Đồ Đệ Diêm Vương - Phần 1 - Chương 1
Hầu như bất kỳ ai sinh ra trên đời… đều gắn với 2 chữ SỐ PHẬN
Hầu như… hầu như là vậy.
Năm đó là hè 2008, khóa 1990 còn đang học lớp 12 chuẩn bị thi đại học. Thì làng quê phía Bắc Trung Bộ ấy đột nhiên phát triển nhanh chóng, vì một lẽ, ngọn núi sau trường gần trường cấp 3 nơi Trần Phong học phát hiện ra một mỏ quặng Crom, theo đó công ty khai khoáng đưa máy móc và nhân công các nơi về, cũng kéo theo những dịch vụ xung quanh khu mỏ phát triển lên. Nào là ăn sáng, ăn trưa, ăn tối, rồi ăn đêm. Phòng trọ, trà đá, café, karaoke và cả maxa đèn tỏ đèn mờ nữa, vậy nên kinh tế của từng hộ gia đình cũng khấm khá.
Ngã ba đường trung tâm của xã giờ là ngã tư, vì mọc thêm con đường dẫn vào khu công trường nữa, và dĩ nhiên những nhà ngay mặt đường ngã tư ấy đều được lợi rất lớn. Như nhà bác Kến cửa hàng tạp hóa ngay gần lối vào công trường, vốn buôn bán nhỏ lẻ, hàng ngày chỉ bán quanh quẩn cho các cô các chị đi chợ sớm thì nay đầu tư mở rộng hẳn cửa hàng thành cái siêu thị mini, ngày nào cũng có con xe tải chở đằng sau nguyên 1 thùng nồi niêu xoong chảo bát đũa, chăn chiếu gối đệm, thập cẩm các kiểu. Nhà Ông Diển chuyên đóng đồ gỗ đang hẩm hiu thì giờ lúc nào cũng đục đục, đẽo đẽo, bày ra trước cửa các kiểu giường, sạp, tủ giá rẻ cho công nhân lựa chọn, còn thêm cả quan tài nữa. Chỉ có nhà anh Cường vàng mã là vẫn thế, ngoài những ngày lễ tết cổ truyền, mồng 1 hay mười rằm, thì chỉ có lúc chết, người ta mới nhớ đến.
Khu chợ gần đấy cũng được mở rộng ra để phục vụ nhiều người hơn, các tiểu thương ở quanh đó cũng đổ về đăng ký ki ốt bán hàng, rồi phía ngoài chợ thì nhan nhản các quầy ăn sáng như xôi, bún, cháo, phở, lòng lợn tiết canh. Khu nhà tập thể công nhân thì gần chợ, sáng nào đi làm các cô các chị đều tranh thủ đi chợ sớm nấu cơm và chuẩn bị luôn cho bữa chiều, vài ông có vợ làm cùng thì còn ăn sáng ở nhà, còn đâu đều kéo ra quán ăn hết.
