Liều Thuốc Cho Trái Tim - Chương 2
That smell. The moment i dread most every time you leave, is when it fades
Gia Thịnh…Gia Thịnh giờ đây thật quá khác biệt….
Màn hình trên sân khấu hiện lên dòng chữ “Giải thưởng Phát Kiến Của Năm”. Cả hội trường đều đứng dậy. Tiếng vỗ tay giòn tan rộn rã đến nỗi át cả giọng nói dõng dạc của MC:
“Kính mời bác sĩ Gia Thịnh lên sân khấu!”
Gia Thịnh chợt thấy mình đang đứng trên bục phát biểu. Anh khoác lên người một bộ vest đen lịch lãm kèm theo là một chiếc nơ sang trọng. Tim anh đập rộn ràng. Đây là giây phút anh đã ngóng đợi từ rất lâu rồi. Thịnh rảo chân bước đến bắt tay vị MC và cầm chắc chiếc cúp vàng trong tay. Vẻ mặt anh rạng ngời hạnh phúc. Phản chiếu trong ánh mắt Thịnh là hình ảnh khán phòng bên dưới reo hò náo nhiệt.
Bất chợt căn phòng tối sầm lại. Tiếng vỗ tay dừng hẳn một cách đột ngột. Khán giả bên dưới nghiêm mặt, chằm chằm nhìn anh. Thịnh cảm giác như thể chỉ cần chút nữa thôi, họ sẽ nhào tới và xé xác mình. Bỗng một âm thanh lớn phát ra. Nó lớn đến độ đầu Thịnh muốn nổ tung. Màng nhĩ hai tai anh như bị chột thủng. Nhưng hình như chỉ mình anh nghe thấy thứ âm thanh kì lạ kia. Thịnh quay sang nhìn vị MC với ánh mắt cầu cứu. Vị MC khi nãy còn tươi cười thì giờ đang nhìn Thịnh với ánh mắt đầy quỷ dị. Ánh mắt ghê rợn kia làm anh gợn hết cả tóc gáy. Bất ngờ anh ta lao nhanh về phía Thịnh.
Gia Thịnh hốt hoảng ngồi bật người dậy. Mồ hôi anh tuôn ra ướt đẫm cả trán. Ông cụ non tuổi năm mươi bẻ đôi này thở phào nhẹ nhõm, cố gắng định thần bản thân lại. Thịnh gãi đầu khó hiểu. Mái tóc dợn sóng của anh cứ thế mà rối bù, dựng lên như một chiếc bờm. Anh chẳng hiểu vì sao một giải thưởng danh giá nhất giới y khoa lại khiến mình liên tục gặp ác mộng như vậy.
Anh còn đang chìm đắm trong suy nghĩ thì cái âm thanh báo thức điếc tai lại vang lên inh ỏi. Thịnh nhăn mặt khó chịu, mò mẫm tìm chiếc điện thoại chết tiệt của mình. Giường anh nằm bây giờ chẳng khác gì một bãi chiến trường cả. Chả trách sao ngay cả điện thoại cũng lăn lóc lung tung.
Sau một hồi lục tung mền gối lên, Thịnh cầm lấy chiếc điện thoại và nhanh tay tắt cái báo thức chết dẫm kia. Trên màn hình, đồng hồ nhích số chỉ đúng bảy giờ sáng. Anh thở dài, hai mí mắt vẫn muốn sụp xuống.
“Hay là năm phút nữa ta!” Thịnh tự nhủ thầm.
Vừa dứt lời, anh lập tức thả mình nằm xuống và phủ chiếc mền dù lên người. Tuy nhiên, anh còn chưa kịp nhắm mắt thì tiếng đập cửa rầm rầm vang lên, kèm theo đó là giọng nói cằn nhằn quen thuộc:
“Tin, dậy! Trễ làm rồi kìa!”
“Dạ, mẹ.” Thịnh lại uể oải ngồi dậy. Anh biết rõ lệnh của mẹ là lệnh trời khó cãi. Thịnh ngáp một hơi dài rồi nói tiếp:
“Con dậy rồi nè.”
Anh vừa dứt lời thì cánh cửa phòng mở tung ra. Bà Trang bước vào trong, đi thẳng đến bên cửa sổ và kéo phăng tắm rèm không một chút nhân nhượng. Dáng người bà thấp thấp, nhỏ con nhưng hành động thì nhanh thoăn thoắt. Mái tóc bà được búi cao gọn gàng để tiện hơn trong việc dọn dẹp nhà cửa. Bà Trang nheo mắt, lắc đầu nhìn thằng con trai của mình. Hai bên khóe mắt bà hiện rõ lên những vết chân chim của thời gian.
Bị ánh nắng chiếu thẳng vào mặt, Thịnh nheo chặt mắt lại và cau mày khổ sở. Anh mệt mỏi đưa tay che chắn được chút nào hay chút đó.
Trên tay cầm theo cây chổi, mẹ anh bắt đầu quét quét dọn dọn. Bà quay sang chống nạnh, nhìn cái bàn làm việc hổ lốn rồi nhăn mặt cằn nhằn:
“Con với cái, hai lăm tuổi đầu rồi mà ăn ở bầy hầy”. Vừa nói, bà nhanh tay xếp gọn đống giấy tờ lộn xộn trên bàn. “Mày ráng ăn ở sạch sẽ giùm tao một chút, sau này có nhà riêng tha hồ mà bày nha con”.
“Dạ, tại hôm qua con chấm bài khuya quá mà”. Thịnh thừ người ngồi trên giường, vừa ngáp vừa trả lời
Chỉ trong chốc lát, bà Trang đã biến đống bừa bộn trên bàn Thịnh trở nên gọn gàng, tươm tất. Xong xuôi, bà lắc đầu nhìn anh, khó chịu hỏi:
“Rồi bữa mẹ kêu con nói chuyện với cô Thanh con nói chưa?”
