Hành Trình Trợ Vong - Chương 6
Sau cái đêm bị buộc vào thành giường, sáng dậy tôi không dám ra khỏi nhà. Khuôn mặt trở nên ngờ nghệch, người thì thẩn thờ, lo lắng tột độ. Chỉ vì nhờ bà ngoại buộc tôi vào phòng, gọi cả thầy chùa về tụng kinh từ 3 giờ chiều tới 7 giờ tối mà giờ cả cái tổ dân phố biết tôi bị ma nhập. Lúc nhỏ, cả xóm đòi nhận làm con rể, bây giờ ai nhìn cũng bảo:
“Thằng này nghiện lên cơn mà cả nhà không biết, còn cúng kính!”
Người thì bảo:
“Nhà vô phúc, có mỗi thằng con trai mà giờ nó như thằng dở người.”
Và còn nhiều câu cay nghiệt hơn nữa, nhưng nhà tôi “bật chế độ kệ mẹ,” không quan tâm.
Sáng ngày 17 âm lịch, tôi chuẩn bị đồ đạc cá nhân rồi đặt vé lên thẳng Tuyên Quang. Tầm 9 giờ sáng, bà ngoại đề nghị cúng mâm cơm gia tiên, mời các ông bà, cô cậu, thổ thần đất đai phù hộ cho đi đường bình an, thuận lợi. Nghe cũng có lý nên tôi chạy ra chợ mua con gà về luộc cùng ít áo giấy thổ công, giấy tiền vàng mã. Bà ngoại thì bắt chõ nấu xôi, vì quyết định cúng gần trưa nên không mua xôi bên ngoài. Bày biện xong, bà ngoại với anh rể tôi tranh nhau đốt nhang lên khấn. Ông anh rể cũng biết cúng kính sơ sơ, còn bà thì mê coi bói, mỗi người khấn một kiểu. Đang khấn, tôi lại cảm thấy cơ thể mình lã đi, đầu óc quay cuồng, nửa tỉnh nửa mê. Tôi gục xuống ngay chân bàn thờ.
Lần đầu tiên, tôi cảm thấy sợ đến vậy, vì khi mở mắt ra, tôi cảm nhận được cơ thể mình nhẹ tênh, mọi thứ xung quanh như một bộ phim trắng đen. Tôi đứng ở cửa nhìn vào nhà, và thấy bản thân mình nằm ngất dưới nền nhà. Bà ngoại, chị gái và anh rể đang cố lay gọi tôi dậy. Lần đó, tôi xuất hồn, khoảng 3-4 phút sau thì thấy mình mở mắt. Người mở mắt là ông Hanh, lần này ông có thêm ba người nữa, cũng mặc quân phục cũ. Họ trao đổi với nhau, nhưng ngoài ông Hanh và bà ngoại, tôi không nghe được gì. Ông Hanh mượn xác công khai để tôi nghe và nhớ những gì ông dặn cho chuyến đi sắp tới.
Ông nhìn bà ngoại tôi rồi nói:
“Nam này Đinh Sửu nên phải xuất phát vào canh Tuất, ngày Kỷ Mùi, tháng Kỷ Tỵ, năm Kỷ Hợi (19h ngày 22/05/2019 dương lịch, tức ngày 18/04/2019 âm lịch). Khởi hành cứ theo hướng Bắc mà đi. Hôm nay (ngày 17 âm lịch) muốn đi đâu thì đi, nhưng tuyệt đối không được đến gần am, miếu, đền hoặc nghĩa trang. Ngày mai (18 âm lịch), từ lúc ngủ dậy đến canh Tuất tuyệt đối không được bước chân ra khỏi nhà, vì ra khỏi cửa coi như là khởi hành.”
“Chuyến này lành ít dữ nhiều. Trên vong hồn ta vẫn còn mang lệnh Thổ Công, nên khi đi đường sẽ có lính sai, âm binh đi tuần làm khó dễ. Nên chuyến này chỉ đi một mình thôi, đừng kéo theo người khác. Tôi và ba đồng chí nữa sẽ đi theo để dẹp mấy thứ không sạch sẽ cho nó. Sau khi nó đi, bà nhớ lấy thuốc xông, xông hết ngóc ngách trong nhà, sau đó vứt giữa ngã tư. Lúc vứt đồ xông nhớ đập mạnh cho vỡ nồi đất, đập xong đi luôn, tuyệt đối không được quay đầu lại nhìn.”
Tôi nhớ đến giấc mơ hôm trước khi gặp ông ấy, thì ra ba ông kia đến là đi cùng với tôi, và tôi cũng phải huỷ vé xe khách. Ông ấy còn nói khi tôi đi, ba ngày sau ông sẽ cho lộc trong nhà. Khi gặp ông ấy trong mơ thì không sao, nhưng lúc tôi xuất hồn, từng câu ông ấy nói như đóng thẳng vào màng nhĩ, đinh tai nhức óc kinh khủng khiếp.
Về lệnh Thổ Công mà ông ấy nói, mọi người cứ hình dung đơn giản, âm sao dương vậy. Khi một người mang lệnh truy nã bị bắt, sẽ bị đưa về để khởi tố. Âm giới cũng vậy, khi chưa được thả để đầu thai, nếu bị quỷ sai hay âm binh đi tuần bắt được cũng sẽ bị đưa đi chịu tội, hành hình.
Dặn dò xong, ông bảo bà ngoại đốt thêm ba cây nhang, ông viết giấy cho vừa đọc vừa khấn, sau khi khấn hồn sẽ về. Tôi nghĩ nếu bà ngoại khấn nhầm, có khi nào tôi ở đây làm bạn với ông ấy, chờ người khác đi tìm thầy rồi đầu thai chung một lượt luôn không. Kể thế thôi chứ lúc đó tôi sợ thật, bà ngoại vừa cắm nhang xuống thì tôi dần dần nhắm mắt lại. Tôi tỉnh dậy là hơn 6 giờ chiều, người mệt lắm. Bà ngoại hái lá bưởi cho xông thêm lần nữa, xông xong ăn uống, rửa sơ qua người tỉnh táo được một chút mới ngồi nghiệm lại chuyện lúc trưa. Lần này tỉnh lại trong thân xác của mình, bằng da bằng thịt, tôi cảm thấy chưa bao giờ mình yêu bản thân đến thế. Những ai bảo không sợ chết, hoặc có suy nghĩ tiêu cực muốn kết liễu bản thân, xin hãy suy nghĩ lại. Thân xác mình, hình hài mình không có tội, đừng để sự ích kỷ của suy nghĩ chiến thắng thể xác.
Hôm sau, cần gì bà ngoại ra ngoài mua cho. Hôm đó nhìn ngoại tội lắm, thương cháu khóc suốt nhưng không đi thì không được. Đến 6 giờ kém, chị gái, ngoại, anh rể và tôi ngồi ăn cơm trước khi đi. Người khóc, người thở dài, tôi cũng không biết an ủi thế nào. Bữa cơm căng thẳng hơn cả bữa cơm cuối của tử tù. Tôi cũng ăn không ngon, nên chỉ gắp vài miếng. Đằng nào cũng phải đi xe máy, dọc đường đói thì dừng lại ăn.
Đúng 7 giờ tối, tôi phi xe ra khỏi nhà. Đi đường hôm nay, cảm giác xe nặng lắm. Chiếc “a bờ lết” ngày thường đóng cứng cũng phải 80-90 km/h mà hôm nay chạy chỉ tầm 60-65 km/h là cảm giác hết cỡ. Chạy đến tầm 9 rưỡi, 10 giờ kém, tôi đến Vĩnh Phúc, định bụng ăn gì đó rồi tìm nhà nghỉ ngủ tạm một hôm để sáng hôm sau đi tiếp. Vừa vào địa phận Vĩnh Phúc, ở đoạn đường vắng chạy tầm 3 km, tôi thấy có một hàng ăn đêm.
Tôi dừng xe, bước vào hàng quán. Một cô chủ quán tuổi trung niên nhìn lướt qua tôi, thoáng chốc tôi thấy sự ngập ngừng trong ánh mắt của bà
“Cháu ăn gì?” bà chủ hỏi, đôi mắt dò xét nhìn tôi từ đầu đến chân.
“Cho cháu một bát mì tôm bò,” tôi đáp
Bà chủ một tay đảo đều cái muôi trong chiếc nồi điện lớn, tay còn lại đưa tay lấy gói mì tôm bên cạnh, tôi cảm thấy ánh mắt bà vẫn không rời khỏi mình.
