Đồ Đệ Diêm Vương - Phần 2 - Chương 3
Cái đêm trước khi Trần Phong lên Hà Nội, lúc hắn đang ngủ ngon thì bà Thuyết lặng lẽ từ tầng dưới đi lên, bà nhẹ nhàng nằm xuống cạnh hắn. Tuy rằng là mẹ con, nhưng Trần Phong cũng thanh niên lớn tướng rồi, đến tai bạn bè lại bị bọn nó cười cho lớn rồi còn rúc nách mẹ. Nhưng mà “Con dù lớn vẫn là con của mẹ” trong mắt bà Thuyết hắn vẫn là đứa trẻ hay ăn vạ khóc nhè ngày nào. Nhìn thằng con trai 18 năm chăm sóc, giờ đây sắp phải buông tay nó ra để nó vẫy vùng cuộc sống, vui vì con đã trưởng thành nhưng lòng bà vẫn đau đáu không nguôi. Nhìn ngắm con ngủ say, bà vắt tay lên trán mường tượng lại hồi bà mới hơn 23 tuổi và cái đêm hôm ấy, cái đêm Trần Phong ra đời.
Trai mồng 1, gái mười rằm, ấy là cái câu dân gian ta vẫn hay nói những đứa trẻ sinh vào ngày này thường khó nuôi, tính khí bướng bỉnh. Nhưng đáng lẽ ra Trần Phong sẽ không sinh vào ngày đó đâu, bố mẹ hắn đều làm Y nên ông bà ấy rành lắm.
Bà Thuyết chửa được ba tháng thì hai vợ chồng dọn ra ở riêng, cái nhà kho cũ mua lại của hợp tác xã mà bây giờ được xây mới thành nhà hắn đang ở, vừa hay gần Trạm Y tế, tiện đi lại làm việc, bà tính ngày thì Trần Phong sẽ đẻ vào giữa tháng 3 dương, khoảng cuối tháng 2 âm lịch, nhưng chẳng hiểu sao quá hạn 9 tháng 10 ngày rồi hắn vẫn không chịu chui ra, cũng không chịu quay đầu, bà Thuyết cũng không có dấu hiệu gì sắp sinh cả. Đi lên tuyến huyện khám cho chắc, thì họ cũng bảo tim thai bình thường, mọi chỉ số sinh của thai nhi vẫn rất tốt, có thể bà mang thai con đầu lòng nên chửa trâu, thai bị già tháng. Họ khẳng định ăn chắc lắm, còn cho ông bà ấy xem cả điện đồ của Trần Phong, hai người làm Y cả nên cũng thừa hiểu. Chứ không thì bác sĩ đã chỉ định buộc phải mổ để đưa hắn ra ngoài rồi.
Nhưng mấy hôm sau, đêm mồng 1 tháng 3 âm, bố hắn đi công tác trên tỉnh không về, hồi bấy giờ muốn gọi điện thoại còn phải ra bưu điện để gọi, làm gì có điện thoại di động như giờ. Hôm ấy mới đầu tháng mà tự nhiên trời trăng sáng lắm, lại cũng chẳng ai để ý điều đó, làng quê yên bình ấy còn chìm sâu trong giấc ngủ, chỉ có bà Thuyết vì nằm một mình trong nhà nên trằn trọc. Nằm chán quá bà liền mở cửa sổ ra cho mát, hít chút không khí trong lành. Nhưng một lúc sau thì có Nguyệt thực, hay người ta vẫn hay gọi là hiện tượng Gấu ăn trăng, rồi tự nhiên trời đang quang đãng là thế, mây đen và gió lốc ở đâu kéo đến. Giữa đêm mưa gió bão bùng ấy thì bà Thuyết đột nhiên trở dạ, cũng vì chủ quan nên bà cũng không nhờ mẹ chồng sang ngủ cùng, nào ngờ…
Rõ ràng ban chiều không có dấu hiệu chuyển dạ gì cả nhưng giờ cơn đau lại như bà sắp sinh vậy, bà Thuyết cố gắng kêu lớn nhờ sự giúp đỡ nhưng không có ai trả lời. Làm gì có ai nghe thấy mà trả lời, ngoài trời mưa gió sấm chớp bão bùng, tiếng gió như cuồng phong sắp tới, như muốn lấn át hết tiếng kêu của bà.