Ông bố vợ tương lai và mẹ vợ tương lai của Trần Phong làm nghề mổ lợn, tức là sau này cưới con gái họ thì gọi như vậy, chứ hồi đó chưa có bố con gì hết. Sáng sớm nào cũng vậy, từ 3h sáng là cả nhà ông bố vợ lại lục tục kéo nhau hò hét mổ lợn inh ỏi cả xóm, mấy ông bạn rượu tuy không phải trong đội giết mổ cũng mò sang, vì biết cái tính ông Bình hào sảng, chỉ cần có mặt hoặc cùng lắm động tay động chân vào một tí là sẵn sàng thiết ngay mâm tiết canh hoặc cả đĩa lòng to để cả đám ngồi nhắm. Em Ngân, tức vợ tương lai của Trần Phong thì khổ hơn, nhà làm nghề giết lợn tuy rằng kinh tế có khá hơn chút so với những nhà làm nông xung quanh, nhưng ông bố lại phát xít, gia trưởng. Với người ngoài hào sảng bấy nhiêu thì với con cái lại khắt khe hơn nữa. Sau này lấy về, nghe em ấy tỉ tê kể chuyện mới biết, Ngân từ bé đã phải một tay quán xuyến hết việc nhà, hai đàn lợn vừa thịt vừa đẻ, mấy chục con gà, năm con trâu, chưa kể vườn tược đồng áng. Ông Bình thì bán ăn sáng cháo lòng tiết canh, vì cái tay nghề làm món lòng của ông khá ngon nên quán rất đông khách, và cũng vì ông hay cho nợ nữa. Bà Yên, vợ ông Bình, thì bán thịt lợn ngay đầu cổng chợ, gần với lối vào khu công trường, sáng sáng các bà các cô từ công nhân đến người dân xung quanh đều xúm xít quanh sạp hàng của bà Yên và con mụ Nguyệt đối diện. Bà Yên thì bán rẻ, đồ tươi ngon, còn mụ Nguyệt thì đương tuổi hồi xuân phơi phới, giọng nói mời chào lả lướt, sẵn thêm combo 2 quả bưởi lấp ló dưới cái cúc áo không biết lỡ bung ra từ bao giờ, khiến đám đực rựa lâu ngày chỉ biết đào xúc trong mỏ nhìn là muốn vồ tới mà đào, mà xúc cho nó thỏa. Nhưng đầu tiên là phải làm quen được với mụ đã, mà thế thì chỉ có cách mua hàng, rồi lân la trêu hoa ghẹo … Nguyệt. Thế nên sạp thịt Bình Yên và sạp thịt Thu Nguyệt tuy lúc nào cũng đông nhưng luôn ở trạng thái đối địch lẫn nhau, chỉ một lý do rất nhỏ cũng có thể xảy ra cãi vã.
– Này! Chứ tôi nói cho cô Nguyệt biết nhé! Khách thích mua của ai thì mua, cớ làm sao khách đang chỗ tôi cô lại gọi sang chỗ cô là sao hả?
– Ô! thế mình nhà chị biết chào hàng à? Tôi gọi mà khách sang chỗ tôi tức là chị không biết giữ khách còn gì nữa.
– Á à con đĩ này! Cái con không chồng không con này! Mày thích già mồm với bà đó phỏng?
– Bà cứ thích già mồm đấy! Mày đã không giữ được khách thì đến chồng mày cũng vào tay bà nhé!
Ông Bình đang phụ bà Yên chặt thịt lợn nghe câu đấy thì cũng thấy sướng trong lòng lắm, ai chứ con mụ Nguyệt đâu chỉ mình đám dê già lớn tuổi như ông, mà cả bọn dê trẻ, dê non cũng còn thèm nhỏ dãi.
Kể từ khi có khu mỏ mở ra, là đám học sinh cấp 3 lại có thêm một con đường đi học. Đường tạm có hai đầu, một đầu ra phía làng, tiện cho người công nhân từ khu nhà tập thể đi vào, một đầu thì ngay gần trường cấp 3, cạnh đường lớn tiện cho xe tải đi vào, bình thường bọn nó hay đi đường chính trải nhựa đến trường nhưng đường lại vòng qua núi, cũng khá là xa, chưa kể có đoạn phải đạp xe lên dốc, nên khi khu mỏ mở ra chúng nó tranh thủ luôn con đường tạm trong khu mỏ mà đi học, rút ngắn thời gian và khoảng cách rất nhiều, tuy rằng đường sỏi đất nhưng cũng rộng vì để xe tải còn chạy vào, với lại thời điểm học sinh đến trường và tan học cũng cùng với thời điểm công nhân đi và tan làm, nên cái lối đi ấy luôn đông đúc. Trời khô thì khói bụi, mà trời mưa thì lầy lội kinh người.
….
– Anh Phong ơi! Lão đại, lão đại ơi!