“Cháu đi đâu mà khuya thế này?” bà hỏi, giọng điệu pha chút tò mò lẫn lo lắng.
“Cháu đi Tuyên Quang, định tìm nhà nghỉ ngủ tạm một đêm,” tôi trả lời, cảm thấy không thoải mái với sự quan tâm quá mức của bà.
Bà chủ đặt bát mì trước mặt tôi, hơi nghiêng đầu nói: “Đi thêm khoảng 2 km nữa, sẽ có 3-4 nhà nghỉ. Đoạn đường này không nên dừng lâu, khuya rồi.”
“Vâng, cháu cảm ơn,” tôi nói, rồi bắt đầu ăn mì.
Bà chủ quay lại làm việc của mình, nhưng tôi vẫn cảm thấy ánh mắt bà dõi theo. Mỗi lần ngẩng đầu, tôi bắt gặp ánh nhìn lạ lùng từ bà, như thể bà biết điều gì đó mà tôi không biết. Cảm giác khó chịu lan tỏa, khiến tôi ăn nhanh hơn.
Ăn xong, tôi trả tiền và vội vã rời khỏi quán. Khi nổ máy xe, ánh đèn pha chiếu thẳng vào một đứa trẻ đứng lặng lẽ cách tôi vài chục mét. Cậu bé đứng đó, đôi mắt nhìn tôi có chút đượm buồn như thể đang cầu cứu , khiến tôi nghĩ rằng có thể cậu bị lạc. Tôi quay sang hỏi bà chủ quán:
“Mà bác ơi, thằng bé kia là con nhà ai? Sao nó đứng đó như muốn khóc? Có khi nào nó bị lạc đường không?”
Bà ấy vẫn chăm chú vào cái tủ đồ ăn của mình, mắt không ngước lên, đáp lạnh lùng:
“Tôi đã bảo cháu rồi, ăn xong thì nhanh mà đi tìm chỗ nghỉ. Khuya rồi, không nên ở lâu.”
Tôi nhíu mày, đáp lại:
“Nhưng th….th…..b….th…bbb”
Tôi quay lại nhìn chỗ cậu bé đứng trước đó. Một cảm giác lạnh lẽo bao trùm khi thấy, thay vì cậu bé, giờ chỉ còn lại một cái miếu cũ kỹ. Nó giống như những cái miếu mà tôi thường nghe các bác tài kể, xây dựng để thờ những linh hồn mất vì tai nạn giao thông khi còn quá trẻ. Cánh tài xế đường dài thường bóp còi ba tiếng khi đi qua những cái miếu này thay cho lời chào mà họ muốn gửi đến những linh hồn đã từng nằm tại đó.
Bà chủ quán dường như đã nhận ra sự thay đổi trên gương mặt tôi. Không cần tôi nói thêm gì, bà ngẩng đầu lên nhìn tôi, nói:
“Đó là miếu của thằng nhỏ. Mấy năm trước, khi nó chơi ngoài mặt lộ, trái bóng nhựa lăn ra đường. Thằng nhỏ chạy theo thì đúng lúc một chiếc xe ô tô lao tới, đâm vào nó, thằng bé chết ngay tại chỗ. Gia đình nó khó khăn, nên người dân ở đây, ai có tiền thì góp vật liệu, ai không có thì giúp sức để xây cho nó cái miếu. Ông xã tôi ngày đó cũng có phụ. Thằng nhỏ chết trẻ quá, thành ra nó linh dữ lắm.”
Một cơn ớn lạnh như kim châm chạy dọc sống lưng tôi, làm tôi cảm thấy toàn thân như bị bao phủ bởi một lớp sương lạnh lẽo. Tôi nhận ra rằng mình đã vô tình chạm mặt với một vong nhi. Hơi thở của tôi trở nên nặng nề, và tôi gắng gượng hỏi tiếp, giọng tôi có phần run rẩy:
“Rồi ba mẹ nó có đến đây cúng bái không, bác?”
Bà thở dài, vẫn nét mặt u ám như từ lúc đầu đến giờ. Bà trả lời, giọng bà đầy trầm lắng và nặng nề:
“Lúc nó mất, người ta đặt cái bát hương ở đây, chờ đợi người nhà đến làm lễ. Ba mẹ nó làm cái lễ sơ sài để đưa xác về. Lúc đưa thằng bé đi, không ai mang theo cái bát hương đấy hết, thành ra dân ở đây lấy cái bát hương đấy đặt vào trong miếu thờ luôn. Mấy năm nay, nghe đâu hai vợ chồng vào Nam làm công nhân. Chỉ có ông nội nó, sống gần đây, thì thi thoảng ra thắp hương thôi”
Nói xong, tôi ra xe đi tìm nhà nghỉ. Lúc đi qua, một lần nữa tôi lại thấy đứa nhỏ đứng khóc bên đường. Linh tính mách bảo tôi là đi luôn, nhưng cuối cùng tôi vẫn quay lại, tôi tìm cửa hàng tiện lợi mua ít sữa, bánh, kẹo nhưng không có nhang. Tôi mang lại để ngay đấy. Khấn lạy rồi đứng dậy đi tiếp.
Sau khi khấn vái xong, không mua được nhang vì lúc đấy đã 11h đêm không có tạp hoá mà cửa hàng tiện lợi thì lấy đâu ra nhang. Vong trẻ con thì đốt thuốc không được, nên tôi chỉ rót 3 chén nước đầy rồi đứng lên ra xe đi về. Đến lúc ra đến xe, tôi lục túi thì không thấy chìa khoá đâu, ngồi xuống cái miếu, tôi tìm lại cũng không có. Chìa khoá xe vừa đấy mà giờ tìm không thấy. Lúc tôi đang tìm xung quanh thì thấy có quả bóng nhựa màu xanh dương đang lăn vào bên trong khu đường đất. Mặc dù trời không gió, đường đất hơi gồ ghề mà trái bóng nhựa nó lăn theo một cách phản vật lý, phản khoa học.. Nhìn nó lăn, tôi biết có điềm rồi, nhưng đã đi đến thời điểm này thì tôi không còn sợ nữa, mình không quấy, không phá họ, họ cũng không hù, không doạ mình. Chỉ cho mình nhìn thấy thôi thì chắc chắn họ cần mình, mà chỉ có mình mới giúp được họ.
Nghĩ đến đó, tôi quyết định đi theo quả bóng đó xem cuối cùng thằng bé muốn dẫn tôi đi đâu. Nó lăn được một đoạn khá xa, khi đến cách căn nhà hoang tầm vài chục mét thì dừng hẳn, bỗng nhiên trong không khí thoang thoảng một thứ mùi rất khó chịu. Tôi tò mò đi lại gần căn nhà hoang đó, bật đèn flash soi đường đoạn này. Ma thì không sợ nhưng lỡ rắn nó cắn thì gà luộc ăn cả con, chuối xanh ăn cả nải. Lúc đấy thì đến bố ông Hanh sống dậy cứu cũng không nổi.
Tôi lại càng gần căn nhà thì mùi hôi càng nặng, xộc thẳng vào mũi, cái mùi này nó hôi không giống với bất kỳ cái mùi gì mà trước đây tôi từng ngửi nên không thể so sánh được, chỉ biết là nó hôi đến ám ảnh. Mặc dù đeo hai lớp khẩu trang y tế nhưng tôi vẫn phải mở balo ra lấy khăn choàng quấn quanh mặt, che mũi đi mới lại gần được. Lúc này có anh nào quân triều đình đi qua bảo tôi là ăn trộm muốn cãi cũng không cãi được.
Đi gần đến ngôi nhà thì trước sân phía bên phải có cái cây khá to, dưới gốc cây tôi thấy thằng bé đứng đó. Thằng bé gầy nhom, lại gần nhìn kỹ thì khuôn mặt phía bên phải của thằng bé gần như biến dạng. Lần này thằng nhỏ không khóc mà nó nói:
“Lúc nãy con thấy có mấy ông quan đi theo chú, con đoán chú sẽ tìm con mà.”
“Lúc nãy” nghĩa là bây giờ, là hiện tại đang đứng đây không có à, lúc cần thiết thì không thấy đâu. Tôi cũng trả lời nó.
“Thế làm sao, chú chỉ là người bình thường thôi.”
Thằng nhỏ nói tiếp:
“Trên trán chú con thấy có chữ “Dẫn”. Chú đang trợ vong cho mấy vong hồn như con phải không? Chú giúp con với ông Bò của con được không, chú giúp con tìm ba mẹ, nói ba mẹ làm lễ đưa con về nhà được không chú?”
