Đồ Đệ Diêm Vương - Phần 4 - chương 5
Hắn rảo bước theo cô gái tới nhà ăn, ở đây mọi người đã chờ sẵn, chính giữa phòng ăn là một cái bàn tròn lớn, nếu tính cả hắn là có 8 người, nhưng sao lại có 9 chiếc ghế và 9 bộ bát đũa, trong suốt thời gian bữa ăn diễn ra không hề có ai ngồi vào chỗ trống đó cả, hắn cũng thầm đoán có thể đấy là chỗ ngồi của bà vợ cả thầy Tú. Mọi người vừa ăn vừa nói chuyện vui vẻ, Trần Phong được thầy Tú cùng các sư mẫu giải thích cũng hiểu ra một vài điều.
Đầu tiên là ông thầy Tú có 7 bà vợ, chắc chắn không sai. Chỉ có điều bà cả thì chỉ có những dịp đặc biệt mới gặp được, còn khi nào gặp thì hắn khắc hiểu, các sư mẫu cũng không phải ở hẳn đây, hôm nay thầy đón Trần Phong về, đối với thầy như một điều trọng đại muốn tuyên bố, thế nên thầy triệu tập tất cả mọi người lại, còn bình thường thì các sư mẫu ở nơi khác, biệt phủ này cũng chỉ có mình sư mẫu Mộc Tử ở cùng thầy.
Điều thứ 2, vì thầy quá giàu nên các sư mẫu ở nơi khác là để quản lý sản nghiệp của thầy, mỗi sư mẫu đều đứng đầu một doanh nghiệp với các ngành nghề khác nhau, từ bất động sản, nhà hàng, khu du lịch nghỉ dưỡng hay chăm sóc y tế sức khỏe…
Trần Phong không khỏi ngỡ ngàng quay sang vặn:
– Này! Thế sư phụ nói thật cho tôi đi, sư phụ ăn cướp giết người, hay bắt cóc tống tiền vậy, tôi… sang chấn tâm lý rồi đấy!
Thầy Tú hai tay hai cái đùi gà, mồm thì nhồm nhoàm nói, rõ ràng là có các sư mẫu cùng người giúp việc ở đây, thế mà chẳng giữ tí ý tự mẹ gì cả:
– Ta trên thông thiên… oàm oàm… thông thiên văn, dưới… oàm oàm… Mẹ gà dai quá!
– Thôi tôi biết rồi! Thầy trên thông thiên văn dưới tường địa lý, gi gỉ gì gi cái gì cũng biết. Thầy ăn xong đi rồi hãy nói. Gớm bỏ mẹ!
Nhìn lão như vậy mà các sư mẫu cũng không ai ra tay chấn chỉnh, chỉ tủm tỉm cười, cái điệu cười không phải cười chọc quê lão, mà cái điệu cười giống như chính cái nết đó làm bọn họ yêu thích.
Điều thứ 3, là điều mà Trần Phong thắc mắc nhất, hà cớ làm sao các sư mẫu lại đồng ý chung chồng như vậy, rồi làm sao mấy người giúp việc trong nhà này đều xưng hô kỳ lạ như thế, nếu nội thất trong nhà không phải hàng hiện đại, thì hắn có cảm giác như đang xuyên không về thời phong kiến vậy. Cái này thì sau bữa cơm, lúc ngồi ngoài lầu vọng cảnh cùng thầy Tú uống trà, lão mới giải thích cho hắn hiểu:
– Hày! Tiểu tử, như ta đã nói với ngươi từ trước, ta vốn chuyển sinh qua nhiều kiếp, thế nên ta đã sống quen với lễ giáo phong kiến ngày xưa, các sư mẫu ngươi có biết chuyện này nhưng chỉ biết một phần sự việc. Gia nhân trong nhà thì không ai biết cả, nhưng ta và các sư mẫu chọn người cũng rất cẩn thận, ta cũng nhìn thấu tâm can từng người, tất cả đều được giáo huấn đàng hoàng. Ta chỉ có một yêu cầu là họ phải xưng hô theo lối cổ thôi, với lại ta cũng không phải là người hẹp hòi, chỉ có gia phong trong nhà theo lối phong kiến chút, chứ mọi người đều bình đằng, cũng không có miệt thị hay đánh chửi gia nhân bao giờ.
