Chuyện nhà bà Nguyệt. - Chương 6
Tên cầm đầu trả lời:
-Dạ không phải, nhưng mà em…
-Không phải thì tránh ra một bên, tôi đang hỏi ai là chủ nhà?
Bà Nguyệt lồm cồm đứng dậy, giọng lí nhí:
-Tôi là chủ nhà.
Thấy trên má của bà Nguyệt còn in rõ hình năm ngón tay, viên công an hỏi:
-Bà xác nhận lại với chúng tôi xem có đúng là xảy ra xô xát hay không? Những người này là ai?
Bà Nguyệt vẫn còn ấm ức vì cái tát và rất muốn kể ra sự tình vừa rồi, nhưng có lẽ cảm nhận được ánh mắt đe dọa của tên côn đồ, lại suy nghĩ thêm việc không phải lúc nào công an cũng ở đây để giúp bà, nên bà Nguyệt khẽ thở dài lắc đầu:
-Không…không có chuyện gì đâu thưa đồng chí công an. Những người này đều là người quen của tôi.
-Đấy, em đã bảo rồi mà các anh không nghe.
Biết là bà Nguyệt đang sợ bị uy hiếp, viên công không thèm nhìn tên côn đồ mà trấn an bà Nguyệt:
-Bà yên tâm, có chúng tôi ở đây, không ai có thể làm hại bà về bất kì phương diện gì. Vậy nên nếu bà đang gặp khó khăn thì cứ việc nói ra.
Thấy bà Nguyệt vẫn một mực lắc đầu, viên công an cũng thở dài. Chủ nhà người ta đã không muốn làm rõ thì mình cũng đành chịu. Khẽ lườm tên côn đồ một cái rồi hai viên công an cũng ra về.
-Xem như bà còn biết điều, liệu mà thu xếp tiền cho bọn tôi.
Đám côn đồ sau khi dọa nạt bà vài câu rồi cũng chuồn mất, để lại bà Nguyệt ngồi đó thất thần, nước mắt nước mắt dài mà trách đời “tệ bạc”.
Trong khi đó tại Bắc Kạn, không hiểu sao suốt từ chiều tới giờ, ruột gan Quỳnh nóng như lửa đốt. Cả buổi dạy hôm nay cô không thể tập trung được, đành phải cho học sinh ra về sớm. Chỉ còn 2 ngày nữa là Quỳnh có thể về quê, để cùng tháo gỡ vấn đề mà gia đình cô đang gặp phải.
Trong lúc lái chiếc Vision màu xanh về nhà, cảm giác nóng ruột, bất an ngày càng rõ rệt, vì đang mải suy nghĩ nên cô không kịp để ý cái ổ gà phía trước, vội bẻ tay lái khiến chiếc xe loạng choạng khiến Quỳnh ngã lăn ra giữa đường cùng lúc ngay phía sau có một chiếc xe tải đang lao tới. Cũng may mà Quỳnh đã kịp bò dậy chạy vào xong cộng thêm chiếc xe tải đã kịp phanh gấp nên chỉ va chạm nhẹ với con Vision ở trên đường.
-Đi đứng cái kiểu gì đấy, muốn chết thì tìm chỗ khác!!
Tài xế buông lời chửi vài câu rồi lái xe đi mất, người đi đường có lòng dựng giúp xe của Quỳnh vào trong rồi hỏi han cô có sao không. Vậy nhưng tâm trí Quỳnh chẳng còn để ý gì đến xung quanh.
Còn đang thất thần thì điện thoại Quỳnh bất chợt đổ chuông, là ông Toàn gọi tới. Cảm giác được sự chẳng lành, Quỳnh vừa bấm máy thì đầu dây bên kia truyền tới câu nói ngắn gọn:
-Con về ngay đi, mẹ đang cấp cứu rồi…
Quỳnh bắt xe về ngay trong ngày hôm ấy, khi về tới nhà thì đã có rất đông người, cô dì chú bác rồi có cả công an tới để xác minh sự việc, họ tìm thấy một lọ thuốc diệt cỏ ngay trong nhà. Quỳnh chẳng còn tâm trí nào mà chào hỏi các bác, sau khi biết được bà Nguyệt đang ở bệnh viện đa khoa quốc tế Thái Nguyên thì cô lập tức rời đi luôn.
Có lẽ bà Nguyệt không thể chịu nổi sự dày vò. Nỗi tuyệt vọng trỗi dậy ngày một lớn trong tâm hồn của bà. Cuộc sống đen tối và áp lực nợ nần đã làm cho bà Nguyệt không còn thấy hy vọng và niềm tin vào tương lai. Bà ngồi một mình trong căn phòng tối om, trái tim bà như bị nghiền nát. Tưởng như không còn con đường nào khác, cái chết tự tử trở thành lựa chọn duy nhất trong tâm trí bà Nguyệt. Bà cảm thấy mình không đủ mạnh mẽ để đối mặt với những khó khăn, không thể chịu đựng được sự đau đớn và sự thất bại đầy ám ảnh.
Ngày hôm ấy sấm chớp bắt đầu nổi lên, một cơn mưa tầm tã bất chợt đổ xuống cùng với những dòng nước mắt lặng lẽ tuôn trào, bà Nguyệt lấy ra một chai thuốc diệt cỏ mà không biết bà đã chuẩn bị từ khi nào. Nhắm mắt tuyệt vọng, bà tu một hơi hết hai phần ba chai thuốc. Chẳng mất bao lâu thì cơn đau cũng bắt đầu kéo đến, dưới ánh chớp sáng lòa, bà Nguyệt nằm đó quằn quại trong sự đau đớn tột cùng, mắt của bà dần dại đi, cho đến khi ông Toàn tan ca về nhà và nhìn thấy thì bà Nguyệt đã hoàn toàn bất tỉnh, vội vàng đưa bà đi cấp cứu.
Chứng kiến cảnh mẹ mình nằm trong phòng cấp cứu, ống xông chảy từ miệng ra toàn là dịch màu đen thì tim Quỳnh quặn đau, nhưng cô vẫn ôm hy vọng rằng là mẹ chỉ cần rửa ruột là ổn. Cô vẫn chưa thể chuẩn bị tâm lý cho việc mất đi người mẹ vừa đáng thương và cũng có phần đáng trách này.
Nhưng rồi những cái lắc đầu từ vị bác sĩ già đeo gọng kính vàng như một con dao chặt đứt đi niềm hy vọng ấy, bệnh viện báo rằng họ đã cố hết sức. Nếu người nhà có nhu cầu thì họ sẽ làm giấy chuyển viện lên tuyến trên, nhưng bệnh viện vẫn khuyên bảo gia đình nên chuẩn bị tâm lý.