Đợi tôi từ bỏ anh ấy mới đến - Chương 1
Ngày 29 tháng 7 năm 2012.
Hẻm Phúc An, Long Xuyên.
Một buổi sáng đẹp trời ngày thứ hai, ánh nắng ấm áp phủ quanh người tôi qua khung cửa sổ. Tôi bật dậy hít sâu một hơi đón nhận ánh sáng trong vắt của ngày mới trong khi mắt còn chưa mở hẳn. Vừa đúng lúc có người đẩy cửa bước vào, giọng nói quen thuộc từ mẹ dịu dàng nhắc nhở: “Nguyên Ánh, dậy ra ăn sáng nè con, lát nữa còn theo mẹ ra chợ mua ít đồ.”
Xác định được phương hướng của tiếng gọi, tôi quay mặt sang phía mẹ, ngáp một hơi dài, đưa tay dụi dụi da mắt không muốn hoạt động của mình: “Dạ con ra liền.”
Mẹ biết tôi là đứa trẻ hiểu chuyện không cần phải gọi đến lần hai tôi tự khắc sẽ dậy nên mẹ khép cửa phòng rồi rời đi trả lại sự riêng tư cho tôi. Vệ sinh cá nhân xong tất cả tôi thay một bộ đồ khác để chốc nữa cùng mẹ ra ngoài, mặc đồ ngủ ra đường dù gì cũng thấy hơi kì lạ.
Căn trọ gia đình tôi ở hiện tại không hẹp cũng không rộng vừa đủ ở. Từ ngoài cửa bước vào nhìn sẽ giống không gian chữ T ngược, bên trái đầu chữ T sẽ là khuôn bếp và bàn ghế ăn, bên phải là nơi tiếp khách có ghế sofa dài, bàn tròn và chiếc tivi khá cũ kĩ. Đi vào thêm vài bước là thân chữ T, bên trái là phòng của tôi còn bên phải là phòng của cha mẹ, hai phòng đều có phòng tắm tích hợp WC.
Gia đình tôi chỉ có ba người, cha tôi kinh doanh buôn bán nhỏ chủ yếu là thực phẩm và nước uống, còn mẹ đảm chức nội trợ trong nhà. Thế nên kinh tế của cả nhà hầu hết đều phụ thuộc vào cha. Vì để lo cho tôi và mẹ đầy đủ cái ăn cái mặc mà cha tôi làm thêm ở xưởng giày cách nhà 10km. Sáng 7 giờ cha đi làm ở xưởng nên thường mẹ sẽ canh cửa hàng dùm cha, chiều về cha thay mẹ canh cửa hàng tiếp tục đến 8 giờ tối. Tôi nghe cha kể rằng cửa hàng của cha hồi trước là căn nhà lá của ông bà nội tôi, nhưng do ông bà mất rồi nên vì để tiết kiệm tiền cha chỉ kêu thợ xây cửa hàng bằng diện tích của một căn phòng vừa vừa đủ để chứa đồ bán.
Một ngày cha làm suốt 13 tiếng đồng hồ không được chợp mắt nghỉ ngơi nên phải nói là áp lực công việc rất lớn. Mẹ con tôi hiểu cho gánh nặng của cha, cứ hễ có món ngon đồ bổ nào đều để cha ăn trước tiên. Có đôi khi cha mệt mỏi hiện rõ lên mặt nhưng lại không nói. Những lúc như thế tôi và mẹ sẽ ở kế bên đấm bóp, mát xa, kể đủ thứ chuyện cười cho cha nghe.
Hôm nay cũng thế, nhưng hình như có vẻ nghiêm trọng hơn mọi ngày. Tôi vừa rời khỏi cửa phòng ba bước chân thì đã nghe được giọng nói lo lắng xen chút hoang mang vang rõ từ khuôn bếp truyền đến tai: “Cái gì? Sao lại không cần tới xưởng nữa.”
Cha đang nghe điện thoại nên tôi chỉ nghe được mỗi lời cha nói, không nghe được đầu dây bên kia là ai đang đáp lại. Nhưng theo trí nhớ và suy đoán mỏng của tôi thì chắc là chú Tư Đốc, cha thân với chú ấy nhất. Chú là con trai thứ tư lại tên Đốc nên tôi mới gọi như thế, mỗi lần chú qua nhà tôi là y rằng hôm đó tôi có sô cô la để ăn vì chú biết tôi thích đồ ngọt. Nhà chú không gần nhà tôi mà ở gần xưởng, vì vậy có chuyện gì ở xưởng là chú gọi báo cho cha tôi ngay.
