Chăm Sóc Người Bệnh - Đã Hoàn Thành - Chương 3
5
Nhiều người thường bảo rằng nỗi đau gồm có nhiều hình thức, nhưng tựu chung có thể chia ra làm hai loại là nỗi đau thể xác và nỗi đau tinh thần. Nỗi đau thể xác ở mức cực hạn là cái chết, và nỗi đau tinh thần ở mức cực hạn là sự điên loạn tới mức không thể phục hồi. Hai loại nỗi đau này đều có thể ảnh hưởng mạnh mẽ tới cuộc sống của một người, thậm chí chúng còn có thể cộng hưởng và bổ trợ cho nhau. Nỗi đau thể xác có thể dẫn tới nỗi đau tinh thần và ngược lại. Đó là một vòng lẩn quẩn khó có lối thoát cho những ai phải chịu những tác động xấu tới cùng cực; có thể là tai nạn mất chi, có thể là những căn bệnh mãn tính giày vò từng phút từng giờ.
Khi căn bệnh trờ tới là thời điểm phát ra những cơn đau thoáng qua; những cơn cứng cơ đầy khó chịu mà Dory đoán là do bản thân thức khuya để đọc sách hoặc do ngồi không đúng tư thế cùng với một số tác nhân nhỏ lẻ. Nó là một đứa trẻ, và nó thuộc dạng trẻ con không nghĩ ngợi nhiều, có lẽ vậy. Dory không phải dạng trẻ con báo cho cha mẹ biết những triệu chứng thất thường ít xuất hiện của bản thân. Tuy có một thời điểm nó muốn nói cho cha mẹ biết nhưng rồi anh Ben lại bị sốt xuất huyết, thế là nó bỏ qua vì nghe thấy mẹ than trời vì chi phí điều trị từ thuốc men cho tới giường nội trú, thậm chí là phải vào ICU – phòng hồi sức đặc biệt. Mẹ nó phải dừng hẳn công việc để chăm sóc cho Ben. Chỉ còn một mình cha gánh vác chi phí gia đình cho tới tiền chữa bệnh. Sau một tuần, Ben mới thuyên giảm, và sau nửa tháng, khi mọi thứ đã ổn định thì anh được xuất viện. Mọi thứ sẽ vẫn trong tầm kiểm soát nếu như cha không bị giảm biên chế và mẹ bị cho thôi việc đột ngột. Khoản tiền bồi thường sa thải chỉ đủ sống trong ba tháng. Hoặc là đi làm những công việc tay chân, hoặc là đụng tới số tiền trong sổ tiết kiệm. Cha mẹ phải cật lực hơn với những công việc không đúng chuyên môn của họ, thậm chí có phần bị bóc lột.
Thời điểm 2009 đó thật sự quá khó khăn, Dory không muốn làm cho cha mẹ thêm lo lắng. Và rồi vài tháng sau đó, thời điểm những cơn đau trở nặng và Dory phải nói cho cha mẹ về tình trạng của bản thân. Nó nhìn thấy đôi mắt u uất của họ, cảm nhận được nỗi cay đắng khi nó nói cho họ biết. Bằng cách nào đó, nó biết họ đã để ý tới những cái nhăn mặt của cơn đau thoáng qua, hay đôi khi nó bị co cứng người và đánh rơi muỗng trong lúc ăn uống. Nó đã vung vãi sữa trong lúc ăn ngũ cốc không biết bao nhiêu lần mà mẹ chỉ thở dài và lau dọn và không la mắng gì cả.
Nó đã nhận ra, và nó thất vọng.
Cha mẹ vẫn chở nó đi khám bệnh, một việc làm hiển nhiên đối với những cha mẹ có trách nhiệm khi con mình bảo không khỏe trong người. Dory nhận ra bệnh của nó là một căn bệnh quái ác. Dù cha mẹ không đề cập tới sự nghiêm trọng của căn bệnh mà cười gượng gạo với nó, bảo là bệnh đau xương nhẹ thôi, chắc do vài con sâu đang bò trong người và bác sĩ sẽ cho thuốc tống lũ sâu đó đi; nhưng với ánh mắt u ám của họ lúc rời phòng sau cuộc nói chuyện với bác sĩ cơ xương khớp, con bé mơ hồ biết nó đang đối mặt với điều gì. Cha mẹ vẫn thương nó, nhưng nó nhận ra có sự miễn cưỡng. Thật kỳ quặc là nó đã không nhận ra những ánh mắt hay cử chỉ của họ cho tới khi mình bệnh tật. Nó chán nản bản thân. Tại sao nó lại mắc bệnh? Nó tự hỏi nhưng không có câu trả lời.