“Con còn muốn tìm em con nữa, vong em con giờ con cũng không biết ở đâu, con muốn anh em con về chung một chỗ, con về nhà mấy lần mà không vô được, em con cũng không có ở nhà.”
Lúc này tôi mới biết nó còn đứa em nữa, cũng lúc này tôi mới biết sao ông Hanh không cho tôi đến gần am, miếu, mồ, mả. Mà tôi nghĩ trường hợp này cũng đơn giản, ra hỏi bà chủ tiệm ăn đêm số điện thoại của ba mẹ nó, nhắn họ lên chùa rước thầy về cúng dẫn vong ba ông cháu về là xong. Nghĩ đến đây tôi mới hỏi tiếp thằng bé:
“Vậy còn ông của con đang ở đâu, con biết chỗ ông con không? Chứ chú chỉ thấy con thôi, chú không biết tìm ông con đâu.”
Thằng nhỏ đưa tay chỉ về phía ngôi nhà hoang, nó nói:
“Ông Bò ở trong đó, ông Bò sắp tới ngày đi đầu thai rồi mà không ra được, hồi trước lúc “cái nhà” con mới xây xong, ông Bò ra ngoài đó ăn cỏ làm sạch nhà cho con, giờ ông Bò kẹt ở trong đó con hay ra đây nói chuyện với ông Bò.”
Lúc này tôi mới biết “Ông Bò” không phải là ông tên Bò, mà là “Con Bò”, hết thời gian trả nghiệp nên chuẩn bị được đầu thai làm người, nhưng trong đó tử khí nặng quá muốn kéo ông ra thì phải có thầy cao tay ấn mới làm được. Thì ra cái nhà hoang đấy trước đây là cái lò mổ, chuyện của thằng bé thì có thể tôi giúp được còn chuyện của ông Bò thì thật sự ngoài khả năng.
Rõ khổ, hết kiếp làm thú vật đến lúc đầu thai rồi vẫn khổ. Nghĩ đến đây tôi mới nói với thằng bé:
“Chuyện của cháu thì chú sẽ giúp, còn chuyện của ông Bò, chú chưa đủ khả năng. Lần này chú trợ vong lên Tuyên Quang tìm thầy siêu thoát, nếu tìm được thầy đó chắc chắn chú sẽ nhờ xuống giúp ông Bò sau được không.”
Thằng nhỏ miễn cưỡng gật đầu, tôi mới nói tiếp:
“Sáng mai chú sẽ tìm cách liên lạc với ba mẹ của cháu, còn giờ trả chìa khoá cho chú về.”
Lúc này thằng nhỏ lắc đầu nó bảo nó không giấu. Thế không giấu thì mất thật à, tôi mới vòng ra lại khu bên ngoài thì thấy ba ông Đồng Chí của ông Hanh đang đứng cách tôi không xa. Mà cũng lạ, từ lúc xuất hồn hôm qua đến giờ tôi đâu có thấy được các ông ấy đâu mà đến giờ lại thấy.
Đang định hết hồn thì thấy ai vỗ vai tôi bảo:
– “Em ơi, em ơi, sao ngủ đây, say rượu à?”
Tôi giật mình tỉnh dậy thì thấy mình đang ngồi gục đầu ngủ trên xe, tức là nãy giờ là tôi nằm mơ, giấc mơ quá chân thật, phải bần thần hết một lúc tôi mới hoàn hồn trở lại. Tôi không nhớ tôi ngủ từ lúc nào. Và điều làm tôi ớn lạnh nhất là chìa khoá vẫn đang cắm trên xe, cách đó không xa, nằm yên trên mặt đất có một quả bóng màu xanh dương ở đấy.
Tôi chắc chắn là thằng bé báo mộng cho mình, tôi mở chai nước suối rửa mặt, rồi đi tìm nhà nghỉ. Định bụng sáng mai sẽ mua bông hoa trái cây, ít nhang đèn ra cúng cho thằng nhỏ sẵn hỏi người dân xung quanh về thông tin của ba mẹ thằng nhóc luôn.
Sau khi tìm được cái nhà nghỉ nhìn cũng tàm tạm, vì chỉ ở một đêm thôi nên tôi cũng không quá quan trọng hình thức. Sau khi làm thủ tục check-in xong, lễ tân không dắt tôi lên như thường lệ, mà chỉ đọc số phòng mà để tôi tự đi lên. Vì theo tư tưởng thanh niên nghèo vượt khó, tôi tấp vào cái nhà nghỉ với ánh đèn mờ ảo. Nơi này có vẻ như tầng 2 và 3 dành để kinh doanh “thức ăn cho chim”. Rõ ràng không có chiếc xe nào ở đây, thế mà tôi lại được xếp vào cái phòng tận trên tầng 4, lại còn số phòng là 404. Tôi nhận chìa khóa, bấm thang máy lên tầng. Khi cửa thang máy mở ra, cái hành lang trước mắt vắng vẻ đến rợn người. Tôi mở cửa bước vào, tiếng bước chân từ thang máy đến cửa phòng, tiếng chìa khóa va chạm vào cánh cửa gỗ. “Lộc cộc, lạch cạch” vang lên, đủ để khiến một người trưởng thành phải rùng mình.
Tôi cố trấn an bản thân, mặc dù không thực sự sợ lắm. Tôi nghĩ có lẽ do mấy hôm nay tiếp xúc với người âm quá nhiều, cả cuộc trò chuyện với thằng bé khi nãy, nên tôi luôn cảm thấy không an toàn. Trước khi vào nhà nghỉ này, tôi đã nhìn rất kỹ. Mặc dù đèn mờ và hơi âm u, nhưng đó chỉ là cách người ta kinh doanh thôi, chứ không phải âm u theo kiểu tâm linh. Nhưng không hiểu sao, khi cửa thang máy mở ra ở tầng 4 tôi lại có cảm giác khác hẳn. Thôi thì cứ vào ngủ rồi tính tiếp, lấy sức mai còn đi.
Mở cửa, cái mùi ẩm mốc lâu ngày xộc thẳng vào mũi. Tôi cắm thẻ từ vào khe phát điện, bật công tắc đèn bên cạnh, nhưng đèn không sáng. Tôi nghĩ có thể cắm bị lỏng, nên rút ra cắm lại. Vẫn không sáng. Tôi tiếp tục rút ra hẳn, ngưng một vài giây rồi cắm vào thật mạnh liên tục. Lúc này, tôi cảm thấy bực mình với ông Hanh, làm ăn lỏng lẻo, thiếu uy tín. Rõ ràng bảo xuất hành Ngày Kỷ Mùi, Tháng Kỷ Tỵ, Năm Kỷ Hợi, nhưng từ lúc đi đến giờ tôi thấy hôm nay là Ngày Con Gián, Tháng Con Cua, Năm Con Card thì đúng hơn. Quá bất mãn, tôi để yên thẻ phòng ở ổ cắm, tôi bấm thang máy xuống gọi lễ tân đổi phòng. Lễ tân vẫn xếp cho tôi một phòng khác trên tầng 4, gần đó. Lần này tôi yêu cầu lễ tân phải lên cùng, nếu vẫn không sáng thì thì nhân viên lễ tân tự đổi phòng cho tôi. Tôi trả tiền đàng hoàng, không lý gì phải chạy theo lễ tân như thế. Anh lễ tân cũng không vui, cầm theo vài chìa khóa lên để đỡ phải xuống.
Vì khu này vắng vẻ, lại khuya rồi, cộng với việc quá nhiều thứ diễn ra nên tôi cũng mệt, không muốn dắt xe đi tìm nhà nghỉ khác.
Khi thang máy một lần nữa mở ra, trước mắt tôi là căn phòng sáng choang, điều hòa chạy ầm ầm. Anh lễ tân giải thích có thể do lâu ngày nên phải chờ một lúc thì đầu đọc thẻ mới nhận lệnh. Tôi nghĩ trong đầu cũng có lý, nhưng ngay sau đó tôi mới nghĩ lại: “Ủa, khoan, ‘lâu ngày’ là thế nào? Là hệ thống ‘lâu ngày’, hay là phòng này ‘lâu ngày’ không có người ở?”
Thấy thái độ của mình khi nãy không đúng, tôi rút ra 100k “tip” cho anh lễ tân. Anh lễ tân thấy được “tip” 100k thì tươi hẳn lên, yêu cầu đổi phòng cho tôi, nhưng tôi bảo không cần. Giờ tôi chỉ muốn vào tắm rồi ngủ, sáng mai đi sớm nên không cần thiết phải đổi phòng. Tôi vào phòng, tắm rửa xong, đặt lưng xuống ngủ. Lần này tôi mơ thấy một cô gái, cũng khá đẹp, tầm 25, 26 tuổi, cao hơn tôi, da trắng, tóc ngắn ngang cổ. Tôi thấy chị ấy ở trong phòng tôi, liền hỏi:
“Chị là ai? Sao vào đây? Tôi thấy chị nhưng tôi không sợ đâu, đừng hù tôi.”