Tuy là lần đầu mang thai nhưng với kiến thức Y học cùng kinh nghiệm đỡ đẻ, bà biết nếu sắp sinh thì sinh môn phải có dấu hiệu mở ra, để trẻ chui ra ngoài. Nhưng không, qua cảm nhận của cơ thể, bà thấy mình chẳng có dấu hiệu nào của việc sắp sinh cả, ngoài cơn đau do đứa bé trong người đang quẫy đạp, như muốn xé rác ổ bụng để chui ra thì các dấu hiệu khác hoàn toàn không có, cứ như thể ông trời không muốn bà sinh đứa bé này ra vậy. Cố gắng chịu đựng cơn đau, bà Thuyết cố lê lết ra đến cửa, định cố sang nhà hàng xóm nhờ giúp đỡ, mặc dù ngoài trời mưa to lắm, sấm chớp liên hồi.
Vừa mới mở được then cửa thì đột nhiên có cơn đau nhói ở chân, bà ngã vật ra sàn nhà, định thần nhìn lại thì hóa ra có một con mãng xà to đùng, không biết chui vào nhà từ bao giờ và nó rúc ở chỗ nào để bây giờ mới chui ra.
Con mãng xà cắn phập vào bắp đùi bà Thuyết rồi dùng thân mình quấn chặt lấy chân, bà hốt hoảng cầm then cửa đánh mạnh vào nó, được một lúc nó mới chịu nhả ra. Nhưng nó lại trườn ra đến trước cửa mà nằm cuộn tròn ở đấy, ngỏng đầu lên lè cái lưỡi dài ra mà phát những tiếng khè khè ghê rợn. Không làm sao được, đứa bé trong bụng vẫn quẫy đạp liên hồi, bà biết nếu không kịp thời sinh nó ra thì sắp tới bà cũng không chịu được cơn đau nữa, nếu ngất ra đấy thì con mình có thể sẽ bị chết ngạt. Xé miếng vải từ cái áo để buộc chặt trên chỗ rắn cắn hạn chế lưu thông máu, một tay cầm then cửa đề phòng con mãng xà, một tay bám vào thành giường, lưng dựa vào tường, bà Thuyết bắt đầu rặn đẻ.
Tiếng gào đau đớn của bà Thuyết như thi gan cùng với tiếng sấm chớp của ông trời, nhưng gần tiếng đồng hồ trôi qua bà vẫn không có dấu hiệu biến chuyển khả quan hơn, sức lực bắt đầu cạn kiệt dần, mồ hôi trên người vã ra như tắm, đứa bé trong bụng thì vẫn cứ quẫy đạp. Rồi bà vớ lấy con dao gọt hoa quả trên bàn, biết không lâu sau mình sẽ không còn đủ sức chống cự nữa, bà quyết định… tự rạch tầng sinh môn.
Lưng vẫn dựa vào tường, tay kia vẫn cầm chặt then cửa, bà Thuyết cầm ngược con dao, đưa vào vị trí tầng sinh môn của mình rồi rạch một đường. Nhưng thế chưa phải là hết, rạch tầng sinh môn thường là để giúp đứa trẻ chui ra được dễ hơn, nhưng đây là để bà thò được tay vào. Bà đỡ đẻ nhiều rồi, từng thò tay đỡ đẻ nhiều bà bầu rồi, vậy mà giờ phải tự rạch tầng sinh môn để thò tay vào đỡ đẻ cho chính mình. Nhưng Trần Phong cũng là cái thằng tai ngược, bà sờ mãi không thấy đầu hắn đâu, như lời bác sĩ bệnh viện huyện nói, hắn vẫn chưa quay đầu xuống. Đến nước này bà đành liều túm được cái gì thì lôi đại hắn ra.
