GEN QUỶ DI TRUYỀN PHẦN 1 - Chương 1
Tiếng con gà rừng vang lên đâu đó trong đám cây rừng u tối ngoài kia, đánh thức anh A Nùng sau giấc ngủ chưa tròn. Anh khẽ trở người ngồi dậy, thế nhưng chiếc giường tre ọp ẹp vẫn vang lên kèn kẹt đánh thức cô vợ của anh.
Cô với tay lấy cái đồng hồ phát dạ quang trên đầu giường để nhìn giờ, giọng vẫn còn ngái ngủ:
– Hôm nay em tưởng không đi đặt bẫy chứ.
A Nùng chui ra khỏi chiếc mùng trắng đã ngả màu cháo lòng, trên ấy lại lỗ chỗ vết rách được vá lại bằng mấy miếng vải khác màu.
– Anh tính không đi, nhưng hôm nay trời âm u, lại không trăng sao gì, kiểu gì cái lũ thú rừng cũng đi ăn đêm nhiều. Tranh thủ đi đặt ít bẫy bắt lấy vài con về cho mẹ mày tẩm bổ, sắp tới ngày sanh rồi còn gì. Rồi mang xuống chợ phiên bán lấy tiền mai này mua gì thì mua.
Cô vợ nặng nề ngồi dậy, vấn lại mái tóc dài.
– Trời vào đông rồi lạnh lắm đấy, anh mặc nhiều áo vào.
– Ngủ tiếp đi, anh đi đặt bẫy xong anh về.
A Nùng đi tới vách nhà, trên ấy có treo mấy cái bẫy kẹp bằng sắt đã han gỉ, có vẻ đã có từ lâu lắm rồi. Khoác thêm ít đồ nghề lên vai đẩy cánh cửa bằng phên tre tiến ra ngoài biến mất sau màn sương đêm.
Thị Bân là vợ của A Nùng ngồi lại, nhìn bóng lưng chồng không khỏi thở dài lo lắng, dẫu biết đây là việc bình thường của hầu hết đàn ông trong bản, kể cả người già đến mấy thằng thanh niên mới lớn, nhưng mỗi lần nhìn chồng đi cô lại lo lắng bồn chồn không yên.
Cả hai lấy nhau cũng được đôi năm, khi ấy cô mới vừa tròn mười sáu, còn A Nùng cũng chỉ mới đôi mươi.
Ở tuổi này là bình thường có khi còn là muộn so với rất nhiều người khác, cả hai được đi học dưới xuôi nên biết lấy sớm là trái pháp luật nhưng phép vua thua lệ làng, lại được cả cha mẹ bắt lấy. Cả hai cố kéo dài cho đến khi Thị Bân tròn mười tám mới chính thức về chung một nhà.
Bản của hai người nằm trên một ngọn núi nhỏ tách biệt với người kinh dưới xuôi, khi còn đi học cả hai cũng phải đi đến năm tiếng mới tới trường, rồi ở đó tới khi ngày nghỉ mới về nhà.
Bao quanh bản nhỏ là đồi núi bao la chập trùng, số dân trong bản ít khai hoang làm nương chưa được nhiều nên rừng nguyên sinh vẫn chiếm phần lớn, thành ra cái nghề săn thú rừng mang xuống chợ phiên bán trở thành nghề chính của đám trai bản.
Cưới nhau đến hơn một năm, Thị Bân có thai làm cả hai mừng lắm, A Nùng lại ra sức làm việc hòng cho đứa trẻ ra đời được no ấm, và hơn hết muốn cho vợ con không phải chịu khổ theo truyền thống của hầu hết những người khác trong bản. Dù gì thì cả hai cũng được tiếp nhận nền văn hóa tiến bộ của quốc gia nên có phần suy nghĩ tích cực hơn.
Lấy nhau xong bố mẹ hai bên làm cho cả hai một cái nhà nhỏ, nhà vùng cao đơn giản chỉ là mấy cây gỗ to làm kèo cột, nhà nào khá thì ốp ván làm tường, còn không thì là phên tre đan lại thành từng phên tạo thành vách.
Thị Bân nhìn lại thấy bóng chồng đã đi khuất liền thở dài não nuột nằm xuống ngủ, kéo tấm chăn đắp lên ngang ngực, hai mắt nhìn lên đình mùng mong sao cho chồng đi về bình an. Bỗng đứa bé trong bụng đạp lên làm cô chú ý, đưa tay xoa cái bụng nhỏ cô thì thầm.
– Bác sĩ dưới xuôi nói còn một tuần nữa con được ra rồi, lúc ấy tha hồ mà đạp nhá.
Đứa bé không biết có hiểu được lời mẹ hay không, nhưng nó cũng đáp lại mẹ bằng mấy cái cử động nhẹ trong bụng làm Thị Bân rất vui, mong ngày được nhìn thấy con mình, nhưng cô đâu biết rằng biến cố sắp giáng xuống ngôi nhà nhỏ này.
A Nùng tiến sâu vào rừng cùng với chiếc đèn pin nhỏ trong tay, trời hôm nay sương mù dày đặc, sương sớm kèm theo gió lạnh làm cho bước chân A Nùng có chút chậm so với mọi ngày.
Ống quần bị sương sớm vương trên cành lá làm cho ướt đẫm dính bết vào với chân càng làm cho cái lạnh xâm chiếm. Nhưng nghĩ đến vợ và đứa con sắp chào đời, bước chân anh như có thêm động lực bước tiếp.
Sau khi chọn được chỗ đặt bẫy, A Nùng cẩn thận cài cắm bẫy dập, còn tỉ mỉ quan sát kỹ đường đi lối lại của lũ thú rừng hòng mong sao hôm nay bắt được vài con có giá trị.
Lòng vòng trong khu rừng già mấy tiếng đồng hồ, cuối cùng số bẫy trên lưng cũng được đặt hết, cả thảy có hơn hai chục cái lớn bé được đặt rải rác khắp nơi, lại còn được đánh dấu để cho những người cũng đi đặt bẫy như mình nhìn thấy không đạp vào, đây là ký hiệu chung của dân bản tránh khỏi bẫy của nhau.
Nhìn thấy số bẫy đã được đặt hết, áng chừng bây giờ cũng gần một giờ sáng, giờ này lũ thú rừng đi ăn đêm nhiều nên anh quyết định đi về nhà, sớm mai quay lại kiểm tra, chứ mà ở đây chúng nó ngửi thấy mùi thì khó mà bắt được con nào.