Trần Phong biết không chỉ có thế, mà xây nhà theo lối kiến trúc cổ phương Đông này, nó giống như một dạng hình thức “áp chế tâm lý” những người sống bên trong, khiến họ bị cuốn theo nét gia phong mà chủ nhà đề ra. Để dễ hiểu hơn thì có thể lấy vài ví dụ điển hình như các bệnh viện luôn là màu tươi sáng, tạo cảm giác tươi mới, tràn đầy năng lượng, khiến cho bệnh nhân tinh thần phấn chấn; các công trình liên quan đến hành chính pháp luật thì phần đế luôn sẫm màu tạo cảm giác chắc chắn và xây đối xứng với ý nghĩa như cán cân công lý, nhà tù hay trại giam, tường nếu không được xây bằng đá thì cũng họa những chi tiết đá tạo cảm giác đè nén, không thể vượt qua cho tù nhân; hoặc gần nhất như đình chùa thường họa long vân uốn lượn, tạo cảm giác thiêng liêng, khiến người đến vãn cảnh dù vô tình cũng sinh lòng thành kính. Hắn học chuyên ngành Kiến trúc nên thừa hiểu, chính lối kiến trúc này đã uốn mọi người ở đây tuân theo sự sắp đặt kiểu phong kiến của thầy Tú. Sau này hắn còn biết thêm các khối nhà ở đây được bố trí theo trận đồ Thiên quan – Tọa sát nữa.
– Thế tại sao cô gái kia – Trần Phong chỉ vào Tuyết Mai đang đứng chờ ở đằng xa: “Cô ấy cứ gọi tôi là Thiếu chủ là thế nào ?”
Thầy Tú nhấp một ngụm nước chè, ngửa mặt lên trời đăm chiêu rồi nói:
– Nếu ngươi đọc truyện hay xem phim, hẳn ngươi cũng biết, mối quan hệ Sư phụ và Đệ tử không giống như là Thầy trò trên trường lớp a. Ngươi giờ là đệ tử của ta, cũng giống như con trai ta vậy, nên ngoài ta và các sư mẫu thì ngươi là người có quyền nhất ở đây, nếu ta không còn, thì cơ nghiệp này là của ngươi à
– Cái gì? Sư phụ bắt tôi phải quản cái đống hỗn hợp này á? Thôi tôi xin sư phụ đừng chết sớm, xin sư phụ đừng chết sớm. Tiền thì ai cũng thích đấy như cái này thật quá sự tưởng tượng của tôi.
Thầy Tú nhổ bẹt ngụm nước chè ra mắng:
– Hày a! Tiểu tử nhà ngươi! Sao ta nghe như ngươi đang rủa ta chết sớm vậy a
– Sư phụ có chết hay không cũng đâu khác gì nhau đâu
Trần Phong quay sang cãi ngang, thì thấy Mộc Tử đi tới, cô mỉm cười rồi nói với hai thầy trò:
– Sư đồ các người tính tình đều ngang ngược như nhau vậy
Đoạn cô quay sang Trần Phong nói:
– Tuyết Mai vốn là người của ta, giờ con bé sẽ là người của con
Trần Phong nhăn nhó:
– Ôi sư mẫu ơi là sư mẫu! Người đem cô gái đó về đi, con không cần đâu, con lớn rồi tự lo được.
Nhưng hắn còn chưa nói xong thì Mộc Tử giơ tay ngăn lại, giọng điệu vẫn rất nhẹ nhàng từ tốn nhưng chứa đựng một mệnh lệnh không thể cưỡng lại, có lẽ cũng vì cốt cách này mà có thể giữ được nề nếp trong nhà như thế:
– Không được! Chặng đường của con còn dài, ta biết sắp tới con còn phải theo thầy học pháp, sẽ rất vất vả đấy. Nếu như không có người chăm lo cho con thì sớm muộn gì con cũng sẽ kiệt sức. Cứ quyết định vậy đi, ta qua căn dặn con bé vài điều.