Chuyện đẻ thường, mổ đẻ, hay tự đẻ rất nhiều, thậm chí những ca khó đẻ cũng vô số vì ít ra khó nhưng rồi vẫn đẻ được. Nhưng thử tưởng tượng xem, một bà bầu bụng to vượt mặt, lại phải gò người uốn lưng, rạch tầng sinh môn rồi thò tay vào để tự đỡ đẻ cho mình, mà cái thai còn đang nằm ngược. Khó có thể tưởng tượng được bà Thuyết đã phải chịu đau đớn và khó khăn thế nào! Nhưng tình mẫu tử thiêng liêng, đến mất đi tính mạng mình còn không sợ thì sợ gì cơn đau nữa. Được một lúc bà túm được chân của Trần Phong, nhưng vì thằng ranh con này nằm ngược nên không thể lôi ra một cách nhanh chóng được. Bà Thuyết vừa phải rặn, vừa phải khéo léo lách lách dần lôi hắn ra ngoài. Cơn đau lại tăng lên cả ngàn lần nữa.
Rồi cũng lôi được con mình ra, bà cũng sắp kiệt sức, may sao cũng đã chuẩn bị nhiều đồ đạc trước đó, lấy khăn sạch lau cho Trần Phong, cắt dây rốn của hắn, cuộn hắn vào trong lòng, đang định vạch tí cho bú thì bà chợt nhận ra… hắn không khóc. Bà hết vỗ vào hắn rồi gào lên trong đau đớn: “Không! Không, không! Con ơi, tỉnh lại đi con ơi! Khóc đi con ơi! Khóc cho mẹ xem nào? Không! không!”
Bà ôm chặt đứa con đang tím ngắt vào lòng mà gào khóc, dường như cái đau đớn thể xác bây giờ không còn cảm thấy nữa, mà chỉ còn thấy nỗi đau xé ruột xé gan trong lòng. Tiếng khóc của bà như muốn thấu đến tận trời xanh, còn ông trời thì đáp lại bằng những trận mưa và sấm chớp.
Đang ôm chặt con trong lòng như thế, nỗi tuyệt vọng đã hoàn toàn bao trùm, thì Trần Phong cất tiếng khóc.
Hắn khóc rất to, rất vang như thách thức số phận. Rồi như để đáp lại tiếng khóc của hắn, ông trời lại giáng một trận sấm sét xuống inh ỏi. Ngoài sân tiếng sét nổ đùng đùng, không biết có đánh trúng nhà hắn không nhưng xem ra tiếng sét nổ gần lắm. Mà có đánh trúng cũng không sao, nhà kho cũ của hợp tác xã bê tông cốt thép, lại có cột thu lôi nữa nên có đánh trúng cũng chẳng hề hấn gì cả. Bà Thuyết vội vàng đút ngay núm vú vào mồm hắn cho hắn uống những giọt sữa mẹ đầu tiên ấm áp. Mắt bà bắt đầu mờ đi, chân tay bủn rủn, cũng không còn sức để leo lên giường nằm, bà nằm vật ra đất, cố lấy cái thúng đựng đồ úp lấy Trần Phong vì vẫn còn sợ con mãng xà ngoài cửa. Rồi bà cũng lịm dần, lịm dần…
Trước khi hoàn toàn mất đi ý thức, bà vẫn nghe thấy tiếng con mãng xà đang khè khè ngày một gần, rồi nó trườn qua người bà, bò đến gần cái thúng. Bà Thuyết biết, chút sức lực còn lại duy trì ý thức mỏng manh của mình còn không thể mở mắt nổi, thì làm sao cử động để cứu con được. Bà chỉ còn biết cầu trời phù hộ, nhưng bà lại không biết rằng, ông trời đang nổi giận.