Chuyến Xe Đêm - Chương 2
“Sau tối rồi mà chị lại ở đó?” Lý bật chế độ xã giao, hỏi.
Người phụ nữ giọng buồn buồn nói:
“Chị từ dưới quê lên, chị bắt xe ôm từ bến xe tới đó thì tài xế nói đường vắng không chịu chở nữa. Chị năn nỉ ổng, cũng nói sẽ trả tiền gấp đôi nhưng ổng một hai không chịu nên chị bị ổng bỏ xuống đó. Chị cũng gọi thêm mấy chuyến nhưng ai cũng từ chối, cũng may là còn có em nhận chuyến, mấy không chị cũng không biết làm sao.”
Đều là người trong ngành mà nghe nói đồng nghiệp mình hành xử như vậy trên gương mặt Lý lộ ra biểu cảm khó xử.
Cậu tặc lưỡi một cái, giọng trách mắng lên tiếng:
“Người đâu mà ác nhơn vậy không biết, chắc nhà ổng tới giờ giới nghiêm rồi nên mới gấp về như vậy.”
“Hông phải đâu, chị nói em đừng có sợ nha, chứ đường này tà môn lắm nên buổi tối ở đây ít khi nào có xe chạy vào lắm.”
Mười lăm phút cuối cùng của chặng đường, Lý được người phụ nữ kể cho nghe những cố sự kinh dị về ngã ba “tà môn” này. Nhưng nghe xong rồi cậu cũng không thấy tà lắm, chỉ là có chút ngưỡng mộ trí tưởng tượng của đám người đứng sau những câu chuyện này mà thôi.
Chuyện kể hơn mười năm trước ngã ba khi nãy thật ra là một ngã tư, con đường chính nối với đường lộ lớn, hai ngã rẽ còn lại được xem như đường tắt đi đến đường lớn. Duy chỉ có con đường đối diện kia là đặc biệt, nó cũng chính là lý do khiến nơi này biến thành con đường tà môn.
Người dân sống trong khu vực lúc đó gọi con đường đó là “âm lộ” – đường dành cho người âm. Nguyên do là vì con đường đó dẫn đến nghĩa trang tập thể lớn nhất trong thành phố, trên con đường đó đã có hàng chục, hàng trăm hoặc hàng ngàn cỗ quan tài được khiêng qua.
Vì nguyên do đó mà trên con đường này cũng xuất hiện không ít chuyện. Người từng chứng kiến kể rằng, một người vô gia cư được phát hiện đã chết trên đường, người này lúc sống hay sân si, gây rối lại không hề biết ơn đã những người đã giúp đỡ mình. Ông ta bị trúng gió và chết sau một cuộc nhậu nhẹt dưới gầm cầu gần đó.
Sau khi ông ta mất, những người dân ở đó đã bỏ qua mọi chuyện giúp ông tổ chức một tang lễ. Nhưng điều đáng sợ hơn chính là khi quan tài đi đến ngã tư đó, dù cho có đi vào hàng chục lần bọn họ vẫn quay trở lại điểm xuất phát. Cuối cùng người dân phải đặt quan tài ở điểm giao nhau đó, mời nhà sư đến làm lễ mới có thể thành công đem quan tài đến nghĩa trang được.
Thời điểm đó, hai bên đường đều chất đầy chân nhang, mùi giấy đốt, tiền âm phủ và khói nhang lượn lờ khắp con đường.
Vài năm sau, nghĩa trang được tu sửa và có một con đường khác gần hơn để đến đó. Đoạn đường với nhiều tin đồn đã bị thành phố phá bỏ và biến nó thành một hồ nước lớn.
Những tưởng như vậy là đã hết chuyện, nhưng không, sau khi con đường đó bị phá bỏ càng nhiều chuyện đáng sợ hơn đã xảy ra. Rất nhiều xe đột nhiên mất phanh đâm thẳng xuống hồ, người thì bị lạc tại chính điểm giao nhau chưa đến 25m2 kia gần nửa ngày.
