Chuyện nhà bà Nguyệt. - Chương 11
Bà Loan nổi hết da gà khi nghe giọng nói ấy, bà đứng im bất động, sống lưng lạnh toát. Cảm giác được trên vai của mình nặng chình chịch như có một người đang ngồi ở trên vậy, lấy hết sức can đảm bà từ từ ngẩng mặt nhìn lên trên.Đập vào mắt bà, là một hình ảnh làm cho bà giật mình, loạng choạng. Tim trong lồng ngực đập lên từng tiếng như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực, khuôn mặt cắt không còn giọt máu.
Bởi ngay khi bà ngẩng đầu lên thì bà nhìn thấy một gương mặt quen thuộc nhưng lại vô cùng đáng sợ. Đó chính là gương mặt của bà Nguyệt, đang cúi xuống nhìn bà và nhe hàm răng trắng ởn ra cười, mái tóc rũ rượi lõa lõa đung đưa nhẹ theo gió.
-Cái…cái gì thế này?
Bà Loan thất sắc kinh hoàng, vứt cả túi đồ mà cắm đầu chạy thục mạng. Cảm giác nặng nề cũng đã biến mất, bà chạy đi mà không dám ngoảnh đầu lại, chạy một mạch về tới phòng trọ, vội vàng khóa trái cửa rồi leo lên giường chùm chăn lại.
Nghe ngóng một lúc cũng không thấy động tĩnh gì, tuy vẫn rất khó hiểu nhưng bà cũng không biết làm thế nào. Cảm giác sợ hãi cũng đã vơi bớt đi phần nào, bà mặc kệ điện sáng vì không dám dậy tắt, cứ nằm im như thế rồi từ từ chìm vào trong giấc ngủ lúc nào không hay, để rồi sau bao ngày qua, cơn ác mộng lần đầu tiên xuất hiện.
Bà nằm mơ thấy mình đang trong một không gian tối đen chật hẹp và tối đen như mực, nó giống như một cái hộp gỗ chỉ nằm vừa một mình cơ thể của bà. Bên ngoài truyền đến từng tiếng động, cứ như ai đó đang dùng xẻng mà xúc đất đổ lên trên cái hộp gỗ ấy.
Lục lọi được trong túi lấy ra cái điện thoại, bà bật đèn lên kiểm tra thì bà giật mình, khi mà quần áo bà đang mặc là một bộ áo dài màu đen, quanh người có rất nhiều tiền vàng mã rải lên, lúc này thì bà Loan đã nhận ra rằng mình đang nằm trong một chiếc quan tài và đang bị người ta chôn sống.
Bà Loan hoảng sợ vùng vẫy, bà đập mạnh lên nắp quan tài mà hét lớn:
-Cứu tôi với…có ai không…cứu tôi….
Nhưng dù bà có gào thét thế nào thì đáp lại bà chỉ là âm thanh “xoạt xoạt” của việc xúc đất vẫn vang lên đều đặn, âm thanh ấy kéo dài khoảng 5 phút thì dừng hẳn, mọi thứ đã chìm vào trong im lặng.
Sau một hồi vùng vẫy, bà Loan cũng đang hoàn toàn bất lực, bà khóc nấc lên, cảm giác hoảng sợ và tuyệt vọng xâm lấn tâm trí của bà.
Không khí trong quan tài ngày càng ít, bà Loan cảm thấy hô hấp trở nên khó khăn hơn. Cũng không biết qua bao lâu, không gian xung quanh trở nên lạnh lẽo, bà Loan nhận ra phía dưới người từ khi nào đã xuất hiện thứ gì đó, nó êm êm, mềm mại.
Bà giơ tay quơ quơ một hồi thì nắm được cái thứ kia, một cảm giác rợn người, lạnh sống lưng xuất hiện. Nó nhỏ dài, thô ráp như cành cây, mà lại có tận 5 cái.
Một suy nghĩ hoảng sợ chợt lóe lên trong đầu bà, đây chẳng phải là một bàn tay hay sao, ban đầu khi bà kiểm tra làm gì có thứ này?
Còn chưa hết hoảng sợ, thì bên tai bà vang lên một tiếng thở yếu ớt và ngắt quãng. Bà Loan hét lên vì quá hoảng sợ, bà vội vàng cầm điện thoại soi xuống phía dưới để kiểm tra. Nhưng khi bà vừa soi đến thì lại không thấy gì cả, tiếng thở cũng đã biến mất.
Đang trong lúc tuyệt vọng, thì đột nhiên màn hình điện thoại của bà bị tắt ngấm, bà Loan làm đủ mọi cách cũng không thể nào mở lại được, cùng lúc đó tiếng thở yếu ớt lại xuất hiện, kèm theo đó là một giọng nói quen thuộc nhưng đầy gai người:
“Loan ơi…”
-Không…tha cho tôi…
Rồi đột nhiên có một bàn tay từ phía dưới trồi lên túm lấy mặt của bà, từ từ vặt cổ bà quay xuống, cho đến khi một tiếng “rắc” vang lên thì cũng là lúc bà Loan choàng tỉnh.
Bà Loan thở dốc, cả người ướt đẫm mồ hôi vì sợ, bà nhìn đồng hồ thì lúc này đã là 3h sáng.
[..]
Trong bầu không khí u tối của một buổi chiều lặng lẽ, cuộc sống của ông Toàn trở nên lủi thủi hơn bao giờ hết. Bóng tối dường như thâm sâu hơn, đọng lại trong từng góc nhỏ của ngôi nhà mà ông đã cùng bà Nguyệt chung sống suốt bao năm qua. Tiếng đồng hồ treo trên tường đánh dấu từng khoảnh khắc lặng lẽ trôi, tựa như những nhát dao sắc bén đâm thẳng vào trái tim của ông Toàn.
Ông Toàn vẫn luôn nhớ về những kỉ niệm cùng người vợ quá cố của mình. Mỗi ngày trôi qua, ông cảm nhận sự được sự hiện diện mờ nhạt của bà Nguyệt, dường như vẫn đang quanh quẩn trong cuộc sống của ông. Ông nhớ những buổi chiều bà Nguyệt nấu cơm trong căn bếp nhỏ, khi ông đi làm về thì vội vàng rót cho ông cốc nước rồi bảo ông tắm rửa nghỉ ngơi. Ông nhớ những lời mắng chửi mỗi khi ông đi say rượu về muộn. Bà Nguyệt, một người phụ nữ cùng chung sống với ông bao năm qua đã ra đi, vừa đáng thương nhưng cũng thật đáng trách. Chẳng bao giờ ông có thể nghĩ rằng, một người vợ hiền lành, ít nói và cam chịu này của ông lại là nạn nhân của tệ nạn đỏ đen.