Chuyện nhà bà Nguyệt. - Chương 7
Vậy là trên chiếc xe cấp cứu ấy, bà Nguyệt được chuyển xuống bệnh viện Bạch Mai tại Hà Nội, Quỳnh theo xe cấp cứu đi cùng còn ông Toàn thì trở về nhà lo việc, dù không muốn nhưng ông vẫn phải trụ vững để còn lo liệu trong trường hợp xấu nhất.
Nắm lấy bàn tay gầy guộc của mẹ, hai mắt nhắm nghiền đang rên từng tiếng ư ử vì cơn đau hành hạ, Quỳnh khóc nấc lên nghẹn ngào:
-Mẹ ơi, sao mẹ dại dột vậy mẹ ơi…
Có lẽ vẫn còn một chút tỉnh táo, bà Nguyệt khẽ mở hai mắt, lặng lẽ nhìn con gái mà chẳng thể nói lời nào, trên khóe mắt của bà cũng chảy xuống giọt nước mắt, có lẽ là giọt nước mắt muộn màng của sự hối hận cũng như giọt nước mắt cho lời xin lỗi từ tâm can của một người mẹ.
Cảm nhận cái siết nhẹ yếu ớt từ bàn tay của mẹ, Quỳnh ngẩng đầu lên và bắt gặp ánh mắt của bà Nguyệt, để rồi cô lại òa khóc nức nở hơn trước:
-Mẹ…mẹ ơi…con gái bất hiếu…
Cảnh tượng này khiến cho ai nấy có mặt trên xe đều phải xót xa. Những y tá theo cùng xe phải an ủi Quỳnh để cô phần nào bình tĩnh hơn, còn nước còn tát, chiếc xe vẫn lao đi trên đường với sợi dây hi vọng mong manh.
Nhưng rồi sự thật thì luôn phũ phàng. Quỳnh xuống Hà Nội thì cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu từ bệnh viện. Chán nản và tuyệt vọng, bà Nguyệt được đưa về nhà sau một đêm thì mất, trước khi mất, bà phải trải qua những giây phút đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thật bởi chất độc trong cơ thể, bà rên rỉ từng tiếng khe khẽ, hai mắt nhắm nghiền. Quỳnh và Thúy không lúc nào là không ở bên bà, Thúy cũng đã từ Hà Nội trở về cùng chuyến xe cấp cứu. Hai mắt cô đã sưng húp vì khóc. Qua nửa đêm thì bà Nguyệt mất, để lại tiếng gào khóc từ hai cô con gái cùng với nỗi thương tiếc của người thân trong gia đình.
[…]
Buổi sáng hôm đó ở nhà bà Nguyệt thì người ra người vào đã đông đúc hẳn lên. Đội thợ kèn, nhà rạp, bát đũa, quan tài cũng đã được chuyển đến đầy đủ. Đâu đó bắt đầu xuất hiện những điều tiếng chỉ trỏ, bàn tán xì xầm của mọi người. Người thì tiếc thương cho số phận của bà Nguyệt, ở cái tuổi an nhàn thì lại thành ra đau đớn như vậy. Người nào ác miệng thì trách cứ bà Nguyệt, già rồi mà còn đâu đầu vào đỏ đen, để rồi rơi vào cám cảnh như bây giờ. Dù sao thì chuyện bà Nguyệt chơi lô đề rồi vỡ nợ cũng chẳng dấu được thiên hạ. Ông Toàn cùng cái Quỳnh cũng có nghe được, ấy thế nhưng cũng chẳng biết phải trả lời ra làm sao cả, đành mặc kệ. Ông Toàn còn phải bận chạy đi chạy lại, cố gắng làm cho bản thân mình thật bận rộn, để tạm thời quên đi sự trống vắng, buồn bã trong thâm tâm ông. Cái Thúy thì buồn lắm, nó cứ vật vã ở bên cạnh xác bà Nguyệt từ lúc đêm hôm cho đến tận bây giờ mà khóc than, khung cảnh trong một gia đình có đám ma thật sự là bối rối, hỗn tạp.
Rồi đám cũng xong, bà Nguyệt được chôn cất ngay trong ngày tại nghĩa trang huyện Đồng Hỷ cũng là quê của bà. Bà con lối xóm sau khi phụ giúp xong thì cũng ra về. Chỉ còn lại ba bố con ông Toàn cùng một số họ hàng thân thích là con ở lại để đợi cúng ba ngày.
Có lẽ do trải qua một ngày mệt nhọc, công việc còn lại đành để lại hôm sau, ai nấy đều chọn cho mình một một nhóc nào đó trong ngôi nhà nhỏ bé chật hẹp mà nằm ngủ, và cũng từ đó, những hiện tượng kỳ lạ bắt đầu xảy ra.
Mệt nhọc cả một ngày dài, ông Toàn dù rất mệt mỏi nhưng đến nửa đêm ông vẫn phải tỉnh giấc bởi cái tiếng động phát ra trong nhà. Nó giống như cái tiếp dép “loẹt xoẹt” mà bà Nguyệt vẫn thường hay đi lại.
Ông Toàn ngồi dậy, cố gắng dóng tai nghe thì thấy tiếng dép đã rất gần, ở ngay ngoài cửa phòng của ông khiến cho ông vội mở cửa phòng ra để quan sát. Tiếng động ấy cứ nhỏ dần, nhỏ dần, cứ như nó chỉ đi ngang qua phòng của ông rồi di chuyển về phía bếp ở cuối nhà.
Không gian lại rơi vào yên ắng, chỉ còn tiếng ngáy của một số người thân cùng với tiếng tụng kinh “cốc cốc” phát ra từ cái đài nhỏ đặt trên bàn vong bà Nguyệt.
Ông Toàn thầm nghĩ, có khi nào hồn ma của bà Nguyệt đang hiện thân trong căn nhà này hay không? Bởi người ta vẫn thường hay nói người chết luôn quanh quẩn trong nhà trong vòng 49 ngày.
Thế nhưng nỗi thương tiếc người vợ đầu ấp tay gối suốt bao năm qua trong lòng ông lại trỗi dậy, ông đi chầm chậm về phía bếp, càng tới gần ông càng nghe tiếng bước chân rõ hơn, rồi tiếng bát đũa lạch cạch, tiếng soong nồi va với nhau như có người đang nấu ăn vậy. Và rồi khi chỉ còn một khoảng ngắn, ông đã nhìn thấy có một cái bóng người ở dưới bếp đang đi đi lại lại. Cái dáng người quen thuộc này làm cho ông nhận ra, chính là dáng của bà Nguyệt. Nước mắt chợt rơi, ông Toàn gọi khe khẽ: