Đồ Đệ Diêm Vương - Phần 2 - Chương 1
Có lẽ phía trước của hắn chỉ có hai con đường.
Trong cái phòng trọ hơn 10 mét vuông, hai thằng bạn thân của Trần Phong đang tranh nhau cây đàn ghita hắn mới ném cho, nhằm chặn đứng cái sự tò mò của chúng:
– …thằng đi dạy thêm, đứa làm tiếp thị, thằng làm quán cơm, tối về một gói mỳ tôm.
– Chuyển xẩm chế đi mày!
– Ờ ờ! Cuộc đời anh sinh viên, hết tiền nhà lại nghèo, mà em cứ đòi hỏi nhiều.
Thằng Kiên đánh đàn, thằng Trung hát theo, cái bài hát quá đỗi thân thuộc đời sinh viên bao người. Còn Trần Phong thì đang hì hụi rán cá, thấy bảo tối nay có trận World cup nên hai thằng kia háo hức lắm, nhưng Trần Phong thì kệ mẹ luôn. Được cái hắn không mê bóng bánh, nên hôm nọ nhà bên cạnh xóm trọ hắn xem World cup, đêm hôm hô lớn quá hắn không ngủ được, thế là cái thằng mả mẹ này ra cột điện dập ngay cầu giao tổng nhà người ta xuống, đúng cái lúc xem chừng như căng thẳng lắm. Đen đủi làm sao cửa nhà họ gắn camera, nên trước khi con mắt thần ấy mất điện cũng kịp ghi lại kẻ thủ ác là ai. Không vì Trần Phong có thâm tình với nhà chủ trọ, thì thằng xăm trổ hàng xóm kia cũng giã cho hắn một trận thừa sống thiếu chết.
Ngược dòng thời gian trở lại vài tháng trước.
Sau vụ tai nạn của thằng cu Don thì xóm làng ấy lại thay đổi theo chiều hướng đi xuống, công trường đóng cửa không biết bao giờ mới mở trở lại. Nếu chỉ vì cái chết của thằng cu Don mà đóng cửa cả công trường thì vô lý quá, cũng có biết bao nhiêu công trường trên thế giới, chuyện tai nạn trong lao động chết mấy người còn chẳng đóng cửa huống gì là một đứa bé như cu Don. Nhưng Trần Phong thì hiểu rõ, kẻ bí ẩn đằng sau đã đạt được mục đích tìm kiếm khi mở khu mỏ này ra, vụ tai nạn của cu Don vừa vặn lại là một cái cớ hoàn hảo. Đội công nhân cũng vì thế mà giải tán hết, chỉ còn lại vài bảo vệ trông nom, làm cho nguồn thu nhập của nhiều hộ gia đình cũng sụt giảm. Những nhà vốn từ đầu đã có căn cơ như nhà bác Kến tạp hóa, nhà bác Diển đồ gỗ hay nhà anh Cường vàng mã thì vẫn duy trì được mặc kệ có công nhân hay không, chỉ có điều thu nhập giảm hơn chút. Nhưng những nhà mạnh dạn vay vốn đầu tư thì thê thảm nặng, ngân hàng xiết nợ, bạn bè xa lánh, người thân người nhà cũng trở mặt ngay tức thì. Thậm chí có nhà còn bỏ xứ mà đi, vì lỡ vay vốn đầu tư cửa hàng điện máy gia dụng… Cũng vì thế mà trong đám ngồi lê đôi mách ở chợ, có nhiều người ác mồm ác miệng lắm:
– Ôi giời ơi! Cái thằng nhãi con ấy chết thì chết mẹ nó đi, nó không kéo theo bố mẹ nó chết đi lại kéo theo cả nhà tôi nữa.
– Thôi bà ơi! chứ không phải bà chỉ tính đường thắng mà không tính đường thua à? Vay thì nó cũng vừa vừa thôi chứ.
– Thì… thì tôi có biết đâu.
Hôm 49 ngày thằng Don, Trần Phong nghe loáng thoáng mẹ hắn nói chuyện với cô Hến là hình như cô bầu được hơn 2 tháng rồi. Hai cô chú lúc ấy cũng sụt sùi kể lại việc tối hôm đó gặp thằng bé về thăm nhà, thì ra nó đã biết mẹ nó đang bầu em gái. Tuy đợt đầu còn phân vân lắm, nhưng giờ thì hai cô chú cũng đã hiểu. Tới tận tối hôm đó, Trần Phong mới lân la hỏi chuyện chú Trai về các cấp lãnh đạo ở trên, vì không nói cho chú biết những gì xảy ra trong khu mỏ hôm đó nên hắn mới phải vừa lựa lời bịa chuyện, vừa khéo sắp đặt tình huống để chú khỏi thắc mắc.
