Môn Thần - Chương 139
Chỉ trong vòng ba năm ngắn ngủi, thế giới đã trải qua những biến động không thể tưởng tượng. Khi cả ba căn cứ khổng lồ, từng là biểu tượng cho sức mạnh và sự kiêu hãnh của nhân loại, từ Spatium ở Đông Á, Nga Mi Sơn ở Trung Hoa, đến Deccan Plateau tại tiểu lục địa Ấn Độ, đều lần lượt bị những cuộc tấn công tàn khốc của quái vật quét qua.
Loài người chính thức bước vào cơn ác mộng không lối thoát. Những căn cứ này từng là niềm hy vọng cuối cùng, nơi chứa đựng những công nghệ tiên tiến và binh lực mạnh mẽ, nhưng tất cả đều gục ngã trước sức tàn phá khủng khiếp của những kẻ thù đến từ bóng tối.
Nhận ra rằng không ai có thể đứng vững một mình trước cơn bão ngày càng mạnh mẽ này, ba thế lực hàng đầu của nhân loại đã phải ngồi lại với nhau, tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh lịch sử.
Không còn thời gian cho sự ngạo mạn hay tranh giành quyền lực, sự tồn vong của nhân loại trở thành mục tiêu duy nhất. Trong cuộc họp này, một sự thật hiển nhiên đã được tất cả đồng thuận: Nhân loại cần phải đoàn kết và giúp đỡ nhau để có thể sống sót qua cơn bão của Thời Đại Khốc Liệt.
Chính tại đây, cái tên Thời Đại Khốc Liệt được đặt ra, để ghi dấu thời kỳ mà thế giới đã bị lật ngược, khi những sinh vật ngoài sức tưởng tượng xâm lấn và tàn phá tất cả. Nó không chỉ là một cái tên, mà còn là lời cảnh tỉnh khắc sâu vào tâm trí mỗi con người về sự tàn bạo của thời đại này.
Năm thứ nhất của Thời Đại Khốc Liệt bắt đầu trong bóng tối và khổ đau. Sau sự kiện tàn khốc của Deccan Plateau, thế giới chìm vào một vòng xoáy không lối thoát. Lương thực khan hiếm, các hệ thống kinh tế tan vỡ, và lòng tin giữa các nhóm người còn sống sót bị rạn nứt.
Như một cú đấm mãnh liệt vào sự tự tôn về khoa học kỹ thuật của nhân loại, thời đại khốc liệt đã buộc ngay cả những kẻ tự phụ nhất phải thừa nhận rằng, những tiến bộ từng được tôn thờ giờ trở nên nhỏ bé trước sức mạnh tàn phá của thế giới mới.
Dù là quái vật biến dị với những khả năng kinh hoàng, những đợt xác sống tràn lan như cơn sóng thần, hay đội quân khô lâu vô cùng vô tận, mỗi hiểm họa đều ập đến như muốn xóa sổ toàn bộ dấu vết của con người khỏi hành tinh xanh.
Và ai biết được, phía sau còn điều gì đang chờ đợi? Những mối nguy hiểm chưa từng thấy cứ lần lượt nối tiếp nhau, không ngừng nghỉ, như một chuỗi thảm họa vô tận.
Trong bối cảnh tận thế này, Un ra đời, đồng tiền chung đại diện cho quyết tâm đoàn kết để sinh tồn.
Un viết tắt của từ Union nghĩa là đoàn kết, không chỉ là một phương tiện giao dịch, mà là biểu tượng của sự hợp nhất toàn cầu. Khi sự sống còn của loài người bị đe dọa, những ranh giới về quốc gia, văn hóa và quyền lực bị xóa nhòa.
Đồng Un không chỉ là biểu tượng cho sự hợp tác mà còn đánh dấu sự ra đời của Hiệp Ước UNION, một thỏa thuận lịch sử giữa các căn cứ lớn nhỏ. Hiệp ước này được thành lập trong bối cảnh khủng hoảng, khi những mối đe dọa từ quái vật và thảm họa tự nhiên ngày càng gia tăng.
Theo Hiệp Ước UNION, quy định rõ ràng rằng, khi một căn cứ đối mặt với nguy cơ diệt vong, tất cả các thành viên còn lại có trách nhiệm tích cực cứu viện. Điều này không chỉ bao gồm việc cử quân đội đến hỗ trợ, mà còn là sự chia sẻ tài nguyên, cung cấp thực phẩm, thuốc men, và thiết bị cần thiết để bảo vệ những người còn sống sót. Mỗi căn cứ, dù lớn hay nhỏ, đều được coi trọng và không ai bị bỏ rơi.
Cũng trong năm thứ nhất Thời Đại Khốc Liệt, rất nhiều những căn cứ nhỏ lẻ được thành lập, bọn họ là những dị nhân với sức mạnh to lớn, những người tiên phong khai phá những điều mới mẻ của thời đại này.
