GEN QUỶ DI TRUYỀN PHẦN 1 - Chương 4
Bân chỉ tay run run lắp bắp.
– Vách nhà… có có ai ngoài… kia..!!
A Nùng tung chăn chạy ra xem, đến hông nhà chỗ sát giường nằm, đánh mắt nhìn quanh tất nhiên không phát hiện ra gì, bốn bề vẫn yên ắng tĩnh lặng. Đứng quan sát thêm một lúc mới trở vào nhìn vợ mình gương mặt trắng xanh sợ hãi, hai mắt giáo giác nhìn ra ngoài này.
– Làm gì có gì, vừa nãy em trông thấy gì??
Bân vẫn chưa thoát khỏi sự sợ hãi, run run đáp.
– Ban nãy em đang ngủ, nghe tiếng cọt kẹt liền dậy xem là gì, chẳng may là mấy con heo đến ủi đất thì mai mất công lại phải làm lại, vừa mở mắt ra xem em thấy có con mắt đỏ ngầu nhìn vào trong này, nó nhìn em ghê lắm, nhìn qua cái lỗ này này..
Vừa nói thị Bân vừa chỉ cho chồng xem, ngẫm nghĩ vài giây A Nùng đáp.
– Không có gì đâu, chắc lúc đấy em vừa mở mắt ra nên là hoa mắt nhìn nhầm đấy thôi, giả như có ai nhìn qua thì ban nãy anh chạy ra luôn mà, làm gì có thấy gì đâu.
– Không phải đâu em trông thấy rõ ràng mà trông sợ lắm.
A Nùng có chút chột dạ khi nghe chuyện vợ nói, từ trước đến giờ cô ấy chưa bao giờ nói những thứ tương tự như vậy cả, cộng thêm việc kỳ lạ lúc đêm anh gặp trong lòng bỗng cảm thấy bất an.
– Thôi ngủ đi để mai xem thế nào.!!
Dỗ vợ nằm xuống chìm vào giấc ngủ, A Nùng vắt tay lên trán nghĩ lại chuyện hôm nay, trong lòng quyết định ngày mai nhất định phải đi đến nhà già làng một chuyến, hỏi xem già có biết gì không.
Mải suy nghĩ chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay, bên ngoài trời tối đen như hũ nút, trong bóng tối ấy có một đôi mắt sáng rực đỏ ngầu nhìn chằm chằm vào ngôi nhà nhỏ ọp ẹp của vợ chồng A Nùng.
Sáng hôm sau…
Tiếng con gà rừng gáy sáng trên nương khoai, thị Bân lục tục chui ra khỏi mùng. Sáng nào cũng vậy dường như cô đã quen với việc dậy sớm nấu cơm cho chồng để lát còn lên nương làm việc, trên ấy còn mớ cỏ dại mọc xen vào mấy luống khoai vợ chồng cô trồng, hôm nay làm nốt cho xong để đến vụ nó còn cho củ mà ăn. Mặc dù A Nùng không cho cô dậy sớm và lên nương, nhưng giờ bụng to khó ngủ nên cô dậy vận động cho dễ đẻ theo lời các bà các dì đã dạy.
Cầm chiếc nồi đen nhẻm bên ngoài do nấu bếp củi, cô đi ra sau nhà định bụng lấy một nồi nước nấu bát cháo nóng ăn cho ấm bụng. Trời bên ngoài vẫn còn nhá nhem tối, cộng thêm sương sớm dày đặc, làm tầm nhìn bị hạn chế, lúc đi qua hông nhà đoạn giường ngủ của cô, trong đầu chợ nhớ lại chuyện đêm qua, cô liếc mắt nhìn. Chiếc nồi trong tay rơi lon con trên đất, chân bước lùi về sau mãi mới hét lên một tiếng nghe đến chói tai.
– Anh ơi… iiiiii… ii…
A Nùng đang ngủ giật thót mình, mất một giây để định thần, xác định là tiếng vợ vội ba chân bốn cẳng chạy ra.
– Bân ơi… Bân ơi em đâu đấy… làm sao đấy..
Vừa chạy ra khỏi cửa, rẽ sang bên phải hông nhà đã thấy vợ ngồi trên đất ánh mắt sợ hãi nhìn lên vách nhà. Anh đánh mắt nhìn theo cũng chết trân tại chỗ, trên ấy in nguyên một bàn tay năm ngón, điều đáng sợ là bàn tay có vẻ như là máu in vào, chất dịch đỏ đỏ, đen đen chỗ khô, chỗ ướt còn chảy xuống những dòng nhỏ theo vách nứa, nhìn qua đủ làm cho người ra sợ hãi.
A Nùng chết chân tại chỗ, mồm á khẩu không nói nên lời. Sau phút thất thần vội chạy đến đỡ vợ dậy, trong lòng bây giờ cũng bối rối không hiểu chuyện gì. Giờ đây có lẽ những gì vợ anh nói đêm qua là sự thật. cảm thấy trong nhà không an toàn, anh vội đưa vợ qua bên nhà ngoại, sau khi thấy vợ ngồi trong nhà cùng bố mẹ an toàn, mới yên tâm tìm đến nhà già làng để hỏi chuyện.
Ban nãy có nói cho bố mẹ vợ nghe, nhưng cả hai ông bà cũng không biết vì sao lại như vậy, đặc biệt hơn là chưa bao giờ gặp ai kỳ lạ lại ăn cóc, nhái sống như A Nùng vừa kể.
Đi bộ một quãng đường xa, men theo con đường bản nhỏ quanh co uốn lượn đến nhà già làng. Ngôi nhà nằm khuất sau vườn cây um tùm, ngoài sân là muôn loài hoa lạ đang khoe sắc trong mấy chậu lớn bé khác nhau. Ngôi nhà được làm theo kiểu nhà sàn phổ biến ở đây, những ngôi nhà như thế này phải nhà nào có điều kiện lắm mới có thể làm.
– Già ơi… già có nhà không già ơi..
Một bà già đi từ sau nhà ra, trên tay còn bê cái thau cháo heo, nói bằng tiếng dân tộc của mình. Những người già trong bản vẫn giữ được nguyên nét văn hóa riêng, giọng nói nếu như nói tiếng phổ thông cũng chỉ lơ lớ. Không giống như lớp trẻ hầu như tất cả đều bị hiện đại hóa, đến cả xưng hô với bố mẹ cũng giống như người kinh, có khi không nói chả ai biết họ là người dân tộc thiểu số.
– Mày tìm ông ý à, ông không có nhà đâu… ô.. ông ý đi vào núi tìm thuốc rồi, có khi mấy hôm mới về á a…