Hành Trình Trợ Vong - Chương 5
Nghĩ ngợi một lúc cảm thấy chẳng đâu vào đâu, tôi đứng dậy đi lại vào phòng. Định sẽ ngủ thêm một giấc vì hai ngày hôm nay mặc dù không làm gì nhưng cứ kiểu bị quá sức. Di chuyển khá nặng nhọc như thể đang cõng thêm một người trên mình vậy. Mệt từ thể xác đến tinh thần. Nghĩ là thế nhưng khi đặt lưng xuống giường thì trằn chọc mãi không thể vào giấc được. Đến khi trời sáng hẳn, đâu đó khoảng hơn 6h tôi mới chợp mắt được một tí, còn chưa sâu giấc đã nghe tiếng gọi
“Rum ơi, có dậy ăn sáng không?”
“Mày dậy ăn sáng còn đèo bà đi có việc”
Tiếng bà ngoại tôi gọi dậy, không cần nghĩ thì tôi cũng biết đi “Có Việc” là đi đâu. Hôm qua lúc trong bàn cơm chưa gì ngoại đã tính đưa đi quanh Hà Nội để tìm chỗ giải vong theo lời của mấy bà trong hội chị em bạn dì của ngoại. Tôi thì lạ gì cái hội ấy của bà ngoại đâu, nhìn mặt các bà ấy không mặt bà nào có dán tem bảo hành thế nên tôi đã từ chối. Thế mà hôm nay, mới sáng ngày ra đã gọi sớm thế. Không phải bà lặn lội từ miền Nam ra thì còn lâu tôi mới dậy. Uể oải ngồi dậy, tôi gọi với lên
“Con dậy rồi, chải răng, chải đầu xong thì con xuống”
15 phút sau, thêm hai lần thúc dục của bà thì tôi đã có mặt ở dưới nhà. Đập vào mắt tôi là bát bún gạo ninh xương nóng hổi, nhìn bát bún gạo tự nhiên tôi nghẹn ngang ở cổ họng. Mắt đỏ hoe như sắp khóc, rất lâu rồi tôi không được ai nấu cho ăn món này vào buổi sáng. Ngày trước khi mẹ tôi còn sống thì đây là món mẹ thường xuyên làm nhất, đơn giản là vì nó nhanh. Mỗi khi nhắc tới mẹ tôi luôn có cảm thấy bản thân mình khốn nạn vô cùng. Chẳng là trước đây, trong một lần cãi nhau với bố dượng vì phát hiện ông ấy ngoại tình với chị giúp việc trong chính nhà của mẹ tôi. Lúc đó cãi nhau tôi đã xém nhảy vào mà động tay, động chân với ông ấy. Thấy vậy thì mẹ tôi ngăn lại, cho dù mẹ can ngăn thì với sự ngông cuồng của một thằng thiếu niên tuổi 16 cũng không có quá nhiều tác dụng. Thấy tình hình căng thẳng mẹ tôi mới nói
“Chẳng lẽ hai người thấy tui chết thì hai người mới vừa lòng à?”
Trong sự ương ngạnh và háo thắng, hay có thể vì quá thương mẹ, mà tôi đã nói một câu. Một câu mà có thể dằn vặt tôi đến hết phần đời còn lại
“Mẹ mà chết vì cái loại này, con thề là con không có để tang đâu”
Và mọi việc diễn ra đúng như thế thật, lần đó chị gái tôi theo anh rể đi nước ngoài công tác cũng là tiện thể đi du lịch, còn tôi lúc này đang có nhiệm vụ, nói đúng hơn là tôi được chọn trực tiếp tham gia hoạt động quân sự. Hoạt động chưa kết thúc, nhiệm vụ chưa hoàn thành tôi không thể rời khỏi đơn vị được. Đúng lúc đấy thì ở nhà báo lên mẹ tôi đang phải nhập viện vì ung thư. chị gái gấp rút mọi thứ để kịp về với mẹ, nhưng mẹ không chờ được chị em tôi, 5h chiều hôm trước tôi nhận được tin mẹ đi viện thì 11h trưa hôm sau mẹ mất. Mẹ mất trên đường chuyển viện và trên chuyến xe đó chỉ có mẹ và ông bố dượng ngày ấy. Vì yếu tố công việc và nhiệm vụ được giao nên phải một năm sau, ngày giỗ giáp năm tôi mới được về với mẹ. Ngày mà các cháu tôi xả tang bà thì ngày đó tôi mới đội khăn tang. Nếu tôi biết bản thân mình có căn cơ, tôi đã không thề độc như thế để rồi ân hận cả cuộc đời.
