Hủ Tục Vùng Cao - Chương 1
Chương 1 : Vết Bớt
“Con nhờ ông mối, gửi cái vòng tay này cho thằng K’đăm, ông nói với nó là nhìn nó, con ưng cái bụng con lắm”
Sau khi nói xong, H’Lan vội vàng rút từ túi thổ cẩm ra một chiếc vòng tay bạc tinh xảo, đôi tay run nhẹ vì sự ngượng ngùng không thể giấu nổi trên khuôn mặt tròn đầy của cô gái tuổi trăng tròn. Chiếc vòng bạc, với những hoa văn chạm khắc cầu kỳ, là món quà tượng trưng cho sự hứa hẹn và tình cảm mà cô dành cho người cô thương. H’Lan, với vẻ đẹp dịu dàng nhưng đầy sức sống, là niềm mơ ước của biết bao chàng trai trong bản. Nước da nâu óng ánh như hạt cà phê rang, đôi mắt to tròn long lanh và mái tóc đen óng ả buông dài ngang lưng, tất cả làm nên nét cuốn hút không thể cưỡng lại. Những chàng trai mới lớn vẫn thường rỉ tai nhau, thầm mơ ước một ngày H’Lan sẽ bước qua cổng nhà họ, đứng dưới chân nhà sàn mà ngỏ ý cưới hỏi.
Đối với người Đồng Bào nơi đây, truyền thống mẫu hệ đã tồn tại từ đời này sang đời khác, tục lệ cưới hỏi cũng mang đậm dấu ấn riêng. Khác với phong tục dưới xuôi, nơi nhà trai phải chuẩn bị trầu cau, sính lễ để sang thưa chuyện với nhà gái, ở đây chính nhà gái sẽ mang lễ vật gồm rượu, thịt và chiếc vòng tay bạc đến nhà trai để “bắt rể”. Người đàn ông, sau khi được “bắt rể”, sẽ về sống hẳn với gia đình vợ, gánh vác những trách nhiệm mới trong cuộc sống. Lễ “bắt rể” không chỉ là một nghi thức mà còn là biểu tượng của tình yêu và sự hòa hợp giữa hai gia đình. Chính sự đảo ngược vai trò này đã tạo nên nét độc đáo, đôi khi khiến người ngoài vùng không khỏi tò mò và ngạc nhiên.
Phía bên kia, K’Đăm vui sướng lộ rõ trên gương mặt khi nhận món quà từ “hoa khôi” của bản. Anh cười tươi, liên tục gật đầu, ánh mắt sung sướng nhìn ông mối mà không thốt nên lời. Trước mặt ông mối, K’Đăm chậm rãi đeo chiếc vòng bạc lên tay, như một lời khẳng định cho sự gắn kết bền chặt giữa đôi trẻ. Nếu H’Lan được coi là đóa hoa rực rỡ nhất của bản làng, thì K’Đăm cũng chẳng kém phần nổi bật. Với đôi mắt sắc lạnh, dáng vẻ mạnh mẽ pha chút gai góc của núi rừng. Nước da rám nắng khiến anh toát lên vẻ cường tráng, đôi lông mày rậm và mái tóc đen dài phong trần, lúc nào cũng phảng phất nét hoang dã. Vẻ nam tính ấy không chỉ khiến H’Lan xao xuyến, mà còn làm bao cô gái trong bản phải mất ăn mất ngủ vì tương tư. Không biết bao nhiêu cô gái trong vùng từng ước ao sẽ đến một ngày có thể nắm tay anh rảo bước dưới tán rừng già, cùng nhau vun đắp một mái ấm. Nhưng giờ đây, H’Lan đã thắng cuộc trong trái tim K’Đăm,
Đám cưới diễn ra suôn sẻ trước sự chứng kiến của toàn thể dân làng. Tiếng chiêng trống vang lên hòa cùng âm thanh núi rừng, khi mọi người tụ tập quanh nhà rông để cử hành nghi lễ. Rượu cần được rót đầy, tế thần Yang, và thịt lợn được mổ để dâng lên thần linh như lời cầu nguyện cho một cuộc sống sung túc, hạnh phúc. Ngọn lửa trại bập bùng cháy rực, thắp sáng không gian, những người lớn tuổi cất cao tiếng hát, dẫn dắt đám đông hòa mình vào những giai điệu truyền thống của bản làng. Khung cảnh tràn đầy niềm vui và sự thiêng liêng khi cô dâu và chú rể trân trọng trao nhau hai chiếc vòng cổ – biểu tượng cho sự gắn kết đời đời. Tiếng cười nói vang vọng khắp khu rừng, làm cho niềm hạnh phúc càng thêm trọn vẹn.