Thịnh vẫn ngồi đó, trần như nhộng. Anh chỉ có cộc mỗi chiếc quần đùi. May mắn thay, Thịnh vẫn còn tấm mền quấn trên người. Nghe mẹ nói thế, mặt anh nghệch hẳn ra, mãi một lúc mới lắc lắc cái đầu rồi đáp:
“Dạ chưa, với lại con có việc làm rồi. Con không làm trong bệnh viện đâu”.
“Mày sao vậy con?” Bà Trang bước tới cạnh giường, cau mày trách móc
“Cô Thanh nói với mẹ là bệnh viện cổ có một vị trí ngon lắm. Mày chỉ cần tới gặp người ta cái là ô kê liền. Sao mà không thích?”
“Thì con không thích khám bệnh. Con thích đi nghiên cứu hơn. Với lại giờ làm trợ giảng có một năm nữa là vô phòng lab ngồi rồi cũng sướng vậy mẹ”.
Thịnh vừa trả lời mẹ vừa loay hoay lục tung mền gối tìm xem cái áo đã quăng đâu rồi.
“Làm lab rồi cứ chui rúc trong đó, rồi sao mày có vợ, có con hả? Rồi sao tao có cháu?” Mẹ Thịnh khó chịu hỏi.
Nghe vậy, Gia Thịnh lắc đầu, nhún vai tỏ vẻ bất lực. Thấy con trai gàn dở vậy, mẹ anh cũng bó tay. Bà quay lại tiếp tục quét dọn. Trước khi ra khỏi phòng, bà liếc anh một cái rồi nói:
“Mày lớn rồi đó, mẹ không nói nữa. Mày làm sao thì làm nha”.
Bà Trang bỏ đi ra ngoài kèm theo là đóng cửa cái rầm không khoan nhượng.
Đợi mẹ đi rồi, Gia Thịnh mới lồm cồm lết cái thân của mình khỏi giường và chui vào phòng tắm. Không phải anh không nghe lời mẹ, nhưng quả thật bà không hiểu được cái cảnh đi làm ở bệnh viện nó như thế nào. Gia Thịnh vừa tắm vừa nhớ lại hồi còn đi thực tập. Mỗi ngày anh đều phải chôn chân với mấy ca bệnh nhảm nhí vớ vẩn. Điều đó làm anh cảm thấy năng lượng kiệt quệ đi và trí tuệ thì lại càng giảm sút. Ít ra nếu đi nghiên cứu thì anh sẽ chẳng phải tiếp xúc với ai cả.
Lại còn chuyện vợ con nữa chứ?! Đâu phải anh chưa yêu ai bao giờ trong đời. Cô người yêu cũ của anh là một người ngoan hiền và xinh đẹp. Cô ấy vừa đảm đang, học giỏi và rất được lòng ba mẹ Thịnh. Nhưng tiếc là hai người lại không hợp nhau. Sự cứng đầu, gàn dở của Thịnh làm cho người con gái kia đã không chịu nổi. Dù cố cách mấy, cô ta cũng chẳng thể thay đổi cái tính dở dở ương ương của anh. Trong một lần cãi nhau, cô đã tức giận và thốt lên hai chữ “chia tay”. Và thế là họ đường ai nấy đi. Từ đó, Thịnh quyết định chấp nhận độc thân. Có lẽ, việc lập gia đình, sinh con đẻ cái với anh chắc còn xa xôi lắm.
Vệ sinh cá nhân xong xuôi, nhìn đồng hồ thì đã tám giờ hơn, Gia Thịnh vội vàng mặc quần áo, chào ba mẹ rồi bước nhanh ra khỏi nhà. Hôm nay anh sẽ phải trợ giảng tận năm tiết học liền kề. Cầm tay lái chạy xe đi làm, Thịnh liên tục thở dài chán nản. Anh chỉ mong thời gian này mau mau qua đi để anh không còn phải đi giảng bài, chấm điểm nữa. Thịnh đã ngán tận cổ ngôi trường này rồi. Trường Đại Học Y Dược Nguyễn Hữu Khoa, một ngôi trường thuộc hàng top của toàn quốc mà bất kì ai cũng mơ ước được vào học. Nơi này đã sản sinh ra vô vàn những vị bác sĩ, dược sĩ nổi tiếng vươn tầm quốc tế. Nhưng đối với Thịnh, nơi này vừa áp lực lại còn tẻ nhạt. Có lẽ việc mài đũng quần ở nơi đây khiến anh đâm ra chán ghét nó
Vừa đến cổng trường, anh đã nghe một giọng nói quen thuộc gọi mình:
“Ê, cu. Bên này nè!”
Thịnh nhìn sang bên đường thì thấy Bảo Thiên. Hôm nay, Thiên mặc một chiếc quần tây sờn, kéo cao quá mắt cá. Chiếc áo sơ mi trắng đã ngả màu, chật ních, bó sát vào người anh thiếu điều muốn bung cả nút. Nhìn từ xa, trông Thiên chẳng khác gì một đòn bánh tét. Anh ta đang đứng cạnh trên chiếc xe cà tàng của mình, giơ tay vẫy gọi Thịnh. Thiên là người bạn nối khố của anh. Hai đứa chơi với nhau mãi từ cấp một lên tới đại học. Nhưng sau khi tốt nghiệp, thì hai đứa mỗi người mỗi hướng. Thiên chọn đem sức trẻ của mình mà đóng góp cho bệnh viện Hồng Lạc, một bệnh viện mới khánh thành. Còn Thịnh thì lại chọn còn đường nghiên cứu, vùi đầu ở phòng lab . Thấy Thiên, Gia Thịnh liền hướng đầu xe, chạy sang bên đó.
