ Bình. Vài người im lặng để nghe, vài người lại xôn xao, bàn tán thì thầm với nhau, chỉ khi tiếng thở dài của cụ Bình một lần nữa cất lên, tất cả mới ngưng, gian bếp yên tĩnh tuyệt đối. Lúc này cụ mới bắt đầu kể:
– Năm ta còn trẻ, trong một chuyến chạy thoát khỏi sự truy đuổi của một nhóm cướp, ta cùng hai người bạn vô tình tìm ra vùng đất này.
Khi đó ta và hai người bạn đã thấm mệt, nên quyết định dựng lều nhóm lửa ở lại cái vùng đất này, dù sao trời cũng sắp tối. Tụi ta không có thời gian suy nghĩ nhiều, đành chia việc ra mà làm.
Tối hôm đó, trong khi hai người bạn của ta ngủ say, ta lại trằn trọc, không thể chợp mắt nổi. Vì trong đầu ta cứ văng vẳng tiếng khóc của một đứa bé. Nó khóc đòi mẹ.
Hồi đó, ta không phải dạng người tin răm rắp theo tâm linh, nhưng cũng không hẳn chối bỏ nó hoàn toàn, ta lựa những điều ta cho là đúng mà làm theo, còn những điều dù có thật hay chỉ là đồn, nếu ta cảm thấy không đáng để tin thì đều bị bỏ qua một bên. Không ít lần ta gặp những chuyện kì lạ mà từ xưa giờ vẫn được gọi là “chuyện ma”.
Quay lại câu chuyện, hình như chỉ có mỗi mình ta nghe thấy tiếng khóc, còn hai người bạn ta vẫn ngủ say như chết, ta từng có suy nghĩ rằng hai người họ chết thật, vì khi đặt tay lên mũi họ kiểm tra, ta không còn cảm nhận được hơi thở…
– Vậy hai người bạn của cụ chết thật ạ? – Hòa đột nhiên cắt ngang.
– Không, họ vẫn còn sống, sáng hôm sau họ vẫn dậy và sinh hoạt như thường. Có người còn vào rừng đi săn, kiếm về một đống thịt rừng nấu ăn bữa sáng.
Bọn ta sau đó quyết định dựng lên một ngôi nhà chắc chắn chứ không sống trong cái lều tạm bợ nữa, bọn ta chặt cây rừng, vót nhọn cắm xuống đất bao quanh ngôi nhà mới dựng để chống thú dữ, dù chưa đối mặt với chúng lần nào nhưng phòng trước vẫn tốt hơn. Khi vừa dựng được vài ngày, có một nhóm người từ phía khu rừng chạy đến chỗ này, xin ở nhờ, họ bảo với bọn ta là bị cướp mất nhà cửa, không còn nơi cư trú, phải sống lang thang. Thấy họ tội nghiệp, bọn ta cho họ sống cùng, với điều kiện họ phải tự dựng nhà và phụ giúp bọn ta xây hàng rào chống thú dữ. Dần dần từ khu nhà nhỏ lớn dần thành một ngôi làng nhỏ, càng ngày càng có nhiều người đến sinh sống, một số gia đình trong làng còn nuôi lợn, trồng rau, trở thành nguồn cung lương thực cho cả làng.
Về sau thì có đoàn thương nhân ghé làng, tạo cơ hội giao lưu buôn bán, từ đó danh tiếng ngôi làng ngày càng được biết đến nhiều hơn, người đến sống tăng, lãnh thổ của ngôi làng cũng tăng theo số dân sinh sống. Cuộc sống thuở sơ khai diễn ra êm đẹp, ruộng lúa, ao cá, rừng cây gỗ, các nghề thủ công xuất hiện ngày một nhiều, cho đến một ngày: ngôi làng đón nhận vụ án mạng đầu tiên!
Nghe đến đây, một số người tỏ ra sợ hãi, còn lại thì xì xầm bàn tán với nhau, họ nghe kể chỉ vì tò mò, chỉ có Hòa là thật sự muốn biết, cậu hỏi cụ Bình:
– Đó là vụ chết đuối ở cái ao làng phải không cụ?
Cụ Bình cười nhạt lắc đầu:
– Không không, đó không phải vụ án mạng đầu tiên, vụ án năm đó còn kinh khủng và ghê rợn hơn nhiều! Mà thôi, kể vậy cũng đủ rồi, chúng ta nghỉ ngơi một chút nhé còn lấy sức mai làm lễ tang cho cụ Lương.
Hòa hơi hụt hẫng một chút, nhưng ngẫm lại thấy cũng có lí, cậu nghĩ thầm rằng hỏi riêng cụ vào lúc khác sẽ tiện để nghe và hiểu rõ hơn chuyện hồi đó. Không gian yên tĩnh bỗng bị phá vỡ bởi tiếng hét thất thanh từ bên ngoài.
– Mọi người ơi…- Một người run rẩy chạy vào nói – Cụ Lương…xác của cụ ấy…mất tích rồi…!
– Cái gì ?? Sao lại vậy?- Những người còn lại nghe vậy liền đứng dậy – sao cái xác có thể tự biến mất được??
Hòa nhìn ra bên ngoài, trời lại đổ cơn mưa to, kèm sấm chớp đùng đoàng, nghe loáng thoáng trong tiếng mưa rào rào và tiếng sấm uỳnh uỳnh là tiếng quạ kêu, tạo nên một khoảng không gian tràn ngập sự quỷ dị.
– Trời sắp sáng, phải mau chóng đi tìm thi thể cụ để kịp chuẩn bị lễ tang! Mọi người chia nhau ra tìm – Hòa đứng dậy nói – Thím Lành, thím giúp cháu trong nom cụ Bình cẩn thận nhé.
Thị Lành gật đầu, chỉ chờ có thế, Hòa vội vàng chạy theo đoàn người đi tìm xác cụ Lương. Nhưng ra tới cửa lại bị bác Hoàng chặn lại:
– Nít ranh! Biết gì mà đi? Ở yên đây cho mấy chú và mấy bác còn làm việc, đi theo được cái tích sự gì đâu?
Bác Hoàng – thợ săn giỏi trong làng, cũng là người mà thằng Phong ngưỡng mộ nhất, bác là người duy nhất trong làng biết dùng thông thạo mọi loại bẫy thú, các thợ săn khác chỉ biết một đến hai loại, nhiều lắm thì bốn, riêng bác, từ chông, kẹp, lưới, từ cơ bản đến phức tạp…bác đều biết cách sử dụng đúng và hiệu quả nhất, không có con thú nào lọt vào mắt bác mà chạy thoát quá một lần.
– Thằng nhóc này được việc đấy anh Hoàng, anh cứ cho nó theo, nó nhỏ con vậy thôi chứ hơi bị khôn đấy! – Một người trong đoàn lên tiếng.
– Anh không biết chứ, nửa số gà rừng nạp vào nguồn cung của cái làng này một tay nó bắt đấy. Ghê gớm lắm chứ chẳng đùa!
– Thôi cháu nó muốn đi thì cho nó đi.
Nhờ sự thuyết phục từ người khác, Hòa đã được bác Hoàng gật đầu đồng ý cho đi. Cậu vui lắm, vui vì bản thân mình được góp sức giúp đỡ ngôi làng này. Chỉ có điều, cậu và mọi người – những chú, bác thợ săn cùng những dân làng còn sống – sẽ không bao giờ tưởng tượng ra được bản thân sẽ chứng kiến một cảnh tượng kinh hoàng như thế nào trong ít lúc nữa – khi tất cả tìm thấy thi thể mất tích của cụ Lương.