Giữa bầu không khí tưng bừng đó, một đôi mắt lạnh lùng đang dõi theo từ phía xa. Đó là Y Thiên, con trai duy nhất của lão thầy cúng trong bản, cũng là người sẽ kế thừa vị trí của cha mình. Anh đứng lặng, ánh mắt vô hồn dõi theo đôi uyên ương. Ánh mắt ấy mang theo vẻ gì đó khó tả, có phần u ám, khác biệt hoàn toàn so với không khí rộn ràng đang diễn ra xung quanh. Y Thiên không hòa vào dòng người đang hát hò nhảy múa, mà lặng lẽ quan sát từ một góc của khu rừng.
Cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ K’Đăm và H’Lan cứ thế trôi qua trong yên bình, ngập tràn hạnh phúc. Ngày ngày, K’Đăm lên nương, đào khoai, đào sắn, khi thì theo chân đám trai bản vào rừng săn bắn. Mỗi khi săn được thú rừng, anh lại hớn hở mang về cho H’Lan. Nàng cùng mẹ mình thường xuyên đem những đặc sản ấy xuống chợ xuôi, bán cho người kinh. Cuộc sống giản dị, nhưng đầy đủ và đầm ấm, khiến cả bản làng ngưỡng mộ cặp vợ chồng son. Tưởng rằng sự bình yên ấy sẽ kéo dài mãi mãi, cho đến một đêm định mệnh.
Đó là một đêm mưa to gió lớn, bầu trời đen kịt, sấm chớp rền vang khiến không gian như bị xé toạc. Tiếng mưa đập mạnh vào mái nhà sàn, như muốn nhấn chìm tất cả vào dòng thác nước. Đột nhiên, K’Đăm lao ra khỏi nhà trong cơn hoảng loạn. Anh chẳng màng đến cơn mưa xối xả đang nặng hạt rơi xuống người, đôi chân cậu lấm lem bùn đất, cắm đầu chạy nhanh như gió giữa màn đêm.
Trên con đường gồ ghề, khi ánh sáng chập chờn từ những tia sét lóe lên, K’Đăm bất ngờ nhìn thấy Y Thiên đang đi ngược chiều. Gã thầy mo trẻ tuổi khoác áo tơi, dáng vẻ bình thản như không hề bận tâm đến sự cuồng nộ của giông gió. Thấy K’Đăm hớt hải, Y Thiên liền cất giọng khàn đục vang lên giữa không gian ẩm ướt:
“Mày đi đâu vậy? Dừng lại! Có chuyện gì?”
K’Đăm thở hổn hển, vừa nói vừa nuốt từng giọt mưa:
“Vợ… vợ tao… vợ tao sắp đẻ rồi!”
Không chờ thêm lời nào nữa, K’Đăm vội vã tiếp tục chạy, bỏ lại sau lưng Y Thiên với ánh mắt lạnh lùng, ẩn chứa điều gì đó khó đoán. Gã đứng lặng một lúc, đôi mắt khẽ nheo lại, tay giơ lên cao rồi bấm bấm từng ngón, miệng lẩm bẩm những lời khó hiểu như thể đang tính toán điều gì đó. Dưới ánh sáng le lói của tia chớp, gương mặt gã hiện lên với nét bí ẩn, càng làm không khí thêm phần âm u. Sau một hồi, gã quay người, ánh mắt lướt nhẹ về phía nhà K’Đăm. Một cái lắc đầu thoáng qua, vừa như tiếc nuối, vừa như dự đoán trước điều chẳng lành. Gã chậm rãi rảo bước tiếp, mặc cho cơn mưa đang trút xuống ngày một nặng hạt.
Nửa tiếng sau, trong căn nhà sàn, bầu không khí vốn đã tĩnh lặng bỗng bị xé toạc bởi tiếng thét dữ dội của H’Lan:
“Aaaaaa!”
Tiếng la lớn vang vọng trong đêm. Chỉ trong khoảnh khắc, cả không gian lại chìm vào sự im lặng, yên ắng đến nghẹt thở, như thể núi rừng cũng nín lặng dõi theo.
Bất chợt:
“Oe oe oe!”
Tiếng khóc non nớt ấy phá tan sự tĩnh mịch, hòa cùng làn mưa rơi bên ngoài, mang theo niềm vui và sự sống mới. Cùng lúc đó, giọng của H’Thao, bà đỡ duy nhất trong bản, vang lên rạng rỡ:
“Được rồi, mẹ tròn con vuông!”