Một thầy pháp được mời đến làm phép đã rằng việc phá bỏ con đường kia đã khiến những vong hồn đang trú ngụ trên con đường đó nổi giận. Người dân thường mang bánh trái, nhang đèn và giấy tiền vàng mã đến đó để cúng, việc con đường biến mất đồng nghĩa với việc những vật cúng đó cũng biến mất theo. Điều đó khiến những vong linh ở đó nổi giận và liên tục khiến người đi đường gặp tai nạn.
Tay cầm lái của Lý chầm chậm tăng tốc, đi ra khỏi đoạn đường hẹp là đến một đoạn đường trải nhựa rộng hơn, đèn đường cũng bắt đầu xuất hiện. Nhưng điều đó không khiến cho khung cảnh bên cạnh trở nên bình thường hơn chút nào.
Hóa ra con đường mà Lý đang chạy cũng sẽ lướt ngang qua nghĩa trang tập thể, nhưng nấm mồ tròn lổm chổm khắp nơi trong nghĩa trang. Người phụ nữ cũng bất giác im lặng, sống lưng Lý lạnh toát, miệng nhỏ giọng niệm A di đà phật, mong rằng những linh hồn kia sẽ bỏ qua cho mình.
Ra khỏi khu vực nghĩa trang, một xóm dân cư thấp thoáng xuất hiện trước mặt Lý, người phụ nữ ra hiệu cho cậu dừng lại trước một căn nhà cấp bốn đã xuống cấp trầm trọng. Phía trước có hàng rào, nhưng đó chỉ là một hàng rào được làm từ lưới b40, một người trưởng thành thừa sức đạp đổ.
Nói là nhà cấp 4 chỉ vì bốn bức vách đường làm từ xi măng, còn không gian thì chỉ tầm 30m2 đổ lại. Lý cầm bịch đồ lớn đưa giúp người phụ nữ vào trong, cánh cửa kéo nặng nề được đẩy ra, thanh trượt đã bị rỉ sét vô cùng nặng nên độ trượt cũng không còn trơn tru nữa.
Nhìn thoáng qua bên trong nhà chỉ có một bộ bàn ghế gỗ, một tủ gỗ đựng ly tách và chén dĩa, bên cạnh cửa sổ là một chiếc võng mùng.
Nhìn thấy mấy đôi dép số lớn trước cửa, Lý không nhịn được hỏi:
“Trong nhà chị còn ai không? Em thấy khu này vắng quá, có an toàn không chị?”
“Còn có chồng chị, nhưng mà…” Nói đoạn người phụ nữ đưa tay lên sờ bụng, giọng buồn buồn như sắp khóc nói: “Mấy ngày rồi chị không liên lạc được với ảnh, chồng chị làm lái xe thuê, mấy bữa trước anh lấy xe ba gác chở mấy cái tủ gỗ cho khách. Nhưng từ tối đó đến giờ chị không gọi được cho ảnh nữa, chị sợ ảnh bị tai nạn nên lúc nào cũng túc trực bên điện thoại sợ người ta gọi báo tin.”
Cánh tay đang đặt trên cửa sắt của Lý bất giác siết chặt lại, cậu là người khô khan nên chẳng biết nói lời nào để an ủi. Vợ bầu sắp đẻ mà lại biệt tích thì cũng hơi đáng lo, nhưng vẫn mong là không có chuyện gì.
“Bao nhiêu tiền để chị gửi cho em?”
Lý liếc nhìn qua điện thoại của mình dễ dàng thấy được con số 70000 đồng đã được tính toán xong. Cậu quay sang mỉm cười nói:
“Của chị hết luôn là 30000 ạ.”
“Em có nhầm không? Sao rẻ vậy, chạy cũng hơn ba mươi phút rồi mà?” Người phụ nữ ngạc nhiên hỏi lại.
Lý tắt màn hình điện thoại, đáp:
“Mấy cái này rẻ bèo hà, một ngày đâu có chạy được bao nhiêu cuốc đây mà em phải bớt cho chị. Đúng giá rồi đấy!”