Chị ấy nhìn tôi chừng 5-7 giây rồi nói:
“Chữ ‘Dẫn’ trên trán, dưới cằm thì có chữ ‘Trợ’ nhạt nhạt như thế kia, một quan đi tuần, ba quan canh cửa thì ai hù được cậu.”
“Con phải xin ông quan đi tuần (ông Hanh, vì mặc quân phục nên chị này gọi là quan) quan mới cho vào gặp cậu.”
Lúc đầu, khi nghe chị ấy gọi tôi là “cậu,” tôi tưởng chị đang mỉa mai kiểu “cậu bạn” hay “cậu em” gì đó. Nhưng khi chị ấy xưng “con,” tôi mới cảm thấy lạ lùng. Đã bao giờ hầu đồng, gieo quẻ cúng kính gì đâu mà cô với chả cậu. Tôi nói:
“Ai cậu cháu gì với chị, tôi không biết gì đâu. Tôi chỉ đang bất đắc dĩ phải trợ 4 vong ngoài cửa đi tìm người thôi. Làm lễ cúng kính, cầu siêu gì đấy thì tôi chịu, không giúp được.”
Nói rồi chị nhìn tôi bằng đôi mắt đỏ hoe, nước mắt lăn dài trên má, như những hạt sương đọng lại từ một cơn mưa đẫm lệ. Chị kể về cuộc đời mình, chị từng là một nhân viên văn phòng, có một công việc tử tế với mức thu nhập khiến bạn bè trầm trồ ngưỡng mộ. Nhưng câu nói “hồng nhan bạc phận” lại chẳng sai với chị.
Chị lớn lên từ những đồng tiền trợ cấp, bố chị là thương binh, sau hòa bình thì mất đi khả năng lao động và chỉ có thể làm công việc vận chuyển, chở hàng trên chiếc xe ba bánh. Mẹ chị, một giáo viên cấp 2, từ khi cầm tệp hồ sơ bệnh án xác nhận ung thư máu giai đoạn 3, mọi gánh nặng tài chính dồn lên đôi vai chị, khi chị vừa mới bước vào tuổi 20.
Mặc dù công việc của chị ổn định và thu nhập khá cao so với tuổi, cộng thêm các khoản trợ cấp và tiền chở hàng của bố, tất cả vẫn không đủ để chi trả cho bệnh tình của mẹ. Đỉnh điểm là khi về quê, chị phát hiện bố đã âm thầm bán chiếc xe ba bánh để phụ tiền thuốc men cho mẹ. Cảm giác tuyệt vọng tràn ngập, chị tìm hiểu và bước vào nghề mà dân gian gọi là “Buôn Sắc Bán Hương.”
Ban đầu, chị chỉ phục vụ vài khách quen, nhưng dần dần qua những lời giới thiệu, số lượng khách của chị ngày càng nhiều. Thời gian này, mặc dù chị cảm thấy tủi thân và đau đớn, chị chỉ khóc một trận rồi lại gắng gượng đứng dậy. Nếu nói tuổi thơ chị lớn lên từ những đồng tiền trợ cấp thì thanh xuân của chị dùng những tổn thương để trưởng thành. Cuộc đời này không cho phép chị yếu đuối. Mỗi ngày trôi qua, số tiền cho việc xạ trị của mẹ cũng ngày một tăng. Chị đi khách một cách điên cuồng, và rồi cái gì đến cũng đến. Chị dần tiếp xúc với những thành phần đồi trụy, từ một cô gái ngây thơ, trong trẻo, giờ đây chị trở thành nô lệ của những chất kích thích.
Rồi một ngày, khi phát hiện mình có thai, chị quyết tâm làm lại cuộc đời. Chị hứa với bản thân sẽ sống vì con, mặc dù biết rằng không thể cho nó một mái ấm trọn vẹn, nhưng chị tin rằng sẽ mang đến cho con tình yêu đủ đầy. Xốc vác lại tinh thần vừa xong, hôm sau có một anh khách quen gọi đến. chị kể câu chuyện này với anh khách và nói sẽ tự mình cai nghiện và quyết tâm bỏ nghề. Anh khách dỗ dành chị, anh ấy đánh vào tâm lý và bảo chơi hết hôm nay, anh ấy và mấy anh em sẽ gom cho chị một ít vốn, chứ bây giờ nghỉ ngang tiền đâu mà nuôi con
Nghe đến đây, chị quyết tâm đi lần này. Lần này chị đi không phải vì chị, không phải vì thèm, mà chuyến đi này là vì đứa nhỏ. Người khách đấy nói đúng, tình thương thì chị có nhưng khả năng thì chị không đủ. chị có thể đói nhưng đứa nhỏ không thể nhịn theo chị được. Chị đến điểm hẹn, là ở đây nhưng không phải phòng này mà phòng 407. Khi vào phòng, chị thấy 4 ông khách ở đấy đang chơi đồ. Chị vẫn phục vụ như bình thường, đến khi xong xuôi ông khách ban đầu gọi thì bảo ví để cốp xe, xuống trả tiền phòng xong rồi sẽ đưa cho chị. 3 ông đứng dậy đi ra trước bấm thang, chị vừa ra gần đến cửa thì ông khách đấy cầm tay chị, như kiểu ông đấy vẫn đang ngáo đồ. Ông ấy móc ra một ống xi lanh tiêm thẳng vào tay chị, rồi bỏ ra thang máy. Chị đuổi theo nhưng vừa ra đến hành lang thì chị mất do sốc thuốc. Cả quá trình diễn ra chỉ có mình chị ở đó. khi chị mất vì đây là chỗ kinh doanh “thức ăn cho chim”, tụ tập nhiều dân bay lắc nên nhiều ô dù chống lưng, chị được đưa vào nhà xác, xác nhận không có thân nhân đến nhận. Cũng may mắn được các đơn vị phật tử lo thủ tục, làm giấy khai tử rồi làm lễ mai táng chỉ có điều là phần mộ khắc 2 chữ “Vô Danh”.
Chị bảo rằng nhờ may mắn được hội Phật tử làm lễ chu đáo nên vẫn có thể siêu thoát, nhưng chị xin tôi cho dẫn chị đi gặp mặt con. Chị hỏi được thông tin rằng con chị đã đầu thai vào một gia đình nghèo ở Yên Bái. Nếu đúng như chị tính thì khoảng một tuần nữa đứa nhỏ sẽ chào đời. Chị muốn gặp đứa nhỏ và sẵn sàng từ bỏ mọi thứ để chuyển phước cho con vì thông thường người đời hay bảo con trai nhờ đức mẹ.
Nghe xong câu chuyện, tôi cũng xúc động. Lúc này, ngay cả một người lính như ông Hanh cũng không thể đứng nhìn được. Ông Hanh đồng ý cho chị đi theo, nhưng chị muốn đi theo thì phải về chùa xin khấn rồi mới đi được. May mắn là nhờ có chị ấy mà hành trình từ Vĩnh Phúc lên Tuyên Quang khá suôn sẻ. Lính tuần, quỷ sai không làm khó vì chị đã xin lễ ở chùa.
Sáng hôm sau, tôi cảm thấy cơ thể đã dần quen với việc tiếp xúc với Vong linh, nên không còn quá mệt mỏi như những ngày đầu. Tôi bước ra khỏi nhà nghỉ, hướng đến tiệm tạp hóa nhỏ gần đó để mua vài nén hương, rồi ghé chợ để chọn ít trái cây. Những món này tôi sẽ đem đến cho đứa trẻ mà tôi đã gặp trong giấc mơ tối qua. Theo con đường nhỏ mà tôi mơ hồ nhớ lại, đúng là có một gốc cây cổ thụ, đúng là có ngôi nhà hoang tỏa ra mùi mục nát không thể ngửi nổi. Lần này, tôi không tiến lại gần mà quyết định đi tìm bác gái bán đồ ăn đêm qua. Vẫn là bát mì tôm bò quen thuộc, tôi ngước lên và hỏi bác:
“Bác có số điện thoại của ba mẹ thằng nhỏ mất ở cái miếu kia không, cho cháu xin. Nghe bác kể nhà nó nghèo không đủ tiền xây miếu, cháu cũng muốn ủng hộ chút đỉnh.”