“Sao đi làm mà trễ vậy mày?” Bảo Thiên trách móc.
“Thì hôm qua chấm bài rồi sáng ngủ quên”. Thịnh mệt mỏi đáp lại rồi nhướn mày hỏi
“Rồi sao, mày có đem qua hông?”
“Nè” Thiên thở dài, móc trong túi ra một cái USB và quăng về phía Thịnh.
Anh nhanh tay bắt lấy rồi cám ơn bạn mình rối rít.
“10GB bệnh án đó. Mày cứ từ từ ngâm cứu”. Thiên nói rồi chỉnh lại cặp kính cận đã cũ, được dán keo vụng về của mình và hỏi:
“Mà tao cũng không hiểu nổi mày luôn đó. Thích chữa bệnh mà không thích bệnh nhân là sao mày?”
Xăm soi cái USB trong tay, Thịnh đáp lại:
“Thì chữa bệnh giống như giải đố vậy. Tao thích giải đố chứ tiếp xúc bệnh nhân, mệt lắm!”
“Bó tay. Tao thua mày luôn. Nói vậy mà cũng nói được luôn. Mày hay thiệt đó”. Thiên lắc đầu đầy ngao ngán.
Anh biết quá rõ tính tình của thằng bạn mình. Nhưng Thiên luôn mong theo thời gian, Thịnh sẽ suy nghĩ lại mà quay đầu, đem trí thông minh của mình đi giúp đời. Tiếc là tia hy vọng của Thiên đã lụi tàn theo thời gian.
Thịnh ngó vào những bịch nilon được treo trên xe của Thiên. Anh đá mắt hỏi:
“Ê, đồ ăn gì đó?”
“Nãy Ngọc có hấp cho tao mấy trái bắp ăn sáng”. Thiên loay hoay quay xe lại.
“Bà Ngọc chăm mày dữ ha. Dạo này thấy mày phát tướng rồi đó”. Thịnh mỉa mai
“Kệ tao, còn đỡ hơn thằng “ép a” không ai chăm”. Thiên liền đốp chát lại “Tao mập, bồ tao cưng”.
Thịnh nhìn anh bạn chí cốt của mình với nụ cười chói lói thân thiện. Anh ra vẻ tội nghiệp khi chăm chú vào mấy trái bắp còn nóng hôi hổi của Thiên:
“Cho tao trái đi mày. Sáng giờ gấp chưa kịp ăn gì hết trơn”.
Thiên thở dài, cúi người lôi hai trái bắp ra. Mắt anh vẫn chằm chằm nhìn cái tên chết tiệt kia. Hắn ta quả thật chẳng còn chút liêm sỉ nào. Miệng vừa mỉa mai Thiên rồi ngay lập tức quay sang xin xỏ. Tay đưa bắp cho Thịnh, Thiên vừa lẩm bẩm:
“Lạy, tao thua mày luôn đó!”
“Thì lâu lâu xin ăn bữa thôi mà. Căng dữ dị ba!”. Thịnh cầm trái bắp trên tay, cười cười rồi nói tiếp: “Cám ơn nghen. Thôi đi làm đi coi chừng trễ giờ đó”.
Tuy nhiên, Thiên cũng chẳng cần nghe lời cảm ơn của thằng bạn, anh phóng xe chạy thẳng một mạch. Thiên đi rồi, Thịnh cũng quay xe chạy vào trường cho kịp tiết học. Vừa cầm lái, Thịnh vừa nghĩ về Bảo Thiên. Không ngờ cũng có ngày thằng bạn chí cốt của anh lại có thể vượt trội như vậy. Nó vừa có được một công việc ổn áp lại còn được cả một cô người yêu dịu dàng, dễ thương. Điều mà Thịnh có nằm mơ cũng chưa đạt được.
Nhưng nghĩ đi cũng nghĩ lại, cuộc sống như Thiên cũng không hẳn là điều mà Gia Thịnh thật sự mong muốn. Cái tôi của anh quá lớn để chịu phải dưới quyền một ai cả. Hơn nữa, anh đã từng tiếp xúc với lớp đàn anh ở bệnh viện của Thiên. Cả đám bọn họ đều là những tên bác sĩ trịch thượng, ỷ kinh nghiệm nhiều năm mà đè đầu cấp dưới, chẳng khác nào “ma cũ bắt nạt ma mới cả”. Anh hậm hực, thầm nghĩ đám đó đến một góc của anh cũng chẳng bằng, về cả chuyên môn lẫn nhân phẩm.
Ở bệnh viện của Thiên có một yêu cầu khá đặc biệt về việc giải bệnh án luyện tập. Đây là những bệnh án thật, đã được chẩn đoán thành công và ghi chép, lưu trữ cẩn thận. Các bác sĩ trẻ mới ra trường sẽ phải tập luyện giải những bệnh án này nhằm nâng cao kiến thức bệnh lý của mình. Cũng vì đám đàn anh của Thiên quá là “vô tích sự” chẳng thể giải được những bài nâng cao nên anh phải thường xuyên tuồng bệnh án luyện tập nhờ Gia Thịnh giải giúp.
Với Thịnh, anh xem đây như là một thú vui tao nhã của bản thân. Anh vừa được tiếp xúc, học hỏi thêm về nhiều ca bệnh khác nhau nhưng lại chẳng phải nghe bệnh nhân càm ràm, than thở. Còn với Thiên, anh hẳn rất mừng vì được thằng bạn thân trợ giúp trong công việc. Đôi bên cùng có lợi. Thịnh liếc nhìn đồng hồ thì đã sát giờ lên lớp, anh nhét vội trái bắp vào balo mà ba chân bốn cẳng chạy thẳng tới lớp.