Thấy tôi đứng sững người, bà biết, bà mới bảo
“Bà cũng không giấu gì mày, đêm qua ngủ chập chờn, bà thấy mẹ mày nó về, nó gầy rộc người mà nhìn nó buồn bã lắm. Nó nói
“Mẹ ra với tụi nhỏ, mẹ nấu bún gạo cho tụi nó dùm con nha mẹ, lâu lắm rồi tụi nhỏ nó không có được ăn”
Nghe vậy thì ngoại gật đầu, ngoại hỏi sao nó ốm vậy, có thèm cái gì không thì nó lắc đầu, nó bỏ đi. Nên là sáng nay ngoại mới đi chợ về nấu cho tụi bay. Mà nhìn mẹ mày buồn tủi như hôm qua. Ngoại nghi nó buồn chuyện mày đang gặp phải quá”.
Nói rồi bà kéo ghế vẫy vẫy tôi lại, bà bảo
“Thôi vào ăn nhanh cho nóng, ăn xong thay đồ, đưa bà ra sân bay”
Tôi bất ngờ vội nói
“Ơ kìa, bà mới ra có một hôm sao lại vội về, ở lại chơi với chị em con đã”
Bà cười rồi gõ đầu tôi
“Cha bố nhà anh, anh mong tôi về lắm đấy à, bà đi đón bà Loan”
Nghe đến đây thì tôi ngắt lời bà, vì tôi biết người này, bà Loan trước đây lấy chồng bên Đài Loan rồi định cư luôn ở bên đấy. Bà tôi hay kể trước đây khi còn ở Việt Nam 2 bà thân nhau lắm, đến sau này khi mỗi người một nơi thì tình cảm vẫn thế. Mỗi lần bà Loan về nước hay là bà tôi sang đấy du lịch, cứ hễ gặp nhau lại buồn buồn tủi tủi.
“Ồ thế đợt này bà Loan về chơi có lâu không bà, bà Loan chuyến này về với ai”
Bà tôi lắc đầu đáp
“Kỳ này về gấp nên bà ấy đi một mình, xong việc của mày thì bà ấy lại đi”
Nghe xong thì tôi chưng hững, tôi nghĩ trong đầu
“Bà này làm gì biết cúng kính gì đâu nhể, hay lại thỉnh bùa phép gì về bắt mình uống xong dở dở điên điên như phim Lâm Chánh Anh ngày trước thì bỏ mẹ. Tổ sư, đêm qua gặp ông Hanh không sợ thế mà mới nghĩ đến việc bà ấy bắt uống bùa là vã hết cả mồ hôi hột”
Nghĩ là thế nhưng không dám nói ra khỏi mồm, sợ bà buồn, bà lại bỏ ăn như em bé thì đi dỗ đến mệt. Thế là tôi bèn nói
“Bà Loan sao giúp được con, bà ấy có biết bói toán gì đâu”
Nghe vậy thì bà ngoại tôi đáp.