Sau câu hỏi của cha, người ở đâu dây bên kia có vẻ đang giải thích làm tôi không nghe ngóng được gì. Mặc dù là người ngoài cuộc nhưng thấy cha như vậy lòng tôi cũng không yên. Tôi nhướng mày sang nhìn mẹ ý hỏi chuyện gì đang xảy ra, mẹ lắc lắc đầu đáp lại tỏ ý mẹ cũng không biết.
Im lặng lắng nghe được một lúc, cha lên tiếng nhưng không còn hoang mang như ban nãy nữa, thay vào đó là đang cam chịu: “Tôi biết rồi.”
Đoán mò không bằng hỏi rõ, tôi bước đến cạnh bàn ăn chỗ cha đang ngồi, đặt tay lên vai cha nhỏ giọng hỏi: “Có chuyện gì vậy cha?”
Trước lời tò mò của tôi, cha khom người chống khuỷu tay lên bàn, tay phải xoa xoa huyệt Ấn Đường, hàng mày rậm nhíu lại, trong lời nói có chút rầu rĩ: “Chú Tư Đốc nói xưởng không được phép hoạt động nữa, không cần phải đi làm. Nghe đâu lúc sáng công an vào xưởng kiểm tra đột xuất, phát hiện xưởng thu mua chất gây hại để làm giày dép. Ban đầu giấy cấp phép chủ tịch xưởng trình lên hoàn toàn không có ghi chất ấy. Giờ công an vào cuộc, tra ra chứng cứ vi phạm rành rành, khó tránh khỏi việc xưởng ngưng hoạt động.”
Quả đúng như tôi đoán, người nói chuyện điện thoại với cha tôi ban nãy là chú Tư Đốc. Do nhà ở gần xưởng nên những việc mà chú thông báo cha tôi đều tin hết mực vì nó có khả năng chuẩn xác cao, không phải lời của người đồn kẻ thổi.
Công việc vốn đang trên bờ ổn định nay lại không còn nữa. Mất đi một công ăn chuyện làm, cha tôi u sầu không chút vui vẻ. Từ trong đáy mắt cha có thể thấy được nỗi lo trùng trùng. Mẹ tôi nhìn mà xót biết bao nhưng chẳng thể giúp được gì, chỉ còn nước dùng lời an ủi để nguôi ngoai tinh thần cha: “Không sao đâu mình à, không còn việc này thì mình kiếm việc khác. Vả lại nhà mình còn cái tạp hóa nhỏ mà, mình đừng lo không đủ ăn đủ sống.”
Tôi hùa theo mẹ, đôn thêm vài câu: “Mẹ nói đúng đấy cha, cha đừng buồn nữa. Con tin thế nào cha cũng tìm được công việc mới thôi ạ, cha con siêu siêu tài luôn đó.”
Nói rồi tôi giơ ngón tay cái lên hướng về cha ý nói cha là số một trong lòng tôi, là người vừa tài giỏi vừa siêng năng mà tôi luôn ngưỡng mộ. Như nhận được tín hiệu từ tôi, cha phì cười, vẻ mặt buồn bã vơi đi để lại nụ cười hiền từ cùng đuôi mắt cong cong mang vẻ yêu chiều, cha với tay tới xoa đầu tôi: “Rồi rồi, tôi nhận được lời động viên rồi nhé cô nương nhỏ, cảm ơn con.”
Bầu không khí căng thẳng đã trở lại bình thường. Tôi, cha và mẹ ngồi quanh chiếc bàn gỗ dùng bữa sáng. Ba người chúng tôi như mọi khi, vừa ăn vừa tán gẫu nhiều câu chuyện khác nhau. Mọi phiền muộn cũng theo những lời kể, tiếng cười lấp lờ đi như chưa từng có.
Ăn sáng xong xuôi tôi phải cùng mẹ ra chợ, lúc chuẩn bị ra khỏi cửa mẹ quay lại nhắc nhẹ cha đừng lo nhiều sinh bệnh: “Mình ở nhà nhé, em với con ra chợ mua ít đồ nấu buổi trưa. Nay em thấy mình cũng mệt, mình ở nhà nghỉ ngơi đi, tạp hóa tạm đóng cửa một ngày không sao đâu.”
Cha yêu mẹ lắm, hễ ở nhà là không cho mẹ đụng tới bất cứ việc nhà nào. Bây giờ cha đang rửa chén dĩa trong bếp, nghe thấy tiếng mẹ nhắc liền lên tiếng phản hồi: “Anh biết rồi, hai mẹ con cứ việc yên tâm, đi sớm về sớm nhé!”