8h tối, thằng cu Don, học lớp 8, hàng xóm cách nhà Trần Phong một cái ruộng mía và phía sau nhà ông Bình réo gọi ở cổng, nói gần thì gần đấy, nhưng gần nhà xa ngõ, buổi tối hai chúng nó mò sang nhà nhau cũng rất ngại, nhưng vì cái kèo đấu game với bọn làng bên không đi không được. Trần Phong còn đang ngồi mài đũng quần trên ghế, mặt úp vào quyển đề cương ôn tập, hắn định lát nữa sẽ lấy cớ đi sang nhà bạn hỏi bài để đi chơi điện tử với thằng Don thì mả mẹ nó chứ. Đã dặn bao nhiêu lần rồi, muốn hẹn nhau đi chơi thì phải thầm lặng một tí, một là dặn trước nhau, cứ thời gian đấy, cứ địa điểm đấy mà gặp mặt. Hai là phải lấy cớ trước, câu đầu tiên phải gọi cho to vào, phải hét cho lớn vào, rằng “Bài này khó quá anh Phong ơi giúp em cái” … rằng “Anh Phong ơi giải giúp em bài vật lý, anh Phong ơi giải giúp em bài hình học” thì kiểu gì cũng quanh minh chính đại mà đi ra, không cần nhìn thái độ của bà Thuyết, mẹ thằng Phong, đang ngồi phòng khách với mấy tờ báo lấy trên cơ quan về, bà hắng giọng: “E hèm! Chứ năm cuối rồi, không đỗ Đại học thì tao sắm cho cái cày với con trâu, rồi lấy con bé Ngân nhà ông Bình nhé, thằng Bố mày vẫn thường nói thế đấy”.
Trần Phong chỉ cười hề hề cho qua chuyện. Cái kiểu ở quê, cứ động tí thì dọa lấy chồng, lấy vợ, rồi sắm cho cái cày con trâu, dọa chúng nó hồi bé thì được, chứ bây giờ đứa nào nó tin nữa. Với lại các ông các bà rảnh rỗi ngồi nước chè, điếu thuốc với nhau hết chuyện thì lôi con cái nhau ra bàn tán, rồi sướng mồm lên lại gán ghép thằng này với con nọ. Bọn thanh niên chúng nó bây giờ cũng nhàm chả buồn phản ứng. Trần Phong cười cho qua chuyện thế thôi, chứ trong lòng hắn cũng có chút rung động. Thanh niên mười tám đôi mươi rồi, tuy tấm chiếu mới chưa từng trải nhưng đâu thể không động lòng được.
Thực ra mà nói, em Ngân, dưới Trần Phong 2 tuổi, con gái lớn ông Bình và là vợ hắn sau này thì bói chục thầy cũng chả ai nghĩ đến lượt hắn. Phần vì trong lứa mười sáu trong làng, Ngân nổi tiếng xinh đẹp trắng trẻo nhất, phần vì ông Bình nổi tiếng khắt khe, ông dậy con theo kiểu con gái phải rất nề nếp, không được ăn tiết canh, không được uống nước chè, con gái không được ngủ trưa, đi ăn cỗ ai gắp gì cho thì ăn chứ tuyệt nhiên không được tự gắp và còn nhiều cái quá thể đáng khác nữa. Với lại xung quanh ai cũng thấy, Ngân rất đảm đang mọi chuyện trong nhà, nên nhà nào có đứa chống gậy cũng nói với ông Bình tranh phần kiểu: “Tôi ướm con bé cho thằng cu nhà tôi nhé”. Trần Phong cũng tặc lưỡi nghĩ trong đầu: “Em Ngân ngon lành như thế, khéo sau này lại có anh đại gia nào đó đóng vai hoàng tử đến rước nàng Lọ Lem đi, chứ bao giờ mới đến lượt mình. Nhưng mà, thật ra, có cho…. đây cũng không từ chối.”