GEN QUỶ DI TRUYỀN PHẦN 2 - Chương 6
Số là hôm ấy bà Khơ mãi không thấy chồng về, trời thì đã về khuya trong lòng lại cứ bồn chồn không yên, nên bà xách đèn pin đi tìm cái ông chồng nát rượu của mình. Lúc đi ngang qua nhà A Nùng bà mơ hồ thấy có cái bóng đen đang đứng lù lù bên hông nhà, mặt dí sát vào vách tường nhìn vào bên trong. Bà đưa cái đèn pin về bên ấy, miệng hỏi lớn.
– A Nùng hay đứa nào đấy, đêm hôm rồi còn đứng đấy làm gì.
Cùng lúc ấy ánh đèn pin sáng trắng cũng chiếu vào mặt kẻ kia, gương mặt trắng xanh như tàu lá, hai mắt đỏ ngầu ngầu đầy tức giận, trên miệng là nhơ nhớp máu và dớp dãi. Bộ quần áo trên người xộc xệch loang lổ máu. Đôi mắt nó bây giờ đang nhìn chằm chằm vào bà đầy căm tức.
Bà Khơ sợ hãi hai chân run rẩy bước lùi về sau, khuôn miệng mấp máy như muốn hét lên, nhưng kẻ kia không cho bà cơ hội, nó nhảy chồm đến đè bà trên đất, sau đó một tiếng kêu đau đớn vang lên rồi im bặt.
A Nùng đang ngủ trong nhà bị giật mình vì tiếng kêu, vội vàng bật dậy tay với lấy cây đèn lúc nào cũng đặt trên đầu giường chạy ra.
Đập vào mắt A Nùng, một cái bóng đen đang ngồi chồm hỗm, mồm không ngừng vục xuống dưới mà cắn xé. Tiếng chóp chép vang lên không ngừng, một mùi hôi thối bốc lên khiến A Nùng phải bịt mũi. Anh lên tiếng rồi chiếu đèn pin để nhìn cho rõ:
– Ai? Ai làm gì ngoài đó thế?
Ánh sáng từ chiếc đèn pin của A Nùng còn chưa chiếu đến, cái bóng đen đã lập tức nhảy bật lên rồi nhanh chóng chạy mất hút vào trong bóng tối, lẩn khuất sau những tàng cây rậm rạp.
Một chiếc đèn pin nằm sẵn dưới đất, bị nó đạp trúng lúc chạy trốn, đèn đang tắt ngóm vô tình lại sáng lên, ánh sáng phát ra quét một đường như chiếc quạt giấy rồi dừng lại. A Nùng kinh hãi, lấy tay che mặt để khỏi trông thấy cảnh tượng khủng khiếp.
Ở giữa sân nhà anh, ánh sáng từ chiếc đèn pin chiếu thẳng vào một người phụ nữ đang nằm duỗi thẳng cẳng trong vũng máu đang dần vón thành cục, khuôn mặt trắng bệch, môi thâm đen, mắt mở trợn trừng, hai hốc mắt không ngừng rỉ ra dòng máu đen ngòm. Búi tóc bị bung ra lòa xòa rũ rượi che nửa khuôn mặt, ấy thế nhưng, nhờ vào cái nốt ruồi to bằng hạt đậu đen mọc ở sống mũi nên A Nùng vẫn nhận ra được ấy là ai.
Ở đâu khác thì không biết, chứ nếu ở bản này chỉ duy nhất một người có cái nốt ruồi như vậy. Ấy chính là bà Khơ. A Nùng đánh bạo lại gần, đưa tay lên rờ cánh mũi bà Khơ. Sau khoảng mấy giây, không cảm nhận được hơi thở, anh vội hét toáng lên:
– Ối giàng ơi có người chết, có người chết… mọi người ơi có người chết.
Mọi người quanh đấy nhanh chóng tụ tập lại khi nghe tiếng kinh hô của A Nùng. Bấy giờ, có nhiều ánh đèn hơn chiếu vào, cảnh tượng cái chết của bà Khơ lại thêm phần khiếp sợ.
Chiếc áo màu nâu bên ngoài bục khuy cài đang đóng lên từng lớp vảy máu khô, cái áo cánh trắng đục bên trong cũng được nhuộm một màu đỏ sẫm, bụng của bà Khơ bị xé toạc làm đôi, tim gan lòng phèo bị lôi tuột ra bên ngoài, có khúc lòng bị gặm nham nhở, in nguyên hình cả dấu răng, từ đó nhểu ra chất dịch màu vàng vàng, sánh sánh. Cái mùi bốc lên hôi thối khó ngửi, còn đậm đà hơn cả mùi khi làm lòng lợn.
Có người dân trong bản chỉ mới đến nơi, chỉ nghe tiếng xì xào bà Khơ chết đã vội quay lưng chạy đi gọi mo làng. Cũng may mà anh ta chưa tò mò vào xem tận mắt, nếu không đến 9 phần là chân tay bủn rủn không có dũng khí để mà cất bước.
Sau một lúc, mo làng cùng với A Tũn cũng đèn đuốc chạy đến. Dân bản rẽ sang hai bên nhường đường cho ông đi vào.
Mo làng ngồi xuống bên cạnh cái xác đang bốc mùi hôi thối của bà Khơ, dùng tay không lật qua lật lại mớ lòng phèo hỗn độn, những mảng mỡ trắng phau phau dính đầy máu tanh. Hai hàng lông mày của ông chợt cau lại, đoạn nhét tất cả vào trong ổ bụng trống hoác của bà Khơ, ông mới quay qua nói với mọi người:
– Hầy. Không ngờ bản ta suốt chục năm qua yên ổn, giờ lại có hổ dữ dám mò xuống quấy phá. Chính nó đã vồ thịt cả đàn gà nhà con Khơ, rồi giờ con Khơ xấu số cũng phải bỏ mạng trước nanh vuốt của nó.
Có người không giấu được sự tò mò, liền lên tiếng hỏi:
– Mo ơi. Nếu là hổ thì tại sao nó không tha xác đi mà chỉ ăn lấy nội tạng? Tôi thật tình không hiểu…
Bản thân ai cũng biết, trong số các loài vật, quạ là giống loài đặc trưng nhất, chuyên đi bới móc ăn nội tạng và thịt thối. Còn hổ là động vật ăn thịt, trông bà Khơ lại béo tốt, thịt đỏ tươi, mỡ màng như thế kia, lý nào nó lại không động đến.
Mấy người xung quanh, trong đó có cả A Nùng cũng đồng tình với những lời trên, đồng loạt hướng mắt nhìn mo làng chờ đợi câu trả lời.