Năm thứ hai Thời Đại Khốc Liệt, ghi dấu một giai đoạn phát triển vượt bậc của nhân loại trong việc phát hiện những chủng loại mới. Con người không còn là chủ nhân duy nhất của hành tinh này.
Từ những Vệ Binh đến từ các dải ngân hà xa xôi, cho đến các chủng loại ngoài hành tinh cũng bắt đầu xuất hiện. Dạy cho dân bản xứ ở Trái Đất thứ gọi là công nghệ vũ trụ.
Mặc dù có nhiều xung đột, nhưng nhìn chung giai đoạn này cũng mau chóng qua đi với sự nhượng bộ từ cả hai phía.
Năm thứ ba của Thời Đại Khốc Liệt, một trang mới trong lịch sử nhân loại được ghi dấu, khi một căn cứ với quy mô nhỏ nhưng có tầm nhìn táo bạo tuyên bố thành lập quốc gia giữa sự hỗn loạn của thế giới.
Đó chính là căn cứ Cò Việt, với sự kiện chính thức gia nhập khối thịnh vượng chung của nhân loại – UNION, đồng thời tuyên bố thành lập nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Sự ra đời của Việt Nam trong thời kỳ hỗn loạn này là điểm sáng đầu tiên, khẳng định khát vọng tự cường và độc lập dân tộc trong bối cảnh nhân loại đối mặt với những hiểm họa sinh tồn chưa từng có.
Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên được thành lập trong Thời Đại Khốc Liệt, với quyết tâm giữ nguyên chế độ, chủ nghĩa và lý tưởng của cha ông đi trước. Dưới sự lãnh đạo của Tư Lệnh Lý Minh, người đứng đầu đất nước, Việt Nam không chỉ khôi phục mà còn củng cố hệ thống chính trị và xã hội, phát triển trên nền tảng đại đoàn kết dân tộc và kiên định theo con đường xã hội chủ nghĩa.
Trong bài phát biểu đầu tiên sau khi quốc gia được thành lập, Tư Lệnh Lý Minh tuyên bố chính sách Đại Đoàn Kết, kêu gọi mọi người dân Việt Nam trên toàn thế giới trở về phục vụ đất nước.
Lời kêu gọi vang vọng như một tiếng trống thúc giục, khẳng định rằng, miễn là có chung một lý tưởng dân tộc, Việt Nam không chối bỏ một ai. Bất kể trước đây đã trôi dạt nơi đâu, trải qua những thăng trầm nào, nếu có chung một tinh thần yêu nước và ý chí phục vụ Tổ quốc, mọi người đều được chào đón trở về góp phần xây dựng và bảo vệ đất nước trong thời kỳ khắc nghiệt nhất.
Dưới nắng sớm của tháng Sáu, Lý Minh ngồi đó, đôi mắt khẽ nheo lại trong suy tư. Ánh nắng dịu nhẹ rải xuống quảng trường Hà Nội, chiếu sáng lên bức tượng ở một góc nhỏ. Hắn nhìn lên, và như mỗi ngày, lòng nặng trĩu không ngăn được cảm xúc mà rơi lệ.
Bức tượng người thanh niên với đôi bàn tay đang cầm chặt sợi xích, một hình ảnh tượng trưng cho sự đấu tranh kiên cường. Dù bị ràng buộc, đôi mắt của người thanh niên vẫn bừng sáng một lòng quyết tâm, ánh lên ý chí không khuất phục trước khó khăn gian khổ.
“Đồng chí thấy chưa? Tôi đã hoàn thành nhiệm vụ cậu giao phó. Việt Nam của chúng ta đây rồi…” Lý Minh khẽ thầm thì, giọng nói lạc đi trong không gian trống vắng. “Người người đều có cơm ăn áo mặc, hơn hai mươi triệu đồng bào đã được cứu chữa… mỗi ngày đều có người không ngừng cố gắng, xây dựng đất nước, nối tiếp ý chí của chúng ta.
Ngày nào hắn cũng đến đây, ngồi lại bên bức tượng để nói chuyện với chính mình, như thể đang tâm sự với người đồng chí cũ.
Kể từ khi Lê Nhật mất tích, thế giới đã tạm yên bình, không còn những biến động mang tính hủy diệt. Dù không ai chắc chắn liệu đó có phải do sự hy sinh của Lê Nhật hay không, nhưng Lý Minh vẫn luôn cảm thấy nỗi áy náy sâu thẳm trong lòng.
Hắn nhớ lại cái ngày cuối cùng cả hai gặp nhau, trước khi Lê Nhật dấn thân vào nhiệm vụ không hồi kết.
“Cậu đã gánh cả nhân loại trên vai… và giờ tôi lại ngồi đây, nhìn vào bức tượng này mỗi ngày, tự hỏi liệu cậu có thực sự được bình yên ở một nơi nào đó.”
Lý Minh lặng thinh, những dòng ký ức đan xen giữa niềm tự hào và tiếc nuối. Chắc gì thế giới này đã biết được tất cả những gì mà Lê Nhật đã trải qua để bảo vệ sự yên bình tạm thời này. Chắc gì ai đã hiểu được nỗi đau của người đồng chí vẫn còn ở lại, mang trong mình những vết thương không thể lành.
