Nạn Kinh Hoàng Ở Làng Tuyệt Tư - Ep 8
Bên trong tờ giấy được tách đôi là một dòng chữ viết bằng mực đỏ, hóa ra tờ giấy dày được tạo ra từ hai tờ mỏng ghép lại, cắt tỉa gọn gàng, chúng được cố định bằng nhựa cây ở viền các mép nên khi xé sẽ chỉ rách ở chỗ viền chứ phần ghi bên trong không bị mất chữ.
Hòa xé ra mới biết trong đó vẽ một số 0 tròn trĩnh.
Người kia cười nhạt:
– Đúng vậy, từ lúc sinh ra tới giờ ta không có lấy một cái tên….
Hòa chưa kịp nói gì, định mở miệng thì người kia đã thở dài.
– Ngày xưa ta cũng từng có một cái tên, nhưng vì lâu lắm rồi, nên chả ai nhớ tới nó cả. Kể cả khi ta chìm xuống đáy hồ, người ta cũng chỉ biết kêu: có người chết đuối, có người chết đuối mà thôi.
– Ông cũng là nạn nhân của vụ chết đuối liên hoàn thời mới lập làng ạ?
– Không hẳn, vì khi ta tới làng thì chuyện đó đã xảy ra hơn hai năm trước. Ta sống ở làng được năm năm thì bị té xuống sông…
Hòa không nói gì, chỉ im lặng nhìn về phía cái hồ trong làng, mặt nước phản chiếu ánh trăng sáng trên bầu trời đêm tuyệt đẹp. Cậu đảo mắt một lượt thì phát hiện thứ gì đó vừa nhô lên khỏi mặt nước.
– Bác ơi, bác có thấy thứ gì đó vừa trồi lên dưới hồ không?
– Ta có thấy, dù không rõ nó là gì nhưng ta đoán nó không phải hồn ma.
Hòa không chờ lâu nữa, chạy tới chỗ cái hồ ngay thì kinh hoàng phát hiện khi phát hiện ra, thứ vừa trồi lên là gương mặt người chứ không phải phải ma hay cái gì khác.
– C..Cụ…Cụ Lương?? Bác ơi…- Hòa mới quay đầu lại thì mới nhận ra người kia đã biến mất từ lúc nào. Cùng lúc đó một số người trong làng chạy tới. Thằng Lân Mõ trong làng hô to:
– Cụ Lương mất tích! Cụ Lương mất tích!
Ngoài Lân Mõ ra còn có cậu An, Phong, ba đứa nhỏ, bé Nha với cái Thu cùng một số người lớn trong làng.
– Anh Hòa! – con bé Nha hét lên khi thấy cậu.
Hòa chạy tới chỗ đám đông đang kéo đến thưa chuyện:
– Thưa toàn làng, đêm nay khó ngủ, con đi ra hồ hóng gió thì phát hiện xác cụ Lương trôi nổi trên mặt nước. – Rồi cậu hỏi – Mọi người có ai cầm theo dây thừng không ạ?
– Tôi có..chờ tôi một chút.. – Phong cúi xuống lục lọi cái tay nải đi rừng mình hay mang theo, lôi ra một cuộn dây thừng dài. – Nhiêu đây chắc đủ để buộc kéo cái xác lên.
– Được rồi, làm phiền mọi người giúp con kéo cái xác lên với ạ.
Hòa có tài ăn nói nên nhanh chóng thuyết phục được người làng giúp một tay. Cậu cột đầu dây tạo thành một vòng tròn đủ để tròng vào cổ cái xác rồi kéo lên. Nhìn một chút, gương mặt cụ Lương lộ rõ vẻ hoảng sợ, toàn thân trắng ở, hình như cụ chết lạnh chứ không phải chết đuối vì mặt không bị phù.
– Khả năng hung thủ là một kẻ chịu lạnh giỏi, hắn xuống nước giữ người cụ Lương ở thế chỉ có đầu trồi lên trên, toàn thân chìm dưới dòng nước lạnh giá, giữ như vậy tới khi cụ Lương chết cóng.
Phong mới chạm tay xuống nước liền vội rút lại, nước thật sự rất lạnh. Phong tự nhủ:
– Cũng đúng thôi, bây giờ đang là mùa đông mà.
Thấy để xác cụ Lương ở đấy lâu, Hòa liền bảo:
– Mọi người làm lễ tang cho cụ ngay trong đêm đi, chứ để cụ nằm không trên đất hoài tội lắm.
– Hay cứ cho cụ về nhà rồi cử người canh, bây giờ trời trở lạnh rồi, ở ngoài lâu dính cảm cái là chết cả làng.
Hòa nghe cũng có lí, liền kéo Phong với An đi theo, người làng đã đem tới một cái cáng để đặt xác cụ lên khiêng đi. Nhưng chưa kịp đi được mấy bước thì thấy cụ Bình chống gậy trúc đi ra, cụ hỏi:
– Có chuyện gì vậy? Sao lại tụ tập một đống ở đây? Khuya rồi không chịu ngủ, ra ngoài này làm gì?
Người làng ấp úng, một số người đứng chụm lại che đi cái cáng khiêng xác cụ Lương. Cụ Bình tinh ý phát hiện ra, quát:
– Có gì cứ nói! Giấu làm gì? Cái thân già này không còn sống lâu đâu, chả lẽ chút chuyện vặt không cho lão đây này biết được sao??