Khi anh đến lớp, thì thầy Tùng đã bắt đầu giảng dạy từ bao giờ rồi. Gia Thịnh nhanh chóng chọn cho mình một chỗ ngồi ở cuối lớp, nằm ở góc khuất khỏi tầm nhìn của sinh viên trong giảng đường. Anh nhẹ nhàng ngồi xuống, tránh gây ra bất cứ tiếng động lớn nào.
Chức vụ trợ giảng của Thịnh bao gồm những công việc như quan sát lớp, theo dõi bài học. Nhưng nhiệm vụ chủ yếu nhất của anh vẫn là phụ đạo cho những sinh viên không nắm vững bài. Đây cũng là điều mà Thịnh luôn cảm thấy miễn cưỡng khi phải làm. Anh luôn nghĩ rằng, nếu không hiểu thì học lại môn, chứ chẳng ai rảnh rỗi để mà giảng bài với phụ đạo cả. Tuy nhiên, để có thể vào được chương trình nghiên cứu, Thịnh buộc phải làm những thứ mình chẳng hề yêu thích.
May cho anh, tiết hôm nay cũng chủ yếu là ôn tập nên Thịnh cũng chẳng cần phải tập trung gì. Lấy laptop ra và cắm USB vào, Thịnh bắt đầu bài học của riêng mình. Anh vừa đọc bệnh án, vừa ghi ghi chép chép vào tập. ‘Hmm, đơn giản vậy mà mấy cha đó không nghĩ ra’. Thịnh thầm nghĩ rồi nhếch môi cười. ‘Cũng may cho mấy ổng những ca này toàn ca bệnh cũ để luyện tập, chứ không bệnh nhân tử vong rồi’.
Nghĩ vậy xong, Thịnh tiếp tục hành trình tự giải đố của mình. Lâu lâu anh lại tạch lưỡi, lắc đầu và đánh giá. Bất chợt, tiếng chuông hết tiết vang lên như xé toạc bầu không khí đang tĩnh lặng ở giảng đường. Gia Thịnh vẫn ngồi đó, anh chẳng gì phải vội vã cả. ‘Chờ cho đám sinh viên ra hết rồi mình ra cũng đâu có muộn’. Thịnh thầm nghĩ và dán mắt vào laptop. Khi lớp học đã bắt đầu thưa thớt dần đi, anh mới từ từ dọn dẹp sách vở và cất laptop vào balo.
Ngay khi Gia Thịnh vừa đeo balo lên vai, định rời đi thì thầy Tùng ở phía trước nói vọng xuống:
“Này anh Thịnh, tôi có chuyện muốn nói với anh”.
“Dạ, thầy có chuyện gì cần nói với em?” Anh thắc mắc hỏi, hai tay hơi khoanh lại vì cảm giác có điều chẳng lành.
“Anh xem bài nghiên cứu của anh đây”. Thầy Tùng vừa nói vừa lấy trong cặp ra một xấp tài liệu. Giọng ông có vẻ hậm hực xen lẫn bực bội.
“Có vấn đề gì sao thầy?”. Thịnh không khỏi thắc mắc. Anh nhấc xấp tài liệu lên, lật đi lật lại để tìm kiếm lỗi sai nhưng tìm mãi cũng không ra được lỗi nào, dù là nhỏ nhặt nhất. Anh tự hỏi vì sao trông thầy Tùng lại khó chịu tới vậy.
“Không có vấn đề gì cả”. Thầy Tùng liếc anh, giọng ông càng trở nên gay gắt hơn. “Tài liệu nghiên cứu của anh rất tốt và hoàn hảo”.
“Vậy ý thầy là sao? Em chưa hiểu”. Thịnh dần mất kiên nhẫn trước cách ăn nói vòng vo của vị thầy giáo trước mặt. Anh muốn biết ngay vấn đề nằm ở đâu để có thể nhanh chóng giải quyết. Thà rằng thầy Tùng chỉ thẳng vào mặt anh còn hơn là lấp lửng như vậy.
“Đây, anh xem đi!” Thấy thái độ của anh, hai lông mày thầy Tùng nhíu lại thành một đường. Ông giật lấy tập tài liệu trong tay Thịnh, liên tục gõ vào mặt giấy. “Chẳng những anh có đáp án đúng mà cách làm còn rất khác lạ. Anh làm tôi phải nghi ngờ cách dạy của mình đấy”.
Nghe vậy, Thịnh cũng dần hiểu ý ông muốn nói là gì. Anh khoanh tay thật chặt, ngăn không cho cơn bực tức trào ra. Thịnh cố gắng giữ lịch sự nhất có thể khí đối đáp với thầy Tùng:
“Dạ, thật lòng em thấy cách của thầy rất hay, nhưng mà từ trước đến nay, mọi người đều áp dụng theo cách đó nên em chỉ muốn thử một hướng đi khác”.
Nói là vậy, Thịnh lại thầm nghĩ ngợi trong lòng. Ông thầy này lại muốn cho mình ăn hành rồi đây. Mường tượng tới cảnh đó, anh cố gắng nở nụ cười thân thiện nhất có thể, hòng xoa dịu sự khó chịu của thầy Tùng. Dù không phục, anh vẫn phải phụ thuộc vào ông để có thể bước chân vào chương trình nghiên cứu.
“Ừ, anh thông minh lắm. Nhưng tôi nói cho anh biết. Cách làm của tôi là tốt nhất. Anh chỉ là trợ giảng, anh không đi ngược lại với phương pháp của tôi”. Thầy Tùng đanh giọng lại, mặt ông ta đỏ bừng lên khi mắng mỏ Thịnh.
Ông chỉ ngón trỏ vào người Thịnh, ý đồ đập bẹp những ý tưởng mới lạ của anh. Có thể ông ta cảm thấy cậu sinh viên này ngỗ nghịch thật, cũng có thể ông ta tự ái vì cách làm của anh mới lạ và hiệu quả hơn của ông nhiều.