Lần này, bác chủ quán tỏ ra dễ chịu hơn, bác trả lời:
“Bác không có, nhưng để bác gọi chồng bác hỏi. Chồng bác cũng là người đắp cái miếu cho thằng nhỏ, chắc ông ấy biết.”
Nói xong, bác gọi cho chồng và kể sơ qua tình hình. Vài phút sau, tôi có được số điện thoại và tên của bố thằng nhỏ. Tôi trả tiền bữa ăn rồi tìm một quán cà phê yên tĩnh để liên lạc với ông. Chỉ khi giải quyết xong chuyện này, tôi mới có thể yên tâm tiếp tục hành trình lên Tuyên Quang.
Gọi điện, ban đầu ông bố thằng nhỏ xác nhận thông tin nhưng vẫn không tin tôi đã gặp con ông. Đến khi tôi nhắc về việc thằng nhỏ nhờ tôi tìm đứa em, giọng ông mới lạc đi. Ông kể rằng khi gia đình kia tông trúng thằng bé, họ cũng đã đền bù kha khá, vì phần nào lỗi cũng thuộc về đứa nhỏ, nên cả hai bên gia đình không còn tranh chấp. Gia đình kia thấy vợ chồng ông khó khăn nên đã mở lời bảo anh chị vào Đắk Lắk, làm rẫy cà phê và cho mượn mặt bằng để kinh doanh thu mua nông sản. Mộ phần của thằng nhỏ nhờ ông nội trông coi. Đứa em bị sảy thai, gia đình gửi trên một ngôi chùa Sắc Tứ gì đấy ở Thành Phố Buôn Mê Thuột, vì quá lâu nên tôi không nhớ rõ tên cụ thể.
Ông bố nói sẽ tranh thủ tuần này về để rước thằng nhỏ về nhà. Nghe tiếng ông khóc nức nở trong điện thoại, tôi thấy lòng mình se lại. Có những nỗi đau không thể xóa nhòa, những ký ức không thể chôn vùi.
Ông bố đưa cho Tôi địa chỉ của ông nội thằng nhỏ, quyết định tìm đến nói chuyện với ông. Khác với bố thằng nhỏ, ông nội tỏ ra bình tĩnh hơn. Ông dùng chiếc khăn choàng cổ để lau giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt già nua đầy nếp nhăn, rồi ông mỉm cười đau xót:
“Nó về là tốt rồi. Cháu ông nó biết thương em nó, còn biết nhờ người dẫn đường về là tốt rồi.”
Tôi ngồi trò chuyện với ông một lúc, sau khi ông gọi cho bố đứa nhỏ để xác định ngày cúng kính. Tôi đứng dậy, bước lên khu gian thờ thắp nén nhang cho thằng nhỏ. Vừa nhìn vào bức ảnh trên bàn thờ, tôi nhận ra ngay đó là đứa trẻ đêm qua, chỉ có điều khuôn mặt giờ đây hoàn thiện hơn. Thắp nhang xong, tôi tiếp tục cuộc hành trình của mình, hứa với ông rằng sẽ ghé thăm khi quay về Hà Nội.
Hành trình từ Vĩnh Phúc lên Tuyên Quang trôi qua êm ả, nhưng sự yên bình đó khiến tôi cảm thấy bất an. Giống như trước cơn bão, bầu trời thường tĩnh lặng một cách kỳ lạ. Khi gần đến Tuyên Quang, tôi càng căng thẳng, bởi không rõ điểm đến chính xác. Tất cả những gì tôi có chỉ là thông tin mơ hồ về một vùng núi ở Chiêm Hóa.
Đến Chiêm Hóa lúc 4 giờ chiều, tôi quyết định tìm một nhà nghỉ để cất đồ đạc rồi đi ăn uống, đá vài cốc bia cho dễ ngủ. Sau khi tắm rửa và chuẩn bị ra ngoài, lúc này tôi mới để ý điện thoại mình hết pin vì từ lúc đi đến giờ sử dụng GPS. Tôi định cắm sạc, nghỉ ngơi một tí rồi đi ăn sau. Khi vừa đặt lưng xuống không biết vì quá mệt vì lái xe đường dài hay vì một thế lực tâm linh nào đó mà tôi ngủ li bì từ lúc nào không biết
Trong mơ, tôi lại thấy chị gái từ hôm qua. Chị cho biết rằng chị đã về chùa để xin lễ, đã được cấp Lệnh Thông Hành và Lệnh Thông Quan. Trước khi đi Quan trên còn khuyên chị, nói rằng con của chị có thể không sống được trọn kiếp người, có thể chỉ chờ chào đời là mất.
Tôi cảm thấy hụt hẫng. Đứa nhỏ thật sự phải chịu quá nhiều bất hạnh, cả hai kiếp người đều không trọn vẹn: kiếp trước phải rời xa nhân thế trước khi hình hài hoàn thiện, và kiếp này vừa thấy ánh sáng đã lại vội vã ra đi. Khi tôi hỏi chị liệu có cách nào khác không, chị lắc đầu trong nước mắt, bảo rằng có, nhưng đó là cách quá tàn nhẫn đối với chị. Chị phải bỏ ba kiếp không làm người để đổi lấy kiếp này cho con chị. Chị khóc nấc khi nói đến đây. Chị sống trong chùa để mong sớm được siêu thoát, nhưng nghiệp trần vẫn còn đeo bám, chị chưa thể hoàn toàn tĩnh tâm học Phật, vẫn cần nhờ vào nơi cửa chùa để tìm được chút bình an. Chị nói rằng chị sẵn sàng đánh tất cả để bù đắp cho con, vì cảm giác nợ đứa trẻ quá nhiều. Nếu chị không bước vào con đường đó, nếu chị biết cách bảo vệ bản thân, nếu chị có đủ bản lĩnh và kiên cường, thì đứa trẻ đã không phải chịu đựng khổ sở như vậy. Nghe chị nói vậy tôi thấy chị vừa đáng thương cũng vừa đáng trách. Hy vọng bạn đọc dù đang ở độ tuổi nào, dù cuộc sống có bất công với các bạn đến đâu thì mong bạn vẫn sẽ đủ sáng suốt để nhận ra ranh giới giữa mưu sinh và cám dỗ, để không phải hối tiếc như chị.
Lúc này, ba người lính cấp dưới của ông Hanh đi vào. Họ nhìn chị, và một người có khuôn mặt nghiêm nghị bước lên, nói:
“Cậu trai, vong hồn ba đứa tụi tôi đã không nhang khói nhiều năm rồi. Trong chiến tranh, khi mất không ai còn nguyên vẹn, nếu được làm người lại cũng sẽ mang khiếm khuyết. Chi bằng để ba đứa tụi tôi thực hiện lễ đổi nghiệp cho đứa nhỏ, còn người nữ này khi sống đã hết lòng vì cha mẹ, đến khi mất lại đổi nghiệp, chuyển phước cho con thì thật thiệt thòi. Thôi, ba đứa chúng tôi làm lính khổ sở quen rồi, mỗi người một kiếp.”
“Chưa kể cô gái mang lệnh xuất hành, nếu có chuyện gì, anh Hanh và cậu sẽ rất khó khăn.”
Chị gái từ chối thẳng thừng, cho rằng đó là việc của mình, nhưng ba ông lính vẫn kiên quyết. Vấn đề này phải do ông Hanh quyết định. Tôi không biết cúng kính hay làm phép gì cả. Tôi quay sang nhìn ông Hanh, và ông gật đầu. Ông nói:
“Chắc chắn chứ?.”
Ba ông lính nghiêm chỉnh gật đầu theo kiểu quân đội. Ông Hanh cúi đầu, đưa tay bấm độn rồi nói tiếp:
“Xuất phát lên Yên Bái ngay trong đêm, nếu không thì không kịp. Trước khi đi, vào lúc 3 giờ sáng nay, phải tìm được cây đa to, vì nơi đó có quỷ sai, có âm binh. Giao ba ông này cho quỷ sai, đổi lại lính tuần sẽ dẫn chúng ta đến chỗ đứa bé . Từ giờ đến lúc đó, năm người tĩnh tâm, cậu phải ngủ thật sâu, tối nay phải xuất hồn.”