Thomas và Ben thì khác, tình thương yêu của bộ ba gắn bó đủ bền chặt để họ vẫn vui vẻ một cách tự nhiên, hay ít ra là Dory thấy vậy. Đôi khi nó thấy Thomas mệt mỏi, hay Ben có tí cáu gắt lúc Dory lỡ tè dầm, nhưng mọi thứ vẫn ổn. Đó là cho tới khi nó nhận ra được sự vắng mặt bất thường của Ben và Thomas mỗi khi cha mẹ mướn được ai đó chăm sóc nó. Những người có chuyên môn với những viên thuốc làm lũ sâu bớt ngọ nguậy. Chi phí điều trị và chi phí chăm sóc là quá nặng cho hai người nhưng bất đắc dĩ phải làm thế khi Ben và Thomas đi học hoặc có việc bận tại trường.
Những lúc một mình, Dory khóc thút thít, còn cơn đau thì vẫn cứ ở đó. Khi nó khóc, cơn đau lại góp vào tiếng cười ranh mãnh. À… những con sâu chứ. Những con sâu ngọ nguậy, tạo thành những cơn đau âm ỉ dai dẳng như thể bị một cái lăn bột to lớn lăn qua lăn lại sau lưng.
Nó nghe tiếng cười ha hả và ngồi dậy, lũ sâu ngọ nguậy, nó bước đi, những khối u nhô ra từ lớp áo pijama và cái lưng đã có chút cong vòng, lũ sâu lại ngọ nguậy. Nó chạm những ngón tay cong vẹo vào bệ cửa sổ và ngó ra, thấy Ben cùng Thomas đang chơi đánh cầu lông. Nó cũng muốn được chơi. Nó cũng muốn được bay nhảy, nhưng bệnh tật cùng những cơn đau đã khiến nó không thể vận động mạnh hoặc sẽ chịu nhiều đau đớn. Ben và Thomas vẫn có thể dìu nó xuống nhà ngồi xem họ chơi mà nhỉ? Tại sao họ lại vui vẻ như vậy mà không có nó? Nỗi ghen tỵ chậm rãi trờ tới khiến nó cắn môi. Nó ghét căn bệnh này. Ghét vì tại sao bản thân lại bị bệnh. Rồi nó ghét vì Thomas và Ben không cho nó chơi cùng hoặc ít nhất chỉ ngồi xem. Nó cảm thấy có lỗi vì nỗi căm ghét tự nhiên đó, một nỗi căm ghét không chủ đích hướng tới hai anh trai.
Điều dưỡng chăm sóc bước vào phòng với một cái khay. Trên khay là cháo và thuốc giảm đau; Dory nhìn mà ngán ngẩm. Nó bị hạn chế ăn uống rất nhiều thứ. Nó nghĩ tới các món McDonald hay KFC, đoán rằng có thể Ben và Thomas đôi khi vẫn được cha mẹ chở đi ăn. Họ sẽ cười nói vui vẻ trong lúc chờ các món được chiên; những câu chuyện ngẫu nhiên được kể mà có lẽ sẽ không nhắc tới từ “Dory”. Thomas hay Ben sẽ cầm và cắn miếng thịt gà giòn ngậy, mỡ tứa ra từ thịt chảy xuống cằm. Mùi của hamburger gà tây, hamburger thịt bò hay hamburger phô mai béo ngậy lan tỏa trong không khí, hòa cùng mùi khoai tây chiên mặn mà đầy gia vị. Điều dưỡng chăm sóc Dory, Violet Stein, là một người phụ nữ vẫn còn nét trẻ trung tầm 28 tuổi. Cô ấy chấp nhận với cái giá tối thiểu mà Dory biết là do cô ấy thương nó, vì cô cũng có một người anh trai đã mất do bệnh tật. Và cũng nhờ Violet mà vài ngày sau, Dory biết rằng căn bệnh của bản thân sẽ không thể chữa khỏi, một căn bệnh quái ác do di truyền. Violet có lẽ rất hối hận vì nói cho nó biết, nhưng Dory không cần, bởi nó đã ngờ ngợ từ lâu và việc Violet nói ra chỉ là để nó gỡ được cái nút thắt tò mò khó chịu trong đầu.