Gia Thịnh tròn xoe hai con mắt, bất ngờ trước phản ứng dữ dội của thầy Tùng. Anh ấp úng, hoang mang tìm cách xoa dịu sự tình:
“Dạ, dạ… em…em đâu dám đi ngược lại gì đâu thầy”.
Thầy Tùng hoàn toàn không có ý định nghe anh lý giải. Ông phẩy tay, cắt ngang lời Thịnh:
“Vì anh đã không làm theo cách tôi hướng dẫn, bài nghiên cứu này của anh, tôi chấm không đạt yêu cầu. Anh về làm lại đề tài khác đi”. Thầy Tùng lần nữa chỉ tay vào mặt Thịnh, lời nói mang theo sự uy hiếp và bức tức. Nói rồi, ông liền quay người rời đi, không thèm để ý anh tiếp nhận lời mình nói ra sao.
“Hả? Thầy ơi! Em mất rất nhiều thời gian để làm đề tài này. Với lại, thầy cũng đã nói là đáp án chính xác mà. Không ấy, thầy chấm em điểm thấp thấp một chút cũng được. Chứ giờ em còn phải phụ đạo rồi chấm bài nữa. Thời gian đâu mà em làm bài nghiên cứu mới” Thịnh thốt lên, vội vã đuổi theo sau thầy Tùng.
Anh ra sức nài nỉ, mặc cho lòng tự trọng cao ngời ngợi của mình. Rõ ràng, quyết định của thầy Tùng ảnh hưởng rất nhiều tới tương lai của anh.
“Tôi không quan tâm, tôi cho anh hạn chót đến cuối tháng sau phải nộp”. Thầy Tùng chẳng thèm đoái hoài gì đến anh chàng trợ giảng trẻ, dứt khoát thu gom đồ đạc rồi một mạch đi ra cửa. Dù Thịnh có ỉ ôi tới mấy cũng chỉ như nước đổ đầu vịt mà thôi.
Thịnh đứng đó như trời trồng. Anh quá bất ngờ trước những gì ông thầy của mình vừa nói. Anh không ngờ thầy Tùng lại là người độc tài như vậy. Chỉ vì không làm theo cách của ông mà bây giờ anh phải bắt đầu lại từ con số không tròn trĩnh.
Thịnh cứ ngỡ rằng sau tất cả những gì anh đã giúp cho thầy Tùng, ít nhất ông cũng sẽ tạo điều kiện cho anh, cùng lắm là đối xử công bằng với thành quả anh làm ra. Nào ngờ, mọi chuyện lại tới nông nỗi này khiến mọi công sức của Thịnh đổ sông đổ bể. Vẫn đang đứng như trời trồng giữa giảng đường trống trải, Thịnh lại nghe tiếng thầy Tùng vọng lại khi ông ra tới cửa:
“Tiết cuối tôi có việc, anh lo chuẩn bị bài để dạy thay tôi”. Nói rồi thầy Tùng quay lưng đi, bỏ lại Thịnh với sự chưng hửng và bất mãn.
Nghe lời thầy Tùng nói, Thịnh đứng ngẩn ngơ giữa giảng đường. Phải mất một lúc để anh chấp nhận thực tại phũ phàng và suy nghĩ làm sao để giải quyết vấn đề. Thịnh bực bội nhặt chiếc cặp mình đánh rơi lúc nào không hay, nhấc những bước chân nặng nề rời khỏi nơi này.
Thịnh vừa đi vừa âm thầm chửi thề trong lòng. Tay anh nắm chặt lấy quai balo, ngăn không cho cơn giận dữ bộc phát. Thật ra, anh không hề ngại phải làm lại từ đầu. Thế nhưng thời điểm hiện tại không cho phép anh có được cơ hội lần hai như vậy. Đây là lúc mà tất cả các sinh viên, y sĩ và thậm chí cả bác sĩ tranh giành những thiết bị, dụng cụ nghiên cứu ít ỏi. Nếu anh bắt đầu lại, kết quả chắc chắn sẽ không được như bài nghiên cứu cũ. Mà cho dù không tính tới chất lượng, anh cũng chẳng thể hoàn thành đúng thời hạn thầy Tùng giao ra nếu phải tham gia giành giật dụng cụ và thiết bị. Chỉ nghĩ tới thôi cũng khiến cả người Thịnh uể oải.
Gia Thịnh lê đôi chân nặng nhọc đến căn tin trường rồi thả mình xuống chiếc ghế gần nhất. Anh chẳng còn tâm trí gì để mà giải bệnh án nữa cả. Mọi thứ sẽ là vô nghĩa nếu như anh bị đánh rớt khỏi chương trình nghiên cứu. Và khi đó, cách duy nhất để anh có việc làm phải nộp đơn vào bệnh viện. Có lẽ cái bằng bác sĩ miễn dịch của mình cuối cùng cũng được đem ra xài rồi. Anh thở dài, lắc đầu ngao ngán. Vừa lúc đó, tiếng chuông điện thoại bỗng reo lên. Thịnh cầm lên thì thấy một số lạ đang gọi đến. Anh vừa thở dài vừa bắt máy, tự hỏi không biết còn chuyện còn tồi tệ hơn có thể xảy ra nữa không. Đầu bên kia vang lên một giọng nữ quen thuộc tới mức khiến Thịnh khẽ rùng mình:
“Tôi biết chuyện anh với Bảo Thiên làm rồi”.
Giọng nữ đó nhẹ nhàng nhưng lại sắc lẹm như một con dao. Sống lưng Thịnh có một luồng điện chạy ngang qua làm anh tê hết cả người. Thịnh nhíu mày, đáp lại một cách thận trọng:
“Alo, ai đó? Biết chuyện là biết chuyện gì?”
