Đồ Đệ Diêm Vương - Phần 1- Chương 21
Mãi Trần Phong mới thấy ông thầy pháp này cho mình một chút cảm giác an toàn thì giờ thầy lại bảo phải đuổi theo nó vào tận hang ổ, bộ thầy còn muốn bắt nốt nó về để chơi nữa hả thầy, hắn giẫy nẩy lên:
– Ôi thôi tôi xin thầy, tôi lậy thầy, thầy cho tôi về, cứu được cu Don rồi thì thầy cho tôi về chứ tôi sợ lắm rồi
Thầy Tú vẫn vuốt vuốt tí râu lún phún dưới cằm mà cười:
– Tiểu tử, ngươi đã nhận ta làm sư phụ thì nhất nhất mọi việc phải nghe theo ý ta, yên tâm sẽ có lợi cho ngươi
Tức thì Trần Phong đứng phắt dậy đôi co:
– Tôi nhận ông làm sư phụ lúc nào? Hả?
– Á à! Nghịch đồ! Vừa nãy còn đồng ý làm đệ tử của ta, chưa được canh giờ mà đã định làm phản hả?
– Này nhá! Tôi bảo là thoát ra khỏi đây đã rồi tính, giờ còn chưa thoát ra khỏi đây, mà thoát ra khỏi đây thì cũng “rồi tính” chứ tôi có nói sẽ làm đệ tử của ông đâu.
Biết không đôi co được quả này với Trần Phong, lão thầy Tú đành kiếm cớ khác:
– Vậy ngươi giỏi thì về một mình đi, ngoài kia còn Bách Quỷ Lộ, còn Mê trận đó, đừng nói ta không nói trước a.
Lần này thì Trần Phong phải chịu:
– Vâng! Thôi tôi thua thầy rồi, thầy muốn đi xem thì đi, rồi còn về kẻo muộn.
Nói xong hai người tiến lại vách đá đằng sau chỗ tên quỷ tướng lúc nãy ngồi, thầy Tú đưa tay lên sờ sờ, thầy cứ mò dần mò dần ra xung quanh thì phát hiện ra một khe nứt nhỏ, cũng vừa cho một người chui vào, thầy ra hiệu cho Trần Phong rồi sau đó chui vào trước, Trần Phong cũng chui vào theo thầy. Men hết theo khe nứt đó hai người lại gặp một khoảng trống nhỏ, đúng hơn giống như một cái sân nhỏ, mà sau cái sân đó là một cái cổng đá được chạm khắc hoa văn tinh xảo, những hình vẽ trên cổng có chút quen quen, có cảm giác như có chút nét vẽ của tranh Đông Hồ.
Thầy Tú quan sát kỹ một hồi rồi lấy tay đẩy cánh cổng đi vào trong, Trần Phong cũng đi theo, hắn cầm đèn pin bật lên soi xung quanh, thì bên trong lại gặp một không gian rộng lớn hơn nhiều so với bên ngoài. Không gian bên trong giống như hình tròn, xung quanh tường có 6 cây cột chống đỡ, giữa khoảng trống các cột có đặt một bức tượng nhìn có vẻ là thiên binh thiên tướng cao đến 3 mét, vậy là có 7 bức tượng thiên binh hình thù khác nhau, nhưng ngay dưới sàn, chỗ thiên binh đứng lại đặt cái thùng gỗ gì đó có họa tiết nhìn giống như quan tài nhưng lại dựng đứng, nhìn có vẽ cũ lắm rồi, rồi tất cả hướng mặt của thùng gỗ đó đều hướng chỉ vào vị trí trung tâm của vòng tròn, tại đây có một miệng giếng nhỏ, giếng không có thành nên miệng giếng bằng với sàn nhà luôn, nước thì đen ngòm.
Thầy Tú đang đứng cạnh cái thùng gỗ liền ra hiệu với Trần Phong:
– Tiểu tử lại đây, phụ ta mở cái nắp quan tài này ra.
Lần này thì Trần Phong tay chân rụng rời, hóa ra đây đúng là một cổ mộ:
– Ôi giời ơi! Thầy ơi là thầy! Tôi đã tự nhủ nó không phải là quan tài rồi, thầy đừng có nói ra như vậy có được không?
Nói thì nói vậy nhưng Trần Phong vẫn phải làm theo chỉ thị của thầy Tú, không làm thì đến bao giờ mới ra được khỏi đây, ông thầy cầm đèn soi còn Trần Phong thì ra sức cậy cái nắp dựng đứng ấy ra, cũng may cái quan tài dựng đứng này đã quá cũ kỹ, nên hắn ra sức một lúc là cậy được, nắp quan tài vừa mở thì thầy Tú liền soi đèn vào. Lập tức thầy Tú mắt trợn lên, bật lùi ra đằng sau, cái gì mà lại khiến ông thầy gọi được cả Thiên lôi sỡ hãi đến vậy:
– Thất… thất… thất sát tỏa hồn trận. Mau… mau đóng nắp quan tài lại.