“Bà ấy không biết nhưng em chồng bà ấy biết, nhà chồng bà ấy nghe bảo mấy đời làm thầy pháp rồi, em chồng bà ấy đang làm nghề ở khu người tàu. Tí nữa đón bà xong thì chạy thẳng sang đấy luôn”
Chắc do khi sáng dậy nấu ăn sớm, bà đã dặn anh chị tôi để ô tô ở nhà để tôi chở bà đi nên khi ăn xong ra ngoài tôi thấy chìa khoá xe để ngoài phòng khách. Hai bà cháu dự định 11h00 sẽ có mặt ở sân bay. Bây giờ mới 9h hơn nên tôi tranh thủ dọn dẹp, tắm rửa, thay đồ. Đến 10h tôi định đánh xe ra ngoài để hai bà cháu đi thì kì lạ là không thấy cái chìa khoá xe đâu nữa. Tôi nghĩ mình dọn dẹp để quên ở đâu đấy, tìm lại một lượt cũng không thấy đâu. Cháu hỏi bà, bà hỏi cháu không ai thấy cái chìa khoá ở đâu. Tôi gọi cho anh rể để hỏi xem chìa khoá dự phòng ở đâu thì lại thấy thuê bao, gọi lại vài lần nữa thì sóng điện chập chờn. Tôi nghĩ quái lạ, đầu ngày đã xui xẻo, lúc này đã là 10h20 không tìm thấy chìa khoá nên bà cháu tôi gọi chiếc taxi, tí về tìm sau. Khi xe ra tới vành đai 3 thì thấy phía trước có tai nạn, cụ thể là ba chiếc ô tô đâm vào nhau, trong đó chiếc xe thứ hai nát tươm, giao thông hỗn loạn. Anh taxi báo bộ đàm cho mấy bác tài sau chú ý tránh đường khác mà đi cho đỡ tắc, đáp trả lại anh từ trong bộ đàm
“Đúng rồi, sắp tắc rồi, nãy em đi qua thấy tai nạn lúc 10h15 á, người be bét đưa đi viện rồi. Anh em nhà mình cẩn thận nha”
Lúc này tự nhiên tôi cảm thấy gai người, tôi nghĩ nếu như khi nãy không bị mất chìa khoá thì có khi nào một trong ba chiếc xe đó là xe của mình không. Vì từ nhà tôi ra đến ngoài này cũng mất chỉ tầm chưa đến 15 phút. Bà ngoại tôi cũng là người tâm linh, nà cứ lầm nhẩm cảm ơn trời phật.
Chúng tôi đến muộn hơn dự định, vừa vào gas đã thấy bà Loan đứng đó chờ. Xuống xách phụ bà hành lý, vừa lên xe bà đã đưa địa chỉ cho anh tài xế taxi chở đến luôn nhà của em chồng bả. Ngồi trên xe hai bà cứ chị chị em em, hết hàn huyên từ chuyện thời còn con gái ở Việt Nam đến việc vẽ ra khung cảnh cả hai dắt tay nhau vào viện dưỡng lão. Tôi nghe mà choáng hết cả đầu, tầm hơn một tiếng đồng hồ sau cuối cùng xe cũng đến nhà ông thầy đó. Vừa vào đến cửa nhà đã có một bà cô chạy ra đon đả đẩy đưa
“Đằng ấy vào tìm A Lỉn đấy à”
Tôi nghĩ trong đầu
“Đéo mẹ, có nhầm chỗ không, tao tìm thầy giải vong chứ có vào động phò đâu mà lại có con hàng nát nào ra ưỡn ẹo như này. Bố tiên sư, mỡ đấy mà húp được ông mày”
Nghĩ thế đang tính quay ra xe đi về luôn thì bà Loan gọi tôi lại
“Nào ! Cái con bé này lúc trước đi cặp kè với đại gia, đen thế nào lại gặp phải thằng ăn bám vợ, tiền bạc thằng đó chu cấp cho con bé này toàn là tiền của vợ nó. Lúc phát hiện ra con vợ cũng bình tĩnh chẳng đao to búa lớn gì, nhẹ nhàng ly hôn. Xử xong thằng chồng thì con vợ sang Cam, làm bùa làm ngãi gì đấy cho con này giờ cứ ươn ươn dở dở như thế đấy. Không biết được ai mách bảo nên đưa về cho em chồng bà chữa. Khi nào chữa khỏi thì nó đi”
Vừa nói bà vừa kéo tôi đi vào, vừa đến cửa lại thấy con mẹ ỏng ẹo đấy, bà Loan điên máu quát
“Tổ tiên sư mày có tránh đường không thì bảo”
Nghe chửi ồn ào từ trong nhà có tiếng nói vọng ra
“Zô đi, zô đi, òn ào à, dứt cái lầu á” ( ồn ào, nhức đầu )
Trái ngược với cảnh tượng sáng sủa và náo nhiệt bên ngoài, vừa bước vào trong, mọi thứ dần trở nên u ám và huyền bí. Những pho tượng kỳ quặc được bài trí xung quanh, mỗi bức đều có một bát hương riêng. Ánh sáng đỏ rực của đèn trái ớt càng làm cho không gian thêm phần âm u. Ngay dưới bàn thờ, một vài hình nhân thế mạng nằm cạnh một cái bát cổ đã nhuốm màu thời gian, bên trong là hai đồng tiền âm dương lạnh lẽo. Theo tôi cảm nhận, đây giống như một nơi luyện tà thuật hơn là nơi hành pháp giúp đời. Đang rùng mình, lạnh sống lưng trước mọi thứ quanh, tôi bỗng thấy một lão già bụng phệ, đầu hói, khoác áo Tàu tiến đến. Nhìn không khác gì một con Doraemon di động, lão cầm bó hương trong tay, bước từng bước chậm rãi về phía tôi. Ngay lúc đó, tôi bắt đầu cảm nhận sự thay đổi kỳ lạ trong cơ thể mình. Mọi thứ xung quanh chao đảo như thể đang say rượu, nhưng đầu óc vẫn tỉnh táo. Đột nhiên, lão thầy pháp lao tới, vung bó nhang đang cháy đỏ thẳng vào đầu tôi. Đối với một người từng lăn lộn trong quân ngũ như tôi, vốn đã quen với việc dùng đầu đập gạch, cú đánh này lẽ ra chẳng khác gì muỗi đốt inox.