Nói xong, tôi chìm vào giấc ngủ mê man, như muốn trốn tránh hiện thực. Khi tiếng chuông điện thoại đột ngột reo lên, tôi mới tỉnh giấc, đôi mắt còn nặng trĩu những giấc mơ dang dở. Là bà ngoại gọi, giọng nói lo lắng, bà hỏi han tôi đã đến nơi chưa. Không muốn bà suy nghĩ, tôi trả lời qua loa vài câu, rồi vội tắt máy. Nhìn lên đồng hồ, kim giờ đã chỉ 8 giờ 30 tối. Tôi ngồi dậy, châm điếu thuốc, để làn khói mờ ảo dẫn lối cho dòng suy nghĩ quay về những hình ảnh trong mơ.
Hai ngày qua như một cuộn phim quay chậm, từng chuyện cứ hiện lên rõ mồn một. Tôi bỗng thấy cuộc đời thật vô thường, mong manh như khói thuốc đang tan dần trong không khí. Ai đó đã nói, chết là hết khổ, là trả xong nợ đời? Nhưng với tôi, điều đó sao mà xa vời quá. Nghĩ đến hình ảnh ba người lính, những giọt nước mắt lặng lẽ rơi, tôi không thể kìm lòng. Họ đã từng sống và hy sinh vì Tổ Quốc trong thời chiến, mang trong mình dòng máu Việt Nam, lúc ra đi vẫn lo nghĩ cho dân trong thời bình. Nếu có kiếp sau, tôi vẫn muốn được là người Việt, tự hào với màu da vàng, với dòng máu Đông Lào vẫn mãi chảy trong tim. 9 giờ tối, tôi trả phòng vì 3 giờ sáng phải xuất hồn và lên Yên Bái để kịp đón đứa nhỏ.
Tôi tìm một quán ăn, gọi một đĩa cơm với đùi gà, rồi tiếp tục lên đường. Vừa đi, tôi vừa tìm cây đa, cây bồ đề. Tôi quyết định chạy theo đường lên Yên Bái, và nếu thấy cây đa thì sẽ dừng lại. Khi vào cây xăng để đổ xăng, tôi bất ngờ thấy một cây đa cách đó không xa. Đúng là xa tận chân trời mà gần ngay trước mặt.
Sau khi tình cờ tìm thấy cây đa, tôi nhớ lại lời ông Hanh nhắc về việc tối nay sẽ xuất hồn. Tôi vội vàng ghé vào tạp hoá, mua nhanh hai hộp bánh xốp, hai túi kẹo viên, một đống đĩa giấy dùng một lần, và một hộp chén mắt trâu (loại chén uống rượu). Hộp chén có vẻ nhiều, có thể là 15 hay 18 cái; tôi chỉ lấy ba cái để đựng nước cúng, thêm túi muối hạt, ít gạo và bó hương. Vì vội quá, tôi chỉ làm theo cách đơn giản, có gì cúng nấy. Không có kinh nghiệm cúng kiếng, tôi dựa hoàn toàn vào bản năng
Chuẩn bị xong, tôi lái xe đến trạm nghỉ chân cách cây đa khoảng 2-3 km. Ngồi hốc vội cái bánh bao thêm lon bò húc cho tỉnh ngủ, tôi mở TikTok để giết thời gian, nhưng lòng tôi không yên. Đến khoảng 2h25, tôi tới gốc cây đa và bày biện đồ cúng xong vào khoảng 2h50. Đốt điếu thuốc, tôi cảm thấy hồi hộp, không hiểu vì sao lần này lại căng thẳng đến vậy. Cũng không hiểu vì sao mới đầu chỉ là 1 mình ông Hanh, tiếp theo là 3 ông lính, rồi đứa nhỏ bị đụng xe, đến Ông Bò trong lò mổ, cuối cùng 2 mẹ con chị này.
Giờ tôi còn sắp phải đối mặt với những thứ mà tôi sợ nhất: lính tuần, âm binh và quỷ sai. Không biết là sự sắp xếp hay trùng hợp, nhưng tôi cảm thấy đó là “Duyên”. Hút xong điếu thuốc, tôi cố trấn tĩnh, bắt đầu đốt nhang và hành lễ. Tôi khấn theo cảm xúc và bản năng vì chưa có kinh nghiệm cúng kính nên không biết văn khấn. Khấn xong, tôi cắm nhang quanh gốc cây theo hình tròn. Khi cây nhang cuối cùng được cắm xuống, tôi nhắm mắt chờ xuất hồn. Nhưng dù đã nhắm mắt 10 phút, rồi thêm 10 phút nữa, đến khi lượt nhang tắt hẳn, tôi vẫn không thấy gì. Cảm giác bất an ngày càng rõ ràng, tôi cảm nhận được có điều gì không ổn sắp sửa đến. Tôi vội lấy muối và gạo rải quanh gốc cây, sau đó cầm ba cái chén rót nước còn thừa trong ba lô, ném mạnh từng cái xuống đất. Tiếng “choang, choang, choang” vang lên trong đêm tối, tôi không hiểu vì sao mình lại làm vậy, chỉ nhớ rằng ngoại tôi từng nói đập vỡ đồ sứ, thuỷ tinh có thể xua đuổi cô hồn vất vưởng. Lòng tôi nặng trĩu, chờ đợi một điều gì đó không thể giải thích được.
Lúc này, tôi cảm thấy cực kỳ sốt ruột. Chưa gặp thì sợ, mà không gặp được thì lại càng lo hơn. Tôi đã quyết định không theo lời ông Hanh, không đi thẳng lên Yên Bái mà tìm một nhà nghỉ. Tôi nghĩ rằng khi ngủ, tôi sẽ gặp ông Hanh. Đến lúc đó đi tiếp cũng không muộn, Tôi lái xe trong đêm, chỉ có một mục tiêu duy nhất là gặp được mọi người. Tôi không rõ từ khi nào, từ cảm giác sợ hãi ban đầu, tôi đã chuyển sang ghét bỏ, cảm thấy phiền toái rồi cuối cùng là thương xót những vong hồn này. Những vong hồn này là minh chứng cho câu nói “Đến chết cũng không yên”. 4h15, tôi tìm thấy một nhà nghỉ với ánh đèn mờ. Tôi hy vọng rằng khi vào phòng, tôi sẽ không gặp thêm bất kỳ vong hồn nào cần giúp đỡ nữa. Đoạn đường từ Tuyên Quang lên Yên Bái ban đêm khá lạnh, nhưng để nhanh chóng ngủ, tôi bật điều hòa ở 22 độ. Không rõ do điều hòa, khí hậu hay do sự mệt mỏi, nhưng chỉ khoảng 10 phút sau, tôi đã ngủ rất say.
Trong giấc mơ, tôi lại thấy chị gái ấy với đôi mắt sưng húp. Lúc này, vẻ đẹp của chị đã biến mất, đôi mắt chị đầy oán hận và uất ức. Ông Hanh ngồi im lặng, không nói được lời nào, ba người chiến sĩ chỉ còn lại hai, và bộ đồ lính đã cũ nát giờ lại thêm nhiều vết rách. Khi hỏi ra, tôi mới biết, lúc chúng tôi đến, đứa nhỏ đã bị đưa đi từ lâu rồi. Ông Hanh đã bấm tay chính xác, nhưng mọi chuyện đã quá muộn.
Tôi thầm nghĩ chỉ mong sao khi kiếp này khép lại, em sẽ được sinh ra trong một cuộc đời mới, nơi mọi điều tốt đẹp đang chờ đón em. Mong rằng kiếp sau của em sẽ tràn ngập ánh sáng và màu sắc hạnh phúc, nơi mọi khó khăn và đau đớn đều trở thành ký ức xa xôi. Mong rằng cuộc sống mới của em sẽ yên bình và ấm áp, với những ngày tháng tươi đẹp và những khoảng khắc vui vẻ.
Hy vọng rằng em sẽ có cơ hội nhìn thấy ánh sáng mặt trời trong suốt những ngày dài, cảm nhận được hơi thở của gió và sự tươi mới của cuộc sống. Và khi em bước vào thế giới mới, mong rằng em sẽ được đồng hành cùng những chân trời rộng lớn, những cơ hội vô hạn, và những tình cảm chân thành, mà trước đây em chưa bao giờ được nhận.
Ông Hanh kể ông ấy và ba ông lính bị quỷ sai bắt lại. Chị gái có mang theo lệnh xuất hành chỉ bảo vệ được mỗi ông Hanh. Còn ba lính, lúc chuẩn bị giải đi, may mắn là lúc tôi đập ba cái cốc. Quỷ sai giật mình, ông Hanh dành lại hai ông từ tay quỷ sai, còn một ông thì không may mắn như vậy. Ông này bị đưa đi, còn số mệnh của ông còn lại có lẽ chỉ có ông ấy mới biết được.