“Xin lỗi…” Lý Minh thều thào khóc, bản thân hắn có mạnh mẽ nhưng vẫn là một con người bằng xương bằng thịt, khó mà kiềm nén được cảm xúc. “Dù dùng lý lẽ gì đi nữa… cũng chính là tôi đã đẩy cậu vào những nhiệm vụ cảm tử.”
Trong lúc xúc cảm mãnh liệt của Lý Minh thôi thúc, khiến cho hai dòng lệ không ngừng đổ xuống. Có một bàn tay ấm áp khẽ đặt lên vai hắn, giọng nói êm dịu vang lên:
“Chú Lý Minh đừng buồn nữa. Anh Lê Nhật không muốn thấy chú yếu đuối vậy đâu.”
Giọng nói ngọt ngào, mềm mại như từng làn gió mơn man, không ngừng xoa dịu nỗi đau sâu thẳm trong lòng người đứng đầu đất nước. Mỹ Mỹ, nay đã trở thành thiếu nữ ở tuổi mười tám, khoác trên mình bộ đầm trắng tinh khôi, hiện lên với dáng vẻ đoan trang và đằm thắm. Sắc vóc đẫy đà, vẻ dịu dàng toát lên từ nụ cười tươi tắn và ánh mắt ấm áp, khiến bất kỳ ai cũng cảm thấy an yên khi có cô nàng bên cạnh.
Xa xa, dưới bầu trời xanh mênh mang, cũng có hai bóng dáng già nua lặng lẽ nhìn về phía bức tượng trong đình nhỏ, đôi mắt nặng trĩu nỗi đau thầm kín. Ông Quốc, với mái tóc đã bạc phơ, nghẹn ngào cố thốt lên những lời mà cả đời này ông luôn mang theo:
“Không ngờ… một lần nữa…” Giọng ông run rẩy, sức khỏe tuy đã cải thiện sau những năm tháng kiên cường nhờ vào tập luyện, nhưng nỗi đau mất con vẫn gặm nhấm trái tim ông từng ngày. “Cha mẹ vẫn tin… rằng con sẽ trở về.”
Cảnh tượng này quá đỗi quen thuộc. Ba năm trước, tại Spatium, chính ông và bà Thị đã đứng trước đài tưởng niệm, than khóc ròng rã suốt ba tháng trời, không một ngày nào nguôi ngoai. Bây giờ, tại mảnh đất quê hương, họ lại đứng đây, nỗi đau còn nặng hơn bởi niềm hy vọng mong manh dần dần lụi tàn theo ba năm đằng đẵng.
Bà Thị, tuy không còn cần đến thiết bị hỗ trợ để đi lại nhờ vào tu tập Cường Thể Tế Nguyên, vẫn không ngăn được dòng nước mắt tuôn rơi. Dù vậy, ánh mắt bà không hề tắt hy vọng. Ngày nào bà cũng phải đến đây, ngồi nhìn bức tượng một lúc rồi mới chịu quay về. Dù xúc động khóc, bà vẫn quở trách trong tiếng thở dài:
“Thằng Nhật mà về, tôi sẽ đánh cho nó một trận no đòn ông ạ. Con với chả cái, hở cái là bỏ nhà đi biệt tăm biệt tích.”
Ông Quốc, lau đi dòng nước mắt, hùa theo bà với một nụ cười yếu ớt:
“Đúng, phải đánh cho nó nhớ đời. Lần này tôi không bênh nó nữa. Bà cứ thẳng tay đi, tôi chuẩn bị sẵn roi mây ở nhà rồi.”
Hai ông bà lại nắm tay nhau thật chặt, ngồi xuống, lặng lẽ nhìn vào bức tượng nhỏ đặt ở một góc của quảng trường, nơi họ luôn đến mỗi ngày. Những làn gió nhẹ nhàng thổi qua, mang theo hương sen thoang thoảng và mùi lúa chín từ cánh đồng phía xa.
Phía trước bức tượng nhỏ của Lê Nhật là một ao sen nở rộ, sen hồng, sen trắng đua nhau khoe sắc, giữa cái nền của cánh đồng lúa vàng óng trải dài tít tắp phía sau.
Lý Minh không muốn đặt bức tượng của người đồng chí ở giữa quảng trường. Hắn biết Lê Nhật sẽ không muốn mình được tôn vinh giữa chốn đông người.
Ở trung tâm, vẫn là những bức tượng của các anh hùng dân tộc, những vị lãnh tụ lỗi lạc, những biểu tượng của lịch sử. Bức tượng của Lê Nhật được đặt ở một góc nhỏ, như một tiểu viện đơn sơ, ẩn mình trong không gian yên bình này.
Nơi đó không phải là chốn phồn hoa, nhưng lại là nơi mà những người chiến hữu, những người yêu mến và kính trọng Lê Nhật có thể lặng lẽ đến viếng thăm, để tưởng nhớ và tri ân.