Hòa thấy cụ Bình đôi mắt ngấn lệ, dường như cụ đã biết tin người bạn già của mình không còn sống nữa. Cả làng biết không giấu được lâu, cử người đại diện lên nói cho cụ biết, còn lại khiêng xác cụ Lương đem về nhà. Thu và Nha đảm nhận việc đưa cụ Bình về với kể hết sự việc. Còn Hòa cùng một số cậu trai trẻ và người lớn trong làng đi vào rừng tìm nhà cụ Lương. Vừa mới khởi hành thì trời đã đổ mưa, mấy người đàn bà vội vã lấy áo tơi đặt lên cáng che cho cụ, dù trước đó người cụ đã ướt sũng, nhưng để nước mưa rơi giọt lên thi hài người chết như thế nó không được hay cho lắm.
Lúc đi vào rừng thì mưa đã tạnh rồi, mấy ông chú lớn thì đi trước, còn mấy cậu trai trẻ như Hòa với Phong cùng mấy bà thì đi sau. Phong với An là người khiêng cái cáng.
Trời mới mưa xong, hơi ẩm từ mặt đất bốc lên, đường đất nhão nhoét. Vài giọt nước mưa đọng trên lá rơi xuống. Trong khu rừng u ám, đoàn người cầm đuốc, bước đi lặng lẽ trong đêm tối, đưa thi hài người chết về nhà.
Vừa tới nơi thì người dẫn đầu cả đoàn bỗng hô to:
– Mọi người ơi!! Nhà cụ Lương cháy rồi!! Cháy rồi!!!
Toàn bộ ngôi nhà bao trùm trong ngọn lửa to đang rực cháy. Chưa kịp làm gì, cả ngôi nhà bỗng nhiên đổ rạp xuống, những mảnh tre với rơm cháy văng tứ tung, đoàn người phải né vội vì sợ lửa bắt vào người. Cậu Phong hét lớn:
– Dập lửa đi, còn đứng nhìn làm gì nữa?
Tất cả chạy đi tìm mấy cái cành cây to mà nhiều lá, vì đó là mấy cái cành từ trên cao rụng xuống, mọi người lấy cái đó dập lửa. Lửa cháy to quá, phải mất một lúc lâu mới dập tắt hoàn toàn được. Sao không dùng nước? Tiếc là trong số đoàn người đưa xác vào đây không có ai cầm theo thứ gì có thể múc nước được, nếu có cũng phải chạy ra tận ngoài kia mới có nước, chờ lấy được nước thì ngôi nhà đã biến thành đống tro từ bao giờ.
– Quái lạ, trời mưa như vậy mà lửa vẫn cháy to được sao? – Hòa thầm nghĩ.
Khi nhìn xuống mặt đất, Hòa mới vỡ lẽ, đất xung quanh ngôi nhà vẫn còn khá khô. Cụ Lương chọn một nơi có tán cây dày để làm nhà, dù có mưa cũng không làm ướt không gian xung quanh nhà nhiều được. Ngôi nhà dù chưa cháy thành tro nhưng nó đã biến thành đống củi vụn, không thể dùng được nữa. Có người than:
– Mất công đem tới tận đây mà lại gặp điều xui xẻo này, có phí sức không cơ chứ?
Không ai đáp lại lời than đó, tất cả đều suy nghĩ về một vấn đề: biết đem xác cụ đi đâu đây?
– Để xác cụ ấy ở nhà ta cũng được..! Sáng mai rồi hãy làm lễ tang.
Cụ Bình lên tiếng, mọi người quay đầu lại thì thấy cái Nha đang đỡ cụ đi vào. Tất cả cúi chào cụ, đây là phép tắc cơ bản trong làng, lớn hay bé, già hay trẻ, hễ gặp người có tuổi hay chức vị cao nhất làng đều phải cúi chào.
Bên cạnh cụ là con bé Thu, nó đỡ cụ chống gậy trúc từng bước tới gần cái xác, cụ thở dài, cổ họng nghẹn ứng thốt ra vài lời:
– Ông bạn già của tôi, đã hứa cùng nhau già, cùng nhau mai táng cùng ngày, sao lại nhắm mắt xuôi tay, ra đi trước tôi như vậy…Ông đi rồi, tôi biết tâm sự với ai?
Từ lúc lập ra cái làng này, không có bổng lộc nào tôi với ông không hưởng chung, không tai họa nào tôi với ông không cùng chịu đựng. Vậy mà bây giờ…
Nói tới đây cụ Bình không chịu được nữa mà khóc, cụ khóc như một đứa trẻ, khóc vì đau xót, thương cảm cho người bạn quá cố.
Con bé Thu cùng những người có mặt ở đó cũng rơm rớm nước mắt, chỉ có Hòa là không, có lẽ cậu cũng muốn khóc lắm, nhưng đành phải để nước mắt chảy ngược vào trong. Thời điểm hiện tại chưa phải lúc để cậu yếu đuối.
Một lúc lâu sau, theo kế hoạch đã định, mọi người đem xác cụ Lương về nhà cụ Bình theo chỉ dẫn. Không ai nói gì với ai, không có tiếng nói chuyện, suốt quãng đường chỉ có tiếng bước chân dẫm vào lá rơi dưới đất.
Về tới nhà cụ Bình, Hòa xuống nhóm lửa dưới bếp để mọi người sưởi cho ấm, phần cái xác, được đặt trên một chiếc giường gỗ cũ và phủ vải cẩn thận, chút hành động nhỏ nhặt này là sự kính trọng cuối cùng của người trong làng có thể làm cho cụ bây giờ.
Ngoài trời mỗi lúc một lạnh, vài người đã xin phép quay về nhà rúc vào chăn ấm, chỉ có một số người trong đó có Hòa ở lại với cụ Bình.
Bếp củi cháy rực, ngọn lửa đó rất ấm, đủ để xoa dịu chút ít nỗi đau trong tim những người ngồi đây.