Lời nói của bà H’Thao xua tan đi bao lo lắng, bất an cho H’Lan. Nhưng đâu đó trong bầu không khí vẫn còn sự căng thẳng lẩn khuất chưa tan hết, như một điềm báo mơ hồ của điều gì đó chưa trọn vẹn.
Bất chợt, lúc này, đôi mắt của K’Đăm loé lên một tia giận dữ, như thể biến thành một người khác. Không cần suy nghĩ, hắn vội lao vào, giật lấy đứa bé còn đỏ hỏn trên tay bà H’Thao. H’Lan, vừa trải qua cơn thập tử nhất sinh, không hề để ý đến thái độ bất thường của chồng. Cô tưởng rằng K’Đăm chỉ muốn ôm con, nên cố gắng nhích người lại gần, hít thở thật sâu để lấy lại sức lực.
Nhưng khi K’Đăm đến gần, ánh mắt hắn dừng lại ở vết bớt màu cà phê, to bằng một đốt ngón tay, ở chân trái đứa nhỏ. Trong khoảnh khắc, cả cơ thể hắn căng cứng, cơn giận bắt đầu bùng phát. Hắn hét lớn:
“Không! Không phải con tao!”
Tiếng gào đầy căm phẫn vang lên, dội thẳng vào không gian, khiến cả căn phòng chìm trong sự ngỡ ngàng. Và ngay sau đó, không một giây chần chừ, một cú tát mạnh mẽ vang lên:
“Bốp!”
Âm thanh ấy như xé toạc bầu không khí căng thẳng. Cả căn phòng rơi vào trạng thái chết lặng, thấy sự việc không ổn, bà H’Thao đã vội vàng rời đi từ lúc nào. H’Lan đứng đó, há hốc miệng, đôi mắt tràn ngập sự ngỡ ngàng và đau đớn. Trong đầu cô, mọi thứ như tê liệt, không thể hiểu nổi điều gì vừa xảy ra. Khoảnh khắc ấy, cô cảm nhận như cả thế giới đang sụp đổ trước mắt mình, mọi thứ tan biến vào hư không.
Làm sao cô có thể tin được? Người chồng mà cô yêu thương, người mà cô vừa sinh con cho, lại có thể hành xử tàn nhẫn đến mức ấy. Cô rướn người lên, H’Lan như đông cứng trong nỗi đau khôn tả, một nỗi đau vô hình nhưng tàn nhẫn hơn bất kỳ vết thương nào. K’Đăm đứng giữa phòng, tay vẫn ôm chặt đứa trẻ, gương mặt méo mó trong sự tức giận. Đôi mắt tràn ngập sự thù hằn, gân xanh nổi đầy trán, hơi thở gấp gáp, nhìn chằm chằm về phía H’Lan
Theo khoa học hiện đại, vết bớt trên cơ thể trẻ sơ sinh không phải là điều hiếm gặp. Những nguyên nhân phổ biến có thể liên quan đến việc sinh non, thiếu cân, hoặc các yếu tố di truyền khác. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, trong một bản làng nơi mà cả cộng đồng chỉ có vài người biết chữ, việc tiếp cận với kiến thức khoa học gần như không tồn tại. Những khái niệm về y học hay giải thích khoa học lúc bấy giờ hoàn toàn xa lạ.
Theo quan niệm và tín ngưỡng của dân làng, những dấu vết như vậy không chỉ đơn giản là một đặc điểm cơ thể mà được coi là điềm gở, dấu hiệu của sự xui rủi. Người ta tin rằng đứa trẻ với vết bớt ấy chính là một “quái vật”, tai họa do thần linh ban xuống để trừng phạt bản làng, mang theo những rủi ro về mùa màng thất bát, vật nuôi chết chóc. Đặc biệt, một số người còn tin rằng đứa trẻ này là kết quả của một mối quan hệ bất chính, một cuộc tình vụng trộm bị thần linh quở trách, khiến cho đứa trẻ bị “đánh dấu” ngay từ khi chào đời.
“Trả con cho tao, trả con cho tao!”
Tiếng hét của H’Lan vang lên trong cơn cuồng nộ. Trong giây phút kinh hoàng, bản năng người mẹ trong cô bỗng chốc trỗi dậy mãnh liệt. Cô nhận ra điều gì sắp xảy đến khi nhìn vào ánh mắt lạnh lẽo, tàn nhẫn của K’Đăm.
“Bịch!”
Một tiếng động bất chợt vang lên, đứa trẻ rơi tự do khỏi tay K’Đăm, tiếng khóc ré lên hòa cùng tiếng sấm vang trời. Hắn cười lớn, tiếng cười man rợ, như người điên loạn:
“Hahaha… mày muốn tao trả hả? Tao trả đó! Lấy đi, mày lấy đi!”