Thế nhưng lần này lại khác, bó nhang ấy khiến toàn thân tôi đau nhức, như thể có thứ gì đó bên trong đang chống lại thể xác mình. Trong giây phút còn chút ý thức, tôi liếc nhìn bà ngoại cầu cứu. Chưa kịp thốt nên lời, lão Doraemon phiên bản thầy pháp lại định giáng cú nhang thứ hai. Dù thân mình lúc này đã mềm nhũn như bún, nhưng hai năm quân ngũ của tôi không phải để chơi. Dựa vào phản xạ trinh sát tôi cố gắng né đầu sang một bên. Bó nhang trên tay lão theo đà trôi mạnh vào cánh tay trái tôi, từng thớ thịt đau đớn như thể bị cắt lìa.
Đến lúc này, tôi hoàn toàn chìm vào vô thức.
“THẢ TÔI RA, THẢ RA, MAU THẢ TÔI RAAAAAAAA”
Sau tiếng hét ầm lên vang khắp căn nhà thì tôi dần dần mở mắt, nhìn thấy trần nhà và mọi thứ trước mắt quen thuộc tôi thở phào nhẹ nhõm, lúc này đầu tôi đau như búa bổ, theo thói quen tôi định đưa tay để day huyệt thái dương. Bỗng nhiên có cái gì đó níu tay tôi lại, tôi thử cử động tay còn lại, rồi cả hai chân cũng thế, sau vài lần như thế tôi thì tôi cố đưa mắt nhìn lên thì thấy hai tay hai chân của mình đang bị cột vào bốn góc giường. Tôi cố gằn giọng gọi to cho bà và chị nghe, có lẽ là vì sợ điều gì đó còn sót lại trong tôi nên bà và chị không dám vào. Tôi bất lực đành phải nói
“Nhanh đi, không mở trói là con ỉa ra quần đấy, bụng đau lắm rồi”
Chiêu này quả nhiên có tác dụng, “cạch” một tiếng, cánh cửa phòng mở ra. Bà và chị gái tôi bước từ từ vào trong. Ánh mắt vẫn còn dè chừng với tôi lắm, tôi phải cất giọng nói
“Mở trói tay chân cho con, con đây mà, sao lại trói con như này”
Thấy ánh mắt tôi đã có hồn trở lại, lúc này bà gật đầu với chị mới tiến lại gần và mở trói giúp tôi. Mở trói xong đoạn bà bảo
“Con vào tắm rửa đi, ngoại nấu lá bưởi rồi, tắm rửa xong xuôi thì xuống dưới nhà mình họp gia đình”
Tôi ngơ người vội hỏi bà
“Thế có chuyện gì mà nhìn bà với chị có vẻ nghiêm trọng vậy ạ”
Bà không trả lời câu hỏi của tôi, bà quay người rồi nhắc lại tôi lần nữa
“Đi, đi tắm nhanh lên, bà với anh chị mày chờ mày ở dưới”
Tôi bước vào phòng tắm với một đống những suy nghĩ tồn đọng trong đầu
“Rốt cuộc thì chuyện gì đang xảy ra, tại sao mình lại vướng vào những chuyện tâm linh dị tượng như này, phải làm sao, phải tìm ai để mọi chuyện này kết thúc”
Mùi hương thoang thoảng của lá bưởi toả ra cùng với đó là dòng nước ấm như đang gột rửa đi những muộn phiền u ám chất chứa trong tôi mấy ngày qua. Tắm rửa xong xuôi tôi thấy mình khoẻ hẳn lên, tỉnh táo hơn. Lấy lại tinh thần tôi vội vàng chạy xuống phòng khách, xuống đến nơi thì thấy mọi người đã ngồi sẵn ở đó. Sau một vài câu hỏi quan tâm thì bà nói.