Chị gái lúc này dường như mất đi lý trí hoàn toàn, chị trao cho ông Hanh thẻ lệnh xuất hành và một lệnh thông hành. Chị nói rằng chị phải tiếp tục tìm kiếm con mình. Khi kể đến đây, câu chuyện vẫn như mới xảy ra ngày hôm qua, tôi vẫn không kìm được nước mắt khi nhắc đến chị trong câu chuyện này. Ông Hanh tự trách mình, vì chuyến đi này là do ông sắp đặt, đứa trẻ không cứu được, lại mất thêm một người nữa. Tôi muốn an ủi ông, vì tôi hiểu ông cũng không hề muốn điều đó, nhưng có những chuyện thuộc về “Thiên Cơ Bất Khả Lộ”
Tôi khuyên chị ở lại, cùng tôi hoàn thành hành trình, chờ nếu tìm được ông thầy Tuyên Quang xem cách giải quyết không. Nếu thực sự có phương án, tôi sẽ giúp hết sức mình, còn nếu không còn cách nào khác, trên đường về tôi sẽ đưa chị đến tận chùa, nhờ sư cúng dường và viết sớ làm lễ cầu siêu cho chị. Tôi khuyên chị nên buông bỏ những thứ không thể thay đổi, có lẽ khi chị siêu thoát, chị và bé sẽ tìm thấy nhau ở một cuộc đời mới, với một thân phận mới. Nhưng lúc này, niềm tin của chị đã cạn kiệt một nửa, bất cần lại gấp đôi. Chị bỏ ngoài tai mọi lời khuyên, cảm ơn tôi đã đưa chị đến đây, rồi bước ra khỏi cửa trong đêm tối, như một bóng ma lạc lối. Tôi và ông Hanh chỉ biết đứng lặng nhìn theo, và khi tôi tỉnh dậy, đã là 12 giờ trưa
Lúc này bà ngoại gọi điện, bà bảo hai lô đất mà bố tôi để lại, đang bị tranh chấp hơn chục năm mà vẫn chưa giải quyết xong. Có làm kiểu gì cũng không trả lại. Do bố tôi mất, sau đó mẹ tôi đi thêm bước nữa nên nhà nội gây khó khăn, một phần vì các bác cũng nhìn trúng và muốn chia năm xẻ bảy. Sáng nay, bác trưởng tự nhiên xuống tận nhà trả lại nhưng với điều kiện là tôi phải đứng tên chủ sở hữu. Ngoại bảo hôm nay là ngày thứ ba như ông Hanh đã nói, nên dự định cúng mâm cơm. Tôi phản đối ngay, vì ông ấy đang đi cùng tôi, việc cúng kiếng không cần thiết ngay lúc này, cứ chờ tôi về rồi tính sau.
Sau khi trả phòng và ăn uống xong, không rõ có phải do ông Hanh cầm lệnh hay không, nhưng lần này mọi thứ diễn ra khá nhẹ nhàng. Về lại Chiêm Hoá, tôi không biết đi đâu vì xung quanh toàn núi, không dễ để định hình. Nghĩ vậy, tôi quyết định tìm một ngôi chùa để hỏi các sư tăng, dù cũng lo sợ âm khí nặng có thể ảnh hưởng đến việc vào chùa. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc, tôi vẫn quyết định vào chùa vì đây là việc tốt, hy vọng không gặp vấn đề gì. Sau hơn một tiếng hỏi đường, tôi được chỉ đến một ngôi chùa cổ ở thôn Nhân Thọ
Gửi xe khá xa, tôi đi bộ lên chùa. Nơi này khá yên tĩnh, khi bước vào, cảm giác như mọi phiền muộn, mệt mỏi những ngày qua được gột rửa hết. Tôi đặt balo dưới chân, chắp tay, cúi đầu làm lễ. Khi vừa bước vào chánh điện, một sư tăng nhìn tôi và nói một câu khiến tôi bất ngờ:
“Vào lễ Phật đi, sư tăng đã chờ thí chủ lâu rồi.”
Tôi còn đang ngơ ngác nhưng vẫn vào làm lễ. Sau đó, sư dẫn tôi đi một vòng chùa, giới thiệu rằng chùa này do gia tộc họ Hà thành lập từ năm Đinh Hợi dưới triều nhà Lý. Sư thầy kể rất nhiều giai thoại bí ẩn, tâm linh, khiến tôi cảm nhận rằng không phải ngẫu nhiên mà chùa này được gọi là chùa cổ. Tôi hỏi làm sao sư biết tôi đến đây, sư im lặng một lúc rồi nói:
“Thiên cơ bất khả lộ. Người cậu cần tìm ở trên núi Cham Chu, nhưng sáng mai phải khởi hành sớm. Người cậu phù trợ đang mang sát lệnh (thổ công ban sát lệnh), may mắn nhận được lệnh thông hành nên không sao. Nhưng người cần tìm thì lành ít dữ nhiều.”
Nói xong, sư quay đi không thêm lời nào. Tôi giúp các đệ tử làm cơm, dùng cơm, xin tá túc một đêm rồi sáng mai sẽ đi sớm. Tôi hẹn đồng hồ 5 giờ sáng và nhắm mắt. Từ khi sự việc xảy ra có lẽ đây là đêm tôi ngủ ngon nhất, đúng 5 giờ, tôi dậy. Chào sư và chuẩn bị lên đường. Sư đưa cho tôi một tấm bùa màu vàng hình tam giác và hối thúc tôi khởi hành.
Tôi đi check map đến núi Cham Chu. Từ thôn Nhân Thọ đến thị trấn Hàm Yên, đường khá dễ đi, nhưng khi bắt đầu rẽ vào xã Yên Thuận, hành trình trở nên gian nan hơn nhiều. Đoạn đường bê tông hẹp, một bên là những tảng đá lởm chởm, một bên là vực sâu hun hút, không có lan can bảo vệ. Xa xa, dưới sườn núi, chỉ còn lại vài ngôi nhà đơn sơ của người dân tộc thiểu số, dường như lạc lõng giữa bao la núi rừng.
Gửi xe ở các hộ dân gần đấy, tôi đi bộ. Khi tôi leo lên đỉnh núi, đường mòn trở nên gập ghềnh và hẹp hơn, mỗi bước đi đều đòi hỏi sự cẩn thận, phải tập trung cao độ. Tôi phải bám vào những cành cây để giữ thăng bằng và tránh những đoạn dốc đứng. Tôi hỏi người dân về thông tin ông thầy cúng, nhưng mọi người đều lắc đầu không biết. Thấy tôi hỏi nhiều một đám trẻ con chỉ tôi đến nhà già làng.
Cuối cùng, khi gặp được già làng, tôi hỏi về ông thầy cúng, ông chỉ tay xuống góc đồi và nói bằng giọng lơ lớ
“Thằng Cúng nó ở sâu trong đó, nhưng mà chiều hôm qua nó chết rồi. ‘Giàng’ gọi nó đi rồi. Tao cùng My Sữ, My Thon (hai người con trai của già làng) vừa làm lễ chôn nó khi sáng,” già làng nói.
“Thằng đó đang bình thường, nó tốt cái bụng lắm, cả năm chỉ sống ở đó thôi. Chiều hôm qua, con dân nói có ma phá mấy con gà, nên sáng nay tao tìm nó giúp. Vô tới tìm nó lâu quá trời lâu, mệt hết cái chân mà không thấy. Tới hồi thấy thì nó chết rồi.”
Tôi vừa nghe vừa nản, cũng thấy tội. Không biết có phải do ông Hanh đi tìm mà ông ấy chết hay không, nhưng dù cho có như thế nào thì cũng phải đi thăm mộ cho phải đạo. Khi tôi đến nơi, mới hiểu ra mọi chuyện là ông thầy đấy đã chết, nhưng vẫn còn người con nuôi của ông ấy.
Người con nuôi này được ông thầy nhận về từ một tu viện, hay nói đúng hơn là một mái ấm do một ni sư chuyên nhận nuôi các trẻ mồ côi. Ngày trước, khi vào tu viện này, ông thầy thấy cậu bé có căn nên quyết định nhận về để truyền nghề, bởi ông sống lánh đời, ẩn dật và không có vợ con.
Cậu con nuôi lúc tôi gặp phải trên dưới 30 tuổi, và được nhận về từ khi mới 4 tuổi. Ông thầy không cho cậu đi học như những đứa trẻ khác mà dạy cho anh ấy sống phong bạt như mình. Từ năm 4 tuổi đến năm 7 tuổi, cậu đã bắt đầu học nghề từ ông. Đến nay, với hơn 20 năm trong nghề, pháp lực của cậu đã ngang ngửa với bố nuôi.