Anh cố giữ bình tĩnh dù trong lòng đang lo lắng không nguôi. Nếu liên quan tới anh và Thiên thì chỉ có thể là chuyện đó.
Đầu dây bên kia lạnh lùng, ngó lơ thái độ giả điên, giả ngu của Thịnh, giọng điệu cô ta đầy thách thức:
“Anh vậy mà lại quên tôi nhanh thế nhỉ?”
Gia Thịnh im lặng và ngẫm nghĩ một hồi. Não anh nảy số và lục lọi trong ký ức xem anh đã nghe thấy giọng nói này thuộc về ai. Sau cùng, anh ngờ ngợ nhận ra phía bên kia điện thoại không ai khác mà chính là bạn gái cũ của mình.
“Là em hả Mỹ Vân?” Thịnh hồ nghi hỏi, giọng anh có phần lưỡng lự.
Anh thầm mong phát đoán của mình là sai vì Vân là người mà anh chẳng bao giờ muốn liên hệ nữa cả. Đầu dây bên kia lập tức truyền tới điệu cười khúc khích, khoái chí:
“Hmm, tôi còn nghĩ anh quên nhỏ này rồi chứ”.
“Làm gì có, sao mà…sao mà quên được …”. Thịnh cười trừ, anh gãi gãi đầu gượng gạo. May mắn thay họ đang nói chuyện qua điện thoại chứ không phải đối diện trực tiếp.
“Mà sao số em lạ vậy? Anh tưởng…”
Không để cho Thịnh nói hết câu, Vân đã nhanh chóng chen ngang lời anh với giọng điệu ngoa ngoắt và bực tức của mình:
“Anh tưởng anh đã chặn số tôi và tôi không thể liên lạc với anh đúng không?”. Sau một giây im lặng như để lấy lại sức, cô nàng tiếp tục và lần này to tiếng hơn. “Anh tưởng tôi là con ngốc hay gì?”
“Đâu, đâu có đâu em. Tại lâu rồi không nói chuyện nên em làm anh bất ngờ thôi”. Gia Thịnh viện cớ, mắt đảo lung tung khắp nơi.
“Anh còn phải bất ngờ dài dài. Tôi đã biết chuyện anh giải bệnh án cho Bảo Thiên rồi”. Giọng Mỹ Vân đầy đe dọa.
“Tôi sẵn sàng báo cáo với cấp trên. Đương nhiên là Bảo Thiên sẽ bị đuổi việc ngay lập tức. Việc làm này của anh và anh ta là vi phạm đạo đức nghề nghiệp cũng như luật bảo mật thông tin bệnh nhân. Rồi đây sẽ chẳng còn nơi nào dám nhận anh ta nữa”.
“Em đang nói gì vậy? Anh giải bệnh án nào chứ? Anh không biết em đang nói gì luôn”. Gia Thịnh cố giữ bình tĩnh, chối bay chối biến mọi điều Vân vừa nói để hòng tìm cho mình một lối thoát.
Nghe vậy, phía bên kia điện thoại phát ra tiếng cười lớn chế giễu khiến mặt Thịnh tái nhợt đi.
“Anh bớt xạo đi Thịnh. Anh làm tôi mắc cười chịu hông nổi luôn rồi đó”. Mỹ Vân bên kia vẫn đang khúc khích cười như thể mới nghe chuyện đùa lần đầu. Cười thỏa mãn, Vân tiếp tục. Giọng điệu cô ta vô cùng trịch thượng và tự tin.
“Anh không nghĩ tôi nhận ra cơ sở lý luận cũng như cách trình bày của anh hả, anh Thịnh? Đừng quên mình yêu nhau cũng hơi lâu đó”.
Mặt Thịnh nhăn nhúm lại khi nghe thấy lời của Vân. Tuy vậy, anh vẫn cố lên tiếng biện minh, giọng điệu anh gần như cao vút:
“Lý luận thì người giống người thôi, sao em khẳng định là anh được. Với lại, hai người làm ở bệnh viện thì sao anh có bệnh án mà giải chứ”.
Đến Thịnh cũng nhận ra bản thân mình dần đuối lý trước lời lẽ sắc bén của Vân.
“Ồ thì ra vậy à, vậy là anh không lường trước được việc này đâu nhỉ?”
Bất ngờ, một âm thanh lạ từ phía Gia Thịnh vang lên. Anh loay hoay tìm xem âm thanh đó phát ra từ đâu. Đầu bên kia, Mỹ Vân đang cười một cách đầy thách thức:
“Tìm đi anh yêu. Anh không nghĩ ra được là tôi sẽ chơi chiêu này đúng không?”
Trên trán Thịnh lúc này đã bắt đầu đổ mồ hôi hột, anh vội vàng móc trong túi ra chiếc USB ban sáng mà Thiên đưa. Chiếc USB đang nhấp nháy và rung lên liên tục như còi báo hiệu khiến anh có phần hơi hoảng loạn. Thịnh vội vã nói vào điện thoại:
“Vụ gì đây, Vân? Như vậy là sao?” Gia Thịnh lo lắng hỏi.
“Haha, tôi đã nghi lâu rồi, nhưng không có chứng cứ. Hôm qua, Thiên mượn USB của tôi, anh ta nói là để chép tài liệu về nhà làm. Dĩ nhiên là tôi đã cho anh ta mượn. Nhưng khi dò định vị thì tôi lại thấy USB đó nằm ở chỗ anh. Thật sự rất mắc cười, đúng không?”. Vân vừa giải thích vừa để lộ nụ cười chế giễu. Giọng điệu cô ta thể hiện sự cợt nhả, rõ ràng cô ta đang vui sướng trên sự lo lắng của Thịnh.