“Chuyện của con giờ mình không thể tự quyết được nữa rồi. Mình chỉ là người trần mắt thịt. Con có căn có nghiệp, coi như đi giúp người ta. Họ đã theo con từ lúc con rời khỏi chỗ làm đến giờ. Họ theo con, nhưng chỉ là mượn vai, ghé xác chứ không nhập thể, nhập hồn như lần trước. Vì vậy, khi chiều nay con bị đánh lần thứ hai, bó nhang đánh trúng tay bị tật của họ, lúc này họ mới nổi giận, nhập cả hồn vào mà phá.”
“Ngoại nói cụ thể đi ngoại. Sao ngoại phải trói con, còn cái gì mà mượn xác, ghé vai gì đó thì hình như đúng. Dạo này con cứ có cảm giác như đang cõng theo ai vậy á, người lúc nào cũng nặng trịch.”
Bà thở dài rồi nói:
“Lúc cái bó nhang đánh trúng tay, trong chớp mắt, ngoại thấy con như biến thành một người khác vậy. Họ đứng lên, vùng dậy mà đập phá đồ đạc. Bát hương trong phòng thờ bị đập gần một nửa, còn bàn ghế thì thôi khỏi nói tới nữa, vơ được cái gì là họ đập cái đó. Thấy vậy, ông thầy chạy nấp sau cái tủ thờ chính, đến thở còn không dám thở mạnh. Phải mất một lúc sau, người đó mới nhìn ngoại mà chửi:
‘Đã nói rõ ràng hôm ở xưởng tôi không hại người. Giúp tôi tìm thầy ở Tuyên Quang. Tìm xong tôi tự khắc tôi đi, tôi tự nhập tự xuất, không cần bắt. Mà có muốn bắt thì cũng không bắt được đâu, lệnh Thổ Công ông còn chống thì thầy bà ở đây không là cái gì hết.’
Ông ấy còn dặn:
‘Thằng này Đinh Sửu, 18 âm tháng này khởi hành. Tôi không phá tùy phá tiện, nên không phải lo.’
Sau khi nói xong, ông ấy đang tính ghé vai trả hồn cho con thì lão thầy người Hoa lại một lần nữa chơi dại, cầm kiếm gỗ đánh vào người con, bắt ông ấy xuất. Ông ấy lại điên tiết đập phá thêm một đợt nữa. Lần này ông ấy còn phá luôn cả bàn thờ chính của ông thầy người Hoa.”
Nghe đến đây, tôi cảm nhận được tinh thần vững vàng của con cháu cụ Hồ, một bản lĩnh của người lính. Dù tức đến mấy, họ vẫn không dùng bạo lực, giận đến mấy cũng không đánh người. Lúc đó, bà ngoại tôi đã nhận ra ông thầy này đúng là loại “hàng Trung Quốc xuất khẩu” rồi nên cố gắng ngăn cản, nhưng không kịp. Mọi người phải lao vào giữ chặt lấy tôi. Quả thật, vong hồn của một người lính Việt Nam không dễ dàng khuất phục trước một thầy pháp Trung Quốc. Khi bị kéo ra xe, tôi bất ngờ ngất xỉu, miệng lẩm bẩm những lời không rõ nghĩa, dù có gọi thế nào cũng không tỉnh. Bà ngoại tôi cũng hoảng sợ, nên nhờ anh rể cột tay chân tôi lại để đề phòng. Sau đó, họ mời thầy trên chùa đến làm lễ, nhưng thầy nói rằng chỉ cần niệm kinh là đủ, chớ dại mà đụng đến tôi. Cuộc trò chuyện kết thúc vào lúc 9 giờ tối ngày 16 âm lịch. Tôi chỉ còn một ngày để chuẩn bị hành lý và nghỉ ngơi, trước khi lên đường vào ngày 18. Cuối cùng, bà ngoại tôi phải đền bù hơn 5 triệu đồng vì những đồ vật bị phá hủy trong buổi lễ của các pháp sư Trung Hoa.