Dù Dory không đủ nhận thức về tính nghiêm trọng để biết cần phải nói cho cha mẹ khi những triệu chứng ban đầu của căn bệnh âm ỉ xuất hiện, nhưng nó đủ thông minh để nhìn ra được bản thân sẽ sớm phải chết với mấy cục trông như bệnh ung bướu và tiếng lích kích của xương sườn và xương sống.
Thomas và Ben xa lánh nó, rõ ràng rồi, nhất là khi nó thấy họ cố gắng hết mức để không ở gần nó. Cha mẹ cũng vậy. Có lần nó ăn uống xong – những món ăn ngán tới phát tởm – rồi nằm đó, nhờ vào sự tĩnh lặng của căn phòng mà nó nghe rõ tiếng leng keng khẽ khàng của dao nĩa khi cả nhà ăn uống bên dưới. Họ thậm chí còn chả cho nó ăn chung.
Nó dần trở nên cáu gắt, những mớ bòng bong suy nghĩ tiêu cực đầu độc nó, khiến nó làm nhiều hành động không tốt, thậm chí là xấu xí. Nó cố tình nôn ói mỗi khi ăn gì đó không thích và bảo là do bệnh. Cố tình bài tiết thẳng ra giường và bảo là do không có ai để nó nhờ giúp. Nó muốn có một cái chuông để kêu ai đó dắt nó đi mỗi khi muốn đi vệ sinh hoặc tắm rửa vì nó quá đau để đi một mình. Rồi Violet Stein cũng không chăm sóc nó nữa; một vài người khác cũng kiêng dè và cố tình tránh xa, chỉ gặp khi nó lắc chuông cần gì đó. Thomas không nói gì trong khi Ben thì nỗ lực để không thể hiện sự chán ghét. Còn cha mẹ? Chậc, họ rầu rĩ và có phần vô cảm, cha không mắng hay quản được, còn mẹ thì lắm khi nó đoán mẹ muốn bóp cổ nó chết cho xong.
Rồi nó dần nhận ra bản thân sung sướng khi thấy gia đình nó khổ vì bị nó hành hạ. Tại cha mẹ mà nó mới bị bệnh. Các anh trai là người cùng máu mủ nhưng họ lại không bị bệnh. Sung sướng quá rồi! Họ ngầm xa lánh và ghét bỏ nó. Có ai thích một đứa dị dạng cáu cẳn chứ? Đừng tưởng nó bị mù. Nó thấy hết!
Hay thật!
Kỳ thị bệnh tật giữa thế kỷ hai mốt, thế kỷ của xóa bỏ rào cản kỳ thị đấy.
Rồi một chuyện đã xảy ra khiến cho cha mẹ và Ben luôn đeo cái bộ mặt kinh tởm không che giấu mỗi khi thấy nó.
Thời điểm đó nó đang mệt mỏi và khó chịu. Lũ sâu bọ lại được dịp hành hạ cơ thể như một thú tiêu khiển của chúng. Nó cầm chuông và lắc. Tiếng leng keng khiến nó thích thú vì nó biết trước đó không lâu có người đã về (Ava Melt, người chăm sóc nó hôm nay đã về hồi ba giờ chiều). Dù không thấy mặt mũi người đó bước lên đây, nhưng theo thời gian biểu nó đoán rằng đấy là anh cả. Và đúng vậy, Thomas bước vào phòng, ánh mắt buồn bã rũ rượi. Nó thoáng giật mình khi thấy vết sưng ở mắt và nhiều vết bầm tím, có chút hụt hẫng. Nó biết Thomas đang gặp chuyện gì đó rắc rối vì dạo này anh có những vết bầm trên mặt và chắc là cả trong cơ thể.
Nhưng niềm căm tức lại nhen nhóm lên chậm rãi như thể nó đã đóng khuôn và trở thành một phản xạ có điều kiện, giống cách Ivan Pavlov thí nghiệm khiến con chó ông ta chảy dãi mỗi khi lắc chuông vì biết rằng đã tới lúc được ăn uống.