Người phụ nữ vẫn không tin tưởng lắm, bình thường nếu đi xe khác thì cũng phải mất gần 100000 ngàn. Nhưng Lý đã nói vậy, với lại hiện tại kinh tế của cô cũng không dư dả gì nên liền nhanh chóng thanh toán để cậu còn về.
Ra đến cửa, chợt nhớ ra gì đó, Lý quay đầu nói:
“Chị có số điện thoại của em rồi phải không? Mốt muốn đi xe cứ việc gọi em, em ưu tiên cho chị, đi đẻ cũng được luôn.”
Cứ ngỡ đó là một câu nói bình thường, nhưng Lý vừa dứt lời, khóe mắt người phụ nữ chợt ửng đỏ, sống mũi cay xè và khí nóng liên tục bốc lên. Cô đã quá quen thuộc với việc bị từ chối, mỗi lần nhìn thấy cái bụng bầu của cô thì mấy tài xế đều nhanh chóng quay đi.
Cô biết, người tài xế khi nãy cũng vì biến đoạn đường mà ông sẽ chạy qua là như thế nào nên mới bỏ cô lại. Chính vì thế, chỉ bằng một câu nói của Lý đã khiến lớp vỏ bọc trong cô bị xé rách.
Nhìn Lý rời đi xong, người phụ nữ đi vào nhà, đóng cửa lại. Cả ngày phải di chuyển khiến thân thể đã sớm không khỏe của cô phải liên tục biểu tình. Cô đi đến ghế gỗ ngồi phịch xuống, tay đặt lên bụng nhỏ khẽ xoa nhẹ. Không gian căn nhà vốn đã không lớn, hầu như đảo mắt một cái liền có thể nhìn thấy hết, nhưng dù vậy, cô vẫn cảm thấy trống rỗng và cô đơn. Ánh mắt vô tình liếc qua ảnh cưới treo trên tường của hai vợ chồng, nước mắt không nhịn được rơi lộp bộp xuống.
“Anh mau về với mẹ con em đi, chỉ cần anh còn sống thì dù anh có phạm lỗi gì em cũng bỏ qua được. Không có anh thì em với con phải như nào đây.” Giọng nói phảng phất sự bất lực và yếu đuối.
Cô thậm chí đã nghĩ rằng, nếu anh có người phụ nữ bên ngoài cũng được, chỉ cần cho cô một đáp án về sự biến mất này. Chứ anh cứ như thế mà biến mất, cô thì cứ lẩn quẩn tự tìm lý do để biện minh. Thà anh cứ đến rồi nói rõ mọi chuyện, cô đương nhiên sẽ đau lòng, nhưng còn hơn là giống như bây giờ.
Càng nghĩ cô lại càng cảm thấy uất ức mà bắt đầu khóc lên, tiếng khóc kìm nén trong cổ họng nghe qua tai lại đau lòng gấp nhiều lần.
Những căn nhà thưa thớt xung quanh lặng yên dưới ánh đèn đường, tiếng khóc thút thít của người phụ nữ âm ỉ truyền trong không khí nghe thật não lòng. Những đám mây đen bị gió thổi đi để lộ ra ánh trăng rằm tròn vành vạnh treo ở một góc chân trời. Cơn gió lạnh đêm khuya thổi xào xạc bên ngoài, nhưng chiếc lá khô nằm trên đất bị “gọi tỉnh” phải lăn tròn dạt ra tạo thành một con đường.
Tiếng nước nhỏ giọt “tỏng tỏng” trên con đường nhựa, âm thanh phảng phất có chút kinh dị trong không gian tỉnh lặng. Theo thanh âm đó, dường như đã mang ai đó đến vậy.
……………………………….
Lý trở về khu trọ thì cũng đã gần 11 giờ, cũng may là dì Ba vẫn chưa đóng cửa, cậu cũng không thấy bà ấy đâu nên chạy thẳng về phòng trọ. Cậu vừa vào phòng liền cởi áo ngoài ra, đem theo bộ quần áo định sẽ tắm rửa trước rồi mới làm việc khác.
