Gọi quỷ đêm trăng - Chương 6
Tôi cố nhịn xuống cơn nấc nghẹn trong cổ, nói cho cha mẹ nghe toàn bộ những gì mình thấy. Nghe xong. cả hai người họ cau mày, ánh mắt đảo láo liên, cha tôi nói:
– Làm gì có chuyện đấy! Chắc con đói quá ngất đi rồi mơ mộng chứ gì.
Cha tôi vừa dứt câu, điện thoại trong túi cha tôi vang lên. Cha tôi vội lấy ra nghe. Tôi cũng không để ý cho đến khi, cha tôi nói lớn, khuôn mặt cha dường như đang hốt hoảng lắm:
– Cái gì? Anh nói cái gì? Chết… Chết lúc nào?… Vâng vâng! Vợ chồng em đi ngay đây.
Mẹ tôi nghe thế cũng hồi hộp chờ đợi, gương mặt lo lắng. Ngay khi cha tôi vừa tắt máy, còn chưa kịp hỏi thì cha tôi đã nói:
– Nhanh! Chuẩn bị đồ đi nhanh! Thằng Phái nhà bác Hà chết rồi.
Cả tôi và mẹ sửng sốt, tôi nước mắt tuôn ra như mưa. Mẹ tôi hỏi dồn dập:
– Ai chết?… Thằng Phái á?? Sao lại chết? Chết lúc nào?
Cha tôi gắt:
– Hỏi gì lắm thế, đi nhanh về đấy xem nào. Nhanh lên!
Mẹ tôi vội vàng đi vào vơ lấy bộ quần áo. Tôi ngồi thẫn thờ nhìn cha mẹ tôi chạy qua chạy lại, thu cái này lấy cái kia. Không lâu sau cả nhà ba người nhà tôi đã ngồi trên chiếc xe cúp lao đi trong đêm vắng.
Đường sá lúc này cũng thưa thớt, lại dễ đi, nên chỉ chừng hơn một tiếng sau, cả nhà chúng tôi đã về đến nhà bác. Tôi đứng khựng lại khi nhìn người ra, người vào trong nhà bác tôi, đôi chân run run bước vào trong.
Lách qua đám người vào được vào bên trong, tôi như chết lặng khi thấy anh Phái được đặt nằm trên giường, toàn thân mặc quần tây áo trắng như chuẩn bị đi học, trên bụng đặt một nải chuối xanh, trên mặt phủ một tờ giấy trắng. Ở đầu giường có một bát gạo, trên ấy hương nhang đang tỏa khói mịt mù.
Bác gái đang ngồi bên cạnh, hai mắt thẫn thờ nhìn đứa con trai lớn, bao năm nuôi nấng, chăm sóc, giờ lại để kẻ đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh. Bác dường như đã khóc nhiều lắm, đến cạn cả nước mắt, hai con mắt đỏ hoe, u sầu, buồn thảm.
Từng hồi trống chiêng đám ma bất giác vang lên, làm tim tôi đập thình thịch như muốn nhảy ra ngoài, thanh âm não nề, ảm đạm trong cái màu trắng tang tóc, khiến cho lồng ngực tôi căng tức, nỗi buồn càng dâng lên cao, tôi không nhịn được, gục đầu vào lòng mẹ rồi khóc òa lên. Mẹ tôi cũng chỉ biết vỗ lưng tôi mà an ủi:
– Con ngoan, đừng khóc nữa… để cho anh con nó được ra đi thanh thản.
Tôi khi ấy vẫn chỉ là một đứa trẻ con, làm sao có thể chịu được nỗi đau mất mát này, tôi cứ nấc lên từng tiếng, rấm rứt khóc, không ngăn được những giọt nước mắt cứ tuôn trào, lăn dài trên má. Đến khi mệt mỏi quá, tôi cũng ngủ thiếp đi trong vòng tay của mẹ.
Sáng hôm sau, tôi cùng mẹ ngồi trên chiếc bàn kê giữa sân đối diện chiếc quan tài của anh Phái. Đêm qua anh đã được nhập niệm cho vào trong quan, bởi vì chết yểu nên cả nhà quyết định chiều nay sẽ đem đi chôn. Ngồi cùng bàn là bác Hà có cả cha tôi nữa, tất cả ai nấy u buồn trông vào chiếc quan lạnh lẽo, hai mắt ngấn lệ.
Tôi cũng không còn quá đau buồn như hồi tối qua nữa, tôi lặng lẽ nhìn lên bức di ảnh của anh Phái, rồi lại nhìn chiếc quan tài đang nằm chềnh ềnh giữa gian nhà, lòng thầm nghĩ, giờ này chắc anh đang cô đơn lắm.
Mẹ tôi lên tiếng hỏi, vì từ hôm qua đến giờ bà cứ luôn chân, luôn tay hết việc này đến việc kia bây giờ mới ngơi tay:
– Anh!!! Sao cháu nó lại mất đột ngột thế? Không phải chỉ là bị sưng chân thôi à?
Bác Hà đánh mắt nhìn ra xa xa, xuyên qua màn sương sớm còn chưa tan hếtthở dài bất lực nói:
– Ban đầu lên viện bác sĩ cũng chỉ bảo bị nhiễm trùng, chỉ cần xử lý là không sao. Nhưng sang ngày hôm sau, nó vẫn không tỉnh, sau đó xuất hiện co giật, mê sảng. Nó cứ nói cái gì mà đừng bắt tôi, tôi không đi. Cứ như thế chuyển từ phòng thường sang đặc biệt, rồi từ phòng đặc biệt sang cấp cứu. Đến trưa hôm nay thì nguy kịch, chuẩn bị chuyển lên tuyến trên. Bác sĩ nói có thể là bị nhiễm trùng máu, nhưng còn chưa kịp chuyển đi thì đã…
Bác Hà khóc trong đau đớn, nước mắt của người đàn ông cứ thế lăn dài trên gương mặt chai sạm khắc khổ, làm cho cả cha mẹ tôi cũng khóc theo, họ liên tục vỗ vai an ủi, động viên bác nén đau thương còn lo hậu sự cho cháu nó chu toàn. Cha tôi bỗng lên tiếng:
– Thế còn thằng Phước đâu, sao từ hôm qua đến giờ em không thấy nó?
– Thằng Phước từ hôm đấy đến nay nó cứ như người mất hồn. Chẳng hiểu sao nó cứ lẩm bẩm một mình, có lúc thì sợ hãi, có lúc thì khóc lóc cầu xin, có lúc thì ngồi thẫn thờ một mình. Nó còn không cả nhận ra ai, với nói chuyện với ai nữa. Tôi đem nó gửi sang nhà ngoại rồi.
Cha tôi cảm giác được gì đấy, liền quay sang tôi hỏi dồn:.
– Duy! Con có biết chuyện gì không, nếu biết gì nhanh nói ra xem nào, nếu không người tiếp theo là con đấy!