Vừa đến mộ, tôi gặp anh ấy. Chưa kịp làm gì, anh con nuôi đã nhìn tôi và nói:
“Tao biết lý do tại sao mày tìm bố tao. Tại tụi mày tìm mà bố tao mới chết. Từ cái lúc mày ra khỏi nhà là bố tao đã biết mình sẽ chết rồi. Năm đó, ổng dặn một đường, cái đám kia (mấy ông chủ xưởng người nước ngoài) làm một nẻo. Bố tao tính đào mấy ông đó lên rồi, nhưng tụi nó không chịu, bố tao đành phải khóa vong cho yên chuyện, tính về đợi ngày xin làm lễ cầu siêu trước rồi bốc cốt sau. Vậy mà tụi nó không nghe, tụi nó động thổ ngay cái giờ đại kỵ. Bố tao từ khóa vong thì thành phong ấn vong, từ giúp người ta thành hại người ta.
Mấy người đi theo mày cũng cãi lệnh, phong ấn bị gỡ, bố tao không đỡ được nên chết rồi. Trước khi chết, ổng kể hết với tao rồi. Mấy người đi theo mày chỉ biết bố tao gửi lệnh cấm xuất cho quan Thổ Công, chỉ biết là động thổ giờ thiêng nên bị lưu đày, chứ không biết là bị phong ấn, nên có chết ổng cũng không trách tụi mày. Tao còn đang tính nhờ người tới cứu bố tao, nhưng tối hôm kia cái ông đi theo mày cầm lệnh thông quan thì bố tao bị vật chết không nhắm mắt rồi. Cũng may là cái thằng bị bắt (ông bị lính quỷ sai bắt đi) không khai ra là tụi mày đi đâu. Cũng may tao nhờ người xin binh về hộ nên bản thân tao với nó đều không sao. Chứ nó mà khai ra thì giờ này tao đang nằm chung với ông già tao rồi.”
Nghe đến đây, đầu óc tôi như bị bao phủ bởi một màn sương mờ ảo, không thể phân biệt nổi đâu là thực, đâu là hư. Thế giới tâm linh thực sự đáng sợ, như một vực thẳm mà ta có thể trượt chân rơi xuống bất cứ lúc nào. Tôi xin lỗi và chia buồn cùng anh, nhưng người con nuôi bảo rằng mặc dù chúng tôi có phần trách nhiệm trong cái chết của bố anh ấy, một phần cũng do ông Hanh không biết hết mọi chuyện, chỉ nắm được khoảng 70% sự thật. Trước khi chết, bố nuôi đã giải thích rằng ông không hề thù hận, nên anh quyết định xuất núi để giúp đỡ chú Hanh.
Tối hôm đó, tôi ngủ lại nhà anh, nhưng trong lòng không khỏi cảm giác bất an. Đêm khuya, tiếng gió thổi qua cửa sổ như những lời thì thầm đầy ám ảnh. Sáng hôm sau, tôi đi mua một cái nón bảo hiểm mới và chở anh về Hà Nội. Trên đường về, chúng tôi ghé qua nhà cậu bé bị tai nạn, dùng bữa cơm với ông nội cậu bé. Người con nuôi cũng đã thực hiện lễ cầu siêu tại căn nhà hoang đó, như tôi đã hứa. Anh không chỉ cúng cho linh hồn của cậu bé mà còn cho tất cả các vong hồn của những con vật vẫn còn mắc kẹt tại đó. Lễ cầu siêu cho cậu bé được làm ngay tại chiếc miếu cũ kỹ, nơi không khí dường như đặc quánh lại.
Khi về đến Hà Nội, người con nuôi gọi hồn ông Hanh. Ở nhà, tôi tổ chức một lễ lớn để gỡ bỏ phong trái lệnh – một nghi thức cần thiết khi người đã tạo ra lệnh đã mất và phải báo lên bề trên. Lễ đó kéo dài suốt một ngày một đêm, khiến anh kiệt sức, mặt xanh xao, như đã sút đi vài cân. Sau vài ngày nghỉ ngơi để hồi phục, anh lại gọi hồn ông Hanh lên lần nữa và nói rằng phong ấn đã được gỡ, nhưng không thể tự tiện đào bới chỗ chôn cất. Anh nói cần thêm ba ngày để phục hồi pháp lực, sau đó sẽ tổ chức một lễ cúng tế xin phép thổ địa, thổ công cho phép anh triệu hồi binh mã phá dọa người. Tuy nhiên, đây chỉ là một cách để người khác tin vào sự hiện diện của thế giới tâm linh này trước khi có thể đào lên những gì đang bị chôn giấu.
Ba ngày sau, mọi thứ dường như đã sẵn sàng. Anh đưa cho tôi ba tờ sớ và bảo rằng đó là giấy báo để khi anh làm lễ cúng, thổ thần đất đai sẽ biết và chứng giám. Tôi được dặn ngồi dưới gốc cây bàng trước cổng xưởng, đốt ba tờ sớ này. Tôi làm theo, cảm giác hồi hộp trào dâng trong lòng. Trước đó, tôi vốn là một cán bộ đào tạo, và câu chuyện về việc tôi bị nhập đã lan rộng, khiến mọi người tò mò và e dè. Quá trình đốt sớ diễn ra suôn sẻ, và sau khi đốt xong, tôi trở lại để giúp anh chuẩn bị lễ vật cho buổi cúng sắp tới
Mọi thứ đã chuẩn bị xong xuôi thì ông ấy bảo
“Mày là người dẫn đường cho bọn chúng ra khỏi khu đó, giờ thổ thần ở đó quở trách mày. Lên đây tao xin cho, tao điểm mặt cho các thần thấy, sau này làm ăn có gì thì các thần sẽ độ cho.”
Nghe vậy, dù không mấy hào hứng, nhưng tôi không thể từ chối. Tôi lên ngồi đàn, và lần này tôi không bị nhập hay có phản ứng gì lạ. Buổi lễ diễn ra suôn sẻ, nhanh chóng từ lúc bắt đầu đến khi kết thúc chỉ trong ba tiếng đồng hồ.
Hai ngày sau, toàn khu vực trở nên chấn động. Mọi người bắt đầu đồn thổi về những hiện tượng kỳ quái: ánh đèn tự dưng chập chờn, bóng người lướt qua các hành lang dù không có ai ở đó, và những tiếng động lạ như bước chân nặng nề vọng lại từ các phòng trống. Công nhân không dám đến làm việc, sợ hãi đến mức họ kể rằng đã thấy những hình ảnh mờ ảo, như những bóng ma lướt qua cửa sổ hoặc nghe thấy tiếng thở dài bất ngờ từ các góc khuất.
Quản lý thì phải đi theo từng nhóm lớn, không ai dám vào một mình. Có người còn báo cáo rằng khi đi qua các khu vực tối tăm, họ cảm giác như có ai đó đang theo dõi mình, đôi khi là những cơn lạnh lẽo bất ngờ lan tỏa, khiến da gà dựng đứng. Một số người cho biết đã thấy những vật dụng như bàn ghế, tài liệu tự dưng di chuyển hoặc rơi xuống mà không có lý do rõ ràng.
Để giải quyết tình hình, ban quản lý quyết định mời một thầy khác đến. Nhờ việc gỡ bỏ phong ấn, vị thầy mới nhanh chóng tìm ra cốt của ông Hanh và những người đồng đội bị chôn cùng. Buổi lễ khai quật diễn ra trong không khí trang nghiêm và căng thẳng. Khi vị thầy bắt đầu nghi thức, có thể thấy rõ sự căng thẳng trong ánh mắt của những người chứng kiến. Mỗi lần ông thầy đưa tay lên niệm chú, bầu không khí như đặc quánh lại, và không gian xung quanh dường như lặng im đến đáng sợ.
Khi những cốt hài được tìm thấy, bầu không khí tại khu vực dần dần trở nên nhẹ nhõm hơn. Khi tiễn anh về núi tôi có gửi anh số điện thoại, bảo anh cần gì thì cứ liên lạc cho tôi. Tôi đưa thêm chút tiền đi đường nhưng anh không nhận, đáp lại sự nhiệt tình của tôi, anh đeo vào cổ tôi một sợ dây chuyền bạc. Anh bảo
“Giữ nhé, nó có ích cho cậu sau này”
Sau chuyến hành trình đấy tôi bắt đầu có dấu hiệu hành căn, rồi cũng lập điện đón các ngài. Cụ thể tôi sẽ kể tiếp ở phần sau nhé.