Vừa quay đầu, tiếng dì Ba ở bên ngoài gọi vọng vào, cậu bỏ đồ trên tay xuống, đi đến mở cửa. Cửa vừa mở, đập vào mắt Lý là tô canh sườn đầy đủ màu sắc, mùi vị hấp dẫn sộc thẳng vào mũi.
“Sao vậy dì?” Lý hỏi.
Dì Ba chỉ tô canh trên tay, nói: “Bây đem vào hâm nóng mà ăn, buổi chiều tao nấu nhiều quá mà cái này canh ngọt, sợ đến sáng nó hư thì uổng.”
Lý nhìn tô canh rau củ đầy thịt sườn mà chạnh lòng, hôm nay cậu gặp nhiều chuyện xúc động quá nên nhất thời không điều chỉnh được cảm xúc. Quay đầu lau vội giọt nước mắt vừa rơi xuống, Lý bưng lấy tô canh trên tay dì Ba đặt lên chiếc bàn cạnh cửa sổ.
“Con cảm ơn dì.”
“Không cho bây sáng tao cũng đổ, ơn nghĩa cái gì.” Nói xong lại lấy trong túi ra cái chìa khóa đưa qua, “Cầm lấy! Nhưng có chìa khóa rồi cũng không được về trễ quá có biết không? Để mấy đứa trong khu biết cứ về trễ là xin chía khóa thì chết đấy.”
Lý gật đầu, đáp: “Con biết rồi, dì về nghỉ sớm đi!”
“Ừ, bây ăn xong cũng đi nghỉ sớm đi, thức khuya cho dữ mốt về già rồi ân hận nghe con. Nhớ khóa cổ xe cẩn thận vào đấy!” Dì Ba đi ra đến cửa vẫn không quên dặn dò.
“Dạ.” Lý lại gật gật đầu.
Dì Ba trở về rồi Lý đi vào phòng lấy điện thoại ra định gọi về cho mẹ, nhưng nghĩ nghĩ rồi lại thôi. Ở nơi đất khách chỉ một tô canh chén cơm cũng khiến cậu cảm thấy hạnh phúc và chạnh lòng cùng lúc.
Có được tô canh ngon, trước khi đi tắm Lý vẫn không quên ghim điện nồi cơm. Dù trước đó cậu đã ăn một tô hủ tiếu lớn nhưng giờ dạ dày lại trống rỗng như bị bỏ đói mấy ngày vậy.
Từ trong phòng tắm đi ra, trên tay Lý cầm theo một chiếc túi bằng vải lớn cỡ lòng bàn tay. Hơn mười năm trước cậu vẫn thấy mấy bà dì dưới quê cậu hay dùng loại này để đựng tiền. Đây là thứ Lý nhặt được trên đường về nhà, lúc chạy trở về con đường đó cậu đã thấy túi vải nằm chễnh chệ giữa đường.
Dù không có vật liệu phản quang nhưng nó lại đập thẳng vào mắt Lý, như bị thôi miên, cậu đã mang theo nó trở về.
Bên trong túi là hai chiếc nhẫn bằng vàng, chỉ là không biết đó là vàng giả hay vàng thiệt mà thôi. Bên trong không có bất kỳ giấy tờ nào nên Lý cũng chẳng biết phải làm sao để trả vật này lại cho chủ của nó. Cậu đem túi vải bỏ vào chiếc túi nhỏ mà cậu hay mang theo lúc đi làm, biết đâu chừng lại gặp được chủ nhân của nó.
Nghe theo lời dì Ba, Lý tranh thủ lên giường nghỉ sớm sau khi làm xong mọi chuyện.
Cả ngày mệt mỏi, tay cầm điện thoại để cài giờ, còn chưa kịp nhấn xác nhận thì đã ngủ mất.
Trăng đêm rằm rực sáng trong đêm, dù là đêm khuya cũng khiến cho người về nhà muộn được an ủi ít nhiều. Cả khu trọ của Lý chìm trong sự tĩnh lặng, ánh trăng sáng xuyên qua tán cây rọi vào phòng, Lý nằm trên giường khẽ cọ quậy trong tấm chăn mỏng vì lạnh.