“Em cần gì ư?” Thomas hỏi bằng giọng cố kìm nén sự mỏi mệt.
“Có chuyện gì vậy?” Nó hỏi ngược lại.
“Chuyện gì?”
“Những vết bầm đó…”
“Em đừng bận tâm.”
“Em phải bận tâm chứ.” Nó nghĩ bản thân đã mỉm cười hết sức thiện cảm trong lúc suy nghĩ cay nghiệt chạy nước rút trong đầu: Ai cho phép anh buồn bã? Tại sao người có tay chân lành lặn, không mọc các khối u nhức nhối hay đôi khi cử động thì xương kêu răng rắc như muốn gãy lại dám buồn bã trước mặt tôi chứ? Anh chỉ có vài ba vết bầm ở mắt và một vết rách nhỏ tí tẹo ở môi. Chúng sẽ sớm lành lại, còn bệnh của tôi thì không!
Nó vừa ghét, vừa tò mò muốn biết chuyện gì đã và đang xảy ra dạo gần đây, một câu hỏi thì hiện tại hoàn thành tiếp diễn. Sau vài giây lưỡng lự, Thomas ngồi xuống; mất thêm một phút nữa để anh lấy tinh thần và kể về việc bản thân bị điểm kém, sợ về tương lai, về đại học; rồi tới cái mấu chốt, anh đang bị bắt nạt. Ban đầu Thomas vẫn còn miễn cưỡng, nhưng càng nói thì lại càng muốn nói thêm. Anh ta bảo rằng bản thân phải chịu cảnh bị bắt nạt vì tụi lớn hơn học cùng môn (một đám đúp và ở lại lớp mười một lần thứ hai) mà chẳng vì lý do gì. Chưa kể tới việc nếu anh phản kháng thì chúng sẽ tìm tới Ben. Anh đau lòng bảo cha mẹ dạo này dần trở nên xa cách như thế nào, rồi đoán rằng có thể họ không bận vì công việc, mà là để tránh xa nhà hết mức có thể để…
“Để không phải chăm sóc em, đúng chứ?” Nó long sòng sọc mắt trong lúc nói.
“Không phải…”
“Chính xác là vậy. Họ ghét em, họ khinh em và muốn em mau chóng chết cho rảnh nợ, để họ thoát khỏi chi phí điều trị với căn bệnh chả thể chữa khỏi. Ngay cả anh và Ben, cả hai cũng thế.” Nó đay nghiến, khinh miệt tên của hai người anh trai hết mức có thể.
Thomas im lặng, nỗi tổn thương hằn sâu trên gương mặt anh. Như thể một quả bom tuyệt vọng bị nén lâu ngày đã nổ.
“Anh có tư cách gì để nói về nỗi đau hả Tom? Anh biết gì về nó? Em này. Đau cả về cơ thể lẫn tâm trí. Anh và Ben vẫn cười đùa vui vẻ trong lúc chơi với nhau đấy thôi. Em thấy mà. Lắm khi hai anh còn vui vẻ hơn khi ở trường và chơi bóng bầu dục hay bóng chày ấy chứ.”
“Dory…”
“Nói thật lắm khi em cứ tưởng anh và Ben như tụi lại cái ấy. Ôm nhau ngủ, chơi thân với nhau, ở trong phòng khóa cửa không ai được vào. Hai anh có hôn kiểu Pháp rồi chơi nhau không vậy?”
“DORY!” Thomas nạt, nhưng Dory chỉ mỉm cười.
“Thôi nào, anh trai đáng mến. Đừng nói là anh chưa bao giờ có suy nghĩ muốn em chết đấy nhé, Thomas.”
“Anh không có.”
“Không? Không à? Chậc, vậy thì những lần im lặng khi hốt bãi nôn hay đống phân là thế nào? Không phải anh đang cố kiềm chế để không tát em một phát chứ, Thomas?”
Thomas im lặng, sâu thẳm trong đáy mắt là nỗi sợ hãi và sự phẫn nộ. Anh khẽ hướng mắt đi nơi khác; đau đớn cùng cảm giác tội lỗi hiện rõ trên gương mặt.
