Chuyện nhà bà Nguyệt. - Chương 1
Xã hội ngày càng phát triển cũng đồng nghĩa với việc kéo theo những tệ nạn cũng một nhiều lên. Trong số đó, nạn đỏ đen, hay cụ thể hơn là lô đề là một tệ nạn có thể nói là len lỏi nhiều nhất trong cuộc sống hằng ngày của người dân. Với mức lợi nhuận được vẽ vời gấp nhiều lần số tiền bỏ ra, không ít người dân lao đầu vào một cách mù quáng, dẫn tới gia đình tan nát, cuộc sống ngày càng tàn lụi, liên lụy người thân, dần trở nên thân tàn ma dại. Thậm chí đã không ít người chọn cách từ bỏ nhân thế để chấm dứt chuỗi ngày sống trong mệt mỏi, áp lực vì nợ nần gây ra.
Vào một buổi sáng như mọi ngày, khi những tia nắng vàng óng ánh chiếu rọi xuống nghĩa trang im lìm của huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên, có một người con gái đang đứng trước ngôi mộ có hình bà Nguyệt trên tấm bia. Đó là Quỳnh, cô con gái đầu lòng của bà, ngày hôm nay là tết thanh minh, vậy nên Quỳnh lặn lội từ Bắc Kạn về Thái Nguyên để “thăm” mẹ.
Đứng trước một ngôi mộ, trái tim Quỳnh đau nhói, tràn ngập sự tiếc nuối và nhớ nhung. Đó là ngôi mộ của người mẹ yêu dấu của cô, cũng là nơi mà bao kỷ niệm đã chôn vùi cùng cát bụi thời gian.
Bên cạnh ngôi mộ, những bông hoa tươi thắm khẽ lay động trong gió nhẹ, như muốn khơi gợi lên những kỷ niệm êm đềm trong tâm hồn Quỳnh. Nhìn dòng chữ khắc trên tấm bia cùng với gương mặt quen thuộc đang nở một nụ cười hiền hòa, Quỳnh không thể kiềm chế được cảm xúc. Nước mắt cứ lẳng lặng lăn dài trên gò má ấy, Quỳnh khẽ gọi trong vô thức:
“…Mẹ ơi…”
Ký ức bỗng tuôn trào, những ngày tháng êm đềm bên mẹ lại hiện ra trước mắt. Những câu hát ru thuở ấu thơ, những lời khuyên thấm đẫm tình mẫu tử, và những nụ cười ấm áp của mẹ tràn ngập trong tâm trí Quỳnh. Quỳnh nhớ và khát khao được ôm mẹ một lần nữa, được nghe tiếng mẹ, được cảm nhận sự ấm áp từ mẹ.
Đã sáu năm trôi qua kể từ ngày bà Nguyệt mất, thời gian đã giúp Quỳnh phần nào nguôi ngoai nỗi đau, nhưng chẳng thể chữa lành những vết sẹo vẫn còn hằn sâu trong tâm hồn người con gái ấy.
Khẽ cúi người đặt đóa hoa cúc vàng lên mộ rồi thở dài, Quỳnh cúi đầu chào tạm biệt mẹ rồi xoay người rời đi…
*6 năm trước*
Bà Nguyệt năm nay cũng đã ngoài năm mươi, ở cái tuổi đáng lý ra là phải bồng bế con cháu, an nhàn tuổi già thì bà lại đang phải lao đao bởi nợ nần. Vốn dĩ nhà bà cũng gọi là có điều kiện, không gọi là giàu có nhưng cũng có của ăn của để, vì nhà bà từng mở một cửa hàng kinh doanh bia hơi tại trung tâm thành phố, nhưng rồi có lẽ nhà bà không có duyên với kinh doanh cho nên chẳng trụ được bao lâu phải đóng cửa.
Nếu chỉ là như vậy thì cũng không có gì đáng nói, sau khi dịch qua đi, ông Toàn xin được một chân bảo vệ khách sạn, còn bà thì chuyển sang kinh doanh trứng cút, khách lấy mối cũng khá nhiều nên bà vẫn lo đầy đủ cho cuộc sống gia đình. Bà Nguyệt có hai cô con gái, cô con gái đầu lòng tên là Quỳnh, đã lấy chồng ở Bắc Kạn, còn cô thứ hai là Thúy, hiện cũng đang là sinh viên năm cuối và đang theo học tại Hà Nội. Được cái cuộc sống của Thúy được chị gái lo liệu hết nên bà Nguyệt cũng không phải suy nghĩ nhiều.
Vốn dĩ cuộc sống của bà sẽ êm đềm như vậy nếu như bà Loan, người em gái của bà không bước vào làm cho cuộc sống của bà Nguyệt rẽ sang một lối khác. Bà Loan là người em út trong gia đình có ba anh chị em, người bác cả đã mất, giờ đây chỉ còn lại hai bà. Bà Loan hiện đã ly dị chồng và không có con cái, thân là phụ nữ nhưng lại có máu đỏ đen đã ăn sâu vào tiềm thức, cuộc sống của bà chỉ là cả ngày ăn với soi số đề.
Hôm ấy sau khi đi giao hàng xong, đang trên đường về tới đầu ngõ thì bà Nguyệt có gặp bà Loan đang đứng chờ sẵn, bà Loan nói:
-Chị…chị ném cho e mượn chút tiền, cuối tháng em trả.
Bà Nguyệt trả lời:
-Dì đã mượn tiền hai tháng trước còn chưa gửi, giờ lại mượn nữa hay sao?
-Chị cho em mượn nốt lần này, sau e gửi đủ cho chị. Đi mà…
Bà Nguyệt thở dài, nhà bà giờ chỉ còn mỗi hai chị em, lại thương em gái sống một mình, kinh tế không ổn định nên dù biết bà Loan có máu “đỏ đen” nhưng bà Nguyệt vẫn mắt nhắm mắt mở mà cho vay tiền, dù ông Toàn nhiều lần không đồng ý.
-Dì cần bao nhiêu?
-Năm triệu, cho em mượn năm triệu nữa.
-Sao nhiều thế?
-Đi mà chị, nốt lần này thôi…
Thấy bà Loan năn nỉ, bà nguyệt lại thở dài lắc đầu, lấy trong túi một ít tiền rồi đưa bà loan:
-Chỉ có ba triệu thôi, chị còn phải lấy hàng cho khách.
-Vâng, ba triệu cũng được. Thế chị nhá, em đang vội.
Nói rồi ba Loan cầm mấy đồng polyme rồi vội vàng đi mất, có lẽ là lại chạy ra đầu ngõ để ghi số cho kịp bởi lúc này cũng đã là sáu giờ kém. Nhìn bóng dáng cô em khuất dần, bà Nguyệt lắc đầu ngán ngẩm rồi cũng trở về nhà.