Trần Phong nghe thấy cũng lập tức làm theo, nhưng vì sự hiếu kỳ nên khi đóng nắp hắn cũng phải nhìn xem trong quan tài có gì mà thầy lại sợ đến vậy. Trong quan tài là một xác ướp khô quắt, hai tay hai chân bị đóng ghim lại, bị nhét vào quan tài trong tư thế ngồi, nhìn thì cũng kinh đấy, nhưng Trần Phong nhìn đám quỷ trên Bách Quỷ Lộ còn kinh khủng hơn thế này nhiều, dù sao đây cũng chỉ là một cái xác khô, còn đám quỷ trên kia thì máu me, óc não, tim gan phèo phổi có đủ cả, hơn nữa lại còn đang ngoe nguẩy, cái xác này thì đã là cái gì. Trần Phong vừa đóng nắp quan tài lại thì thầy Tú ra hiệu lập tức rời khỏi đây, sau khi đóng lại cánh cổng, hai người lách qua khe đá ra được ngoài rồi, thầy Tú cứ đi băng băng khiến Trần Phong đuổi theo cũng phải hết hơi, vừa đuổi theo hắn vừa hỏi:
– Thầy, cái gì mà làm thầy sợ vậy, cái xác khô còn không bằng đám quỷ trên kia.
Thầy Tú vẫn cứ cắm đầu, vừa đi vừa nói:
– Cái ta sợ không phải là vẻ kinh dị của nó, mà ta sợ là cách làm ra nó và sức mạnh của nó
Theo thầy Tú kể, Thất sát tỏa hồn trận này dùng 7 mạng người mà làm thành, tất cả đều làm nam giới từ 15 đến 17 tuổi, nạn nhân sẽ bị đánh dập hết các khớp xương tay chân để không cử động được, rồi đục một lỗ trên đỉnh đầu để đổ thủy ngân vào, điều đáng sợ là khi đổ thủy ngân vào thì người này vẫn còn sống, tim vẫn còn đập thì thủy ngân mới theo máu đi khắp cơ thể được, rồi được xếp vào trong quan tài trong tư thế ngồi, cho uống một thứ thuốc đặc biệt để không thể nói, không thể nhìn, không thể nghe, nhưng đau đớn thì vẫn cảm nhận được. Vì quá trình đổ thủy ngân diễn ra rất dài, có thể mất nửa tháng mới xong nên người này được cho ngậm sâm để kéo dài hơi sống. Loại tra tấn này thì so với móc mắt, cắt lưỡi còn chưa là gì, muốn chết không được, muốn sống không xong, trong thời gian chờ chết mà còn phải chịu đau đớn thể xác, không kêu được, không nghe được, không nhìn được, không cử động được, giống như bị giam trong chính cơ thể của mình vậy.
Trần Phong nghe thầy Tú kể xong cũng rùng mình về sự tàn nhẫn của nó, chưa kịp nói gì thì thầy lại nói tiếp:
– Ta vẫn chưa hiểu tại sao nó lại được bố trí tại đây, nhưng là Thất sát tỏa hồn trận thì những tên ma quỷ kia không có yếu đến như vậy, ta cũng không hiểu sao ngoài cổ mộ không có tượng hung thú hoặc tượng quỷ binh canh giữ, bên trong lại có tượng thiên binh thiên tướng quay mình hướng vào trong như vậy. Hày a! thật là khó hiểu a.
Vừa đi vừa nói, hai người đã ra khỏi khu rừng, ra tới đoạn đường mòn, thì Trần Phong lại không thấy đám quỷ lố nhố trên Bách Quỷ Lộ đâu, cả hai đi một mạch về đến cổng khu mỏ, lách qua tấm tôn rồi an toàn chui ra ngoài, lúc này Trần Phong mới hỏi:
– Ơ thầy! Sao Bách Quỷ Lộ với Mê Trận không thấy đâu?
Thầy Tú dừng lại, ngoái nhìn ngọn núi âm u sau lưng rồi trả lời:
– Vừa nãy tên quỷ tướng bị lôi phạt, chắc nó không còn đủ pháp lực để duy trì nữa, nhưng chúng ta cũng không được lơ là,
Rồi thầy hất hàm hỏi:
– Mấy giờ rồi?
– 3 giờ! Không! Hơn 3h sáng rồi thầy ạ! Mình ra khỏi nhà hơn 4 tiếng rồi.
Thầy Tú giục:
– Vậy thì về nhanh còn kịp.
Trần Phong móc cái điện thoại cục gạch trong balo ra xem giờ xong thì hắn thấy một tin nhắn nữa của ai đó không lưu trong danh bạ vừa mới nhắn tới cách đây vài phút: “Anh về chưa! Em Ngân đây”.
Ối giời ơi, sướng quá, giờ mà Ngân vẫn còn quan tâm nhớ đến mình, nên hắn phải tức tốc nhắn lại ngay, vừa đi vừa nhắn, lại cười tủm tỉm:
– Ủa! Ngân nào, anh chỉ biết mỗi em Ngân con bố Bình thôi – Đúng là cái đồ mặt dầy, cái câu “em Ngân con bố Bình” nếu người nghe mà hữu ý ra thì có thể hiểu hắn đang gọi ông Bình là bố.
– Thì em Ngân con bố Bình hàng xóm đây, em lấy điện thoại thằng em trai em nhắn.
– Ủa sao nó được dùng điện thoại mà em lại không được dùng.
– Thì bố em đâu có cho con gái dùng điện thoại. Anh về chưa? Thấy anh bảo tối nay đi với thầy Tú, không hiểu sao em thấy lo lo không ngủ được.
– Anh về gần đến nhà rồi, em ngủ đi, 3 giờ rồi đấy, mai còn phải sang đám sớm làm cơm.
– Vâng! Anh cũng nghỉ ngơi đi.
Cả đoạn đường về nhà hai anh chị nhắn tin với nhau, câu từ thì đơn giản thôi nhưng trong lòng thì khéo đang mùi mẫn lắm, ông thầy Tú biết
nhưng chỉ liếc mắt nhìn, có vẻ như việc đó lại hợp với ý của thầy quá.