GEN QUỶ DI TRUYỀN PHẦN 2 - Chương 4
A Nùng cười khổ, lần nào qua đây cúng thấy mo cùng thằng con mình đấu khẩu mãi không thôi, đúng là người già và trẻ nhỏ làm thành một cặp mà.
– Thôi bố đi về đây. Hai người ăn uống rồi nghỉ ngơi sớm đi nhé..
AAAAAA
Nói rồi A Nùng đứng dậy đi ra, mo làng ngồi hớp cố lấy ngụm nước chè, ông nhăn mặt phất tay, xùy xùy như đuổi gà:
– Ừ, đi đi. Mày dài dòng văn tự quá… Tao có phải trẻ con đâu..
A Tũn biết bố không ở lại đây được, mặt nó buồn xo, nhưng chẳng còn cách nào khác. Con lợn con gà đến bữa cũng cần phải ăn giống như con người vậy. Bố nó có giải thích nếu để vật nuôi trong nhà chịu đói, mình mang tội với giàng. Để tiếng kêu của chúng gọi bầy thú dữ trên rừng xuống bản, thì mọi chuyện còn tồi tệ hơn.
Vậy cho nên, A Nùng dù rất muốn ở lại với con, nhưng anh không làm được, anh không thể vì cá nhân mà quên đi trách nhiệm của mình.
A Tũn sống chung với mo làng từ nhỏ, lẽ dĩ nhiên nó cũng hiểu được điều này. Có điều nó vẫn chỉ là một đứa trẻ mới chớm tuổi trưởng thành, sự đời còn chưa trải hết, lại thiếu đi tình thương, sự dìu dắt của bố và mẹ, nên nhiều lúc chỉ thuận miệng mà nói, chẳng hề suy nghĩ đến trước sau.
A Tũn lẽo đẽo theo chân tiễn bố một quãng mới quay lưng trở về nhà mo làng mà không hay biết rằng hai dấu răng phía sau cổ của nó, cũng chính là dấu ấn quỷ đang ửng đỏ như than hồng bốc lên tia khói đen mỏng manh.
A Nùng trở về đến nhà, thấy đàn gà đàn lợn đang nháo nhác, anh vội vàng cho chúng ăn rồi mới chuẩn bị cơm nước cho bữa tối.
Trời về đêm nóng như đổ lửa, điện đóm yếu khiến cho chiếc quạt điện quay lờ đờ chẳng đủ đuổi muỗi. A Nùng phanh hết ngực áo nằm vắt tay lên trán, tay kia phe phẩy chiếc quạt nan, mắt lim dim giấc ngủ chập chờn.
Chợt anh nghe có tiếng rục rịch ở trên mái nhà, thoạt đầu nghĩ là lũ chuột đang đuổi nhau, chuyện này xảy ra như cơm bữa, đêm nào cũng vài ba lần nên anh cũng mặc kệ.
Ấy thế nhưng tiếng rục rịch mỗi lúc một lớn dần khiến A Nùng khó chịu, đã khó ngủ càng khó ngủ hơn. Anh bật dậy với tay bật công tắc đèn rồi cầm cây sào trong góc chọc vài cái lên mái nhà, đánh động cho lũ chuột sợ mà bỏ chạy. Một hồi thấy im ắng, anh mới yên tâm nằm lại xuống giường.
Vừa thiêm thiếp chưa được mấy phút thì tiếng rục rịch lại vang lên. Lần này, A Nùng còn nghe như có cả tiếng bước chân đang đi trên mái nhà, sột soạt, sột soạt từng tiếng theo từng bước chậm rãi. Liền sau đó là tiếng cọt kẹt như tiếng mối ăn gỗ, những thanh âm hỗn độn xen kẽ khiến A Nùng khó chịu.
Biết chắc đây không phải là lũ chuột bọ, trong lòng A Nùng tự dưng dấy lên một cảm giác bất an, bụng thầm nghĩ:
– Hay. Hay là có trộm?
Nhưng suy nghĩ ấy của anh nhanh chóng bị gạt bỏ, bởi nhà của anh nghèo nhất nhì cái bản này, ngoài cái quạt điện cổ lỗ sĩ ra thì chẳng có gì quý giá, với lại cửa chính không đi cạy, trộm nó leo lên mái nhà để làm gì. Đánh động lũ gà trong chuồng dậy chẳng khác nào rước họa vào thân.
Hơn nữa, cũng lâu lắm rồi trong bản không xảy ra vụ trộm cắp nào. Cuộc sống hiện đại tân tiến hơn, dù không được như người dưới xuôi, nhưng ở đây, người dân cho nhau củ sắn củ khoai, con gà con lợn còn được, không ai đến mức phải thiếu thốn không đủ cái ăn như trước.
Đoạn, A Nùng nín thở, dỏng tai lắng nghe từng động tĩnh một. Anh muốn biết cái thứ đang gây ra tiếng động trên mái ấy là gì. Đêm khuya thanh vắng, nghe thấy rõ cả tiếng quả tim trong lồng ngực đang đập thình thịch. Tiếng động vẫn không ngừng phát ra thôi thúc sự tò mò.
Tay thủ sẵn con dao quắm và cây đèn pin, A Nùng nhẹ nhàng trở dậy, nhón nhẹ chân mở cửa ra bên ngoài.
Bước xuống từng bậc cầu thang gỗ một cách chậm rãi, cố gắng để không phát ra tiếng động, A Nùng đi ra tới giữa khoảng đất rộng, nơi có thể nhìn thấy được toàn bộ phần mái nhà.
Trong đêm tối, đưa mắt nhìn lên chỉ thấy một màu đen như hũ nút. A Nùng vuốt ngực hít lấy một hơi thật sâu rồi bất ngờ rọi thẳng đèn pin lên mái nhà, đồng thời hét lên:
– Ai? Ai đang ở trên đấy?
Cái bóng đen thùi lùi đang ngồi cào trên mái lá bị ánh pin chiếu vào, nó giật mình một cái, từ cuống họng phát ra tiếng khè khè giận dữ, nhanh như cắt nó nhảy đánh uỳnh xuống đất rồi chạy mất hút vào trong đám cây rậm rạp liền ngay sau đó.
Chỉ kịp trông thấy cái bóng dáng của người, không thấy rõ khuôn mặt thì nó đã chạy mất khiến A Nùng cũng bị bất ngờ, không tin được là có kẻ đang mò mẫm trên mái nhà của mình.
Anh đánh rơi cả chiếc đèn pin trong tay, đứng hình mất một lúc nên không kịp đuổi theo.