Cương Thi Dân Tộc phần 1: Mo ác Hồi sinh - Chương 22
– Hừ, mày nói thế nào ấy chứ. Có phải là lũ hồn ma bóng quế đâu mà muốn ẩn thì ẩn, muốn hiện là hiện chứ.
Nghe hai chú cháu tranh luận, nhất là chất giọng oang oang của chú Hơ Nây khiến cho già làng đinh tai nhức óc, ông xua tay:
– Thôi, thôi. Thằng Điểu Bé nói đúng đấy. Những trang giấy trắng này, đúng là được viết bằng mực tàng hình.
Chú Hơ Nây vẫn mạnh miệng phản bác:
– Trừ phi tôi được nhìn thấy tận mắt. Chứ già có nói nữa, nói mãi, tôi cũng không có tin đâu.
Già làng lắc đầu ngán ngẩm. Cách trị những tên cứng đầu như thế này, chỉ có cách là cho nó sáng mắt ra. Già đưa mắt ra hiệu cho Điểu Bé. Cậu hiểu ý, vội tháo chiếc đèn dầu trên giữa gian thờ xuống, giữ nguyên trên tay.
Già làng đưa tờ giấy hơ trên ngọn lửa, cố gắng giữ khoảng cách vừa đủ, không để cho lửa bén vào trang giấy. Chú Hơ Nây trông thấy cảnh tượng này, không khỏi phì lên cười:
– Già ơi! Già và thằng Điểu Bé đang làm cái trò gì thế? Không khéo cháy nhà thì tôi không chịu….
Tràng cười chưa có dứt, lời thì vẫn chưa nói xong. Chú Hơ Nây lập tức im bặt, mắt tròn xoe, mồm há hốc ngạc nhiên khi trông thấy, những hàng chữ bắt đầu xuất hiện, mỗi lúc một dày đặc trên trang giấy. Chú thốt lên:
– Ối giàng ơi… Có ma… Có maaa!!!
Già làng cũng đã xong công việc, toàn bộ những nét chữ tàng hình nay đã phủ kín trang giấy. Ông quay sang gõ một cái thật đau vào đầu chú Hơ Nây rồi quát lên:
– Mày không biết thì im đi cho tao nhờ!!! Loại chữ này được viết bằng nước cốt chanh. Chỉ hiện ra khi được hơ trên lửa thôi. Rõ chửa? Mày phải chịu khó, lên trên phố huyện, mà dần dần tiếp thu với thế giới bên ngoài đi. Suốt ngày chỉ ma với cỏ!!!
Chú Hơ Nây ôm đầu, tỏ ra đau đớn. Có vẻ như ban nãy, già làng cũng có phần hơi mạnh tay thật.
Già làng chẳng còn để ý đến chú Hơ Nây nữa. Ông và Điểu Bé tiếp tục hơ lửa những trang giấy còn lại. Đến khi toàn bộ những dòng chữ hiện ra hết, ông mới chịu dừng lại. Đoạn lại ngồi xuống dưới sàn nhà, già làng nâng cuốn sách lên, nheo mắt đọc những hàng chữ vừa mới xuất hiện. Đọc lướt qua một lượt, già làng nhìn Điểu Bé mà lắc đầu, tặc lưỡi:
– Đúng là loại ngải đó rồi. Hơn nữa, kẻ này còn nắm trong tay rất nhiều loại ngải độc khác. Ta cần phải xem qua một chút, phòng khi có lúc trong bản ai dính ngải còn biết đường chữa, có rất nhiều loại mà ta chưa biết đến, có lẽ nó đã bị thất chuyền từ lâu.
Điểu Bé trong lòng rất muốn hỏi thêm già làng một số điều mà cậu vẫn còn đang thắc mắc. Nhưng trông thái độ tập trung của ông, cậu lại thôi, không dám mở miệng làm phiền.
Thời gian trôi qua, già làng vẫn nghiền ngẫm từng trang giấy một. Thi thoảng ông lại thở dài, lắc đầu mà tặc lưỡi:
– Không ngờ trên đời này, lại có nhiều loại ngải đáng sợ tới vậy. Kẻ đã viết ra cuốn sách này, hẳn là đã phải mất nhiều thời gian và công sức lắm. Đúng là không có tính người mà.
Bất giác, mắt của già làng nhíu lại, miệng lẩm nhẩm đọc: “Thuật hồi sinh”.
Loại thuật này cũng là một trong số những tà thuật được viết bằng mực tàng hình, vậy nên già làng cũng gặp một chút khó khăn khi đọc
Trong đây có viết, muốn luyện được thuật này, có ba điều cốt yếu. Thiếu một trong ba điều này, ắt không thể thành công được. Trước tiên phải tìm một kẻ mang trong mình một trái tim độc ác làm chủ thể, kẻ này càng độc ác, tàn bạo bao nhiêu, thì khả năng thành công càng lớn bấy nhiêu.
Thứ hai, địa điểm để luyện thuật hồi sinh, phải là vùng đất hội tụ âm khí, ánh nhật không thể chiếu rọi vào. Thứ ba, cũng chính là điểm thiết yếu nhất, cũng là điều khó thực hiện nhất.
Ấy chính là việc phải chuẩn bị một cỗ quan tài, để giam giữ thân xác và bảo quả trong thời gian luyện thật. Cỗ quan tài này phải được làm từ gỗ của cây hoa hòe có tuổi đời không dưới trăm năm, và phải sử dụng nguyên thân gỗ đó, đục đẽo mà tạo thành một cỗ quan tài nguyên khối.
Sau khi hoàn thành, mới có thể bắt đầu quá trình luyện. Cỗ quan tài này sẽ hấp thu âm khí từ bên ngoài, rồi đưa vào bên trong, nuôi dưỡng thân xác được luyện. Từ đó tu luyện sẽ dần dần được nâng cao. Thi thể ở trong cỗ quan tài càng lâu thì tu vi lại càng cường đại.
Vậy nên, dù những kẻ có luyện được thuật này, cũng không thể biết được bao nhiêu lâu nữa, thi thể của mình sẽ sống dậy.
Một năm, mười năm, thậm chí là cả trăm năm. Ấy có khi còn chưa được tận mắt chứng kiến thành quả của mình, thì đã sớm bị vùi sâu dưới ba tấc đất, vẫn chưa thức tỉnh.
Có lẽ vì lý do đó, nên trước nay chưa ai từng nghe thấy những lời đồn đại về xác chết hồi sinh. Vì nó thực sự rất khó luyện, mà cơ hội thành công lại không cao.
Đọc đến đây, già làng toát hết mồ hôi hột, phải lấy tay mà lau đi những giọt mồ hôi đang lấm tấm trên trán. Ông không ngờ rằng, thuật hồi sinh lại có thật ở trên đời. Và rất có thể, có kẻ đã không ngại khó khăn, lén lút để luyện nó.