“Và giờ, chà, anh…” Dory ho sằng sặc, lũ sâu lại bò rộn ràng dưới các ngón tay và lưng.
Thomas ngồi dậy lập tức. “Em có sao không? Để anh…”
“KHỎI!” Dory rít lên, “Anh khỏi cần phải giả nhân giả nghĩa, Tom ơi. Anh trông như một người mạnh mẽ, đáng thương khi dồn hết mọi áp lực vào mình, nhưng ngờ đâu ai lại nghĩ anh lòng chim dạ cá chứ. Anh dồn chúng lại, sau đó đổ lên đầu em. Nãy giờ anh nói luyên thuyên quá trời chuyện. Anh biết em mệt mỏi khi phải nghe không hả Tom? Em đã bệnh tật khó chịu rồi, anh còn đổ lên đầu em những thứ đáng ra anh có thể tự giải quyết nếu để cái đầu mình bớt nghĩ đi, nhưng lại không. Anh coi em là cái thùng rác.”
“Nhưng chính em muốn anh kể…”
“Anh đâu cần phải kể ra. Em đâu có ép. Có câu nào em ép anh kể hả?”
Mặt Thomas nhăn nhó, chừng như sắp khóc. Nhưng Dory biết, anh ta sẽ không khóc. Anh ta sẽ nuốt nước mắt vào như bao lần khác rồi ngồi một mình, trong bóng đêm của phòng ngủ và Ben ở ngoài, anh sẽ khóc thầm lặng. Có khi Dory còn nghe tiếng thút thít khe khẽ nữa. Thomas là anh cả nhưng lại có sự mềm yếu rất nhiều so với Ben. Dory tưởng tượng ra một cái mép vực và Thomas đứng ở gờ mép. Chỉ cần một cú đẩy thôi… Nó cười. Một cú đẩy thôi…
“Em…”
Dory nói, giọng khinh bỉ cực độ, “Có khi do anh nên cha mẹ mới không ở nhà chứ không phải do em.”
Thomas lao khỏi phòng, Dory thét với theo. “Trốn ở xó nào đó khóc xong thì nhớ lấy cho em mấy cái bánh sô-cô-la khi quay lại đấy!”
Dory không nghĩ Thomas sẽ tuyệt vọng tới vậy. Nó không nghĩ chỉ vì những lời nói của nó có thể khiến Thomas đi tới bước đường cùng. Thomas đã mở lòng ra nói chuyện với nó, nhưng nó không có được tí cảm thông nào cho câu chuyện đó. Hoặc có lẽ có, nhưng nỗi đau và cơn tị hờn đã chiếm lấy đầu óc nó.
Dory nhiều lần muốn xin lỗi nhưng Ben thì khinh miệt nó ra mặt trong khi cha mẹ thì ngày càng không muốn lui tới phòng của nó nữa. Và rồi sự hối hận lại bùng lên thành cơn phẫn nộ choáng hết mọi thứ. Tại sao lúc mới phát bệnh thì nó có thể tha thứ khi họ cho nó ra rìa trong mỗi cuộc vui, còn giờ thì họ lại không thể tha thứ cho nó chứ? Có phải chỉ mình nó mà Thomas chết đâu? Ben cũng góp phần, do Ben đã không để tâm tới Thomas. Cha mẹ cũng góp phần, do họ cũng chả thèm hỏi han tới Thomas. Cha mẹ từ việc tránh né Dory, sang thành tránh né cả Ben và Thomas. Lỗi của họ lớn hơn, nó chỉ mắc có một lỗi nhỏ thôi. Chỉ là vài lời vu vơ so với cơn tủi thân âm ỉ suốt nhiều tháng của Thomas. Đúng vậy, lỗi của nó còn chả bằng hạt cát trong sa mạc mà cha mẹ và Ben tạo ra.
Đúng là vậy.
Giờ Ben lại dám bảo bởi vì nó mà Thomas chết. Sao anh ta dám nói ra câu đó bằng ánh nhìn khinh miệt như thế? Khốn kiếp khốn nạn! Đồ giả nhân giả nghĩa, đồ chim lợn đốn mạt!
Dory nghĩ trong lúc bước vào nhà bếp: Anh sẽ phải trả giá, Benjamin.