– Tổng giám đốc á! Chú cũng không rõ, quản lý cấp thấp như chú thì biết làm sao được, chỉ biết đó là công ty khai khoáng nước ngoài, hình như của Trung Quốc thì phải. Họ có nhiều mỏ khai khoáng lắm, trải dài trên cả nước mình cơ.
Chú Trai nhấp ngụm nước chè, ngồi nói chuyện cùng với bác Diển về những dự định tương lai của hai cô chú. Thằng Don mất thì cũng mất rồi, có đau lòng thì vẫn phải tiếp tục sống, sống cho người ở, sống cho kẻ đi và sống cho một sinh linh sắp sửa chào đời.
Lại nói về cuộc sống của Trần Phong sau cái ngày thầy Tú đi, phải nói đêm nào hắn cũng trằn trọc mất ngủ. Không nghe thấy, không nhìn thấy thì thôi, chứ đã nghe đã nhìn thấy rồi thì chẳng thể bỏ những thứ ấy ra khỏi đầu được. Thời gian đầu, đêm nào trong cơn mộng mị, hắn cũng nghe loáng thoáng bên tai bao nhiêu là âm thanh hỗn tạp mà không thể dịch ra được. Lúc gần, lúc xa, có lúc thì như mấy bà đi chợ sớm buôn chuyện đứng ngay cửa, lúc thì lại như hẳn một cái chợ ngay ngoài ngõ vậy. Rồi hắn bật dậy mà nhìn ra ngoài lại chẳng thấy gì, nhưng đến chính ngày hôm sau, sau khi đã đánh răng rửa mặt hắn lại tự hỏi mình không biết đêm qua có dậy thật hay không. Càng ngày những âm thanh ấy càng rõ dần, rõ dần, rồi đến lúc hắn nghe được rõ nghĩa, hắn mới biết đấy là âm thanh của người chết, của cõi âm. Rồi sự việc càng tệ hại hơn, dường như những hồn ma ấy biết là có người sống nhận ra sự tồn tại của chúng, bọn chúng bắt đầu phá quấy cuộc sống của Trần Phong.
Đêm nào cũng vậy, khi đã hiểu được những âm thanh kia là gì, hắn lại bắt đầu bị bóng đè. Cứ có bàn tay nắm lấy cổ chân hắn mà kéo, rồi có bàn tay còn sờ lên bóp cổ, lực tuy không mạnh, không làm hại được hắn nhưng khiến hắn rất khó chịu, vì cái cảm giác nó rất thật. Phải nói đau nhất là cái cảm giác như bị đầu đũa ấn mạnh vào trước ngực, ngay vùng tim, đau đớn vô cùng nhưng khi tỉnh dậy lại không còn cảm giác ấy nữa. Suốt cả tháng trời bị hành hạ như thế khiến hắn sợ phải đi ngủ, gầy đi trông thấy, bố mẹ hắn lại càng tẩm bổ thêm vì nghĩ thằng con mình đang ôn thi vất vả. Trần Phong đem chuyện kể cho mẹ hắn, bà Thuyết thì làm Trưởng trạm Y tế xã, theo khoa học hiện đại, bà cũng có lễ bái chùa chiền đấy, chỉ là hơi tín tí thôi, chứ không đến nỗi mê. Nhưng ban đầu bà giải thích theo khoa học, thì hiện tượng bóng đè mà do cơ thể mệt mỏi, hệ thần kinh đã tỉnh rồi nhưng cơ thể chưa tỉnh, nên người bị bóng đè mới có cảm giác không cử động được là như vậy. Nhưng Trần Phong cũng phản bác, thế còn việc cảm giác bị nắm chân, bị bóp cổ thì sao, lại nhiều âm thanh nghe được bên tai nữa. Điều này hắn nhắc tới nhiều đến mức, bố hắn, ông Phục vốn là người báng bổ thần thánh hạng nặng cũng phải bảo bà Thuyết dẫn hắn đi xem thầy xem thế nào.