Nghe Mỹ Vân nói vậy, Gia Thịnh chỉ biết than trời. Anh thở dài, thầm nghĩ. ‘Sao vậy trời? Hết trúng quả dưa lại gặp quả dừa’ Chuyện này mà làm căng ra thì chắc chắn Bảo Thiên sẽ bị đuổi việc. Chẳng những vậy, hai người còn có khả năng bị truy tố hình sự. Thịnh gãi đầu khổ sở. Đã nghèo còn mắc cái eo nữa, hết chuyện phải nghiên cứu lại, giờ thêm chuyện này nữa. Đầu của Thịnh như muốn nổ tung ra. Anh chẳng còn tâm trí để tập trung làm bất kỳ điều gì nữa cả.
“Sao hả “anh yêu”? Anh đã chịu thua chưa?”. Mỹ Vân nói với giọng điệu đầy thách thức.
Cô ta cố tình kéo dài hai chữ ‘anh yêu’, khiến Thịnh không thể không nổi lông gà. Có vẻ chưa cảm thấy thỏa mãn, cô người yêu cũ tiếp tục:
“Tôi thừa biết anh sẽ chối bay chối biến. Nào là Thiên để quên USB ở chỗ anh, hay anh mượn USB của ảnh để làm việc. Cho nên khi anh cắm USB vào laptop để giải bài, tôi đã lưu trữ toàn bộ hoạt động của anh lại rồi”.
“Cứ cho là cô đúng đi. Vậy sao cô không tố cáo tôi luôn đi mà lại gọi điện cho tôi làm gì?”. Thịnh nổi quạu, anh không thích cảm giác suốt ngày bị người khác điều khiển và chơi đùa như vậy. Một thầy Tùng đã đủ rồi, không cần tới thêm cô người yêu cũ nữa.
“Haha. Tố cáo anh thì dễ rồi. Tôi muốn hành hạ anh hơn. Bắt anh phải trả giá vì đã làm tôi phí hoài thanh xuân của mình”. Mỹ Vân cười lớn.
“Mẹ nó!”. Thịnh không nhịn được mà chửi thề. Anh nói năng nhẹ nhàng và nhẫn nhịn cả ngày hôm nay đã quá đủ rồi. Giọng anh càng ngày càng lớn. May mắn trong khuôn viên nhà ăn lúc này không có quá nhiều sinh viên.
“Cô muốn gì nói mẹ ra đi! Chứ cái gì mà cứ vòng vo tam quốc hoài vậy!”
“Anh mau nóng giận nhỉ? Thôi được rồi, tôi sẽ nhân từ mà không tố cáo hai anh”. Mỹ Vân cười khúc khích, cô ta rất sung sướng trước nỗi đau của Gia Thịnh. Cô nói với giọng điệu bình thản xen lẫn với kiêu ngạo.
“Dù gì Thiên cũng là một bác sĩ giỏi. Bù lại, từ nay anh không được giải bệnh án cho anh ta nữa”.
“Chỉ vậy thôi sao? Hay còn gì nữa thì nói lẹ nốt đi! Đừng làm tốn thời gian của tôi!” – Gia Thịnh càng lúc càng trở nên sôi máu với cô bạn gái cũ này.
“Dĩ nhiên là còn. Thay vào đó, anh phải giải bệnh án cho tôi”.
“Giải cho cô à?” Gia Thịnh ngớ người, bất ngờ trước lời đề nghị đột ngột của Vân.
Anh cứ nghĩ cô ta sẽ dùng cơ hội này để trả thù hay hành hạ anh. Nào ngờ, Vân lại muốn anh giải bệnh án hộ. Giọng điệu của Thịnh dần bình tĩnh hơn.
“Phải, đúng vậy. Tôi đã vào được chương trình tiến sĩ của bệnh viện”. Vân nghịch ngợm lọn tóc của mình, nở nụ cười khi tưởng tượng ra vẻ mặt của đối phương lúc này.
“Những bài bệnh án này làm tôi không thể tập trung vào chuyên đề khác được. Cho nên anh sẽ là người giải cho tôi”.
Gia Thịnh vò đầu bứt tóc. Anh muốn chửi thề ả người yêu cũ vì cái sự khốn nạn của cô ta. Anh thừa biết các bệnh án chuyên sâu của Vân khó hơn Thiên gấp mười lần. Chẳng những chúng đòi hỏi người bác sĩ về sự am tường bệnh lý y khoa mà còn phải hiểu biết tâm lý, môi trường của bệnh nhân. Và vế sau mới chính là điều làm Thịnh đau đầu. Căn bệnh dù khó tới đâu anh cũng chẳng ngại, nhưng những vấn đề khác xung quanh bệnh nhân là thứ anh chưa bao giờ để tâm cả. Hơn nữa bây giờ, anh đang bị bao vây bởi quá nhiều thứ nào là phải lên ý tưởng cho bài nghiên cứu mới, chọn phương pháp nghiên cứu,….. Thịnh không chắc mình còn đủ khả năng để đảm nhiệm hết tất cả những trách nhiệm này.
“Anh không còn sự lựa chọn đâu, Thịnh à”. Lời của Mỹ Vân như kéo anh ra khỏi dòng suy nghĩ của mình. Giọng điệu mỉa mai của cô ta khiến Thịnh rợn cả gai tóc.
“Được rồi, tôi chấp nhận. Rồi làm sao tôi nhận bệnh án từ cô đây?”
“Anh yên tâm. Tôi biết anh không muốn gặp tôi. Tôi sẽ gửi thẳng bài vào cái USB anh đang giữ. Giải bài xong, anh cứ lưu ngay vào đó. Tôi sẽ cập nhật từ xa. Như vậy, chúng ta chẳng cần gặp nhau và anh vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình”.
“Rồi, tôi biết rồi. Tôi sẽ làm theo ý cô”.