“Cộc cộc cộc!”
Mí mắt Lý khẽ giật giật, ý thức của cậu đã tỉnh nhưng mắt vẫn lười biếng mở ra, hai tai tập trung lắng nghe bên ngoài cánh cửa gỗ kia.
“Cộc cộc cộc!”
Âm thanh gõ cửa lần nữa truyền đến. Lý mở mắt ngồi dậy, đưa mắt nhìn ra cửa, vài giây sau liền lên tiếng:
“Ai vậy?”
Gió đêm chầm chậm thổi phát ra âm thanh sàn sạt, tiếng gõ cửa cứ đều đều vang lên dù cho Lý có hỏi thì bên ngoài vẫn không có ai đáp lại. Nghĩ nghĩ một hồi cậu vẫn đứng dậy, Lý không đi đến cửa ra vào mà đi qua phía cửa sổ nhìn thử.
Không có ai ở đó cả.
Cho rằng bản thân vẫn còn mớ ngủ và nghe lầm, Lý bực dọc trở về giường. Nhưng vừa đặt lưng nằm xuống thì gõ cửa lần nữa vang lên. Như một cơn gió Lý bay xuống giường chạy đến mở tung cửa, nhưng ngoài những cơn gió lạnh lười biếng lượn lờ thì không hề thấy ai cả. Lý đi ra khỏi phòng, chạy quanh khu trọ một vòng phòng khi người quấy rối đang trốn đâu đó.
Xác định chắc chắn không có ai lảng vảng bên ngoài, Lý trở về phòng lần nữa leo lên giường. Cậu chốt cửa ra vào và cả cửa sổ cẩn thận, cầm điện thoại bật một bài nhạc, lần nữa chìm vào giấc ngủ. Từ đó đến sáng không hề nghe thấy tiếng gõ cửa nữa, nhưng bên tai Lý lại văng vẳng âm thanh của nước nhỏ giọt.
Lý chưa từng nghe được âm thanh của nước một cách rõ ràng như vậy. Cảm giác như đang bật một đoạn ASMR bên tai vậy. Kèm theo đó là một giọng nói vừa khàn vừa trầm, như người vừa ăn vừa nói, dù đã cố gắng nhưng cậu chẳng nghe được người đó nói gì.
Hôm sau Lý đã gọi điện cho Kiệt nhiều lần để hỏi thăm tình hình nhưng vẫn không có cuộc gọi nào được chấp nhận. Ban đầu chỉ là để ý một chút vì dù sao hai người cũng là bạn học từ hồi cấp ba, chỉ là học chung lớp chứ không thân thiết lắm. Nhưng sau khi nghe chuyện của Kiệt, lại không liên lạc được với cậu ta hai ngày nay khiến Lý bắt đầu lo lắng nhiều hơn.
Buổi trưa, Lý đi ăn trưa cùng đám bạn hôm qua, từ sáng cậu đã không ăn gì chỉ dùng tiền có sẵn bên ngoài để mua một ly cà phê cho tỉnh táo. Chính vì thế, lúc trả tiền cơm trong quán ăn, Lý đã gặp một chuyện vô cùng lạ.
Trong bóp của cậu xuất hiện thêm vài tờ tiền đô nằm lẫn lộn trong mấy tờ tiền polime của cậu. Ban đầu khi mấy người bạn nhìn thấy đã trêu cậu là dân xài tiền đô mà vẫn đi làm tài xế. Nhưng khi nhìn kỹ lại, cả đám mới bàng hoàng nhận ra những tờ tiền đô đó là tiền âm phủ.
Trước ánh mắt nghi hoặc của đám bạn, Lý dùng ánh mắt nghi ngờ và sợ hãi hơn gấp mấy lần để đáp lại.
Cậu bắt đầu cảm nhận được cảm giác lạnh sống lưng mà người khác thường nói, dường như có thứ gì đó đã bắt đầu len lỏi vào cuộc sống của cậu.