Vừa dứt câu xong, anh chẳng cho Mỹ Vân nói thêm lời nào mà bực dọc cúp máy thẳng. Anh không ngờ có ngày anh lại bị người yêu cũ đưa vào tròng như vậy. Nếu chỉ liên quan tới mỗi anh, Mỹ Vân có lẽ chẳng dám làm gì bởi cô thừa biết Thịnh kiêu ngạo và cứng đầu như nào. Cô ta có cố gắng thế nào cũng không khác gì lấy trứng chọi đá cả. Thế nhưng lần này sự việc còn liên quan tới cả Thiên. Anh biết chắc rằng Thiên sẽ không tha thứ cho mình nếu như anh làm ảnh hưởng tới công danh sự nghiệp của nó, khiến nó bị đuổi khỏi bệnh viện và bị một vết nhơ lên bộ hồ sơ hoàn hảo. Thịnh mệt mỏi ngã người ra ghế nhà ăn, anh chẳng bận tâm tới việc có ai nhìn mình hay gì đi nữa. Thất bại ê chề. Bốn từ cỏn con, tóm gọn một buổi sáng tồi tệ của anh.
Tâm trạng của Thịnh nặng trĩu như có một quả tạ đang đè lên lồng ngực vậy. Anh cảm giác cả vũ trụ đang cùng nhau hợp sức chống lại mình. Nhưng cũng đúng vì chính anh đã là kẻ ngạo mạn, dám cả gan cãi lại mệnh trời mà. Thịnh đã có thể có một con đường công danh sự nghiệp rực rỡ, nhiều người thèm muốn. Các bệnh viện danh tiếng trải thảm đỏ mời anh về làm việc. Một số nơi còn sẵn sàng đề bạt anh lên chức trưởng khoa dù anh chỉ là một bác sĩ trẻ. Tuy nhiên, vốn bản tính ương ngạnh, anh đã từ chối hết mọi lời đề nghị chỉ vì anh muốn tự quyết định tương lai của chính mình, tự tạo con đường riêng cho bản thân.
Con đường này là anh tự chọn lấy nên giờ chính anh phải tự gánh những khó khăn, thử thách và trở ngại nó đem đến. Thịnh thở dài, thì ra câu nói họa vô đơn chí của người xưa quả thật không sai. Rắc rối có bao giờ đến đơn lẻ. Chúng đổ xô ập đến khiến con người ta chới với, mất phương hướng và nhiều khi dễ dàng bỏ cuộc.
Đang chìm đắm trong suy nghĩ, bất chợt một làn gió thổi ngang qua. Nó mang theo thoang thoảng mùi hương cực kỳ đặc biệt. Anh cảm giác trước mắt mình là một cánh đồng hoa trải dài tận chân trời. Hương cỏ cây thanh mát, dịu nhẹ quyện lấy Thịnh làm tâm hồn anh như bay vút lên không trung. Nó nhẹ nhàng dẫn đưa anh đến tầng tầng lớp lớp hương hoa khác nhau. Những nỗi niềm ưu tư phiền muộn ban nãy giờ đây như đã trôi về phương trời nào rồi. Thịnh nhắm mặt lại và để hương thơm này chiếm trọn lấy tâm hồn lẫn trái tim của mình.
Rồi chợt Thịnh đứng phắt người dậy, ngó ngang dọc. Thịnh căng mắt, cố gắng tìm kiếm chủ nhân của mùi hương lạ đó. Tuy nhiên giữa căn tin một rừng người như vậy, biết ai đâu mà tìm. Anh nhìn tới nhìn lui một lúc lâu thì bất chợt một bóng người lướt ngang qua anh. Mùi hương đó lại một lần nữa thoảng qua. Thịnh quay đầu lại nhìn xem người đó là ai. Mùi hương kỳ lạ kia dẫn anh tới bóng dáng một người con gái.
Dáng người cô ấy vô cùng thon thả, mỗi bước chân đi vừa nhẹ lại vừa dịu dàng. Mái tóc đen mượt mà, ánh lên dưới những tia nắng, khẽ dập dềnh theo từng nhịp điệu, tựa như áng mây bồng bềnh đang hờ hững trôi giữa bầu trời xanh mát. Khi người con gái ấy khẽ quay đầu, Thịnh cảm thấy tim mình như hẫng một nhịp khi bắt gặp phải cặp mặt to tròn và đen lay láy trên gương mặt trái xoan tinh tế. Đôi môi cô chúm chím đỏ hồng như đóa hoa nở rộ mỗi khi cười lên tươi rói. Ở cô hiện lên rõ sự ngây thơ và hồn nhiên của độ tuổi thanh xuân thuần khiết.
Cô gái nhỏ kia mặc trên người một bộ yếm jean vừa trẻ trung xinh đẹp lại thêm phần tinh nghịch. Cô ấy nở một nụ cười tươi đầy ấm áp như ánh nắng mùa xuân. Gia Thịnh thơ thẩn đứng đó ngắm nhìn cô hồi lâu. Hồn anh cứ như đã bị cô gái nhỏ kia cướp mất đi rồi. Tim anh đập nhanh, nhanh đến độ anh có thể nghe rõ từng nhịp đập. Cơn đau đầu và những rắc rối lúc sáng giờ đây đã tan biến vào không khí rồi.
Giờ đây, Thịnh như đang lạc vào một cõi thần tiên nào đó. Một cõi mà chỉ có anh và người con gái trước mặt mình mà thôi. Mọi người, mọi sự vật xung quanh, tất cả dần trở nên mờ ảo trong mắt Thịnh. Anh cảm giác như thời gian lúc này đang ngưng đọng lại. Chẳng phải cảm giác rung động là đây sao? Giờ thì Thịnh đã hiểu rõ ‘tình yêu sét đánh’ là có thật.